Có nên công khai tên cha mẹ trong CMND?

"Việc ghi thông tin bố, mẹ trên CMND có thể làm tiết lộ những thông tin cá nhân, bí mật đời tư của người được cấp CMND và có thể bị lợi dụng vào mục đích trái pháp luật".

Một chi tiết trong mẫu chứng minh nhân dân (CMND) mới (có hiệu lực từ 1/7/2012) là công khai danh tính cha, mẹ của người được cấp đang gây ra những ý kiến băn khoăn, trái chiều nhau.

Bộ Công an trong thông tư 27 hướng dẫn về mẫu CMND quy định kích thước của giấy tờ tùy thân quan trọng được sản xuất bằng chất liệu nhựa. Khổ của mẫu mới nhỏ hơn mẫu cũ (kích thước 85,6mm x 53,98 mm), được cho là theo chuẩn quốc tế, có phôi bảo an, mã vạch chứa đựng một số thông tin để cơ quan chức năng dễ quản lý.

Trên CMND mới, mặt trước sẽ có những thông tin cơ bản của cá nhân công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi thường trú. Mặt sau của CMND có mã vạch hai chiều, dấu vân tay ngón trỏ trái và phải, đặc điểm nhận dạng, họ và tên cha, họ và tên mẹ.

CMND cũ chỉ có 9 số nhưng mẫu mới có đến 12 con số. Mẫu mới này dành cấp cho những người có CMND hết thời hạn sử dụng; hư hỏng không sử dụng được; thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh; thay đổi đặc điểm nhận dạng… Thời hạn của CMND mẫu mới vẫn giữ nguyên như cũ - 15 năm.

Có nên công khai tên cha mẹ trong CMND? - 1

Mẫu mới mặt trước

Với những thông số mẫu trên, khác biệt được nhiều người quan tâm nhất trên mẫu CMND mới là sẽ có thêm thông tin về họ tên cha, mẹ trên mặt sau của tấm CMND.

Theo ngành công an, việc công khai danh tính cha, mẹ nhằm giúp phân biệt một cách chính xác về nhân thân của người đó trong trường hợp cần truy tìm, phân loại.

Tăng chức năng của thẻ công dân

Trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Mã Điền Cư cho hay việc công khai tên cha, mẹ trên CMND theo tinh thần thông tư 27 là không ổn do xã hội phát triển, mỗi gia đình là mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có nghĩa là không phải ai cũng có đủ cha và mẹ. Theo ông, mẫu CMND đang sử dụng vẫn ổn và nếu có thay đổi thì nên điền thêm thông tin về giới tính.

"Việc công khai danh tính cha, mẹ tôi e là không giải quyết được gì nhiều. Hơn nữa, vấn đề này liên quan đến quyền, lợi ích của rất nhiều người, nhưng không lấy ý kiến, không thăm dò dư luận trên diện rộng là không được. Nếu làm không khéo thì sẽ vi phạm nhân quyền, bởi quyền con người đã được quy định rất rõ trong Hiến pháp rồi. Qua theo dõi, tôi cũng được biết có nhiều ý kiến không đồng tình với chủ trương trên. Vì vậy, với tư cách là một Đại biểu Quốc hội, nếu trong quá trình đi tiếp xúc cử tri mà có nhiều thắc mắc, thì tôi sẽ xem xét chất vấn vấn đề này trước Quốc hội".

Có nên công khai tên cha mẹ trong CMND? - 2

Mẫu mới mặt sau

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng không cần thiết phải "làm phức tạp thêm" việc cấp CMND khi đưa thêm tên cha, mẹ.

"Việc này phát sinh nhiều phiền toái cho người dân, như thế tự nhiên… cải cách lùi thủ tục hành chính. Trong trường hợp này, khi dư luận và công luận đã lên tiếng, thì Bộ Công an cần có lý giải về sự cần thiết của việc phải đưa tên cha, mẹ trên CMND. Đưa thêm thông tin này để nhằm mục đích gì? Mặt khác, Bộ Công an cũng cần có hình thức thăm dò dư luận để việc cấp CMND không chỉ thuận tiện cho quản lý mà còn đảm bảo tốt nhất quyền lợi của công dân" - ông nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi thì cho rằng đề tên cha, mẹ lên CMND là "không nên, không cần thiết".

"Điều này nhiều người có thể nhận ra vì nó liên quan đến yếu tố tâm lý, tình cảm, xã hội... Quan điểm cá nhân tôi là tấm thẻ của công dân nên không đổi nhưng chức năng của nó thì phải tăng lên. Tức là tấm thẻ này ngoài việc lưu giữ những thông tin của chính cá nhân đó để phục vụ các giao dịch hàng ngày của họ là điều quan trọng nhất; sau đó, nó phải lưu trữ được một số thông tin khác như khả năng lao động, mã số an sinh xã hội… để phục vụ công tác quản lý xã hội chung của các bộ, ngành..." - ông Lợi nhấn mạnh.

Lộ bí mật đời tư

Trả lời Cổng thông tin điện tử Chính phủ về vấn đề này, luật sư Trần Văn Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội) lại cho rằng, việc ghi họ tên cha, mẹ vào CMND sẽ có thuận lợi hơn cho việc chứng minh nhân thân của người mang CMND vì trên thực tế có rất nhiều người có trùng họ, tên, tên đệm; trùng ngày tháng năm sinh và nơi sinh. Tuy nhiên có hai đặc điểm khác biệt nổi bật của mỗi con người là dấu vân tay và họ tên bố, mẹ.

“Việc ghi thông tin cha, mẹ vào CMND còn có thể giúp thay thế cho Giấy khai sinh trong những trường hợp cần thiết như khai nhận di sản thừa kế, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, quyền khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế, đòi tài sản thừa kế do người khác chiếm giữ, thuê, mượn…”, Luật sư Toàn cho hay.

Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng, do CMND là loại giấy tờ dùng để giao dịch hành chính, giao dịch dân sự nhiều nơi, có khi phải cấp bản sao CMND cho đối tượng giao dịch nên việc ghi thông tin bố, mẹ trên CMND có thể làm tiết lộ những thông tin cá nhân, bí mật đời tư của người được cấp CMND và có thể bị lợi dụng vào mục đích trái pháp luật. Ngoài ra, có một số người là con ngoài hôn nhân, con của người phạm tội có thể sẽ mặc cảm với quá khứ cha mẹ, nguồn gốc, hoàn cảnh sinh thành.

Đồng quan điểm này, luật sư Hà Thị Thanh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hưng Yên cho rằng, việc đưa tên cha, mẹ vào CMND có thể gây ra nhiều bất cập dự đoán được như gây khó xử cho các cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt (ví dụ như con ngoài giá thú; con của ông bố, bà mẹ đơn thân; con có bố/mẹ có nhân thân đặc thù…), làm tăng nguy cơ chủ CMND bị lợi dụng thông tin.

Để tránh những bất cập phát sinh, luật sư Thanh đề xuất, với công nghệ thông tin và mã vạch mà CMND mới áp dụng, nên đưa tên cha mẹ vào trong dữ liệu lưu trữ, chỉ truy xuất khi cần thiết. "Quản lý thông tin, kiểm tra thông tin cá nhân dựa trên mã số, mã vạch của CMND, chứ không nhất thiết phải ghi tên cha, mẹ trên CMND".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thơ (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN