Cổ tích "đôi chân của anh, cặp mắt của em"

Mọi người vẫn thường ca ngợi Tạ Đình Hán - Vũ Hoài Thanh là “cặp đôi đẹp” của đoàn thể thao người khuyết tật Hà Nội. Vượt qua những sóng gió trong cuộc sống, hai số phận vịn vào nhau để sống, để vươn lên, trở thành những vận động viên xuất sắc, giành nhiều huy chương vàng trong các cuộc thi thể thao người khuyết tật toàn quốc và khu vực.

Tình yêu qua giông bão

Đã thành thông lệ, vào mỗi buổi sáng, người dân khu phố Ngõ Gạch (Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại thấy chị Thành bước chân khập khiễng, hì hục “đánh vật” với chiếc xe máy chở hai con đến trường. Ít phút sau, vẫn con “ngựa sắt” đó, chị lại chở anh đến trung tâm luyện tập thể thao ở Khúc Hạo. Từ khi yêu nhau đến khi về làm vợ, đôi mắt chị Thanh đã trở thành “tài sản chung” cho cả vợ lẫn chồng. Hỏi ra, chị chỉ cười: “Tôi cho anh đôi mắt, anh giúp tôi đứng vững đôi chân. Chúng tôi là hai mảnh ghép hoàn hảo trong cuộc sống”.

Chị Thanh coi việc chọn chồng của mình là sự lựa chọn hoàn hảo, bởi anh Hán xứng đáng nhận được nhiều điều tốt đẹp hơn. Còn anh Hán thì cho rằng, duyên số đã ban tặng anh người vợ tuyệt vời. Một hạnh phúc viên mãn, với hai thiên thần xinh xắn, khỏe mạnh, tô điểm cho cuộc sống vốn dĩ còn nhiều khó khăn đó.

Năm 8 tuổi, đôi mắt anh Hán cứ mờ dần đi. Tưởng bị tật khúc xạ nhưng khi đi khám, các bác sĩ thông báo đôi mắt anh bị teo võng mạc khiến cả gia đình anh đau đớn. Cơ hội cứu lấy đôi mắt hết sức mong manh. Biết mình bị khiếm thị, anh Hán tiếp tục đến trường cho đến khi mù hẳn.

Tiếp xúc với Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, thấy những người cùng cảnh ngộ, những chán chường tuyệt vọng của anh dần biến mất. Anh Hán nỗ lực học hỏi, làm thêm, tham gia các khóa học chữ brain ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Với khuôn mặt thanh tú, anh Hán được chọn làm mẫu cho các sinh viên trường mỹ thuật vẽ chân dung. Năm 2000, anh Hán tham gia luyện tập tại CLB Thể thao Người khuyết tật Hà Nội với bộ môn điền kinh.

Nỗi buồn của chị Thanh bắt đầu ở cái tuổi đẹp nhất của con gái. Lúc đó, chị đang học cấp ba thì bị một chiếc xe tải cán nát 1/3 chân trái. Thấy con gái nằm trong bệnh viện, toàn thân băng bó trắng toát, một phần chân bị cắt đi, bố mẹ chị òa khóc. Nỗi đau ập đến, chị Thanh nén nước mắt và nỗi đau vào trong, động viên bố mẹ. Lúc đó, chị đã nghĩ, với đôi chân tật nguyền, còn ai để mắt tới mà lấy làm chồng?

Cổ tích "đôi chân của anh, cặp mắt của em" - 1

Vợ chồng anh Hán - chị Thanh hạnh phúc bên các con

Khó khăn là vậy nhưng với nghị lực, chị tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, Trường Cao đẳng Quản trị Kinh doanh, rồi “đầu quân” cho Cty Sài Đồng II. Đến đầu năm 2003, chị tham gia CLB Thể thao Người khuyết tật Hà Nội. Ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, chị Thanh đã ấn tượng bởi vẻ điển trai và đôi mắt không mờ đục của anh Hán. Anh Hán đã mờ hẳn nhưng con ngươi vẫn còn đen không vướng bận. Đặc biệt, lòng vị tha và sự rộng lượng của anh càng khiến chị nể phục nhiều hơn.

Đã gặp được “người trong mộng”, chị Thanh càng có động lực để đến CLB luyện tập hơn. 5h sáng, chị đã trở dậy đi hơn 20 km sang trung tâm luyện tập, buổi chiều đi làm đến hơn 10 h đêm. Có những lúc luyện tập, chân giả “đánh nhau” với chân thật, tứa máu đau nhức khiến chị bật khóc. Lúc đó, chị lại có anh Hán bên cạnh giúp đỡ, động viên. Càng gần gũi, chị càng thấy, ngoài vẻ đẹp trai, anh Hán còn là một chàng trai đa tài. Tất cả những gì đến tay anh, từ việc nặng đến việc nhẹ, anh đều làm gọn và rất thẩm mĩ như làm điện, sửa vòi nước, lắp quạt…

Những buổi tập bơi khiến chị nhớ nhất. Chân chị yếu, nhiều khi đang bơi bỗng đuối sức, chị choàng lấy cổ anh. Cảm giác an toàn, được che chở bao trùm khiến chị nhận ra rằng, anh mới chính là người đàn ông của đời chị. Tình yêu cứ thế lớn dần lên và sâu sắc lúc nào không hay. “Anh ấy thường nói: Mọi người bảo em xinh, anh không biết được nét xinh qua ánh mắt, nhưng anh cảm nhận được trái tim em ấm áp và vẻ đẹp toát ra từ tâm hồn”, chị Thanh kể.

Từ khi yêu nhau, đôi mắt của chị soi sáng những bước đi của anh. Còn đôi chân anh lại trở thành điểm tựa vững chắc cho những bước đi của chị. Khi mọi người trong gia đình chị và bạn bè biết tin chị yêu một chàng trai khiếm thị, ai cũng hết sức phản đối. Bố chị thì quát mắng, mẹ chị tỉ tê khuyên bảo, các chị và em gái thì hết lòng khuyên giải. Bạn bè chị cũng căn ngăn khiến chị Thanh phải nói dối là đã chia tay.

“Mọi người gặp anh ấy đều rất quý mến nhưng khi nhắc đến chuyện sẽ cưới xin thì ai cũng phản đối, bảo tôi suy nghĩ lại. Nhưng tình yêu của tôi dành cho anh quá lớn, tôi đã vượt qua mọi khó khăn, sóng gió của cuộc sống để đến với nhau”, chị Thanh tâm sự.

Cặp đôi hoàn hảo

Năm 2006, đám cưới hạnh phúc của họ được tổ chức. Căn phòng hạnh phúc chỉ là một góc của căn nhà cấp bốn xiêu vẹo rộng khoảng 10 m2 nằm lọt thỏm giữa phố Ngõ Gạch. Hai vợ chồng bắt đầu bằng vốn liếng đầu tiên là chút tiền thưởng từ các cuộc thi đấu. Buổi sáng, hai vợ chồng lại dìu dắt nhau đến sân tập luyện, chiến đấu với những thử thách, khó khăn, chướng ngại vật trên sân thi đấu, buổi chiều tối, chị Thanh đưa chồng đi tẩm quất, matxa cho những người có nhu cầu tại nhà.

Vợ chồng Tạ Đình Hán - Vũ Hoài Thanh, hơn 10 năm qua, họ đã cùng nhau tham dự 4 Para Games và lần nào Hán cũng có vàng, còn chị Thanh thì 2 lần trở thành nhà vô địch ở những đại hội của ý chí và nghị lực này.

Là những người khuyết tật, họ đã trở thành điểm sáng của Hội Người mù Hà Nội. Mới đây, hai vợ chồng được nhận bằng khen của UBND TP Hà Nội vì thành tích tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.

Để có thêm thu nhập, chị Thanh nhận thêm hàng hóa giầy dép của người chị gái về bán. Cũng thời gian đó, chị mang bầu đứa con trai đầu lòng. Cậu bé Tạ Duy Phong chào đời, như ngọn gió mạnh mẽ luôn vượt qua trở ngại. Một năm sau, cô bé Tạ Mai Phú chào đời. Năm 2006, anh chị dành xây thêm tầng 2 để ở, còn phần trệt ở 19 Ngõ Gạch thì dành để kinh doanh tẩm quất thật của người mù.

Anh chị mời thêm hai người khiếm thị về làm cùng. Năm 2008, một cơ sở tẩm quất khác được ra đời ở 711 Hồng Hà. Rồi anh chị mở thêm cơ sở tẩm quất thật của người mù ở 226 Âu Cơ; số 3 ngõ 9 phố Minh Khai. Đến giờ, hai vợ chồng đang quản lý 4 cơ sở tẩm quất của người mù, giải quyết việc làm cho hơn 30 người khiếm thị trên địa bàn Hà Nội.

Nhìn lại cơ ngơi của mình cùng với một gia đình hạnh phúc viên mãn, chị Thanh mỉm cười hài lòng. Chị bảo, có thể mọi người vẫn thấy chị là một người phụ nữ vất vả, bận rộn. Nhưng chị hài lòng với lựa chọn và những gì chị có. Tấm huy chương lớn nhất của cuộc đời chị là giành huy chương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình. “Đôi lúc thấy người ta được chồng đưa đón, còn mình thì quanh năm suốt tháng đưa đón chồng con, tôi cũng thấy tủi thân và ghen tỵ lắm. Nhưng những gì tôi nhận được là tình yêu thương bao la, thì những tiểu tiết nhỏ đó nhanh chóng thành vô nghĩa”, chị Thanh nói.

Tháng 10/2012, hai vợ chồng tham gia thi đấu trong cuộc thi thể thao khuyết tật toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh. Những nỗ lực không ngừng đã mang lại cho chị Thanh 4 huy chương vàng hạng đơn nữ, đôi nữ, đôi nam nữ và đồng đội ở bộ môn cầu lông, còn anh Hán giành hai huy chương vàng môn điền kinh nam. Trên con đường thể thao, họ đều tỏa sáng với nhiều huy chương giá trị, trên đường đời, họ khẳng định mình bằng một nghị lực phi thường, mà với chị Thanh: “Tấm huy chương giá trị nhất của tôi là phấn đấu cho hạnh phúc gia đình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Mỹ (Nông nghiệp Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN