Có nên giao quyền kiểm định cho các hãng xe?
Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 9-3 công bố thông tin Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023.
Tại nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung khắc phục nhanh nhất tình trạng ách tắc trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông; có giải pháp hiệu quả giải quyết dứt điểm, bảo đảm công tác đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường trong tháng 3-2023.
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo Bộ GTVT và Bộ Công an vào chiều 8-3, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, nhập khẩu ôtô đủ điều kiện được tham gia kiểm định xe.
Liên quan đến đề xuất về giao quyền kiểm định này, giới chuyên gia cho rằng đây là việc cần thiết trước tình hình quá tải đăng kiểm hiện nay. TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, khẳng định các cơ sở bảo dưỡng vốn có đội ngũ lao động kỹ thuật tay nghề cao, hoàn toàn đủ năng lực kiểm định ôtô. Về băn khoăn của dư luận, liệu các trung tâm này có lợi dụng kiểm định để o ép khách hàng thay thế phụ tùng chính hãng hay không, ông Thủy góp ý cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế giám sát, có quy định, nội quy rõ ràng, nhất là quy định về chế tài xử lý sai phạm.
Ôtô nối đuôi nhau chờ đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-08D (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội)Ảnh: Hữu Hưng
Trước khi có chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cũng từng chia sẻ với báo chí về ý tưởng cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các hãng xe đủ điều kiện được tham gia kiểm định xe.
Theo ông An, mô hình này không mới, thường gọi là mô hình đăng kiểm tại nhà đã áp dụng từ lâu ở một số quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Áo. Với mô hình trên, có thể tận dụng triệt để nguồn lực xã hội từ cơ sở vật chất của các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thông qua giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Dù vậy, ông Nguyễn Tô An cũng cho biết để đề xuất nêu trên đi vào thực tế sẽ mất nhiều thời gian, bởi lẽ phải qua quá trình đề xuất, sửa đổi một loạt các văn bản pháp luật. Ngoài ra còn mất thời gian trong công tác chuẩn bị, xây dựng hệ thống công nghệ mới có thể triển khai được. Đặc biệt, cần xây dựng quy chuẩn cho các cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S (ở đây là trung tâm bảo dưỡng của các hãng xe) tham gia kiểm định.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành tại khoản 2 điều 4 Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng ôtô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Tính độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính được hiểu như sau: Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý; tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng ôtô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới không nắm giữ cổ phần hoặc góp vốn trên 10% của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Có thể thấy quy định tại Nghị định 139 nhằm tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" và nếu cho phép cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S hoạt động kiểm định thì bắt buộc phải sớm sửa đổi các quy định pháp luật.
Bắt 5 đối tượng nhận hối lộ đăng kiểm Liên quan đến sai phạm tại Trung tâm Đăng kiểm 29-01S (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), ngày 9-3, Công an quận Bắc Từ Liêm ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 5 đối tượng của trung tâm này để điều tra về tội "Nhận hối lộ". Trong 5 bị can có Phạm Hồng Thắng (giám đốc) và Lê Sỹ Mạnh (phó giám đốc). Đến nay, cơ quan điều tra đã thu hồi hơn 1,4 tỉ đồng mà các bị can nhận hối lộ từ chủ phương tiện, trong thời gian từ năm 2020 đến cuối năm 2022. Ng.Hưởng |
Nguồn: [Link nguồn]
Các đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03V (Hà Nội) cho biết do "xe tải là nguồn nuôi sống gia đình chủ xe" nên tạo điều kiện đăng kiểm với nhiều...