Cô gái 150kg thoát bão COVID-19 trong gang tấc

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Cách đây 4 năm, khi trọng lượng cơ thể ở ngưỡng 124kg, Hoàng Tố Linh tham gia một game show trên truyền hình với cân nặng "khủng" nhất dàn thí sinh nữ. Bằng tất cả nỗ lực và lòng quyết tâm, đã có thời điểm Linh bứt phá xuất sắc để trở thành thí sinh giảm được nhiều cân nhất và đã lọt top 8 cuộc thi.

Còn hiện tại, ở mức 150kg, Linh vừa trải qua những ngày thập tử nhất sinh vì nhiễm COVID-19. Và lần này, khi cái chết đã cận kề, chính tinh thần sống mãnh liệt đã giúp Linh ngoạn mục vượt qua cửa tử…

Hứng bão

Linh sinh năm 1990, nhà ở phường 10, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. Khi bão COVID-19 tràn tới và ngày càng nặng nề, Linh luôn lo sợ mình sẽ nhiễm bệnh. Má Linh là y tá xông pha hỗ trợ việc tiêm vaccine cho phường 9. Nhưng với con gái mình thì bà biết việc tiêm vaccine không hề đơn giản, bởi với cân nặng 150kg, Linh thuộc nhóm trì hoãn tiêm vaccine vì béo phì cấp độ 2.

Ngày 9-8, Linh bắt đầu sốt, người lạnh run lên. Tự mua bộ kit test COVID-19 về xét nghiệm, kết quả cô và má đều dương tính. Điều Linh lo lắng đã xảy ra. Ở thời điểm đó, má và hai em trai của Linh đã tiêm một mũi vaccine được ba tuần, ba Linh mới tiêm hai ngày trước. Vì thế, Linh và má tự cách ly trong phòng.

Hoàng Tố Linh thời điểm đang điều trị COVID-19 và sau khi ra viện.

Hoàng Tố Linh thời điểm đang điều trị COVID-19 và sau khi ra viện.

"Má em không có nhiều triệu chứng, nhưng em vừa ho, tức ngực và khó thở tột độ, người mệt rũ, mất hoàn toàn khứu giác, không còn thiết ăn uống gì. Chị có hiểu được cảm giác sợ hãi đến tột cùng khi xe cấp cứu chở em đến 5 bệnh viện đều phải vòng ra vì đã quá tải. Niềm hy vọng được nhập viện - nơi bấu víu cuối cùng cứ trôi tuột đi, má đành đưa em trở về nhà", Linh thốt lên với tôi, giọng đầy ám ảnh.

"Đến ngày thứ 5 thì em bắt đầu mê sảng. Cả nhà ùa vô, cuống quýt lo cho em, khi đó đâu còn nghĩ đến khoảng cách nữa. Có lẽ chính giây phút đó đã khiến ba và hai em trai  nhiễm bệnh". Ngày thứ 6, Linh rất khó thở, không thể nói được nữa, cả nhà đều nghĩ cô không qua khỏi. Chính Linh cũng nghĩ cuộc sống của mình kết thúc ở tuổi 30. Bằng tất cả sức lực, Linh livestream cầu cứu trên Facebook, biết đâu có người giúp cô. Thật may, một người bạn đã giúp cô được vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh điều trị.

Trước tình trạng nặng của Linh, các bác sĩ phải truyền kháng sinh và cho cô thở oxy mũi, rồi nhanh chóng chuyển qua oxy chụp, và cuối cùng là chuyển sang thở máy. Lượng oxy từ máy thở xộc lên não khiến Linh choáng váng, tưởng chừng không thể chịu đựng nổi. Nhưng Linh vẫn ý thức được rằng cô không còn đường lùi, vì nếu không thở máy được sẽ phải đặt nội khí quản, khi đó sẽ càng tồi tệ.

Linh từng sợ thở hơn cả cái chết. Lúc ở nhà, khi không thở nổi nữa, người như đang chìm nghỉm xuống đáy nước sâu, Linh muốn buông xuôi, muốn chết thật nhanh để không phải thở nữa. Nhưng khi vào viện, khi một mình trải qua những phút giây nghiệt ngã, khi đã kiên trì thở được từng chút một, thì lòng ham sống lại trỗi dậy mạnh mẽ. 7 ngày thở máy, cuộc sống của Linh nhờ cả vào các bác sĩ và điều dưỡng. Bấu víu vào từng lời động viên, Linh nuốt từng thìa cháo để có chút sức lực. 7 ngày bất động tại chỗ, không có loại tã bỉm nào vừa với Linh, nên các điều dưỡng chỉ lót tã ở dưới, việc vệ sinh cá nhân của cô khổ sở hơn bao giờ hết. Bất lực trước hoàn cảnh đó, Linh càng gắng gượng để lật thử người, thử ngồi dậy, mong mỏi có thể sớm tự lo cho bản thân.

Những ngày sau đó, Linh cai máy thở, người yếu rớt. Cô được các điều dưỡng hướng dẫn tập vật lý trị liệu. Ngày đầu tiên Linh đặt chân xuống đất tập đi, cô bị choáng, người run lẩy bẩy. Tuy thân hình to lớn nhưng Linh hệt như một đứa trẻ chậm chạp nhích từng bước. Chỉ cần một cử động nhỏ cũng khiến Linh khó thở và hụt hơi. Để truyền được 4 - 5 chai kháng sinh vào cơ thể Linh mỗi ngày, các bác sĩ phải vật vã lấy ven. Tìm ven ở tay không được, bác sĩ lấy ven chân, phải rất nhiều lần mới luồn được kim truyền vì Linh quá mập. Linh đau đớn, hãi hùng mỗi khi lấy ven và truyền dịch.

Phòng bệnh của Linh có 3 giường. Ròng rã nhiều đêm thức trắng vật vã trong cơn khó thở, Linh vẫn có ý thức "canh gác" bệnh tình cho những người cùng cảnh ngộ. Nửa đêm, đột nhiên chỉ số SPO2 của chú nằm giường bên cạnh đang thở máy tụt sâu, Linh cuống quýt, Linh thấy chú đã đối mặt với tử thần, Linh phải làm điều gì để cứu chú. Gạt vội chiếc chụp oxy, Linh lấy tất cả sức lực kêu lên cầu cứu. Sau tiếng kêu đó, Linh cạn kiệt sức lực, áp vội chiếc chụp oxy vào miệng. Cũng sau tiếng kêu đó, bác sĩ đã nghe thấy và chạy đến cứu chú kia. Hình ảnh đó cứ quẩn quanh trong đầu Linh.

Dần dần, Linh cai được oxy, bác sĩ chuyển cô ra nằm ngoài hành lang để nhường chỗ cho những bệnh nhân nặng hơn. Ở vị trí đặc biệt ấy, Linh nhìn thấy "bộ mặt" sát nhân của COVID-19 khi những ca cấp cứu rầm rập nhập viện suốt ngày đêm, khi các bác sĩ đặt nội khí quản cho người bệnh, khi cái chết hiện hữu ngay trước mắt, ám ảnh vô cùng. Linh nhủ lòng mình càng phải nỗ lực để thoát khỏi nơi này.

Mong thì mong thế, nhưng sau 22 ngày nằm viện, Linh mới được về nhà. Linh là một bệnh nhân có sức sống mãnh liệt mà y bác sĩ nào cũng nhớ. Tên Linh được các bác sĩ nhắc đến nhiều để động viên các bệnh nhân khác. Bởi với một thể trạng béo phì, chưa được tiêm; vaccine, đã ở giai đoạn nguy kịch như Linh thì hy vọng sống rất mong manh. Từ phía cuối đường hầm, Linh đã gồng mình lên để nhích từng chút một về phía ánh sáng.

"COVID-19 đã cướp mất ba em"

"Cơn bão COVID-19 đã thổi tung căn nhà của em, bây giờ mới tạm lắng xuống. Khi cơn bão đi rồi, thì em không còn ba nữa. Chính COVID-19 cướp mất ba em", giọng Linh lạc đi. Má kể lại, sau khi Linh nhập viện, cả hai em trai và ba đều nhiễm COVID-19. Vậy là 5 người nhà Linh đều mang virus SARS-CoV-2 trong cơ thể.

Không lâu sau, ba khó thở, SPO2 tụt sâu và phải vào Bệnh viện quận 6 điều trị, má vào viện chăm ba. Hai cậu em Linh ở nhà tự xoay xở với nhau. Nằm đó, nhưng ba vẫn lo cho con gái. Khi má nhận được tin nhắn của Linh đang vật vã thở máy, má khóc vì thương Linh, vì ngổn ngang trăm mối. Ba thấy thế, cứ hối thúc má rời bệnh viện để lo cho các con, ba ở lại một mình được. Buổi sáng ba má tạm biệt nhau, thì buổi chiều ba trút hơi thở cuối cùng.

Cô gái 150kg thoát bão COVID-19 trong gang tấc - 2

Sau biến cố lớn của cuộc đời, Linh thấy mình phải sống tích cực và trưởng thành hơn.

Cả nhà giấu Linh chuyện ba đã mất. Trong khi đó Linh chỉ biết tin ba cũng đã vào viện nên cố liên lạc hỏi thăm. Không biết bao nhiêu cuộc gọi cho ba mà ba không bắt máy. Linh tính có sự chẳng lành, Linh trong những lúc gắng gượng được thường nhắn cho má hỏi về tình hình ba, má chỉ nói ba đang cấp cứu. Rồi tình cờ qua facebook của người chị họ, Linh biết tin ba đã mất, Linh bàng hoàng không thể tin điều tồi tệ đó đã xảy ra.

Chẳng thể ngờ rằng ngày 23-9, ngày mà Linh được tháo máy thở để chuyển sang thở oxy, ngày mà Linh hồi phục một phần lại là ngày ba ra đi trong cô đơn, lạnh lẽo. Nằm trên giường bệnh, Linh khóc như một đứa con nít vì nhớ thương ba, Linh từng cầu khấn cho cả hai ba con tai qua nạn khỏi. Nhưng giờ chỉ mình Linh đang dần hồi phục, cô phải quyết tâm khỏi bệnh để thay ba chăm sóc gia đình.

Ngày 4-9, Linh được xuất viện, cơ thể tụt 10kg, khép lại hành trình 27 ngày chiến đấu với COVID-19, cũng là ngày tro cốt ba được trả về nhà. Một sự trùng hợp bất ngờ, không hề được báo trước. Cảnh nhà vẫn như xưa, mẹ và hai em đã tự điều trị tại nhà và khỏi bệnh, nhưng gia đình Linh thì mãi mãi không thể sum vầy như trước được nữa. Nhanh như một cơn gió, ba đã rời bỏ cuộc sống của mẹ con Linh.

Linh nhớ da diết những ngày bình yên, ba dù bị bệnh ở chân, đi lại khó khăn nhưng vẫn lụm tụm đi chợ nấu ăn cho cả nhà. Ba thương Linh lắm. Chỉ tiếc là những tháng ngày COVID-19 chưa ào tới, Linh tối ngày mải mê công việc nên ít có thời gian trò chuyện cùng ba. Giờ không còn ba nữa mới thấy thiếu vắng, trống trải. Linh thấy mình phải sống tích cực, sống cả phần của ba nữa. Mọi đau khổ cũng trở nên đầy ý nghĩa khi Linh nhìn cuộc đời một cách khác đi, lấy đó làm động lực để bước tiếp.

Linh cạo trọc mái đầu, sẵn sàng đối mặt với chứng suy hô hấp, tụ huyết khối, rối loạn điện giải và loét dạ dày tá tràng - những hệ quả về mặt sức khỏe sau đợt nhiễm COVID-19 vẫn đeo bám cô. Giấc ngủ đã quay lại với Linh dù chưa trọn vẹn, dù vẫn khó thở và thở dốc nhưng Linh đã biết cách tập thở để vượt qua.

"Chị ơi, ngày mai em được đi làm trở lại rồi, em cũng được đi chợ rồi, khu em ở giờ đã là vùng xanh", Linh hào hứng khoe với tôi. Sau chuỗi ngày chiến đấu với tử thần, một chặng sống mới của Linh đang bắt đầu. Bằng tất cả những trải nghiệm khốc liệt mà Linh trải qua, giờ đây Linh hiểu biết hơn về sức khỏe, sẵn sàng tư vấn cho những người nhiễm COVID-19.

Trong câu chuyện hàng ngày của bốn mẹ con Linh, những kỉ niệm về ba, những nguy cơ dịch bệnh bủa vây vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Sau biến cố lớn, Linh thấy mình dần mạnh mẽ, trưởng thành. Linh đang lên kế hoạch giảm cân để khỏe hơn, để đi làm, thay ba lo cho gia đình. Điều khó nhất là sống được - Linh đã thành công, thì tôi tin những việc khác có lẽ Linh sẽ đủ sức vượt qua.

Hơn 100 ngày chạy đua mang nguồn sống đến với F0

Có lần, đội tình nguyện “Ôxy yêu thương” đưa bình ôxy tới nơi thì người bệnh đã qua đời. Nhưng nhiều lần khác,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Châm ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN