CLIP: Nhiều phát hiện mới tại Di sản thế giới Thành nhà Hồ
Thêm nhiều tư liệu mới góp phần nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Chính điện và phía Đông thành vừa được các nhà khoa học tìm thấy trong nội thành Di sản thế giới Thành nhà Hồ.
Ngày 24-1, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã công bố kết quả thực hiện khai quật di tích Thành nhà Hồ trong nội thành Di sản thế giới Thành nhà Hồ với mục đích tìm hiểu một phần kiến trúc trung tâm Chính Điện và kiến trúc phía Đông Thành nhà Hồ.
Clip hình ảnh khai quật bên trong nội thành Thành nhà Hồ
Theo đó, sau 6 tháng tiến hành khai quật tại 2 hố (có diện tích khoảng 8.000 m), các nhà khoa học, nhà sử học đã tìm thấy được nhiều di vật, cứ liệu quan trọng góp thêm tư liệu mới để phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành nhà Hồ.
Từ kết quả khai quật, các nhà khoa học nhận xét: Về địa tầng và tầng văn hóa, cơ bản địa tầng và tầng văn hóa của hố khai quật năm 2020 là tương tự như các hố khai quật từ năm 2004 và 2010 với sự xuất hiện các dấu tích kiến trúc và các lớp đất đắp gia cố thời Hồ và Lê Sơ. Về di tích, các nhà hoa học đã xác định được 4 dấu tích kiến trúc thời Hồ, 2 lớp kiến trúc thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng với các di tích móng cột gia cố, bó nền, nền kiến trúc…
Hình ảnh hố khai quật bên trong Thành nhà Hồ
Về di vật, vật liệu kiến trúc đã tìm thấy nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý-Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ. Đồng thời, quá trình khai quật cũng tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần-Hồ và thời Lê Sơ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam (chủ nhiệm dự án), cho biết cuộc khai quật khảo cổ học Thành nhà Hồ năm 2020 có quy mô tương đối lớn, do vậy lần đầu tiên có thể nhận diện tương đối rõ nhiều di tích kiến trúc thuộc nhiều loại hình kiến trúc khác nhau thuộc Vương triều Hồ tại Thành nhà Hồ. Đồng thời, cuộc khai quật cũng phát hiện thêm một số dấu tích kiến trúc thuộc thời Lê sơ (thế kỷ 15), thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16-17) minh chứng cho quá trình sử dụng lâu dài Thành nhà Hồ trong lịch sử.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng (đeo kính) đi kiểm tra kết quả khai quật
"Căn cứ vào thư tịch cổ và vị trí của hố khai quật, có thể dự đoán hố khai quật ở khu vực Nền Vua đã làm xuất lộ một tổ hợp kiến trúc tương đối hoàn chỉnh gồm có kiến trúc chính ở trung tâm, phía trước có 2 kiến trúc cổng và dấu tích hệ thống hành lang bao quanh. Tên gọi Nền Vua, vị trí, quy mô và bố cục kiến trúc gợi ý có thể đây là một dấu tích kiến trúc quan trọng bậc nhất ở khu Trung tâm của Kinh đô nhà Hồ"- Phó giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín thông tin.
Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản thế giới Thành nhà Hồ, cho biết đợt khai quật này ở hố khai quật phía Đông, dấu tích kiến trúc của Vương triều Hồ, được nối tiếp thêm vào thời Lê sơ và Lê Trung Hưng đã bước đầu nhận diện có 5 đơn nguyên kiến trúc thời Hồ được kết cấu khá chặt chẽ bao gồm 1 kiến trúc chính ở trung tâm có 9 gian, kết hợp với một số kiến trúc có quy mô nhỏ hơn và hệ thống dấu tích hành lang bao quanh được xây cất hết sức quy chuẩn và cẩn thận.
Nhiều hiện vật là những tư liệu mới giúp ích rất lớn cho quá trình tìm hiểu một phần kiến trúc trung tâm Chính Điện và kiến trúc phía Đông Thành nhà Hồ
"Theo dân gian gợi ý có thể di tích ở khu vực này thuộc Đông Thái Miếu thờ tổ tiên nhà Hồ. Tuy nhiên, để khẳng định được điều này, cần phải có nhiều nghiên cứu trong tương lai mới có thể kết luận được bởi trong Thành nhà Hồ, ngoài Chính điện, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu, chính sử còn ghi có nhiều cung điện khác như cung Phù Cực, cung Nhân Thọ... Tuy nhiên, việc tìm thấy một cụm kiến trúc khá hoàn chỉnh ở phía Đông cũng là một phát hiện hoàn toàn mới ở trong thành Nhà Hồ, góp phần nhìn nhận rõ thêm diện mạo tổng thể của khu di sản Thành nhà Hồ"- ông Linh nói.
Cũng theo ông Linh, từ giá trị của cuộc khai quật, đoàn khai quật bước đầu kiến nghị với các cấp quản lý có thẩm quyền xem xét cho phép tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu theo các kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Linh cũng cho rằng nên sớm có kế hoạch khẩn trương thu hồi các diện tích trong Nội thành, trước mắt là con đường Hoàng gia và một số khu vực trung tâm để phục vụ công tác khai quật khảo cổ học sắp tới và có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị xây dựng kế hoạch bảo tồn và trưng bày tại chỗ để phát huy giá trị của khu Di sản thế giới Thành Nhà Hồ.
Nhiều dấu tích quan trọng được tìm thấy tại khu vực phía Đông nội thành
Tại buổi công bố, nhiều nhà khoa học vui mừng nhận định việc khai quật lớn những năm qua, đặc biệt là năm 2020 đã chứng minh tiềm năng to lớn của di sản dưới lòng đất của Thành nhà Hồ và trong tương lai nếu từng bước nghiên cứu, có thể các nhà khoa học sẽ dần dần khôi phục được hầu hết mặt bằng của Kinh đô như kiểu Di sản Thế giới Nara (Nhật Bản).
Cuộc khai quật quy mô lần này đã tìm thấy được nhiều di vật, cứ liệu quan trọng góp thêm tư liệu mới để phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành nhà Hồ
Nguồn: [Link nguồn]
Trải qua hơn 620 năm tồn tại, Thành nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới ở Thanh Hóa luôn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí, nhưng...