Cô gái mang hàng nghìn khối u suốt hơn 30 năm
Hơn 30 năm sống chung với thân hình yếu ớt và hàng nghìn khối u lớn nhỏ mọc khắp cơ thể, chị Vương Thị Bàng chẳng dám đi đâu ra khỏi nhà. Chị sống thu mình khép kín và luôn mang trong mình nỗi mặc cảm nặng nề. “Đến bây giờ, tôi chỉ mong sao hột hạt trong người đừng mọc ra nữa, có sức để phơi hột lúa, phơi rơm rạ và có thể nấu cơm đỡ đần cho bố mẹ", chị nói.
Rời căn nhà của chị trong cơn mưa xối xả, tôi cũng cầu mong các bác sỹ, các tổ chức từ thiện giúp điều ước của chị thành hiện thực.
Làng ven đê Phong Phú, xã Hưng Hòa (TP. Vinh, Nghệ An) mang vẻ buồn ảm đạm của ngày mưa bão. Ngôi nhà của chị Vương Thị Bàng (SN 1970) nằm khuất sau con đường đất chạy quanh co, chẳng có cổng ngõ. Khi chúng tôi đến, chị đang lui cui sau giếng nước băm rau cho vịt ăn: “Mẹ đi chợ rồi, mình ở nhà dọn dẹp, rồi đến bữa nấu cơm”.
Hơn 30 năm qua, chị Bàng chỉ quanh quẩn ở nhà với chừng ấy công việc, chẳng dám đi đâu xa vì sức khỏe yếu, và vì thân hình dị dạng, mọc ra hàng nghìn khối u lớn nhỏ khiến người lạ nhìn vào ai cũng hoảng sợ. Dẫn chúng tôi vào nhà, chị kể: “Mẹ tôi kể lại, hồi mới sinh ra tôi chỉ nặng có 1,5kg, nhỏ tý xíu, tưởng không nuôi nổi. Cả nhà ai cũng thương tôi yếu ớt, xúm vào chăm sóc, nuôi nấng, nên tôi mới sống được. Nhưng mãi tôi vẫn không biết đi. Các anh chị lại thay nhau bồng bế, đi đâu cũng cõng em theo trên lưng. Cho đến tận năm 8 tuổi tôi mới tập chững, 10 tuổi mới biết đi”.
Tưởng rằng, từ đây, cuộc sống của cô bé yếu ớt sẽ thay đổi, nhưng lúc này, những nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn mới thực sự bắt đầu. Biết đi chưa được bao lâu, đến năm 13 tuổi, bố mẹ Bàng phát hiện ra phía sau lưng con gái mọc lên một khối u lạ, to bằng nắm tay. Rồi sau đó, trên người cô bé liên tiếp mọc thêm những khối u khác khiến cơ thể trở nên dị dạng. Nhìn con như vậy, bố mẹ Bàng như đứt từng khúc ruột. Vay mượn cùng số tiền gom góp được, ông bà đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Nghệ An và một số nơi khác trong thành phố Vinh để khám chữa bệnh. Nhưng các bác sĩ đều lắc đầu bó tay, chẳng biết nguyên nhân do đâu và không thể chữa trị được, chỉ có thể chẩn đoán là bệnh lạ do nội tiết. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đưa đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện trung ương ngoài Hà Nội, cô gái đành sống chung với căn bệnh quái ác từ đó tới giờ.
Bệnh lạ của chị Bàng
Quãng thời gian đầu biết tin bệnh mình không thể nào chữa khỏi được, chị Vương Thị Bàng vô cùng suy sụp. Mỗi lần tự nhìn mình trong gương, là mỗi lần tự khiếp sợ và cay đắng cho số phận. Sau đó là cả chuỗi ngày chiến đấu với nỗi tuyệt vọng để tiếp tục sống. May mắn cho Bàng là vẫn có một quãng thời gian đi học, được đến trường để biết đọc, biết viết. “Tôi được đi học là nhờ ơn của cô giáo Dương Thị Xuyến ở gần nhà tôi, nhưng cô giáo ấy đã mất rồi. Ngày bé, người yếu ớt, lại mắc bệnh nổi u khắp người, ai cũng xa lánh nhưng cô rất thương tôi. Cô đến nhà, bàn với bố mẹ cho tôi đi học, để cho cháu biết cái chữ. Vậy là năm 12 tuổi thì tôi bắt đầu đi học lớp 1. Cô kèm cặp, đưa đi đưa về. Học được đến lớp 4 thì tôi nghỉ học vì quá xấu hổ khi thấy các khối u ngày càng mọc nhiều hơn, chị Bàng rơm rớm nước mắt kể.
Dù không nói, nhưng tôi biết, đó là vì tủi thân và nỗi mặc cảm quá lớn, do sự trêu chọc và xa lánh của bạn bè, người xung quanh, mà càng lớn, càng hiểu biết, càng có nhiều ước mơ, khát vọng thì lại càng nhận ra sự thua thiệt của chính mình. Từ đó, Vương Thị Bàng sống càng khép kín hơn, không dám tiếp xúc với ai ngoài bố mẹ và các anh chị em trong nhà. Nhiều lúc, chị cũng muốn được đi đâu đó, ra khỏi mảnh đất Hưng Hoa để cho biết đó biết đây, nhưng nhìn lại mình, nhìn lại hoàn cảnh gia đình khó khăn, chật vật với từng bữa ăn, chị không dám nghĩ tiếp nữa. Lần đi xa nhà nhất chính là lần bố đưa đi khám bệnh ở thành phố Vinh, và chứng kiến những ánh mắt kinh sợ, chỉ trỏ của bao nhiêu người…
Dù mang trong mình căn bệnh lạ nhưng chị vẫn cố gắng đỡ đần bố mẹ công việc nhà
Giờ đây, các anh chị em lập gia đình, ra ở riêng, chỉ còn mình Bàng sống với bố mẹ. Cuộc sống hết sức khó khăn, mỗi tháng chị được trợ cấp 180 nghìn đồng theo chế độ 202 (dành cho người khuyết tật). Bố mẹ chị Bàng - ông Vương Đình Trọng và bà Dương Thị Lân tuổi đã cao, sức khỏe vẫn phải đi làm để nuôi con. Ông đi phụ hồ, còn bà chạy chợ từng bữa, mỗi lần nhìn đứa con gái với thân thể yếu ớt, dị dạng, ông bà không khỏi đau xót: “còn sức thì còn cố gắng làm, nghĩ tủi thân mà thương con, sau ni khi chúng tôi chết rồi không biết cuộc sống cháu nó sẽ ra sao?, ông Trọng ngậm ngùi khi nói chuyện về đứa con đáng thương của mình.
Hiện giờ, những khối u không gây đau đớn, nhưng chị Bàng cho biết do bị đau thần kinh nên đêm nằm cứ giật giật khắp người, không ngủ được. Nói thế nhưng chị vẫn phải làm việc luôn tay luôn chân. Nhìn chị xách xô cám cho gà ăn, bước chân đi thoăn thoắt mà không khỏi ngạc nhiên, nhưng chị nói: “Phải đi như rứa thì mới đỡ đau, chứ đi chậm dây thần kinh hắn giật đau nhức lắm. Tủi thân, mặc cảm mấy chục năm cũng quen rồi. Trách số phận mình sao sinh ra không được như người bình thường mà lại dị dạng, u cục nổi đầy người, nhưng may mắn là tôi vẫn mình mẫn, biết suy nghĩ mọi chuyện. Thương bố mẹ lắm, nên ở nhà có việc chi là làm hết: chăm rau, chăm gà, vịt, quét dọn, nấu cơm cho bố mẹ về là được ăn rồi, vừa cho khuây khỏa, giúp được bố mẹ được ngày nào hay ngày ấy. Chỉ có không đi ra khỏi nhà được thôi”.
Khi hỏi uớc mong lớn nhất của chị là gì, chị “chỉ mong sao hột hạt trong người đừng mọc ra nữa, có sức để phơi hột ló (lúa), phơi rơm, chăm con gà con vịt, đến bữa lại nấu bữa cơm cho bố mẹ”… Nhắc đến việc nếu được đi Hà Nội khám bệnh, chị chỉ cười trừ và im lặng. Cái im lặng vì không dám tin vào phép màu có thể làm biến mất những khối u dày đặc hay vì mong mỏi quá lớn không biết nói ra như thế nào. Rời căn nhà của chị trong cơn mưa xối xả, tôi cũng cầu mong các bác sỹ, các tổ chức từ thiện giúp điều ước của chị thành hiện thực.