Cố "thằng chống gậy": Chỉ là ngụy biện!
Bạn đọc kiến nghị phải có luật riêng nhằm "điều chỉnh" những người muốn cố có con trai.
Trước đề xuất hỗ trợ cho gia đình sinh con một bề là gái nhằm điều chỉnh tình trạng mất cân bằng giới tính, dư luận xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Tiền bạc không phải vấn đề
Bạn đọc hau..@gmail.com nhận định: “Việc sinh con trai hay gái đối với các gia đình gần như là không có vấn đề gì. Tuy nhiên áp lực xã hội đã tạo cho các gia đình và xã hội ngày càng sâu sắc việc trọng nam khinh nữ. Chính sách sinh con gái được hỗ trợ tiền và các vấn đề khác đi kèm càng thấy sinh con gái bất bình đẳng”.
Giãi bày tâm sự của người trong cuộc, độc giả Trần Đình Dũng có địa chỉ tranvan…@gmail.com viết: “Bản thân tôi cũng như nhiều bạn của tôi sinh con một bề (hai gái) đều thấy rằng, sự tủi thân của chúng tôi không phải vì thiếu tiền mà vấn đề là ở chỗ "không có con nối dõi tông đường". Sự thực thì trong số chúng tôi, nhiều người rất giàu có, nên tiền bạc không phải là vấn đề, xin đừng lấy tiền bạc để khuyến khích sinh con gái rồi lãng phí tiền thuế của dân”.
Đồng tình với ý kiến này, độc giả buffalo…@gmail.com viết: “Người ta còn không màng tới chức tước, danh vọng để cố sinh con trai bằng được, đừng nói tới chuyện thưởng vài triệu đồng mà đòi thay đổi… Phải chi người ta tự quyết định được giới tính hay sao ấy?”.
Cần xóa bỏ định kiến xã hội về gia đình sinh con một bề là gái (Ảnh minh họa)
Phản hồi trước ý kiến cho rằng, một khi được chính phủ, quan tâm, động viên, thì người sinh con gái không còn lý do gì mà phải mặc cảm nữa, bạn đọc xuanminh…@gmail.com viết: “Không có con trai mà vẫn được ngồi chiếu trên ư? Cứ thử về các miền quê mà xem ngồi chiếu nào. Hay chỉ đơn giản trong bàn nhậu các anh em có toàn con gái sẽ bị chê trách như thế nào?"
Là một trong những người phản đối ngay từ khi ý tưởng hỗ trợ cho gia đình sinh con một bề là gái mới “trình làng”, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nhận định: “Chuyện sinh con trai hay con gái cũng có phải gia đình muốn là được đâu! Ý tưởng trên không những không làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mà còn gây lãng phí ngân sách nhà nước một cách không cần thiết.”
Cố "thằng chống gậy": Chỉ là ngụy biện!
Xuất phát từ tập tục, nếp nghĩ ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam, độc giả Nguyễn Văn Tuấn phân tích: Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, trước đây đã có hàng thế kỷ chìm trong lạc hậu. Là một nước nông nghiệp nên các gia đình đều rất cần sức lao động để phục vụ công việc đồng áng và đương nhiên con trai là một thế mạnh.
Cũng vì đặc thù người Việt nam hay có thói thích "đè" người khác nên các gia đình nhiều con trai thường hay lấn lướt các gia đình có nhiều con gái, sự phân biệt này được nhấn mạnh hơn tại các sự kiện cỗ bàn, hiếu, hỉ ở thôn quê nhằm khẳng định sức mạnh của phái nam.
Chuyện sinh con trai hay con gái không phải cứ muốn là được
Một vấn đề nữa trong tư tưởng nông nghiệp là tính sở hữu: Con gái khi về nhà chồng, nhà gái mất đi một nguồn lao động, của nả bố mẹ làm ra sau này không muốn con nhà khác được hưởng nên nếu có con trai thì không phải chia cho người ngoài huyết thống.
“Tất cả những điều ấy tạo thành tư tưởng lạc hậu tồn tại bấy lâu nay, và những người lạc hậu thường ngụy biện rằng đẻ con trai để có người nối dõi tông đường, có thằng "chống gậy". nhưng chính họ cũng chỉ biết nói chứ không giải thích được. Thực ra là vẫn luôn sợ tiền nhà mình chạy sang túi con nhà người khác.” độc giả Nguyễn Văn Tuấn viết. Từ đây, bạn đọc này cho rằng, việc can thiệp bằng chính sách xã hội là điều rất quan trọng và cần thiết để thay đổi cách nghĩ của một bộ phận lớn trong xã hội Việt nam.
Tương tự, bạn đọc từ địa chỉ ngoclan…@gmail.com viết: “Chuyện đi kiếm con trai nối dõi tông đường chỉ là lối biện hộ của những người cha thiếu ý thức, có tính trăng hoa và những người phụ nữ không tốt muốn chiếm đoạt gia đình của người khác bằng phương pháp có vẻ truyền thống này mà thôi.”
Theo bạn đọc từ địa chỉ buivanvan…@gmail.com, muốn xã hội có sự công bằng, bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, cần phải có luật “đánh” vào tiềm thức những người muốn cố có con trai. “Cần có quy định: Khi trưởng thành, lập gia đình, dù con gái hay con trai, tài sản của bố mẹ phải được chia như nhau. Gái hay trai cũng được huởng như nhau. Khi khả năng tài chính có hạn, những cặp vợ chồng không muốn con mình phải khổ. họ phải nghĩ xem mình có lên tiếp tục đẻ hay dừng lại” bạn đọc này viết.