Có một đội kèn đông kỷ lục ở Nam Định
Ở cái làng Phạm Pháo, xã Hải Minh, Hải Hậu thật lắm cái lạ. Đất làng nhìn từ trên cao giống hệt hình cỗ pháo khổng lồ, lại do dòng họ Phạm là những người đầu tiên đến khai sinh lập địa ở xứ biển này, thế là dân quanh vùng gọi tên đích danh làng Phạm Pháo. Nghệ nhân Nguyễn Duy Đông ở giữa làng và là một trong những người thợ làm kèn đầu tiên cho xứ đạo quanh vùng.
Nghe tiếng kèn khắp xóm ngõ trong xã Hải Minh mà thấy bối rối vì không biết đi ngả nào đến nhà nghệ nhân Nguyễn Duy Đông. Đến đâu cũng gặp nhà thờ và đều có ban nhạc kèn trống tấu lên những bản hành khúc. Nào là “Lên đàng”, “Làng tôi” hay “Việt Nam quê hương tôi”, “Biển hát chiều nay”...
Đội kèn nam và nữ ở Hải Minh.
Người thợ kèn kể chuyện
Tôi đang khấp khểnh trên đường làng thì nghệ nhân Nguyễn Duy Đông xuất hiện với nụ cười hồ hởi. Hóa ra ông cũng đi đón tôi. Nhưng ông lại cho biết người khai sinh ra nghề làm kèn ở đây phải kể đến cụ Biên ở xóm trên.
Câu chuyện kể đã trăm năm. Ấy là từ hồi 1908, làng Phạm Pháo có đội kèn tây đầu tiên, có nhiệm vụ tấu nhạc mỗi khi làm lễ hoặc những việc trọng đại diễn ra tại nhà thờ. Ngày ấy đội kèn chỉ có độ 8 chiếc kèn các loại. Mỗi khi hỏng hóc phải vác kèn ra thành phố Nam Định sửa, nếu bệnh nặng hơn nữa phải mất mấy ngày lên Hà Nội thay thế hoặc gia công chữa lại. Thế là đội kèn chịu chết đành chờ đợi.
Ông Đông nheo mắt nhớ lại, có lần lịch trình diễn của đội kèn sắp đến, họ phát hiện một chiếc kèn bị thủng miếng khá to vì nhiễm nước mặn gỉ ngoèn. Đội kèn buồn thiu vì nếu mang đi chữa lại mất cả tuần lễ. Lúc ấy anh cả Biên của đội nhạc quyết định về nhà lấy chiếc mâm đồng cắt béng một miếng tự vá lại bằng chiếc mỏ hàn tự chế.
Chiếc mâm đồng ngày ấy được coi là một tài sản chứ đâu có ít. Nhưng chiếc kèn đồng lại vang lên lảnh lót khắp làng. Đó là niềm vui lớn vì chính người làng mình có thể sửa được kèn tây. Chẳng phải mang đi đâu cả. Từ đó một xưởng sửa chữa kèn được hình thành ở Phạm Pháo. Nhiều đội kèn ở các nhà thờ quanh vùng Hải Hậu đều tìm đến mỗi khi có kèn bị hỏng.
Ông Đông hất mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ về phía sau rồi kể tiếp, chính ông cũng là một thợ học việc của cụ Biên cùng các con cháu và giờ đây mở cả xưởng làm kèn cho khắp nơi. Nhiều người ra vào cửa hàng ông tấp nập. Những chiếc kèn được chuyển lên gác sửa chữa và làm mới, phục vụ cho hơn chục đội kèn trong làng chuẩn bị tập, chào mừng ngày lễ Quốc khánh.
Bận tiếp tôi, nhưng ông Đông vẫn nhanh nhẹn kiểm tra kèn, thổi thử rồi phán bệnh để cho con cháu làm. Hỏi ra mới biết thợ làm kèn toàn con cháu ông cả. Vợ ông cũng là một người thẩm định âm sắc kèn rất diệu nghệ. Ông có tới mười người con đều mê cái nghề làm kèn tây. Tôi thật bất ngờ có một chàng trai gặp riêng ghé tai ông nói gì đó. Ông gật đầu cười, xin lỗi tôi bước vào phía sau nhà, cùng chàng trai trẻ tuổi có mái tóc bồng bềnh hệt ông.
Nghệ nhân Nguyễn Duy Đông trong phân xưởng chế tác kèn.
Tiếng gò đồng và tiếng vỗ loa đây đó râm ran trên đầu tôi. Vì ông Đông dành cả tầng hai làm xưởng chế tác kèn. Tôi mê mải ngắm những chiếc kèn trong tủ kính. Bất ngờ tiếng kèn trumpet vang lên da diết, ngọt ngào. Đó là giai điệu ca khúc “Một cõi đi về” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nghe như tiếng saxsophone của nghệ sĩ Trần Văn Tuấn đâu đó vọng về xứ biển này.
Tôi đã từng nghe anh biểu diễn, với dòng tự sự đầy triết lý của mình, trên sân khấu Hà Nội. Giai điệu thật mê ly: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về...”.
Bước chân tôi như mộng du đi theo tiếng nhạc ở phía trong. Thật không ngờ trước mắt tôi chính là nghệ nhân Nguyễn Duy Đông đang biểu diễn. Mái tóc dài xòa phủ kín gương mặt khắc khổ của người già. Tôi khoanh tay, lặng lẽ tựa vào cột nhà lắng nghe lời tự sự ngân vang của một người thợ, đích thị là nghệ sĩ miệt biển này. Giọng kèn như mơ vậy.
Những người thợ làm kèn có tiếng như ông Đông ở cái xứ này kể ra không phải ít. Trước hết đó là gia đình cụ Biên ba đời làm kèn. Ông Đông còn kể ra những cái tên thợ kèn nổi tiếng của làng như Nguyễn Văn Cường Nguyễn Văn Oánh. Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Hiện...
Cả xã hiện có tới 5 xưởng sửa chữa và làm kèn lớn. Ngoài ra gia đình nào cũng đều có thợ sẵn sàng xử lý những tình huống hỏng hóc nhẹ của hàng trăm chiếc kèn. Bởi làng có tới 800 cây kèn mà các nghệ sĩ biểu diễn đều là những nông dân chân lấm tay bùn. Cứ tối đến là các đội kèn của Hải Minh lại rộn rã tập luyện như vào hội vậy.
Nghe kèn cá nhảy
Nói ngỡ như đùa, nhưng ông Đông thật tình bộc bạch, chả đâu như các làng ở xứ đạo này. Suốt ngày lam lũ bên ruộng bên vườn, hoặc bươn bả ngoài đời, chợ búa chạy xe, vậy mà cứ tối đến cả làng cứ ỏm tỏi cả lên. Đâu đâu cũng vang lên tiếng kèn. Nhất là bọn trẻ. Ngoài những bản nhạc thánh lễ, nghiêm cẩn nồng ấm, thì chúng còn tập nhiều bài ca cách mạng.
Tính ra đội kèn nào trong xã cũng biểu diễn được những ca khúc quen thuộc như: “Chào bình minh thế kỷ”; “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”; “Mười chín tháng Tám”; “Xuân chiến khu”; “Làng tôi”; “Sơn nữ ca”... cả thảy tới 40 bài chứ không ít. Bài nào cũng vững vàng, nhịp phách đâu ra đó.
Nhiều gia đình đều cho con đi học kèn từ nhỏ và còn bỏ ra cả đống tiền mua kèn cho con. Hơn nữa những người làng làm ra kèn đẹp, âm sắc chuẩn mực không kém kèn nhập ngoại, giá lại rẻ hơn hẳn, nên cũng được ưa chuộng. Chính vì thế đội kèn ngày một phát triển. Nhiều cô cậu thi vào được nhạc viện đi học trên thành phố hay Hà Nội. Số đông còn lại đều tập luyện đi biểu diễn khắp nơi.
Cả xã Hải Minh có tới 12 đội kèn. Xóm nọ thi đua với xóm kia, mỗi đội có ít nhất cũng không dưới con số 50 cây kèn các loại. Khó nhất là kèn Công, to và nặng tới hơn 13 kg, giá tới hàng chục triệu đồng, vậy mà không đội nào không có. Vào ngày lễ hội, xã tập hợp toàn bộ tới 800 tay kèn.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Cường.
Nhìn toàn đoàn kèn xếp hàng ngỡ như nằm mơ vậy. Toàn những cây kèn vàng rực dưới ánh mặt trời đều tăm tắp. Đúng là có lần, khi người chỉ huy vung đũa lên, ngay từ nốt nhạc đầu tiên vang ầm như tiếng sấm làm đàn cá dưới ao hợp tác cùng nhảy lên bờ giãy đành đạch vì quá sợ hãi.
Tôi phì cười vì câu chuyện ngỡ như huyền thoại vậy. Ông Đông cười khoái trá. Mái tóc nghệ sĩ bay phất phơ trước cơn gió lùa qua cửa sổ. Nhìn ông như bay lên trong bản nhạc “Một cõi đi về”, mà cậu học trò ngồi tít trên sân thượng say sưa tập luyện, từng câu một chan chứa nỗi niềm.
Tôi sang tham quan xưởng làm kèn của gia đình ông Cường, con cả cụ Biên nổi tiếng ngày nào. Xưởng kèn của ông Cường lớn hơn tôi tưởng, vì nằm phía sau một cửa hàng gỗ của con trai ông, nhưng lại ngổn ngang, chất đầy hàng trăm chiếc kèn đang nằm chờ ra lò.
Nghe nói ông Cường là nghệ sĩ đích thực của đội kèn quân đội vào đầu thập niên 70. Mấy năm tập luyện dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ, NSND Đinh Ngọc Liên, tiếng kèn của nghệ sĩ Cường mỗi ngày một hay. Anh theo đoàn đi biểu diễn tại hàng trăm đơn vị quân đội và các mặt trận tiền phương. Vậy là từ một cây kèn nghiệp dư ở làng quê, chiến sĩ Nguyễn Văn Cường trở thành nghệ sĩ kèn thực sự tài năng, được biểu diễn ở những chương trình lễ lớn trên toàn quốc.
Chính vì thế, sau này nối nghiệp cha làm nghề sửa kèn, ông Cường có biệt tài chỉ nghe qua tiếng kèn là biết hỏng ở bộ phận nào, và nghĩ ra ngay cách chỉnh sửa cho tiếng kèn đúng âm sắc, kêu vang chuẩn mực. Ông Cường tâm sự, đúng là sau xuất ngũ, ông không thể chọn được nghề khác, vì tình yêu với những chiếc kèn mà cha ông truyền lại.
Tính đến nay, ông Cường ở tuổi ngoài 60 nhưng đã làm nghề sửa kèn tới hơn 40 năm. Ông bộc bạch, thực ra nối nghiệp gia đình để lại chỉ vì niềm say mê tiếng kèn và âm sắc huyền thoại của nó, chứ chỉ nếu tính kinh tế thì khó trụ nổi. Vậy mà ông cũng không ngờ được, con trai ông là Nguyễn Trung Kiên còn say mê hơn ông tưởng. Nó học nghề từ lúc nào không hay nữa.
Đi học nhạc và lại quay về làm kèn như bố. Đúng là “hổ phụ sinh hổ tử”. Ông Cường được niềm an ủi lớn và luôn được chia sẻ, mỗi khi cùng con hoàn thành một chiếc kèn theo đơn đặt hàng, hay cùng chơi một bản nhạc. Nó như một sự trả lời đầy ý nhị về chất lượng của chiếc kèn cho khách hàng.
Đúng lúc đó có người đến lấy chiếc kèn đặt ông làm lại bộ hơi. Đây là một chi tiết quan trọng nhất của mỗi chiếc kèn. Đó chính là bộ điều khiển nốt nhạc tạo nên âm sắc của kèn. Làm bộ hơi không dễ nếu không là người có trình độ thẩm âm tinh tế.
Điều may mắn, nghệ nhân Cường là người chơi kèn chuyên nghiệp, nên tai nghe rất chuẩn. Chế tác bộ hơi, bao giờ ông Cường cũng được coi là bậc thầy về độ thẩm âm. Dân làng vẫn gọi ông là “Vua kèn đồng” bởi lẽ đó. Người nhận hàng thổi kèn, kiểm tra bộ hơi một lúc bằng bài “Làng tôi” của Văn Cao rồi gật đầu lia lịa, vì tiếng trong trẻo và ngọt ngào của âm sắc vang lên.
Nhìn nụ cười rạng rỡ của ông Cường, tôi nhận ra niềm vui tràn lên đôi mắt ông, chứ không phải đồng tiền nhận được. Bởi đúng như ông nói, giá tiền chỉ vừa hòa vốn tiền mua đồng và công sức làm ra, không hề tính lãi. Vui là chính. Âm sắc và những giai điệu kèn vang vọng khắp nơi, đem lại sự hào hứng cho mọi người, chính là món lãi tinh thần cho người thợ làm kèn như ông.
Chiếc kèn lớn nhất thế giới
Có một cha xứ người Pháp khi sang đây phải thốt lên, các giáo xứ ở Nam Định có hai cái nhất thế giới, một là đội kèn đông nhất thế giới và chiếc kèn trumpet lớn nhất thế giới. Đội kèn Hải Minh gồm 800 người, đông nhất thế giới thì đúng rồi, bởi chả có xứ nào mê kèn đến như vậy.
Gần đây đi góp phần biểu diễn cho lễ ở thánh đường La Va, Quảng Trị, đội kèn Hải Minh cùng các đội kèn thuộc giáo xứ Bùi Chu góp lại cũng đến ngàn người, trong đó riêng Hải Minh có mặt phân nửa. Còn khi tôi hỏi đến chiếc kèn lớn nhất, hẳn là một kỷ lục ở giáo xứ Bùi Chu này, thì nghệ nhân Nguyễn Văn Cường gật đầu đồng tình kể vanh vách, đó là một công trình đáng tự hào của cả vùng.
Chiếc kèn này do tay thợ tài hoa Đinh Văn Mạnh ở Xuân Trường thiết kế và chỉ huy thi công. Với độ dài 5,5m, nặng tới 300 kg quả là kỳ công. Chiếc kèn ghi dấu kỷ lục trong nước từ năm 2005. Nguyên chiếc loa kèn cũng có đường kính 1,25m cùng với bộ hơi lớn hơn 0,6m đã làm nên một câu chuyển cổ tích thời nay.
Người đề xướng, giám mục Hoàng Văn Tiệm đặt hàng, đã làm khó cho những người thợ làm kèn. Bởi đối với cách làm thủ công, ở miệt giáo dân còn lạc hậu về công nghệ, khó có thể làm nổi. Nhưng hai cha con thợ kèn Đinh Văn Mạnh quyết tâm, đêm ngày nghĩ cho ra phương thức, đúc thân kèn và các tay ống kèn khổng lồ. Hãy tưởng tượng đây là chiếc kèn trumpet thông thường được phóng to lên hơn 500 lần.
Quả nhiên, nhiều sáng kiến được cánh thợ kèn khắp nơi trong vùng hội tụ và chọn lọc đã mở ra lối thoát. Kế sách hoàn chỉnh của nghệ nhân Đinh Văn Mạnh đã chắp cánh cho ước mơ bay cao.
Sua 4 tháng ròng, chiếc kèn khổng lồ ra đời đã làm giới làm kèn mừng khôn xiết. Hiện chiếc kèn được bày ở Tòa giám mục Bùi Chu, huyện Xuân Trường. Vậy là từ đây không có chuyện gì mà không làm được. Nghệ nhân Nguyễn Văn Cường vừa nói vừa chỉnh bộ hơi của một chiếc trumpet nhỏ.
Sau đó ông giương kèn lên thử âm sắc. Trầm ấm vang xa. Đó là chiếc kèn brass mơ màng nhất trong các loại kèn. Từng nốt, từng nốt như vẽ lên trời những áng mây trắng bay ngang qua biển nắng. Và, những đàn chim bay lượn quanh những con sóng trắng xóa vỗ bờ miên man, cùng tiếng kèn lảnh lót làm nên bài ca bất tận vượt sóng ra khơi.
Đình Tràng được gọi là “làng khổng lồ” do có rất nhiều người cao nổi trội.