Cơ cấu các tổng cục hiện nay ra sao?
Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18 của Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, bảo đảm tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18 đã ký ban hành vừa ký ban hành Kế hoạch, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ
Theo đó, với các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, bảo đảm tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ.
Trường hợp cần thiết duy trì mô hình tổng cục, các bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ để xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Trụ sở Tổng cục Hải quan trên đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: VGP
Kế hoạch cũng nêu rõ định hướng sắp xếp các tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ. Trong đó, với các đơn vị có chức năng tham mưu tổng hợp chung thì mỗi bộ chỉ duy trì 1 đầu mối tổ chức tương ứng với những lĩnh vực: Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Hợp tác quốc tế, Văn phòng, Kế hoạch Tài chính, Thanh tra.
Với cục, vụ thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành thì rà soát, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước với ngành, lĩnh vực. Trong đó, chỉ duy trì các vụ, cục có đối tượng quản lý chuyên ngành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo quy định của Chính phủ.
Các vụ, cục có nhiệm vụ liên thông, gắn kết thì đề nghị sắp xếp, kiện toàn các vụ, cục này thành 1 đầu mối. Hạn chế tối đa chuyển các vụ thành các cục, trừ trường hợp cần đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền xử lý theo chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Theo quy định hiện nay, Tổng cục là tổ chức thuộc Bộ, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp trên phạm vi cả nước theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng. Tổng cục có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Tổng cục trưởng được ban hành văn bản cá biệt, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của tổng cục.
Hiện có 13 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ (Không tính các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng).
Đó là: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước thuộc Bộ Tài chính; Tổng cục Thống kê thuộc Bộ KH&ĐT; Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN; Tổng cục Khí tượng Thủy văn thuộc Bộ TN&MT; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH; Ủy ban Biên giới quốc gia, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao; Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương.
Nhiều bộ đã bỏ cấp tổng cục
Trong động thái mới nhất, ngày 5-12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký công văn hỏa tốc về việc thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác thực hiện Nghị quyết số 18, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường trên phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG
Theo đó, Bộ Công Thương kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc Bộ đối với Tổng cục Quản lý thị trường; nghiên cứu đề xuất sắp xếp Tổng cục quản lý thị trường theo mô hình mới. Bộ Công Thương sẽ rà soát, sắp xếp mô hình tổ chức các đơn vị của Bộ theo hướng tinh gọn bộ máy bên trong để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trước đó, hồi đầu năm 2023, Bộ NN&PTNT đã sắp xếp, tổ chức lại 4 tổng cục: Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai thành các cục. Cụ thể, Tổng cục Lâm nghiệp được tổ chức lại thành Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm; Tổng cục Thủy sản được tổ chức lại thành Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư. Tổng cục Thủy lợi được tổ chức lại thành Cục Thủy lợi.
Trong khi đó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai được tổ chức lại thành Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sáp nhập với Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường.
Còn từ ngày 1-11-2022, trong cơ cấu tổ chức mới của Bộ TN&MT đã không còn 4 Tổng cục gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo. Chỉ giữ lại Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Cụ thể, Tổng cục Môi trường được tách ra, thành lập 3 đơn vị gồm: Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Đất đai được chia tách thành 3 đơn vị gồm: Cục Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được chia tách thành hai đơn vị gồm: Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thay bằng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Vào tháng 3-2024, Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia trên cơ sở sắp xếp lại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Bộ Công an cũng từng tiên phong bỏ cấp Tổng cục và sắp xếp, tổ chức thành các cục như hiện nay.
Công văn của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp...
Nguồn: [Link nguồn]