Cổ tích "mắt vợ, chân chồng"
Anh bị mù cả hai mắt, có một đời vợ và đứa con gái nhỏ; Còn chị liệt chân tay khó đi lại và làm được việc gì. Nhiều người bảo hai anh chị là "khùng" khi lấy nhau.
Anh bị mù cả hai mắt, có một đời vợ và đứa con gái nhỏ; Còn chị liệt chân tay khó đi lại và làm được việc gì. Nhưng mặc cho gia đình ngăn cấm thậm chí "từ mặt", anh chị vẫn quyết tâm vượt qua mọi rào cản để đến với nhau xây dựng một cuộc sống hạnh phúc. Đó là câu chuyện tình đẹp như cổ tích của anh Bùi Hòa (45 tuổi) với chị Đinh Thị Tuyết (49 tuổi) ở khối phố 2, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành- Quảng Nam.
Vợ là mắt, chồng là chân
Chúng tôi tìm đến nhà đôi vợ chồng đặc biệt ấy vào một chiều nắng nhạt. Trước khi vào, bên con đường mòn dẫn xuống chợ, chúng tôi đã được nghe mọi người kể về câu chuyện tình yêu được ví như "cổ tích hiện đại" này!
Trước mắt chúng tôi là một căn nhà đơn sơ, nhỏ chừng 25m2 nhưng rộn tiếng nói cười hạnh phúc giờ cơm trưa. Đó là tổ ấm mà 4 năm qua, chị Tuyết về sống với anh Hòa cùng cô con gái ruột của anh là Bùi Thị Thảo Nguyên (10 tuổi). Bà con lối xóm ai cũng khen chị Tuyết là một người mẹ, người vợ đẹp nết, yêu thương chăm sóc con riêng của chồng như con mình dứt ruột sinh ra vậy.
Vợ chồng anh Hòa, chị Tuyết
Anh Hòa kể: Từ lúc sinh ra, anh bình thường như bao người khác. Đến năm 8 tuổi, sau một trận ốm nặng do biến chứng thương hàn thì anh bỗng thấy mờ và mù dần mắt trái. Vì gia đình hoàn cảnh khó khăn không chạy chữa nên một thời gian sau thì anh mù hẳn cả hai mắt. Anh phải tự mò mẫm tập quen dần với bóng tối và gắn chặt 20 năm cuộc đời bán vé số mưu sinh.
Còn chị Tuyết cũng là một người khuyết tật. Từ lúc sinh ra chị bị liệt một chân và một tay 6 ngón co quắp lại, rất khó khăn khi di chuyển. Hai số phận- mỗi người một hoàn cảnh bất hạnh nhưng định mệnh đã gắn chặt anh chị đến với nhau bằng tình yêu thương đứa con gái nhỏ khát khao hơi ấm vòng tay người mẹ.
"Ngày ấy, anh làm chổi đót và tăm tre nhân ái ở Hội người mù Núi Thành đem bán. Một lần, mình đến phụ giúp nấu ăn cho mọi người ở đây, thấy anh Hòa dắt đứa con gái nhỏ đi theo. Nghe mọi người kể: Anh có vợ rồi nhưng đã mất, anh lại bị mù nên mọi sinh hoạt chăm lo cho mình đã khó, giờ lại nuôi đứa con gái nhỏ... Mình thương trào nước mắt! Thế rồi, mình chủ động bắt chuyện làm quen với anh. Mỗi ngày trông thấy anh và con bé giúp nhau làm chổi, mình thấy mến lúc nào không hay..." - Chị Tuyết bồi hồi kể lại.
Sau hai năm tìm hiểu, một hôm anh Hòa quyết định phải nói nỗi lòng của mình với chị. Anh dẫn theo đứa con gái đến trước chị Tuyết sau một buổi chiều mưa. "Tuyết ơi, em bằng lòng về với anh nhé! Vợ anh đã mất rồi, anh lại bị mù, con gái nhỏ của anh rất tội nghiệp. Anh không phải người lành lặn để nuôi con được tốt. Một mai này anh cũng mất đi, nó rất cần một bàn tay người mẹ chăm sóc..." - Anh Hòa chan chứa nước mắt nhớ lời cầu hôn khi ấy.
Khi nghe nỗi lòng của anh, chị Tuyết đã khóc rất nhiều. Tình cảm chị dành cho anh và bé Thảo Nguyên rất lớn. Và chị đã gật đầu không do dự. "Chúng mình là hai nửa khuyết tật đến với nhau. Em sẽ là đôi mắt cho anh, anh sẽ là đôi chân của em. Hai chúng mình sẽ có một gia đình hạnh phúc...".
Thế nhưng để nên duyên vợ chồng với anh Hòa, chị Tuyết đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình. Rất nhiều lời khuyên của cha mẹ xin chị hãy từ bỏ cuộc hôn nhân này để khỏi khổ vì lấy một người mù đã có một con, chị lại bị khuyết tật nên làm sao chăm sóc cho nhau. Nếu không đồng ý gia đình sẽ từ không nhìn mặt chị nữa.
Chị Tuyết thì mở sạp buôn bán nhỏ ở chợ
Trước sự ngăn cản lớn của gia đình, chị Tuyết đã khóc rất nhiều, chị đã đi Sài Gòn một thời gian để cố quên anh. Nhưng chị không làm được điều đó. Chị Tuyết tâm sự: "Lúc đó mình đã thương cha con anh Hòa mất rồi. Bé Thảo Nguyên xem mình như người mẹ thứ hai, vì mẹ mất lúc bé vừa tròn 2 tháng tuổi. Những ngày tháng được bên cạnh hai cha con anh Hòa đã khiến mình có thêm sức mạnh và niềm tin cho cuộc sống mai này."
Và thời gian đã không chia lìa được tình mẫu tử "nối duyên" và khao khát sống bên nhau của anh chị. Sau nhiều lần cấm cửa ngăn cản, cha mẹ và người thân chị Tuyết biết chuyện cũng đã gật đầu để hai anh chị được đến với nhau. Niềm yêu thương vỡ òa, hai anh chị làm một mâm cơm nhỏ trước ông bà, cha mẹ, bạn bè để được về nương tựa sống với nhau, chăm sóc bé Thảo Nguyên.
Chỉ cần có nhau...
Cảm động trước hoàn cảnh và tình yêu thương hai anh chị dành cho nhau, UBND thị trấn Núi Thành đã cấp cho anh chị 25m2 đất trong khuôn viên chợ. Hai bên nội ngoại và bạn bè, người góp gạch, xi măng, người cho tôn, người cho gỗ để xây một căn nhà tạm che mưa che nắng. Trong ngôi nhà xập xệ, cái bếp đặt ngay cạnh đầu giường, mùa nắng thì nóng nực, mùa mưa nước chảy lênh láng. Vật dụng quý giá nhất trong nhà có lẽ là chiếc bình lọc nước mà các tiểu thương trong chợ gom góp nhau mua tặng.
Mỗi ngày, anh Hòa đi bộ hơn 20km để bán vé số. Còn chị Tuyết không đi lại được nhiều nên mở một sạp tạp hóa nhỏ bán lá chè xanh, mắm muối... kiếm thêm thu nhập. Chị bùi ngùi: "Tội nghiệp anh ấy lắm! Sáng sớm đã dậy một mình, tự vệ sinh không dựa vào ai cả, rồi chuẩn bị chiếc ba lô cũ đựng vé số, chiếc ca nhựa nhỏ và một chiếc gậy để đi làm. Mỗi lần về sớm là đi kiếm củi để nấu ăn, ngày bán hết vé đem về cũng được 25 đến 30 ngàn. Còn mình, buôn bán ở chợ cũng kiếm được gần 15 ngàn tiền lời mỗi ngày. Tất cả đều để chăm lo cho con gái và cuộc sống."
"Nhiều hôm mưa, không ai mua vé số, vợ lại không bán được hàng, thế là cả nhà không có gì ăn cả. Để tăng thêm thu nhập, cứ đến cuối tháng, mình lại đi hát rong ở chợ Quảng Ngãi, Bình Định hay TP Tam Kì để kiếm thêm được đồng chi tiêu cho những lúc túng thiếu." - Vừa nói anh Hòa vừa chỉ chiếc máy hát nhạc nhỏ cắm micro và chiếc ca nhựa cũ để xin tiền.
Chúng tôi hỏi: Anh bị mù vậy đi xa như thế có biết đường về không? Ngập ngừng trong giây lát, anh Hòa bảo: "Lúc đầu chưa quen đường sá, phải mò mẫm bằng chiếc gậy lập cập dò đường trước. Mỗi khi đi ngang qua đường cái nghe không có tiếng xe thì giơ hai tay có chiếc gậy lên cao để xin đường. Nhiều khi đi qua xe bất thình lình chạy tới là mình hoảng hồn đứng lại, họ mắng nhiều lắm! Đến chỗ đông người có tiếng ồn ào thì dừng lại hát, có chủ quán thương tình thì cho, không thì dọa nạt xua đuổi... Có bữa đi lạc đường, may mắn thì có người chỉ đường mà đi về...".
Anh Hòa đi hát rong để nuôi gia đình
Bà con lối xóm rất quý vợ chồng anh Hòa nên cứ cách 2 hoặc 3 tháng lại góp nhau mua tặng ít gạo cho anh chị. Bạn bè người thân thì cho vài chục ngàn. Đó là tấm lòng, là nguồn động viên tinh thần rất lớn để anh chị cố gắng vươn lên xây dựng cuộc sống.
Thương bố mẹ còn lắm cực khổ, bé Thảo Nguyên cũng đã biết phụ giúp đỡ đần những việc nhỏ trong nhà. Em đã biết nấu cơm, rửa chén sau mỗi giờ tan học về. Mỗi tối, cả nhà lại quây quần bên mâm cơm đạm bạc nhưng ấm tình người.
Chia sẻ về hạnh phúc của mình, chị Tuyết nói: "Hai vợ chồng mình khuyết tật nhưng đến với nhau bằng tình yêu thương chân thành. Cùng nuôi dưỡng bé Thảo Nguyên nên người là niềm hạnh phúc lớn nhất hiện tại. Dù cuộc sống còn lắm gian khó nhưng vợ chồng mình tin rằng sẽ vượt qua tất cả." Anh Hòa ngồi bên cạnh nắm chặt tay chị Tuyết rơm rớm nước mắt. Chia tay gia đình, chúng tôi vẫn còn vọng mãi trong đầu lời đáp cầu hôn của chị Tuyết: "Em sẽ là đôi mắt cho anh, anh sẽ là đôi chân của em. Hai chúng mình sẽ có một gia đình hạnh phúc...". |