Có cầu tạm, dân vẫn "liều mình" đu dây vượt sông

Bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương, người dân xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vẫn đánh cược tính mạng khi đu cáp treo vượt sông Pô Kô thay vì đi cầu tạm.

Điểm người dân đu cáp treo qua sông nằm ngay sau trụ sở UBND xã Đăk Nông. Cách điểm đặt cáp treo này chưa đầy 1 km, chính quyền địa phương đã làm một cầu tạm tại làng Tà Poóc (xã Đắk Nông) để phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân.

Có cầu tạm, dân vẫn "liều mình" đu dây vượt sông - 1

Ông A Thay và vợ cùng đu cáo treo qua sông

Người dân ở đây cho biết mỗi ngày có hàng trăm lượt người đu dây cáp treo để đi làm hoặc vận chuyển nông sản. Thời điểm tập trung đông nhất là vào buổi sáng và buổi chiều.

Việc qua sông bằng cáp treo nhanh và thuận tiện hơn cầu treo tại làng Tà Poóc nên đa số người dân chọn phương án này. Những người đi xe máy thì đi qua cầu treo.

Có cầu tạm, dân vẫn "liều mình" đu dây vượt sông - 2

Có cầu tạm, dân vẫn "liều mình" đu dây vượt sông - 3

Đầu dây cáp được cột vào gốc cây đã khô mục

Theo qua sát, hai bên bờ sông có khoảng cách chừng 100 m. Hai đầu dây cáp được buộc vào hai gốc cây đã khô mục, một bên cao và một bên thấp. Muốn sang sông, người dân đu mình trên ròng rọc được gắn trên dây cáp, ròng rọc sẽ tự chạy sang bên kia sông. Nếu di chuyển theo chiều ngược lại thì dùng một dây cáp khác. Mỗi lần như vậy có thể chuyển từ một đến hai người hoặc hai bao nông sản.

Có cầu tạm, dân vẫn "liều mình" đu dây vượt sông - 4

Vợ chồng ông A Thay chuẩn bị đu cáp qua sông

Có cầu tạm, dân vẫn "liều mình" đu dây vượt sông - 5

Sang đến bờ an toàn

Theo ông A Thay (60 tuổi, làng Cà Nhảy) – người vừa cùng vợ đu cáp treo sông, có nhiều vụ tai nạn xảy ra khi đu cáp treo. Điển hình là vụ ông A Von (67 tuổi) và Y Nghiên (45 tuổi, cùng làng Cà Nhảy) cách đây khoảng 1 năm khi đi cáp treo qua sông thì bị rơi xuống suối làm ông  A Von gãy cột sống, còn chị Y Nghiên thì gãy chân và xương ngón tay phải.

Có cầu tạm, dân vẫn "liều mình" đu dây vượt sông - 6

Già Un Với chia sẻ: "Mỗi lần đu qua sông là mỗi lần sợ khiếp vía"

“Biết là nguy hiểm nhưng nếu đi vòng theo đường cầu treo thì rất xa, mất thời gian” – ông Un Với nói và cho biết đu cáp treo sẽ tiết kiệm khoảng nửa giờ so với đi qua cầu treo.

Có cầu tạm, dân vẫn "liều mình" đu dây vượt sông - 7

Những người đi xe máy qua cầu treo tạm tại làng Tà Poóc, cách điểm đặt dây cáp chưa đầy 1 km

Ông Nguyễn Hữu Nông - Chủ tịch UBND xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi - cho biết việc bà con dùng dây cáp để vượt sông là hết sức nguy hiểm, chính quyền địa phương đã rất nhiều lần tuyên truyền, khuyến cáo người dân không sử dụng cáp treo mà đi vòng qua cầu cho bớt nguy hiểm nhưng họ không nghe.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo các hội đoàn thể cùng nhau tuyên truyền cho người dân hiểu mà không đi cáp treo” – ông Nông nói.

Từng nổi tiếng vì nhiều làng đu cáp treo qua sông

Cách đây 6 năm, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi đã được người dân cả nước biết đến bởi rất nhiều ngôi làng có người dân đu cáp treo qua sông. Sau khi được báo chí phản ánh, nhiều nơi đã được cả xã hội chung tay xây dựng cầu treo tạm và cầu treo kiên cố để qua sông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.Thanh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN