Có một "ông thần" bắt cá ở Cửa Tùng

Sự kiện: Thời sự

Chuyện khó tin nhưng có thật và rất thú vị ở khu phố Hòa Lý, thị trấn biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cụ Lê Văn Lẹt, thương binh hạng 4/4, với 71 năm tuổi đời thì có tới 57 năm gắn bó với nghề đi biển.

Điều đặc biệt, cụ chẳng mấy khi quan tâm tới việc hiện đại hóa tàu thuyền hoặc ngư lưới cụ đánh bắt. Hiện tại, cụ vẫn chỉ với chiếc thuyền thúng chèo tay và vài chục vàng lưới truyền thống. Song, kinh nghiệm biển cả của cụ thì chưa bao giờ lỗi thời, thậm chí lúc đánh bắt không hết còn có thể kêu thuyền bạn đến bán bớt cho vài đàn cá dưới… đáy biển!

Thằng bé tầm 8 tuổi, ở thị trấn biển Cửa Tùng mau mắn bảo với tôi: "Chú đi thẳng gặp ngã ba thì rẻ phải, đường vào nhà cụ Lẹt nằm đối diện tiệm internet, cách đó 7-10 nhà. Tới đó, chú cứ hỏi nhà "ông thần" bắt cá thì ai cũng biết!'.

Dưới trời mưa gió tầm tã (do áp thấp nhiệt đới), cụ Lẹt trong bộ quần áo mưa phủ kín tới mắt cá chân, trên vai trĩu nặng chiếc mái chèo, với một đầu gánh lưới, đầu kia treo lủng lẳng chiếc bao đựng đầy cá tôm, bước đi thoăn thoắt vào nhà. Trông cụ nhanh nhẹn, khỏe khoắn hơn nhiều so với cái tuổi 71 của mình!

Kinh nghiệm biển cả của cụ như một cuốn sách dày, cuốn hút người đọc, người nghe bởi những sự việc vừa quen vừa lạ! Quen ở chỗ nó tồn tại, diễn ra trong cuộc sống xung quanh ta hằng ngày. Lạ vì cái quen thường chứa đựng những điều mới mẻ, bổ ích nhưng chưa được con người chịu khó tìm tòi, khám phá, áp dụng vào hoàn cảnh thực tế một cách thông minh.

Có một "ông thần" bắt cá ở Cửa Tùng - 1

Cụ Lẹt, người bán cá dưới… đáy biển trở về sau một chuyến ra khơi.

"Ngày xưa việc đi biển chỉ có thuyền nan hoặc thuyền gỗ chèo tay, ngư cụ gồm dăm cái cần câu, vài vàng lưới được đan thủ công, mà không phải tàu thuyền lớn, ngư lưới cụ hiện đại như bây giờ. Đặc biệt, ngày đó không có máy định vị nhưng việc đi biển chưa bao giờ bị lạc đường, thậm chí một sải lưới thả xuống biển cũng chưa bao giờ bị mất. Tất cả đều nhờ vào sự sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm của những người lao động biển", cụ Lẹt chia sẻ.

"Khi ra biển, chúng tôi chỉ cần nhìn lên các dãy núi cao quen thuộc, tìm kiếm ở đó những hình trạng đã được mình quy định, mặc định sẵn trong suy nghĩ và quan niệm. Rồi từ những hình trạng này và bằng cách tính toán riêng, chúng tôi dễ dàng biết được mình đang ở vào vị trí nào, biển ở đó sâu bao nhiêu sải nước.

Chẳng hạn, khi nhìn lên núi Voi Mẹp (núi cao 1.762m so với mực nước biển, ở xã Hướng Linh, huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị) về phía bên trái thấy hình trạng là u bò, thì tìm cái cây ở phía dưới tương ứng với nó và rạn đá trên biển sao cho cả 3 hình trạng, vật thể này cùng nằm trên một đường thẳng.

Rạn đá nằm trên đường thẳng đó được quy định là chừng đưới (điểm dưới). Tương tự, nhìn về phía tay phải để xác định chừng côi (điểm trên). Theo đó, nối 3 điểm với nhau gồm chừng dưới, hình trạng phía bên phải trên núi Voi Mẹp và chừng côi, tạo thành một tam giác. Việc xác định vị trí thuyền bè của mình là căn cứ vào chừng đưới, chừng côi và kinh nghiệm đi biển khác liên quan. Ngoài ra, việc đầm lưới bao giờ cũng phải tiến hành trên cạnh đáy của tam giác nói trên. Ngư dân đầm lưới hôm trước, hôm sau đi cất nó chỉ cần xác định cạnh đáy của tam giác này mà không cần phải đánh dấu bất cứ thứ gì trên biển", cụ Lẹt lấy ví dụ, giải thích cho tôi được hiểu.

 Cụ có được kinh nghiệm này bắt đầu từ lúc nào? "Từ lúc mới 14 tuổi", cụ Lẹt bồi hồi nhớ lại: "Ngày đó ba tui bảo, người dân quê tui gắn bó từ nhiều đời nay với biển cả; mọi cái ăn, cái mặc rồi con chữ đều nhờ vào biển. Do đó, tui cần phải đi biển cho quen dần với sóng, gió. Lần đầu ra khơi, tui cảm giác đầu óc mình xoay tít như chong chóng. Rồi tui nôn thốc nôn tháo ra nước xanh nước vàng.

 Khi đặt được chân lên mặt đất còn bị say nhiều hơn. "Một say đất bằng ba say sóng", lúc đó tui mới biết! Đến lần thứ 3 thì tui mới hết say nhưng lúc đó cũng chỉ có thể ngồi tựa mạn thuyền nhìn mọi người đánh bắt cá. Đến những lần sau đó, tui mới có thể giúp đỡ được mọi người một số việc. Cùng với đó là việc học hỏi kinh nghiệm biển cả của họ, nhất là học từ ba tui".

Có một "ông thần" bắt cá ở Cửa Tùng - 2

Cảng cá Cửa Tùng luôn đầy ắp cá tôm.

Tôi hỏi cụ Lẹt, cụ đi biển miết từ đó đến bây giờ? Cụ trả lời: "Không hẳn thế!". Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chàng trai trẻ Lê Văn Lẹt đã tham gia vào lực lượng dân quân, du kích địa phương. Anh đã dũng cảm chiến đấu, phục vụ chiến đấu suốt ngày đêm bên bờ Bắc sông Bến Hải lịch sử, bị thương 2 lần vào năm 1968 và 1969. Từ trong khói lửa đạn bom, anh vinh dự được cấp trên kết nạp, đứng vào hàng ngủ của Đảng. Đến năm 1971 được biên chế vào đơn vị C13 thuộc Huyện đội Vĩnh Linh.

Vào cuối năm 1973, trước nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ, xây dựng đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, Huyện đội Vĩnh Linh đã tổ chức lựa chọn, bổ sung anh cho đơn vị Bộ đội đảo này. Bằng kinh nghiệm dạn dày với biển cả, anh đã nhanh chóng giúp đỡ, hiến kế cho đơn vị của mình vận chuyển thành công hàng trăm chuyến hàng, gồm lương thực, đạn dược, vật tư vật liệu ra xây dựng, bảo vệ đảo.

Sau ngày đất nước giải phóng, do bị thương nhiều lần, sức khỏe yếu, anh được Nhà nước và đơn vị cho phục viên. Rời tay súng, người lính ấy trở lại với tay chèo, tiếp tục sinh sống bằng nghề đi biển. Điều đáng nói, mọi người dân quê ông đều ngày càng thay đổi, hiện đại hóa dần tàu thuyền và phương tiện đánh bắt hải sản. Song riêng ông vẫn vậy, bao năm nay vẫn chỉ với chiếc thuyền thúng chèo tay, dăm cái cần câu và vài vàng lưới truyền thống.

Theo cụ Lẹt, việc đánh bắt hải sản trên biển còn phải có những kinh nghiệm đặc biệt quan trọng khác. "Cùng với việc nắm bắt, thuộc lòng đường đi lối lại trên biển, ngư dân còn phải quan sát kỹ từng con nước khác nhau, để phân tích, đánh giá chúng theo kinh nghiệm của riêng mình. Tùy vào khả năng, kinh nghiệm của từng người, theo đó hiệu quả đánh bắt hải sản của mỗi người đạt được là không giống nhau", cụ Lẹt chia sẻ.

Những năm qua, cụ Lẹt không chỉ đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao, mà đặc biệt còn bán lại những đàn cá… dưới đáy biển chưa đánh bắt hết hoặc với ngư cụ của mình không đủ điều kiện để đánh bắt cho các thuyền bạn. Nghe chuyện cứ nghĩ hoang đường nên tôi thắc mắc với cụ: "Sao chỉ với chiếc thuyền thúng chèo tay, dăm cái cần câu, vài vàng lưới truyền thống và kinh nghiệm lâu năm dạn dày của mình nhưng việc đánh bắt hiện nay không phải như ngày xưa nữa?".

Cụ Lẹt mỉm cười: "Đúng là như vậy! Bà con ngư dân hiện nay đa số đều có tàu thuyền lớn để vươn khơi. Cùng với đó là các loại phương tiện, thiết bị đánh bắt hiện đại. Như máy dò cá, gọi cá họ đều có cả. Tuy nhiên, phương tiện, máy móc không phải khi nào cũng hơn hẳn con người. Nhất là ở những vùng rạn loài cá tầng đáy sinh sống, các phương tiện, ngư cụ đánh bắt hiện đại đó thường khó phát hiện và đánh bắt chúng một cách hiệu quả".

"Việc bán cá… dưới đáy biển cũng chỉ thỉnh thoảng. Thường là những lúc sóng to, gió lớn, vì sức khỏe, phương tiện thuyền bè lạc hậu không cho phép mình tiếp tục, trong khi tàu thuyền lớn của các tỉnh bạn ngang qua, rất cần sự giúp đỡ về kinh nghiệm đánh bắt của ngư dân địa phương, nên tui mới chia sẻ thông tin đó cho họ. Bù lại, họ giúp đỡ trở lại cho mình ít tiền mặt hoặc ít cá tôm sau khi đánh bắt được ở đó.

Đối với bà con ngư dân địa phương, tui chia sẻ thông tin trên thường xuyên hơn. Bà con cũng giúp đỡ, chia sẻ lại cho tui nhiều thứ nhưng với việc cho tiền hoặc cá tôm của họ thì tui không bao giờ nhận. Cái nghề đi biển lênh đênh trên mặt sóng, sinh mạng con người lắm khi như bọt biển; mình vì vậy sống phải biết san sẻ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau thì cuộc sống mới đáng quý chứ không phải tiền bạc hay vật chất khác!", cụ Lẹt tâm sự.

Những ngư dân dạn dày kinh nghiệm với nghề đi biển, ở khu phố Hòa Lý như cụ Nguyễn Văn Hoài (70 tuổi), các ông Trương Văn Nghĩa (64 tuổi), Lê Văn Quốc (58 tuổi), Phạm Trung Hòa (61 tuổi)… đều khẳng định rằng, xưa nay ở làng, ở phố này, làm nghề biển không ai giỏi bằng cụ Lẹt. Việc cụ bán cá dưới… đáy biển là chuyện hoàn toàn có thật. Khi trực tiếp chứng kiến việc đó mới thấy hết sự thú vị của nó! Bà con bái phục biệt tài của cụ, còn ví cụ như "ông thần" bắt cá, bởi lẽ cụ không chỉ biết được mọi đường đi lối lại của các loài cá, mà còn chỉ cần thả cần câu xuống nước là còn có thể ước lượng được đàn cá ở phía dưới bao nhiêu tạ, tấn.

Ông Hoàng Đình Liên, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Trị kể lại một câu chuyện về việc bán cá dưới… đáy biển của cụ Lẹt. "Những năm trước, cụ Lẹt nhờ vào biệt tài quan sát, phân tích các con nước trên biển, đã phát hiện ra một "ngôi nhà" của các loài cá tầng đáy trên vùng biển Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh). Cụ vừa đánh bắt vừa chia sẻ thông tin cho bà con ngư dân cùng hưởng lợi. 

Duy nhất một lần, cụ thấy tàu thuyền tỉnh Quảng Nam đi đánh bắt về mà khoang tàu trống trơn nên quyết định chia sẻ họ một ít thông tin trên. Mặc dù thông tin này đã được cụ chọn lựa, cân nhắc kỹ càng, bởi lẽ đó chỉ là một vài đàn cá lúc chúng đã rời khỏi, đi khá xa "ngôi nhà" trên của chúng.

Nhưng rồi chủ con tàu nhờ sự giúp đỡ của cụ mà trúng đậm, đã ham hố quay lại khu vực này nhiều lần. Và, thật không may, ông này cuối cùng đã phát hiện ra được "ngôi nhà" cá kể trên, nên huy động các tàu thuyền khác cùng ở Quảng Nam dùng bộc phá để đánh bắt triệt để vào ban đêm. Từ đó, cụ Lẹt trở nên buồn bã và kín tiếng hơn. Hôm tôi về thăm cụ tháng 9 vừa rồi, nhắc lại chuyện cũ, cụ chỉ im lặng nhìn xa xăm ra phía biển…".

Nghe câu chuyện của ông Liên, tôi bỗng nhớ lời cụ Lẹt lúc chia tay: "Biển cả lúc hiền hòa nuôi sống ta bằng nhiều thứ. Nhưng lúc giận dữ, thét gào, biển lấy đi của ta không ít thứ vô giá của cuộc sống. Hãy luôn biết bảo vệ biển, giữ gìn biển khỏi sự tàn phá của con người, cũng là cách hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, biển cả gây ra".

Có lẽ, với những suy nghĩ đó mà hiện nay cụ Lẹt là người tiên phong, tích cực trong công việc bảo vệ môi trường biển, nhất là bảo vệ biển khỏi sự đánh bắt bằng thuốc nổ, xung điện và thiết bị máy móc khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống xung quanh chúng ta. 

Bí ẩn “thủy quái“ dưới đáy hồ chưa một lần cạn nước

Tọa lạc tại thung lũng núi Con Trâu (Vĩnh Phúc), với những ngách lớn xuyên qua các cánh rừng, hồ Xạ Hương càng trở nên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Thanh Bình (Cảnh sát toàn cầu)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN