Cơ quan chức năng, luật sư nói gì về “kho báu 3 tấn vàng” dưới sông Cà Ty?
Liên quan đến vụ người đàn ông xin khai thác “kho báu 3 tấn vàng” dưới sông Cà Ty (Bình Thuận), Báo Người Lao Động đã có trao đổi với các luật sư về khía cạnh pháp lý đối với loại tài sản này.
Luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, cho rằng chứng cứ người xin khai thác "kho báu" này đưa ra là rất yếu và khó thực thi.
"Theo thông tin tôi nắm được thì "kho báu" ông này biết được từ đời ông Tổ, và ông ấy cũng chỉ nghe nói, giấy tờ, bản đồ cũng không còn. Có nghĩa là không có chứng cứ gốc làm sao ông ấy biết mà chỉ ngay "kho báu" chỗ đó được. Đây là dạng chứng cứ thuật lại. Mà trên cơ sở cái thuật lại thì làm sao mà có căn cứ để cho anh đầu tư được" – luật sư Thiện nói.
Còn theo Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội), "kho báu" trong đơn ông H.P.T (42 tuổi; trú huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) xin khai thác thuộc trường hợp vật vô chủ bị chìm đắm, chôn giấu.
"Vật vô chủ theo quy định của khoản 1 điều 293 Bộ luật Dân sự 2015 thì quy định người sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó thì người phát hiện ra vật vô chủ là động sản, trường hợp này là vàng thì họ có quyền sở hữu đối với loại tài sản đó. Nó cũng giống như việc chúng ta đi lặn rồi bắt gặp thùng vàng thì thùng vàng đó là của người phát hiện chứ làm sao mà của Nhà nước được. Cái này không phải nộp cho Nhà nước" – luật sư Hoàng Tùng nói.
Dòng sông Cà Ty qua TP Phan Thiết, nơi được đồn đoán chứa "kho báu 3 tấn vàng"
Cũng theo luật sư này, nếu tài sản này liên quan di tích, bảo tồn thì ngành Văn hóa sẽ có trách nhiệm phối hợp. Còn nếu vật tìm kiếm liên quan vũ khí, quân trang, quân dụng thì sẽ phải bàn giao cho các đơn vị Quốc phòng.
"Đối với việc khai thác tại khu vực này sẽ liên quan đến việc quản lý lòng sông, bờ kè, đường xá, sẽ liên quan đến chính quyền địa phương, nên người đào nó phải báo cáo, xin phép. Tuy đây không được xem là khoáng sản hay tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn phải xin phép vì các yếu tố trên" – luật sư Tùng chia sẻ.
Trao đổi thêm về đề xuất chia tỷ lệ 30/70 đối với "kho báu 3 tấn vàng" này của ông T., luật sư Hoàng Tùng cho biết đây là vật chìm đắm, tài sản vô chủ nên người đào có quyền thỏa thuận và chia tỉ lệ theo tinh thần tự nguyện.
Liên quan đến đơn xin khai thác "kho báu" của ông H.P.T, phía UBND tỉnh Bình Thuận cho biết các cơ quan chức năng đang hướng dẫn người dân làm đúng thủ tục. Cũng theo nguồn tin, đây là lần thứ 3 ông T. gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đề nghị được cho khai thác "kho báu có 3 tấn vàng" dưới sông Cà Ty qua TP Phan Thiết.
Trước đó, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết căn cứ Nghị định số 96/2009/NĐ-CP của Chính phủ, sở đề nghị ông T. phải cung cấp thông tin, tư liệu, hình ảnh... chứng minh về nơi chôn giấu vật quý; tổ chức lập phương án thăm dò nơi chôn giấu "kho báu"; ký quỹ cam kết khắc phục môi trường...
Khi bảo đảm các điều kiện trên, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, phê duyệt phương án thăm dò theo quy định.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc một người ký quỹ 500 triệu đồng để khai quật “kho báu” dưới sông Cà Ty khiến dư luận nhớ lại từng có “kho báu” ven sông đã được đào bới hơn 30 năm trước.