Cô dâu Việt chết ở HQ: Nỗi đau của mẹ

Cái chết đau lòng của cô dâu Phạm Thị Trúc ở TP. Busan (Hàn Quốc) đang khiến người thân ở quê nhà Hậu Giang đau đáu, khôn nguôi…

Chiều muộn. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm đến được gia đình bà Trần Thị Chỉ (71 tuổi, mẹ ruột cô dâu Phạm Thị Trúc), tại ấp 3, xã Xà Phiên, (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang).

Cả đại gia đình đang rất nóng lòng chờ tin tức tiếp theo điện về từ Hàn Quốc – nơi anh trai của cô dâu đang làm thủ tục để đưa hài cốt em gái về quê.

Không khí tang tóc ám ảnh cả ngôi nhà khi trước đó không lâu ông Phạm Văn Bá (cha chị Trúc) mới qua đời (tháng 7/2012). Trên bàn thờ vẫn còn nghi ngút khói hương chưa nguôi ngoai thì nay gia đình lại chuẩn bị lập bàn thờ, đón nhận hài cốt con gái biền biệt phương xa sắp trở về đất mẹ.

Cuộc điện thoại sau cùng

Như đã thông tin, ngày 25/4, người thân của cô dâu Phạm Thị Trúc ở quê nhà nhận được hung tin, sau 7 năm làm dâu xứ Hàn chị đã chết ngay chân cầu thang nhà chồng, với nhiều vết bầm dập ở cổ và ngực.

Chị Trúc tử nạn trong tư thế có một chiếc khăn quấn nhiều vòng quanh vùng cổ.

Cô dâu Việt chết ở HQ: Nỗi đau của mẹ - 1

Cô dâu trong lễ cưới tại TP.HCM. (Ảnh chụp lại: Quốc Huy)

Người thân của chị Trúc từ mẹ, anh, chị, em và các cháu ai cũng thăm thẳm một nỗi đau. Tất cả đều cố nén để chờ đợi tin tức, nhưng không thể kìm lòng khi ai đó hỏi thăm, chia buồn về người con gái xấu số trước lúc gia đình nhận được tin “sét đánh”.

Bà Trần Thị Chỉ, người mẹ của 10 người con, khi nói về đứa con thứ 9 trong gia đình - bà cúi đầu ôm mặt, không thể cầm được dòng nước mắt hoen đỏ lăn dài trên má.

Trước lúc nghe hung tin, bà Chỉ cứ nôn nao trong lòng, cảm giác là lạ khó tả. Và chỉ khi nghe cuộc điện thoại “định mệnh” của người bạn ở gần con gái điện về từ Hàn Quốc, vào trưa ngày 25/4.

Tất cả đã lý giải cho "sợi dây vô hình - mẹ và con" lo lắng suốt buổi: "Cái Thắm quê ở Vị Thanh (Hậu Giang) ở gần con Trúc gọi về, bảo: "Bác Bảy ơi (bà Chỉ), con Trúc…/ Chuyện gì đó con?/ Con Trúc chết rồi!/ Cái gì?/ Rồi tui xỉu luôn và không biết gì hết".

Ngay sau cú điện thoại, bà Chỉ buông máy, nằm bất tỉnh trên sàn nhà và được con cháu đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê.

Đắng lòng thay, người phụ nữ vừa mới chịu tang chồng chưa lâu, nay chuẩn bị đón gói tro cốt của con gái từ xa xứ chuyển về.

Nhớ lần cuối cùng bà Chỉ gọi điện hỏi thăm con gái cách hôm tử nạn 3 ngày. Bà kể: "Tui gọi sang hỏi con có khỏe không? Nó hỏi thăm gia đình chút xíu rồi nói: "Má ơi, đến giờ con bận đi rước 2 cháu, con gọi lại cho mẹ sau"". Đó là những lời nói sau cùng giữa 2 mẹ con.

Cha chết không được về quê!

Trong nhiều câu chuyện buốt lòng mà bà Chỉ kể cho biết, thì trong 7 năm làm dâu xứ Hàn, chị Phạm Thị Trúc chỉ vỏn vẹn 2 lần được về thăm mẹ.

Nhưng đau đớn nhất, tháng 7/2012, khi ở quê nhà báo tin người cha già Phạm Văn Bá (74 tuổi) vừa đột ngột qua đời. Chị Trúc lễ phép xin mẹ chồng và chồng được về quê chịu tang cha.

Cô dâu Việt chết ở HQ: Nỗi đau của mẹ - 2

Người mẹ già khóc cạn nước mắt khi nghe hung tin con gái chết bất thường và người anh trai Phạm Văn Sơn thất thần khi biết em gái tử nạn. (Ảnh: Quốc Huy)

Tuy nhiên, mẹ chồng của chị Trúc đã cự tuyệt, không cho về. Phận làm dâu xứ người, chị Trúc đành cắn răng chịu đựng làm đứa con “bất hiếu”, duy chỉ gọi điện về cho bà Chỉ: "Má ơi, bà ấy chửi con quá trời luôn, nhất quyết không cho con về. Con khổ tâm lắm má ơi. Con hứa với má là sẽ về quê cất nhà khi về già, chứ con không thiết ở bên này đâu má ơi.

Tui động viên con, cố gắng lên, phận làm dâu ở xa thì phải chấp nhận. Ở nhà có các anh chị".

Bà Chỉ còn cho biết, không phải chị Trúc không có tiền để mua vé máy bay về quê nhà, mà mẹ chồng ngăn cấm không cho về chịu tang…

Tự sát hay cố sát?

Quay trở lại vấn đề liên quan đến cái chết của cô dâu Phạm Thị Trúc, anh Phạm Văn Lực (anh trai chị Trúc) vừa bay sang ở Hàn Quốc gọi điện về cho anh Phạm Văn Sơn, kể rằng: Khi mở nắp quan tài nhìn thấy ở vùng cổ em gái có nhiều vết bầm tím và cả vùng mặt.

"Lực lượng Cảnh sát, bác sĩ tại TP. Busan đã thông báo kết luận là chị Trúc đã cố ý tự sát. Nhưng tôi hỏi em gái chết trong tư thế nằm ở cầu thang, với chiếc khăn quấn nhiều vòng ở cổ thì làm sao mà tự sát được? Phải có ai đó cố ý sát hại” - anh Sơn nhớ lại.

Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ, câu hỏi của anh Lực vẫn chưa được phía chính quyền TP. Busan trả lời thỏa đáng.

Bà Chỉ trăn trở: "Hàng tuần nó có chuyện gì ở bên đó đều kể, tâm sự cho mẹ nghe. Tui hiểu con hơn ai hết, nếu mà nó muốn làm điều gì dại dột thì nó sẽ báo trước".

Người nhà của nạn nhân vẫn đang chờ kết luận bằng văn bản pháp lý của cơ quan chính quyền TP. Busan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Huy (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN