Cô gái xương thủy tinh mơ ước thành sinh viên CNTT
Bị bệnh xương thủy tinh từ nhỏ nhưng Trần Thị Hải vẫn cố gắng học tập và nuôi mơ ước trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin.
Trần Thị Hải mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh nên việc di chuyển đều phải nhờ người thân hỗ trợ.
Trần Thị Hải (SN 1996, Kim Quang, Thạch Thất, Hà Nội) là một trong những thí sinh đặc biệt, có hoàn cảnh khó khăn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 tại Hà Nội. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, em thi tại điểm thi Trường Đại học Thương Mại thuộc cụm thi số 4 do Học viện Kỹ thuật quân sự chủ trì.
Chia sẻ với PV, Trần Thị Hải cho biết: “Em sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, bố em là người khuyết tật, sinh ra 6 anh chị em, trong đó có anh trai và em là bị bệnh xương thủy tinh. Ngoài ra, trong nhà còn có chú cũng nằm liệt giường không thể đi lại được từ nhỏ. Nhà em có 9 người thì có đến 4 người khuyết tật”.
Hải mơ ước trở thành kỹ sư Công nghệ thông tin để tạo ra phần mềm có ích cho cộng đồng.
Khi Hải còn bé, bố mẹ không biết em bị bệnh xương thủy tinh, cứ mỗi lần em bị đau, gãy tay chân là lại đưa em đi bó thuốc của các thầy lang ở làng. "Đến năm em 14 tuổi, trong 1 lần khám bệnh em mới được biết mình bị bệnh xương thủy tinh”, Hải nói.
Tuy sinh ra với căn bệnh xương thủy tinh nhưng Hải luôn cố gắng học tập theo mong muốn của bố là dù con có yếu, có hèn thì cũng phải có một nghề nghiệp ổn định để lo cho cuộc sống sau này. Do đó, Hải đã được bố mẹ cho đi học muộn 2 năm để cùng đi học với em gái.
“Căn bệnh của em không vận động mạnh và đi lại được nên ngay từ mẫu giáo, em gái em đã luôn bên em, giúp em di chuyển cũng như các công việc thường ngày trong cuộc sống. Đợt thi THPT Quốc gia 2016 này, hai chị em cũng thi cùng điểm thi, chỉ cách nhau 2 phòng nên em được hỗ trợ rất nhiều trong việc đi lại” – Hải tâm sự.
Trần Thị Hà, người em gái luôn bên chị bị bệnh xương thủy tinh đang bế chị ra xe đi thi (Sáng 2.7)
Thành viên của CLB honda 67 Hà Nội tình nguyện làm xe ôm đưa đón hai chị em Hải miễn phí.
Trong kỳ thi năm nay, ngoài đăng ký thi tốt nghiệp, Hải đăng ký thi thêm môn Lý và Hóa để có thể nộp hồ sơ vào Khoa Công nghệ thông tin của Đại học Bách Khoa Hà Nội hoặc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, nơi anh trai đang học.
Giải thích về lựa chọn của mình Hải cho hay: “Em chọn CNTT và mơ ước làm ra một phần mềm nào đó được mọi người công nhận. Mặt khác, ngành này phù hợp với bản thân em, với sức khoẻ, khả năng di chuyển, đi lại của em. Trường Bách Khoa là vì môi trường đào tạo tốt, sau này ra trường em sẽ có khả năng xin việc dễ hơn”.