Cô gái treo biển "cấm đi thẳng" gây tranh cãi
Một cô gái trẻ đã không chịu nổi cảnh người tham gia giao thông dừng đỗ sai làn gây ách tắc giao thông đã quyết định làm những tấm biển cấm bằng giấy tại các ngã tư để kêu gọi người dân thực hiện đúng luật.
Tấm biển này đang gây tranh cãi trên Facebook này nhằm mục đích nhắc nhở những người đi đường không đỗ ở làn đường dành cho những người rẽ phải. Hình thức thể hiện ghi rõ là cấm. Người cho rằng, đây là điều cần thiết để đánh thức ý thức tuân thủ luật pháp khi tham gia giao thông của nhiều người. Tuy nhiên, có người cho rằng đó là việc của các cơ quan chức năng... việc của Nhà nước, nhóm này đã “rỗi hơi”, bao đồng.... Điều này đang khiến cho dư luận quan tâm hơn đến hành động của “cô gái treo biển cấm đi thẳng”- có nick name Facebook là Nguyệt Hà, sinh năm 1990.
Tấm biển "cấm đi thẳng" gây tranh cãi trên Facebook
Dưới đây là cuộc đối thoại giữa Phóng viên Infonet và Nguyệt Hà:
Lý do nào khiến chị bỏ công làm việc “bao đồng”, rảnh rỗi như vậy?
Trước kia, tôi đi đường cũng ít để ý đến chi tiết dừng đèn đỏ đúng làn đường. Có một, hai lần tôi đứng sai vị trí và được bấm còi nhắc nhở. Nhưng tôi vẫn chưa có cảm giác cho đến khi chính tôi phải trải nghiệm điều đó, tôi mới thấu hiểu việc tùy tiện như thế có ảnh hưởng như nào đến xã hội. Khi mà đáng ra mình được quyền đi tiếp để rẽ thì lại phải đứng đợi cùng các bạn đi thẳng, rồi đến lúc rẽ sang được làn phải thì lại chờ tiếp mấy chục giây đáng ra đã là xanh nếu mình được lưu thông thuận tiện.
Mặt khác,việc đứng chặn lối rẽ phải sẽ khiến dòng đường bị tắc lại nếu cứ bị dồn ứ theo kiểu không nhường nhau. Thực ra, theo luật cái này không phải là nhường, cái đó là quyền của người rẽ phải, người đi thẳng phải có nghĩa vụ tuân thủ việc đứng đúng làn để không xâm phạm quyền kia.
Từ đó biết cảm giác của những người bị lấn làn, tôi tự nhủ bản thân không bao giờ gây ảnh hưởng tới người khác dù là việc nhỏ thế này.
Đấy mới chỉ là rút bài học cho bản thân, còn vì sao chị lại có hành động treo biển nhắc nhở người khác?
Khi tôi đi đường và quan sát, thấy rất nhiều người vẫn vô tư đứng vào phần đường của người khác lúc đợi đèn đỏ ở ngã tư. Như vậy họ đang đánh cắp làn đường không thuộc về họ, đánh cắp thời gian của người tham gia giao thông khác. Điều này là vấn đề chung nằm trong chuỗi vấn đề gây ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hiện nay.
Ngã tư nào tôi cũng thấy mọi người đứng tự nhiên thoải mái như không hề biết đó là việc vi phạm luật giao thông, việc đó ảnh hưởng đến người khác. Đôi khi gây ức chế cho những người muốn rẽ phải tại làn đường của mình mà có lẽ họ cũng không biết.
Vấn đề đặt ra là họ vô tâm không để ý, không biết luật hay cố tình lấn lên đó để nhanh vài chục giây khi đèn xanh bật sáng. Làm thế nào để bỏ được thói quen "điền vào chỗ trống" ở bất cứ chỗ nào của người tham gia giao thông. Tôi đã nghĩ là cần phải có 1 cảnh báo – “Cấm đi thẳng, chỉ rẽ phải” cho người chưa hiểu luật, và 1 câu "bạn đang đánh cắp thời gian và đường của người khác" cho những người cần được cảnh tỉnh về ý thức cộng đồng khi tham gia giao thông.
Tình trạng đỗ lấn đường vẫn phổ biến ở các ngã tư
Chị đã thực hiện ý tưởng này như thế nào?
Có ý tưởng, tôi kêu gọi bạn bè tham gia trên Facebook cá nhân, nhưng không nhiều bạn phản hồi lắm. Một số bạn góp ý về ý tưởng slogan, một số bạn động viên làm tới đi.
Đến gần sát giờ thì có 1 cô bạn và 3 bạn sinh viên năm thứ nhất thấy việc làm này là cần thiết đã tới làm cùng tôi.
Tiếp theo nhóm chị sẽ làm thế nào để mọi người biết hơn?
Sau khi treo ở một vài ngã tư để thử nghiệm và quan sát thì nhận thấy là biển hơi bé nên ít được chú ý, tôi và nhóm đã quyết định không treo hết 20 cái đã chuẩn bị mà nghĩ phương án làm to hơn hoặc quay video để viral trên mạng sẽ có hiệu quả hơn.
Ý tưởng tiếp theo này đang được làm nội dung và sắp xếp chuẩn bị. Chỉ hi vọng những việc nhỏ có thể thay đổi thói quen chung, làm mọi người tham gia giao thông biết quan tâm tới pháp luật và những người khác hơn.
Tấm biển quá nhỏ so với những mong muốn vượt lên người khác mà "cướp đi quyền được rẽ phải của nhiều người"
Chị nghĩ sao khi, trước đây Hà Nội dùng giải pháp kỹ thuật không cho đi thẳng tại một số ngã tư?
Có một vài phương án giao thông như chặn đi thẳng tại một số ngã tư, mà yêu cầu phải rẽ phải và vòng đường kiểu như thế đúng là tình thế, và hẳn là nó không thuận tiện nên đã không được áp dụng nhiều thay cho đèn xanh đèn đỏ.
Theo tôi thì việc chặn gây mất thời gian trong di chuyển của nhiều người, vì thường làn thẳng là làn chính. Thế nên chẳng thể cứ thấy vi phạm nhiều, ý thức kém là lại xuất hiện các phương án ngắn hạn ngăn chặn như thế, tốn kém thời gian và tiền bạc. Cái quan trọng là khi mọi người tham gia có ý thức, tất cả chúng ta sẽ đều được hưởng lợi.
Vậy, có thể nói, thông điệp của việc làm “treo biển cấm đi thẳng" của nhóm chị là gì?
Nếu đặt mình vào hoàn cảnh những người đang bấm còi sau lưng “đòi” phần đường của mình, các bạn sẽ hiểu cảm giác bị người đi sai luật đánh cắp thời gian, cơ hội, bạn sẻ hiểu cần phải làm gì mỗi khi dừng lại ngã tư đường có đường dành riêng cho người rẽ phải. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh người khác và hy sinh tự do cá nhân cho cộng đồng, khi ấy mọi người sẽ có tự do lớn nhất.
Đó là mong muốn của chúng tôi khi làm việc này.
Cảm ơn chị! Chúc ý tưởng của nhóm chị sẽ thành công, làm thay đổi nhận thức nhiều người!