Có cầu vượt, khu sân bay vẫn kẹt xe

Sự kiện: Tin nóng

Thay vì chờ đến lúc hai cầu vượt phát huy hiệu quả thì cần xây dựng và triển khai nhiều giải pháp cấp bách khác để giải quyết vấn đề này.

Ngày 20-7, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), TP.HCM bỗng dưng bị kẹt xe một cách kinh hoàng, kéo dài hơn nửa ngày. Các tuyến đường cửa ngõ vào sân bay ùn tắc nghiêm trọng.

Người dân khu vực này cho biết thêm thường ngày, dù đã có cầu vượt nhưng khu vực này cũng rất đông đúc khiến việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Đi đâu cũng không tránh được kẹt xe

Theo ghi nhận của PV ngày 21-7, từ 7 giờ đến 8 giờ trên đường Phạm Văn Đồng, người dân chạy xe máy hướng về sân bay TSN đông nghẹt. Sau 8 giờ, xe máy không được phép lưu thông vào làn ô tô nữa nên gây ùn ứ ở nhiều đoạn đường.

Tương tự, các nút thắt cổ chai như khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, giao lộ Bạch Đằng - Hồng Hà và khu vực trước sân bay TSN… cũng tắc nghẽn gây khổ sở cho người dân.

Chị Nguyễn Thanh An (ngụ quận Tân Bình, tiếp viên hàng không) cho biết: “Hằng ngày, tôi phải đi qua đường Bạch Đằng để vào sân bay làm việc. Tuy nhiên, cứ đến giao lộ giữa Bạch Đằng và Hồng Hà thì không thể đi tiếp được. Khu vực này tạo thành nút thắt cổ chai nghiêm trọng. Vào đến trước sân bay TSN thì lại tiếp tục chịu cảnh kẹt tại chân cầu vượt (mới hoàn thành) trong khi trên cầu thì trống trải. Tôi thấy dòng xe đổ về đường Trường Sơn đông nghẹt, hỗn loạn... Nhiều lúc tôi và rất nhiều hành khách cũng phải xách valy chạy bộ vào sân bay cho kịp giờ”.

Có cầu vượt, khu sân bay vẫn kẹt xe - 1

Kẹt xe kinh hoàng ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 20-7. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Cần thêm giải pháp khác

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông tại TP.HCM, chia sẻ: “Trước mắt, các biện pháp “chữa cháy” để khỏi kẹt xe là tổ chức lại giao thông tại khu vực trước sân bay TSN nhằm tránh xung đột giữa hai dòng xe từ Phạm Văn Đồng vào và từ sân bay ra. Những công trình phụ nào không cần thiết như bồn hoa, bãi cỏ thì nên bỏ để có thêm diện tích cho xe cộ lưu thông. Đồng thời, tổ chức cho các phương tiện quay đầu trên đường Trường Sơn, mở dải phân cách. Tổ chức lại giao thông tại khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn. Còn riêng đường Phạm Văn Đồng thì nên nới thêm thời gian cho xe máy chạy vào làn ô tô từ 8 giờ lên 8 giờ 30. Thậm chí có thể xây dựng dải phân cách mới, tạo thêm một làn mới cho xe máy bên trong phần diện tích dành cho ô tô trước đó”.

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, nhận định: “Khu vực nút giao gần sân bay được hình thành bởi giao cắt giữa đường Hồng Hà, Bạch Đằng, cầu vượt và các đường từ sân bay đi ra. Việc bố trí đường Bạch Đằng năm làn xe trong khi đường Trường Sơn bốn làn xe có thể hình thành nút thắt cổ chai tại đây. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào lưu lượng xe đi từ đường Bạch Đằng qua đường Trường Sơn và phương án tổ chức giao thông. Tôi cho rằng hiện tại thì chưa hình thành nút thắt cổ chai, hiện tượng kẹt xe hôm 20-7 là trường hợp đặc biệt, là sự kết hợp giữa các sự cố giao thông (cụ thể là tai nạn giữa đường) kết hợp với xung đột giữa dòng xe từ sân bay đi ra với dòng xe trên đường Trường Sơn. Xung đột giữa dòng xe quay đầu ở nút Huỳnh Lan Khánh và dòng xe đi thẳng làm cho hàng chờ phát sinh kéo dài chứ không hẳn là do hiện tượng thắt cổ chai tại Bạch Đằng - Trường Sơn”.

Sẽ kéo dài thời gian cho xe máy đi vào đường ô tô

Ngày 21-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, phía Sở GTVT TP.HCM cho biết: Sẽ nghiên cứu tăng thời gian cho phép xe hai bánh lưu thông vào làn đường ô tô từ 8 giờ lên 8 giờ 30 (cả hai chiều lưu thông) ở đường Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, sẽ nghiên cứu giải pháp an toàn khi cho xe hai bánh đi cùng xe tải.

Bên cạnh đó, hiện nay chỉ mới có một nhánh cầu vượt từ đường Hoàng Minh Giám vào đường Nguyễn Thái Sơn đã thông xe vào ngày 3-7 để giải quyết nhu cầu từ trung tâm thành phố đi ra ngoại thành vào cao điểm chiều. Trong khi đó, nhánh hai đáp ứng lượng xe chính (nhánh từ đường Nguyễn Kiệm vào đường Hoàng Minh Giám và từ đường Nguyễn Kiệm vào Nguyễn Thái Sơn) vẫn chưa được triển khai thi công (do vướng mặt bằng chưa giải tỏa được, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018). Ngoài ra, khu vực trong vòng xoay Nguyễn Thái Sơn vẫn còn rào chắn một phần để thi công trụ cầu vượt nên diện tích lưu thông bị thu hẹp. Sau khi cầu vượt thép vòng xoay Nguyễn Thái Sơn thi công xong nhánh cầu còn lại thì tình trạng ùn xe tại khu vực sẽ được giải quyết triệt để.

Hiện nay, giữa đường Hồng Hà và đường Bạch Đằng có các đường và hẻm băng ngang nối thông với nhau như đường Yên Thế (rộng 7 m), đường Hồng Hà (rộng 7 m), hẻm 54 (rộng 5 m), đường Đặng Văn Sâm (rộng 10 m), đường nối giữa đường Hồng Hà (gần vòng xoay) với đường Bạch Đằng (rộng 10 m). Lưu lượng lưu thông trên các tuyến đường, hẻm này ít và đều đã có biển hướng dẫn lưu thông tại từng vị trí đường, hẻm nên các phương tiện lưu ý có thể lưu thông vào đây.

Riêng tình trạng ùn tắc tại khu vực sân bay TSN ngày 20-7 vừa qua là do nhiều phương tiện bị tai nạn trong cùng một thời điểm tại khu vực này. Sở GTVT sẽ nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thắt chặt trong công tác quản lý.

Kẹt xe từ sáng đến trưa, người SG như “hóa điên” ở Tân Sơn Nhất

Dù cầu vượt thép “giải cứu” kẹt xe ở Tân Sơn Nhất vừa đưa vào sử dụng nhưng hàng ngàn phương tiện vẫn phải xếp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Trâm (Pháp luật TP.HCM)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN