Cô bé 35 ngày tuổi đã biết nói giờ ra sao?
“Bé Cún (bé Phùng Minh Châu) biết nói từ lúc hơn một tháng tuổi là có thật. Việc bé biết nói ở tuổi đó là câu chuyện kỳ lạ đầu tiên xảy ra trong huyện” - ông Kiều Trung Thành, trưởng thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội cho biết.
Anh Cương cũng chia sẻ thêm “gia đình tôi vẫn chỉ luôn mong, con bé lớn lên phát triển bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác thôi.” Ảnh: P.H
Lâm ly ngày vượt cạn
Cách đây 2 năm, tại xã Cần Kiệm (Thạch Thất, Hà Nội) đã xảy ra một chuyện được cho là “xưa nay hiếm” khi một cháu bé mới một tháng tuổi đã biết gọi ông, gọi bà. Đó là thời điểm mưa lất phất của đầu tháng 3 năm 2015, khi cái mưa rét của mùa xuân len lỏi vào từng góc nhà cũng là lúc câu chuyện về bé gái lạ kỳ này được râm ran lan truyền nhau ở khắp làng trên xóm dưới. Câu chuyện này được rất nhiều người trong xã khẳng định là có thật và đã tận mắt thấy tai nghe.
Ông Kiều Trung Thành, trưởng thôn Yên Lạc cho hay: “Bé Cún biết nói từ lúc hơn một tháng tuổi là có thật. Có lẽ bé Cún biết nói khi ở tuổi còn quá nhỏ cũng là câu chuyện kỳ lạ đầu tiên xảy ra ở vùng này. Câu chuyện này không chỉ khiến những người trong xã hiếu kỳ tìm đến xem mà cả những người ở xa cũng đến hỏi han, tìm hiểu để được một lần mục sở thị sự ly kỳ xưa nay hiếm”.
Cô bé ấy tên là Phùng Minh Châu, con gái anh Phùng Đức Cương (SN 1984) và chị Kiều Thị Hương (SN 1987) ở làng Bùng, xã Phùng xá (Thạch Thất, Hà Nội). Theo gia đình kể lại, việc bé Minh Châu ra đời được khỏe mạnh cũng là một việc rất may mắn cho gia đình. Khi đó, theo kết quả siêu âm, thời gian dự sinh của chị Hương vào đầu năm 2015. Chủ quan vì cho rằng còn hơn một tháng nữa mới sinh nên hôm đó anh Cương đưa vợ đi lên nhà chị gái ở Hà Nội chơi. Nhân có người thân làm ở Bệnh viện 189 (Bộ Công an) nên chị gái đã đưa chị Hương vào kiểm tra. Lúc siêu âm thai, bác sỹ thông báo thai đã cạn ối và phải mổ gấp. Điều này khiến chị Hương và người nhà rất bất ngờ. Lúc đó chị không hề thấy có biểu hiện lạ… nào. Khi nhận được thông tin từ bác sĩ thông báo, anh Cương đã nhanh chóng làm thủ tục cho vợ nhập viện. 22h đêm hôm đó chị được mổ và đó cũng là lúc nước ối đã cạn gần hết. Các bác sỹ cho biết, nếu để chậm hơn thì sợ sẽ xảy ra tình huống xấu cho cả mẹ và con.
“Việc mẹ Cún nhập viện khiến cho mọi người đều bất ngờ, bởi cứ đinh ninh một tháng nữa mới tới kỳ sinh nên chưa có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho việc này. Nhưng cũng rất may mắn cho gia đình cũng như cho bé Cún. Sinh thiếu tháng nhưng Cún tương đối khỏe mạnh, lúc sinh bé nặng 2,5kg” – anh Cương cho biết.
Biểu hiện lạ từ lúc sơ sinh
Do nghịch quá bị tuột tất, Minh Châu đang được cô giáo đeo tất lại.
Khi bé Minh Châu tròn một tháng tuổi, mẹ con chị Hương chuyển sang nhà ngoại (xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội). Ở đến ngày thứ 3 thì cháu bắt đầu cất tiếng gọi bà. Sang ngày thứ 5 thì cháu bé gọi rõ và nhiều hơn. Cháu bé thường hay gọi ông, bà, bố, mẹ vào những lúc thay bỉm, khi cháu tắm xong hoặc lúc đòi ăn. Không chỉ gọi được những câu như “bà ơi”, “mẹ ơi” mà cháu bé còn gọi được những câu như “ba ơi bầm”. Ban đầu nghe lại mọi người kể chuyện bé Minh Châu biết nói, ông Kiều Hạnh (ông ngoại Minh Châu) không tin, thậm chí còn cho rằng mọi người bị ảo giác. Nhưng khi tự ông quay lại được những đoạn clip mà cháu ngoại của mình nói thì không thể phủ nhận. “Mới đầu gia đình tôi cũng lo lắng sợ con bé bị làm sao. Nhưng dần dần với chúng tôi những tiếng gọi của cái Cún như một điều may mắn, điều kỳ diệu mang đến cho gia đình mình”, ông Hạnh chia sẻ.
Theo gia đình, chị Hương hồi còn bé cũng phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác và thời gian biết nói cũng không khác gì so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Còn anh Cường thì ngược lại, anh biết nói rất chậm, dù gia đình đã dùng nhiều cách, nhiều mẹo vặt nhưng mãi đến tận 26 tháng tuổi anh mới biết nói. Chính vì thế mà việc bé Minh Châu biết nói sớm khiến cho mọi người trong nhà vừa mừng lại vừa lo. Vì mong muốn con gái có cuộc sống bình thường, không bị nhiều người dòm ngó nên thời gian đó gia đình ông Hạnh thường xuyên đóng cửa không tiếp khách.
Tháng 3 này, khi chúng tôi ghé qua mảnh đất Thạch Thất, vào thăm anh Cương, chị Hương và bé Minh Châu thì cô bé Minh Châu phải bế ngửa ngày nào giờ đã hơn 2 tuổi và đã đi nhà trẻ. Vẫn đôi mắt to tròn, cùng khuôn mặt bầu bĩnh, cô bé đang vô tư vui đùa bên bạn bè. Sự xuất hiện của chúng tôi không khiến cho cô bé sợ hãi hay mất tự nhiên. Khi được cô giáo gọi lại, bảo hát cho chúng tôi nghe một bài, Minh Châu rất tự nhiên hát rõ từng lời của bài hát và nhún nhảy theo điệu nhạc mình hát.
Theo anh Cương kể lại, sau khi được mọi người cũng như báo chí rầm rộ đưa tin thì khoảng một thời gian sau Minh Châu không còn biết gọi như trước nữa. “ Con bé cũng bình thường như bao đứa trẻ khác thôi, không thể gọi là “thần đồng” hay “kỳ nhân” gì cả. Lúc đó cũng chỉ là tiếng “ê”, “a” của cháu rõ ràng và nghe gần giống tiếng gọi ông, bà. Cháu giờ lớn lên bình thường, không có biểu hiện gì khác lạ. Có chăng là cháu nhìn già dặn, năng nổ và hay nói hơn những đứa trẻ khác. Đặc biệt là thích hát, nhất là từ khi đi lớp được cô giáo dạy, con bé về hát suốt ngày, khiến cho cả nhà lúc nào cũng rôm rả, vui vẻ”, bố bé Minh Châu chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Ngọc (cô giáo mầm non của Minh Châu) cho biết, dù Minh Châu đẻ cuối năm, bị thiệt về tháng tuổi so với các bạn nhưng em lại tỏ ra nhanh nhẹn và lớn hơn các bạn đẻ cùng năm khác. Minh Châu học rất nhanh, những bài hát các cô dạy chỉ cần một vài lần bé đã thuộc và thường hát rất rõ ràng, không hề ngọng ngịu như một số bạn khác.
Dù không tâm niệm con mình là một “thần đồng” nhưng với những biểu hiện ưu tú từ lúc mới sinh ra, bố mẹ Minh Châu vẫn tin về một ngày mai tươi sáng cho con mình như cái tên mà cháu được đặt.