Có dùng robot đào hầm "khủng" tuyến Nhổn - ga Hà Nội cho dự án nối dài?
Robot đào 4km hầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được chế tạo theo công nghệ TBM. Dự án đề xuất tuyến nối dài đến Hoàng Mai chủ yếu đi ngầm.
Máy đào hầm TBM được chế tạo cho dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, nhà thầu thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vừa vận chuyển các bộ phận cấu kiện đầu tiên của máy đào tuyến hầm về ga ngầm Kim Mã và sẽ hoàn thành vận chuyển các bộ phận còn lại vào tháng 12/2020 để lắp ráp, tiến hành thi công khoan 4km đường hầm.
Máy đào hầm do hãng Herrenkecht (Đức) chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine), có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn, bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55m.
Dự kiến sau 2 tháng lắp ráp, nhà thầu bắt đầu khoan đào từ tháng 3/2021. Theo thiết kế, khi máy đào khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy. Trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10m đường hầm. Như vậy, nếu hoạt động khoan đào được tiến hành liên tục, cần hơn 1 năm (400 ngày) để hoàn thành khoan đào 4km đường hầm của dự án.
Liên quan đến dự án trên, theo MRB, tháng 7/2020, UBND TP. Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, nối với dự án từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai. Đoạn tuyến được đề xuất có chiều dài 8,786km hầu hết đi ngầm (đi ngầm 8,13km, còn lại là hầm hở dẫn và đi trên mặt đất), kết cấu tuyến hầm là hai đường ống hầm chạy song song; Depot dùng chung với tuyến Nhổn - ga Hà Nội.
"Đoạn tuyến mới cơ bản là đoạn kéo dài của tuyến Nhổn - ga Hà Nội và sử dụng chung hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu, khai thác hoạt động và vận hành, bảo dưỡng", theo MRB.
Bên trong một máy đào hầm đường sắt đô thị - Ảnh minh họa
Trước những thông tin trên, gần đây một số bạn đọc hỏi về việc, trường hợp dự án nối dài ga Hà Nội - Hoàng Mai được phê duyệt, có thể tận dụng máy đào TBM của dự án Nhổn - ga Hà Nội để đào tuyến hầm nối dài để giảm chi phí dự án?
Ngày 12/11, theo đại diện MRB, thông thường máy đào hầm TBM được thiết kế, chế tạo cho dự án đường sắt đô thị có tuổi thọ tương ứng với quãng hầm được tính toán. Ít khi sử dụng lại máy đào vì không đảm bảo an toàn. “Máy đào TBM của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là phương tiện thi công của nhà thầu. Sau khi hoàn thành thi công, máy đào là tài sản của nhà thầu”, đại diện MRB cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Ân, chuyên gia đường sắt, máy đào hầm đường sắt đô thị thường được chế tạo theo đơn đặt hàng. Theo đó, nhà sản xuất sẽ chế tạo máy đào tương ứng với quy mô đào của dự án và tương xứng giá trị “tiền nào của ấy”. “Bộ phận quan trọng nhất của máy đào TBM là khiên đào. Máy đào được chế tạo cho dự án đường sắt đô thị vẫn có thể giữ lại, sử dụng cho dự án khác có thiết kế phù hợp. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào ý định của người đặt hàng chế tạo máy đào”, ông Nguyễn Ân cho biết.
Robot đào hầm dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã được dỡ, lưu và lấy đi từ Cảng Hoàng Diệu an toàn tuyệt...
Nguồn: [Link nguồn]