Cổ tích về một người mẹ kế

Nghe câu chuyện về “dì ghẻ” Phan Thị Hoa (46 tuổi, ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An) hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng 8 người con đau ốm, tật nguyền của chồng, ai nấy đều rưng rưng...

Phép màu

Chúng tôi tìm về xã Thanh Mai (huyện Thanh Chương, Nghệ An), hỏi về người mẹ kế nuôi 8 người con của chồng - Phan Thị Hoa không ai là không biết. Dáng người nhỏ nhắn, gầy gò, đôi mắt đã dần mờ vì bệnh, bà Hoa chậm rãi kể, bà vốn kém duyên nên muộn chồng, tính ở vậy suốt đời nhưng được mai mối cho ông Trần Văn Đức (SN 1955). Qua tìm hiểu bà thấy thương người đàn ông thật thà, hiền lành, đang phải chịu cảnh “gà trống nuôi con” nên đã quyết định gắn bó.

“Khi tôi xác định lấy ông Đức, cả nhà không ai đồng ý. Mọi người bảo đã ở cái tuổi 30 rồi thì ở vậy nuôi thân cho sướng, việc gì phải cực khổ mà nuôi con người khác, biết chúng nó có yêu thương mình hay không?”, bà Hoa đăm chiêu.

Bà Hoa cùng người con gái đầu bị câm điếc bẩm sinh của chồng

Bà Hoa cùng người con gái đầu bị câm điếc bẩm sinh của chồng

Nội tâm giằng xé, nhưng vì chữ “thương”, bà đồng ý về chung nhà cùng ông Đức. “Ngày cưới là một ngày đặc biệt đối với một đời người. Quần áo phải đẹp, mâm cao cỗ đầy… thế nhưng ông trời hình như không thương chúng tôi. Hôm ấy, gia đình tôi đã chuẩn bị tất cả chờ đằng nội sang rước dâu. 10h rồi đến 11, 12h… mắt tôi đỏ hoe chờ ông ấy sang xin lễ thế nhưng chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng ông ấy đâu. Trong đầu tôi chợt nghĩ, chắc duyên số lại không đến được với nhau. Đang bâng quơ thì tôi nhận được tin báo, nhà ông Đức có tang nên ông ấy phải vào Hà Tĩnh để lo việc. Đến 1h chiều, ông Đức mới vội vã đến nhà gái xin dâu về…”, bà Hoa kể.

Sau ngày về chung một nhà, hình ảnh 8 đứa con gầy gò, rách rưới khiến bà không khỏi thương cảm. “Cái phận mình đành vậy nhưng 8 đứa trẻ có tội tình chi?”. Gạt mọi gièm pha, bà Hoa vượt khó khăn, sớm hôm tảo tần chăm lo cho các con của chồng. Gia cảnh nghèo khó, quanh năm sống bám vào vài sào đất trồng chè, các con đều ốm đau quặt quẹo. Đứa gái đầu bị bệnh câm điếc bẩm sinh, tốn không ít tiền chạy chữa nên trong căn nhà vách đất ấy chẳng mảy may có một chút của cải, tiền bạc. Hàng xóm thường nói, bà Hoa là một người không bình thường bởi vì chỉ có người như thế mới dám đi vào một vực thẳm không lối thoát.

“Ngày tôi về đây, một cây rau trong vườn cũng không có. Nhà 10 miệng ăn, gạo không, rau không… Tôi phải chạy sang anh em, hàng xóm vay ăn từng bữa để các con không phải nhịn đói. Bố tôi cũng cấm đoán rồi hàng xóm thì dị nghị nhưng tôi không bận tâm. Có lẽ tình yêu sẽ là một phép màu để có những quyết định lạ lùng, tôi yêu ông ấy và tôi còn yêu các con riêng của ông nhiều hơn”, bà Hoa tâm sự.

Tự triệt sản khi vừa sinh

Sau một thời gian dài lặng lẽ làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ, rồi tấm chân tình bà Hoa cũng nhận được tình cảm yêu thương, kính trọng của 8 người con. Từ hiểu, họ thương và trân trọng người mẹ kế của mình hơn.

Đó là lần em Trần Văn Thắng (SN 1997), con riêng thứ 7 của chồng bà bất ngờ phát hiện bản thân bị ung thư đầu gối. Sau phẫu thuật, Thắng gặp khó khăn trong việc đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải cậy nhờ vào bà Hoa. Để chăm sóc Thắng, bà Hoa một mình lặn lội lên Hà Nội. Những đêm trời trở gió, bà Hoa lại trằn trọc thâu đêm. Phần vì lo cho Thắng, phần vì nhớ thương chồng và các con ở quê nhà. Sau thời gian lâm bệnh, năm 2017, Thắng đã qua đời. Năm 2019, ông Đức cũng qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Chứng kiến cảnh chồng con lần lượt ra đi, trái tim người phụ nữ một lần nữa quặn thắt.

Bà Phan Thị Hoa - Mẹ kế suốt 15 năm chăm lo 8 người con của chồng

Bà Phan Thị Hoa - Mẹ kế suốt 15 năm chăm lo 8 người con của chồng

Thắng không phải là người con chồng duy nhất được bà Hoa yêu thương, cưng chiều. Bà có tất cả 9 người con nhưng trong đó, chỉ có một người là do bà sinh ra. Điều khiến người ta cảm động hơn là, ngay sau khi vừa hạ sinh đứa con đầu lòng, bà đã đi triệt sản để dồn hết tâm sức chăm sóc các con chồng. Đối với bà, không có khái niệm con riêng mà chỉ có con chung vì dù 8 người con kia bà không sinh ra bằng máu mủ nhưng lại sinh ra bằng một trái tim bao la tình yêu.

“Khi tôi về sống chung, các con còn nhỏ dại lắm, Thắng mới chỉ có 3 tuổi thôi còn đứa út vừa tròn 2 tháng. Chúng không có tội tình gì và tất cả đều thiếu vắng tình yêu của mẹ. Vì thế, tôi thương các con như thương chồng, thương cho chính số phận của mình”, Bà Hoa ngậm ngùi.

Bà kể, chính bà cũng từng mồ côi mẹ khi còn rất nhỏ. Gia đình bà có tới 9 anh chị em, hoàn cảnh cũng vô vàn khó khăn. Bố bà cũng từng đi bước nữa để tìm người phụ nữ chung tay chăm sóc các con. Đến lượt bà, chứng kiến hoàn cảnh tương tự, bà tin rằng, việc lãnh nhận trách nhiệm nuôi dạy 8 người con của chồng là một sứ mệnh mà ông trời sớm đã định đoạt sẵn cho mình. Nói ra chắc không mấy ai tin nhưng sâu thẳm trong trái tim người phụ nữ giàu đức hi sinh ấy chỉ có một ước muốn rất bình dị là được nghe các con gọi một tiếng “mẹ ơi”. Nhưng ở vùng đất nơi bà sinh sống, giữa mẹ ghẻ và con chồng vẫn còn tồn tại những định kiến gay gắt. Người ta thường gọi mẹ kế là “mợ” để phân biệt với người có công sinh ra mình.

Nói về tình cảm dành cho “mợ” Hoa, các anh chị em khác đều nói rằng, thuở ban đầu khi bố mới lấy người phụ nữ khác, các chị em trong nhà đều rất hoài nghi vào lòng tốt của mẹ kế. “Thật trong tâm thì đã coi mợ là mẹ lâu lắm rồi nhưng vẫn không dám nói ra, phần vì e thẹn, phần vì quen miệng. Có những lúc mình nghĩ, người ta vẫn nói mấy đời bánh đúc có xương nhưng đúng là với mẹ Hoa, bánh đúc đã có xương thật rồi. Giờ khi đã lấy chồng, sinh con, tôi hiểu hơn nỗi lòng, sự hi sinh và yêu thương vô điều kiện mà mẹ Hoa dành cho chúng tôi”, chị Trần Thị Thịnh (SN 1988, con gái riêng thứ 5) bộc bạch.

Nhưng rồi mọi nghi kị cũng dần qua đi. Mẹ Hoa không những không ghét bỏ chị em Thịnh mà còn vô cùng yêu thương, ân cần chỉ bảo từng li, từng tí. Nhờ có bà, bản thân Thịnh và các chị em khác bỗng thấy căn nhà nhỏ chứa chan sự ấm áp, tình yêu thương. Bây giờ nhiều người con của bà Hoa đã đi làm, đi lấy chồng ở xa quê nhưng mỗi khi có tâm sự, chúng lại tìm đến bà để san sẻ.

Những ngày vừa qua, câu chuyện bé gái 8 tuổi bị “dì ghẻ” bạo hành tử vong khiến dư luận dậy sóng. Mối quan hệ “dì ghẻ con chồng” một lần nữa trở thành vấn đề nhức nhối xã hội. Người ta không ngừng lên án và thở dài nhắc lại câu thành ngữ “Mấy đời bánh đúc có xương”. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Vẫn luôn có những chiếc “bánh đúc có xương” và những người “dì ghẻ” yêu thương con chồng hết mực.

Nguồn: [Link nguồn]

Tin tức 24h qua: Lạnh người lời khai của ”dì ghẻ” dùng gậy gỗ đánh bé 8 tuổi tử vong

Lạnh người lời khai của "dì ghẻ" dùng gậy gỗ đánh bé 8 tuổi tử vong; Sa Pa có tuyết rơi trắng xóa là không đúng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hiền ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN