Cơ trưởng chuyến bay đi Guinea Xích đạo trải lòng trước giờ cất cánh
7h sáng nay (28/7), cơ trưởng Phạm Đình Hưng cùng phi hành đoàn rời sân bay Nội Bài đi Bata (Guinea Xích đạo) đón 219 người Việt hồi hương.
Cơ trưởng giáo viên Phạm Đình Hưng
Chiếc Airbus 350 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cất cánh rời Hà Nội đi Guinea Xích đạo đón 219 công dân lúc 7h sáng nay (28/7). Thời gian bay tới Guinea Xích đạo khoảng 12 tiếng, dự kiến máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Bata lúc 13h (giờ địa phương).
Máy bay sẽ lưu lại sân bay khoảng 2 tiếng để đón 219 công dân Việt Nam, sau đó sẽ quay đầu cất cách khứ hồi vào 16h ngày 28/7 (giờ địa phương). Chuyến bay dự kiến hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 11h ngày 29/7 (giờ Hà Nội). Phi hành đoàn thực hiện chuyến bay có 19 người, gồm: 5 phi công, 8 tiếp viên nam, 2 nhân viên kỹ thuật mặt đất và 2 bác sỹ, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Ngay trước chuyến bay, Phóng viên Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với Cơ trưởng Phạm Đình Hưng - giáo viên, Phó đội trưởng Đội bay Airbus 350 đồng thời cũng là "chỉ huy trưởng" của chuyến bay đặc biệt này.
Xung phong đưa cả trăm bệnh nhân nhiễm Covid-19 về nước
Cơ trưởng giáo viên Phạm Đình Hưng là Phó đội trưởng Đội bay A350 của Vietnam Airlines. Ông Hưng gia nhập Vietnam Airlines từ năm 1994, đến nay đã có 25 năm gắn bó với hãng hàng không này. Trong 25 năm này, cơ trưởng Phạm Đình Hưng có 10 năm bay máy bay A320/A321, 11 năm bay máy bay A330 và hiện nay đã có kinh nghiệm 4 năm bay A350 với khoảng 18.000 giờ bay an toàn. |
Được biết, ông là một trong 3 cơ trưởng sẽ thực hiện chuyến bay “giải cứu” 219 người Việt tại Guinea Xích đạo. Những phi công tham gia chuyến bay đặc biệt này được chọn lựa như thế nào, thưa ông?
Ngay khi có thông tin về chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo, Đoàn bay 919 đã thông báo đến anh em phi công.
Với các chuyến bay giải cứu thông thường, thì lãnh đạo Đoàn bay cứ phân công ai là người đó đi. Tuy nhiên, như các bạn đã biết, chuyến bay này có rất nhiều khách dương tính với Covid-19, do đó, việc phân công phi công thực hiện chuyến bay đều dựa trên tinh thần tự nguyện.
Tôi cũng không mấy bất ngờ khi có rất nhiều đồng nghiệp tại Đoàn bay người xung phong tham gia chuyến bay. Bản thân tôi thấy thực sự rất tự hào về điều này.
Tổ bay thực hiện chuyến bay đến Guinea Xích đạo lần này có 5 thành viên, gồm 3 cơ trưởng và 2 lái phụ. Với 5 thành viên lần này, chúng tôi sẽ phải phân công, chia thời gian bay. Do hành trình bay tương đối dài, do đó chúng tôi sẽ phải bay tối đa giờ bay được phép. Bản thân chúng tôi cũng không muốn thêm người nữa, bởi không chỉ là bay một chuyến bay mà còn cả 14 ngày cách ly sau đó.
Còn rất nhiều các chuyến bay giải cứu khác đang chờ chúng tôi, không thể “lãng phí” phi công phải cách ly được.
Đường bay từ Nội Bài đi Bata là đường bay mà hàng không Việt Nam chưa từng thực hiện. Ông đã chuẩn bị cho chuyến bay này như thế nào?
Các đường bay hiện nay đều mang tính quốc tế. Với kinh nghiệm cả chục nghìn giờ bay thì tôi có thể tự tin nói sân bay nào cũng vậy. Bản thân tôi đã từng bay nhiều chuyến bay chuyên cơ chở các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác ở nước ngoài, trong đó có rất nhiều điểm đến mà Vietnam Airlines chưa khai thác. Do đó, việc bay đến một sân bay “mới” hoàn toàn với chúng tôi như Bata cũng không phải là khó khăn gì.
Mặc dù vậy, chúng tôi cũng không hề chủ quan. Các phòng ban chuyên môn về đường bay và tài liệu bay của Vietnam Airlines đã gửi thông tin về đường bay này cho chúng tôi từ 3 ngày trước chuyến bay. Chúng tôi có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ vùng trời, các sân bay dự bị trên đường, cũng như sân bay đến và sân bay dự bị của sân bay đến.
Lo sức khoẻ hành khách diễn biến xấu trong hành trình
Cơ trưởng Phạm Đình Hưng (bên trái) cùng đồng nghiệp trên một chuyến bay
Vietnam Airlines đã điều máy bay thân rộng A350 bay thẳng từ Hà Nội đến sân bay Bata của Guinea Xích đạo để đón công dân và từ đó bay thẳng về Nội Bài. Để đón được máy bay A350, sân bay Bata vừa phải bổ sung thêm nguồn cấp nhiên liệu cho máy bay và một xe cứu hỏa đạt tiêu chuẩn cứu hỏa cấp 8 - cấp cần thiết để khai thác máy bay A350. |
Trước đây ông đã từng tham gia các chuyến bay đưa công dân hay lao động hồi hương chưa? Theo ông có sự khác biệt gì với chuyến bay lần này?
Trước đây tôi đã tham gia chuyến bay giải cứu công dân tại Libya do chiến tranh. Tuy nhiên, chuyến bay đó rất khác với nhiệm vụ bay lần này bởi chuyến bay tới Libya là chuyến bay giải cứu công dân do chiến tranh. Chúng tôi chỉ cần bay ra khỏi khu vực xung đột là có thể yên tâm.
Còn với chuyến bay này, sau khi hoàn thành chuyến bay, bạn phải cách ly, xét nghiệm và chờ đợi ít nhất 15 ngày mới có thể thực sự yên tâm.
Vậy thì điều gì khiến ông lo lắng nhất trước chuyến bay này?
Như mọi người đều biết, chuyến bay đi Bata (Guinea Xích đạo) đón người Việt hồi hương không giống như những chuyến bay “giải cứu” thông thường bởi vì có tới 129 trên tổng số 219 hành khách được xác định dương tính với COVID-19.
Do đó, điều chúng tôi lo lắng nhất chính là sức khoẻ của hành khách trên suốt chuyến bay, lo ngại có những diễn biến xấu có thể xảy ra với bệnh nhân khi đang trong hành trình.
Để đảm bảo an toàn cho hành khách trong cả một hành trình dài trên 13 tiếng, và đặc biệt là hạn chế sự lây nhiễm trong khoang hành khách đối với cả hành khách lẫn thành viên phi hành đoàn thì đây thực sự là 1 thách thức vô cùng lớn.
Tất nhiên, các cơ quan chức năng, lãnh đạo Tổng công ty… cũng đã lường trước mọi tình huống có thể xảy ra và chuẩn bị rất kỹ càng cho chuyến bay này.
Về chuyên môn, chúng tôi cũng rất yên tâm vì đã có các bác sĩ, điều dưỡng viên đi cùng xử lý. Nhiệm vụ chính của chúng tôi chỉ là đưa máy bay về Việt Nam an toàn.
Một lo lắng nữa của phi hành đoàn là khả năng lây nhiễm virus corona. Phi hành đoàn đều được trang bị áo bảo hộ đặc chủng, máy bay được chia khoang, thiết lập “vùng sạch”, lắp máy lọc không khí... hạn chế tiếp xúc tối đa giữa hành khách dương tính với Covid-19 và hành khách không nhiễm bệnh cũng như giữa hành khách với phi hành đoàn. Tuy nhiên, rõ ràng việc hơn 100 hành khách nhiễm virus ở trên một môi trường khép kín trong khoảng thời gian dài đến mười mấy giờ đồng hồ, không ai dám khẳng định điều gì.
Phản ứng của người thân trong gia đình khi biết ông tham gia chuyến bay này như thế nào, thưa ông?
Tất nhiên, khi quyết định tham gia chuyến bay này, tôi cũng như anh em trong đoàn đều phải thông báo đến người thân của mình.
Gia đình tôi thì có thuận lợi hơn do vợ tôi cũng là tiếp viên của Vietnam Airlines nên rất hiểu và thông cảm cho công việc của chồng. Hai con của tôi cũng đã lớn và luôn ủng hộ bố. Tôi chỉ tiếc một chút là đã lỡ hẹn với chương trình dã ngoại cùng lớp của cậu con trai thứ 2, năm nay cháu hoàn thành chương trình THCS.
Con trai ông chắc chắn sẽ hiểu và rất tự hào về bố mình. Xin hỏi ông một câu cuối cùng: Điều ông mong muốn nhất lúc này là gì, thưa ông?
Cũng như tất cả mọi người, tôi chỉ mong dịch bệnh sớm được ngăn chặn để cuộc sống bình thường trở lại.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông. Chúc ông cùng phi hành đoàn có một chuyến bay an toàn và tốt đẹp.
Nguồn: [Link nguồn]
Các bác sĩ đã lên sẵn một số kịch bản có thể xảy ra cùng những phương án để hạn chế lây nhiễm trong chuyến bay.