Cô gái Mỹ gốc Việt chiến đấu cùng tử thần Ebola

Nina Phạm bị nhiễm Ebola sau khi chăm sóc cho một bệnh nhân vừa qua đời vì virus tử thần này.

Hồi cuối tuần trước, nhà chức trách Mỹ xác nhận trường hợp người Mỹ đầu tiên nhiễm virus tử thần Ebola trên lãnh thổ nước này là một nữ y tá từng chăm sóc cho một bệnh nhân Liberia qua đời tại bệnh viện Dallas vì bị nhiễm Ebola.

Cô gái Mỹ gốc Việt chiến đấu cùng tử thần Ebola - 1

Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm bị chẩn đoán nhiễm Ebola tại bệnh viện

Nữ y tá đó chính là Nina Phạm, cô gái người Mỹ gốc Việt được xác nhận dương tính với virus Ebola và hiện đang phải chống chọi với tử thần trong khu cách ly nghiêm ngặt của bệnh viện.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) cho hay Nina Phạm là bệnh nhân đầu tiên nhiễm Ebola trên đất Mỹ, và đây là hậu quả của một “vi phạm quy trình” chưa được xác định trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Thomas Duncan, người đến Mỹ từ Liberia và qua đời tại đây vì Ebola.

Tuy nhiên, giám đốc CDC Tom Frieden nói rõ rằng ông không hề đổ lỗi cho nữ y tá Nina Phạm về sự cố này, và “cô ấy là một người dũng cảm đã mạo hiểm mạng sống để làm việc tốt cho xã hội, và giờ đây cô ấy đang mắc bệnh”.

Lớn lên trong một gia đình gốc Việt ở Fort Worth , cô gái 26 tuổi Nina Phạm tốt nghiệp chương trình đào tạo y tá tại Đại học Texas Christian. Đây là chương trình đào tạo để giúp các y tá thực hiện vai trò cầu nối giữa bác sĩ, bệnh nhân với các thành viên khác của nhóm chăm sóc y tế. Tuy nhiên, chương trình đào tạo này không chú trọng vào công việc xử lý các bệnh dịch lây nhiễm nguy hiểm.

Cô gái Mỹ gốc Việt chiến đấu cùng tử thần Ebola - 2

Căn nhà của Nina bị phong tỏa và khử trùng

Nina vừa mới nhận chứng chỉ y tá vào ngày 1/8 vừa rồi, chỉ hai tuần trước khi bệnh nhân Duncan được chuyển đến bệnh viện Giáo hội Trưởng lão Texas trong tình trạng ốm nặng vì Ebola. Ông Duncan qua đời hồi tuần trước.

Hiện người ta vẫn chưa biết Nina có vai trò gì trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Duncan, tuy nhiên chứng chỉ y tá của cô đòi hỏi cô phải túc trực ít nhất 44 tuần bên giường một bệnh nhân ốm nặng dưới sự theo dõi của một giám sát viên.

Nina hiện sống trong một căn hộ ở Dallas. Bạn bè kể về cô như một nữ y tá đầy yêu thương, tận tâm và ân cần chăm sóc mọi người. Tom Ha, một người quen của Nina nói: “Cô là những người tận tụy và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Tôi cho rằng với trái tim lớn lao đó, cô ấy đã làm hơn cả sức mình để săn sóc người bệnh”.

Nina cũng là một người có khiếu hài hước, và điều đó được thể hiện trong những lời bông đùa về nghề nghiệp của mình. Cô từng viết: “Nếu ngày nào đó tôi bị ngất tại nơi làm việc, sau đây là danh sách những bác sĩ mà tôi không muốn họ động vào người”, kèm dòng chữ “Chuyện thật” ở ngay bên dưới.

Cô gái Mỹ gốc Việt chiến đấu cùng tử thần Ebola - 3

Nina Phạm và chú chó cưng của mình

Các quan chức y tế Mỹ cho biết tình trạng sức khỏe của Nina hiện vẫn đang ổn định tại bệnh viện. Chú chó cưng của Nina cũng đang được chăm sóc đặc biệt, và sẽ không bị tiêu hủy giống như chú chó xấu số của nữ y tá người Tây Ban Nha bị nhiễm Ebola.

Nina Phạm vừa được điều trị bằng phương pháp truyền máu của bác sĩ Kent Brantly, người đã sống sót sau quá trình chiến đấu với tử thần Ebola. Các bác sĩ hy vọng những kháng thể trong máu của Brantly sẽ giúp Nina vượt qua được thử thách này.

Đây là lần thứ 3 bác sĩ Brantly hiến máu cho các nạn nhân nhiễm Ebola, sau khi các nhân viên y tế phát hiện ra rằng ông có cùng nhóm máu với 2 bệnh nhân trước đây là Nick Sacra và phóng viên Ashoka Mukpo, những người hiện vẫn đang điều trị Ebola.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo NBC) ([Tên nguồn])
Dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN