Cơ sở nào để Công an khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng?
Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam bởi các hành vi livestream tố cáo sai sự thật, lăng mạ cá nhân, tổ chức lặp đi lặp lại nhiều lần và coi thường pháp luật.
Công an khám xét biệt thự Hằng Hữu trên đường Nguyễn Thông, quận 3 của gia đình bà Hằng
Ngày 25/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đang lấy lời khai đối với Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM; Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) để điều tra làm rõ về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM thụ lý điều tra vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại TPHCM do bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện.
Cơ quan điều tra cho rằng, bà Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TPHCM và các địa phương khác.
Sau khi thu thập tài liệu chứng cứ, liên quan đến các đơn thư của nhiều cá nhân tố cáo và những phát ngôn nhục mạ, xúc phạm danh dự, phẩm chất người khác có dấu hiệu phạm tội của Nguyễn Phương Hằng, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng để điều tra. Đồng thời, Công an đã thực hiện lệnh khám xét hai căn nhà của bà Hằng ở quận 1, TPHCM vào tối 24/3.
Công an đọc lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng
Liên quan đến vụ việc, các luật sư cho rằng, từ tháng 3/2021 đến nay, bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên tổ chức livestream lăng mạ, xúc phạm nhiều cá nhân, tổ chức trên Facebook, Youtube và các nền tảng mạng xã hội khác nên việc Cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam bà Hằng là có cơ sở.
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình, Đoàn Luật sư TPHCM cho hay, việc bắt tạm giam bà Hằng lúc này là cần thiết, nhằm phục vụ cho công tác điều tra ban đầu, cũng như hạn chế việc bà này tiếp tục livestream có thể gây thêm tiêu cực cho xã hội.
"Hành vi phạm tội của bà này đã rõ ràng và lặp lại nhiều lần, đã được lập vi bằng. Theo quy định, một người được coi là chưa có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của toà án. Song, việc thực hiện hành vi nhiều lần, lặp lại, tần suất liên tục thì theo tôi khó để cho rằng hành vi không cấu thành tội phạm", luật sư Hùng chia sẻ.
Khung hình phạt lên tới 7 năm tù
Đồng quan điểm, luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, bà Hằng đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hành vi của bà Hằng còn gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, tổ chức khi thực hiện livestream, tố cáo sai sự thật và đã lặp đi lặp lại nhiều lần.
Bà Hằng thường xuyên livestream lăng mạ các cá nhân, tổ chức
Theo luật sư Trần Minh Cường, tùy thuộc vào kết quả quá trình điều tra vụ án, trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ có kết luận và chuyển VKS truy tố về tội danh tương ứng.
Trường hợp lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Theo khoản 2 của điều này, trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù.
"Tùy theo kết quả điều tra, tính chất, mức độ hành vi và hậu quả gây ra, cơ quan chức năng có thể áp dụng các khung hình phạt khác nhau và cao nhất có thể đến 7 năm tù giam", luật sư Cường cho hay.
Nhiều người hiếu kỳ tập trung livestream, quay phim khi nhà bà Hằng bị khám xét
Trước đó, từ khoảng tháng 3/2021 đến nay, bà Nguyễn Phương Hằng đã thường xuyên tổ chức livestream tố cáo sai sự thật, nhục mạ nhiều nghệ sĩ, luật sư, nhà báo. Bà Hằng cũng bị nhiều người tố cáo đến cơ quan Công an như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên -–Công Vinh, ca sĩ Vy Oanh, ông Võ Hoàng Yên, nghệ sĩ Hoài Linh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan... tố cáo về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Sau khi khám xét nơi ở của bà Hằng, cảnh sát đưa bà Hằng về tạm giam tại trại giam T16.
Nguồn: [Link nguồn]