Cô gái bị lôi kéo, đưa lên ô tô ở Sa Pa: Gia đình đã sang “nhà trai” đưa con về

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa (Lào Cai), gia đình cô gái đã đến “nhà trai” xin đưa cô gái về vì chưa đủ tuổi kết hôn. Cô gái bị “bắt về làm vợ” cũng chưa thích chàng trai và có mong muốn về nhà.

Chiều 10/2, bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho biết, đơn vị đã nắm được nội dung clip lan truyền trên mạng xã hội về việc cô gái bị nhóm thanh niên lôi kéo, đưa lên xe ô tô.

Theo bà Vượng, sau khi nắm được thông tin đơn vị đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh sự việc trên. Qua xác minh được biết, sự việc xảy ra vào Mùng 4 Tết, cô gái bị lôi kéo là H.T.M. (SN 2006, ở thị xã Sa Pa). Còn nam thanh niên “kéo vợ” là G.A.T. (SN 2004, ở thị xã Sa Pa). Sau khi cô gái bị kéo sang "nhà trai", bố mẹ của M. đã đến xin đưa về vì cô gái này chưa đủ tuổi kết hôn. Ngay hôm sau, gia đình nhà trai đã đồng ý để cô gái về nhà. Cô gái bị “bắt về làm vợ” cũng chưa thích chàng trai và có mong muốn về nhà.

“Cô gái và chàng trai chỉ biết nhau thôi, cô bé này xinh xắn còn chàng trai kia đi chơi xuân thấy thích nên kéo về chứ không có quan hệ yêu đương. Hành động của chàng trai là bột phát, tự kéo cô gái về chứ không nằm trong ý định của cả hai bên”, bà Vượng nói.

Cô gái bị nhóm thanh niên đưa lên xe taxi về nhà.

Cô gái bị nhóm thanh niên đưa lên xe taxi về nhà.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa cho biết, hằng năm theo phong tục của người Mông, các chàng trai có tục đi "bắt vợ". Tuy nhiên, tục lệ này là cả nam và nữ đã yêu nhau, phải đồng ý và được sự đồng ý của gia đình 2 bên mới có việc “bắt vợ”.

“Ý nghĩa sâu xa của việc bắt vợ là thể hiện giá trị của người con gái. Người đàn ông phải trải qua nhiều chông gai mới có thể có được người con gái họ muốn. Tuy nhiên, hiện nay một số thanh niên lại biến tướng, lợi dụng tục lệ nên mới dẫn đến tình trạng bắt ép”, bà Vượng thông tin.

Bà Vượng cho hay, tục lệ “bắt vợ” chỉ là kéo để lấy lệ thôi. Trước khi “bắt vợ” nhà trai mời một nhóm bạn đến gia đình ăn cơm, thống nhất về kế hoạch kéo như thế nào, để mọi người biết trước. Còn trường hợp của nam thanh niên trên là do bột phát, đi chơi xuân thấy thích bạn gái nên kéo về dẫn đến phản cảm.

Ngoài ra, bà Vượng cũng thông tin thêm, hằng năm Phòng Văn hoá và Thông tin cũng như UBND thị xã Sa Pa đều tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, do phong tục "bắt vợ" là truyền thống lâu đời của dân tộc Mông nên những việc xảy ra bột phát đơn vị không kiểm soát hết được.

Trước đó, trên mạng xã hội Faceook lan truyền một clip ghi lại cảnh một nhóm thanh niên lôi kéo, giằng co với một cô gái và đưa lên xe ô tô.

Clip cho thấy, một nhóm nam thanh niên kéo lê một cô gái giữa đường. Người túm chân, người túm tay cô gái để lôi đi mặc cho cô gái gào khóc, giãy giụa để phản kháng lại. Thậm chí cô gái còn bám chặt lấy người đi cùng, nhưng do sức lực có hạn nên cô đã nhanh chóng bị nhóm thanh niên tách ra và đưa lên xe.

Nguồn: [Link nguồn]

Thanh niên ”bắt vợ” chưa hiểu biết về phong tục, tập quán của dân tộc mình

Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang cho biết đây chỉ là một hành động tự phát của một thiếu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN