CLIP: Hơn 30 người lao động tay xách nách mang đi bộ xuyên đêm để về quê
(NLĐO)- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hai nhóm người lao động không có việc làm ở Hà Nội gồm khoảng 30 người đã quyết định đi bộ xuyên đêm về quê.
Hai nhóm gồm 30 người lao động từ các tỉnh Điện Biên, Hoà Bình, Sơn La... vào tối ngày 7-9 đã đi bộ từ một số quận nội thành Hà Nội dọc theo tuyến đường vành đai 3, ra đại lộ Thăng Long để về quê ngay trong đêm.
Video hơn 30 người lao động không có việc làm ở Hà Nội đi bộ xuyên đêm để về quê
Vào lúc 20 giờ 10, cả nhóm 21 người lao động đi bộ đến ngã tư Trần Duy Hưng giao với đường vành đai 3. Lúc này, một số người đưa ra ý kiến đi thẳng tới ngã tư Nguyễn Trãi để đi về Hà Đông thẳng tới Hoà Bình. Tuy nhiên, đa số lại nhất quyết đi vào đường Đại lộ Thăng Long để về Hoà Bình.
Đến khoảng 21 giờ 40, nhóm của anh Danh (31 tuổi, quê Hoà Bình) gồm 21 người đi gần đến chốt kiểm dịch Covid-19 phân vùng 1 (vùng đỏ) đặt trước cổng toà nhà Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trên đường gom Đại lộ Thăng Long, thì gặp một nhóm khác 9 người cũng đang đi bộ về Điện Biên. Lúc này, cả nhóm 30 người bắt chuyện làm quen và tiếp tục hành trình đi bộ về quê.
Khoảng 20 giờ 10, nhóm 21 người này bắt đầu di chuyển đến khu vực đường Phạm Hùng để đi ra Đại Lộ Thăng Long
Đến khoảng 23 giờ 20 phút, 30 người đi bộ đến chốt kiểm soát Covid-19 phân vùng 1 và bị tổ công tác giữ lại để kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế. Qua làm việc nhanh, các cán bộ tại đây xác định cả 30 người trên đều chưa có giấy xét nghiệm Covid-19.
Những người đi bộ về quê tiến hành khai báo tế sau gần 6 tiếng đi bộ. Tại chốt, một số người nói rằng nếu đi bộ thuận lợi thì đến rạng sáng 9-9 sẽ về tới địa phận tỉnh Hoà Bình, còn đối với những người ở Điện Biên thì có thể từ 5-7 ngày mới tới nơi. Được biết, quãng đường từ chốt kiểm dịch về TP Hoà Bình khoảng hơn 70 km, còn về Điện Biên lên tới hơn 400 km.
Dù biết là khó khăn, nhưng nhiều người lao động mong muốn muốn về quê nên họ đã quyết định đi bộ
Anh Tùng (21 tuổi, quê Hoà Bình) cho biết, cách đây khoảng 2 tháng, anh cùng nhóm bạn xuống Hà Nội để làm phụ hồ xây dựng cho một nhà dân trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, khi công việc mới kéo dài được 10 ngày thì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên không thể tiếp tục. Qua 3 đợt giãn cách, Tùng được chủ thầu, các mạnh thường quân cùng chính quyền địa phương hỗ trợ về nhu yếu phẩm cần thiết.
Tuy nhiên, khi biết tin nhiều vùng của Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội lần thứ 4, đến chiều 7-9, anh Tùng cùng mọi người bàn bạc nhau về quê. "Ở đây bọn em được hỗ trợ chỗ ở miễn phí, chính quyền cũng cung cấp lương thực, nhưng chỉ ăn và ngủ gần 2 tháng nay em không chịu được nữa nên dọn đồ đi bộ về"- anh Tùng nói.
Đồi đạc lỉnh kỉnh được anh Danh cho hết vào một túi lớn, vác lên vai di chuyển cùng đoàn
Cũng tương tự hoàn cảnh của anh Tùng, anh Danh (31 tuổi, quê Hoà Bình) cho biết, nhóm của anh đi bộ về quê chiều 7-9, có 21 người từ các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình làm nghề thợ xây, phụ hồ tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.
Đến 20 giờ, nhóm này đi bộ đến khu vực vành đai 3 giao Đại lộ Thăng Long. Lúc này, một số người đã bỏ dép để đi chân đất. "Nhóm của tôi có người bắt đầu đi về từ lúc 18 giờ, còn lại cứ đi dần thì gặp nhau"- anh Danh cho hay.
Một người lao động trong đoàn 21 người đang ngồi nghỉ ngơi
Cũng trong đoàn đi bộ trong đêm để về quê, anh Nam (23 tuổi, quê Điện Biên) cho biết, trước khi Hà Nội giãn cách xã hội đợt 1, anh làm phụ hồ tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Khi mới giãn cách chủ thầu có nuôi ăn, ở nhưng việc này chỉ kéo dài hết đợt 2. Đến đợt giãn cách thứ 3, anh Nam và 11 người khác, chủ yếu quê Hoà Bình, Điện Biên, không còn được chủ thầu bao ăn. May mắn, lúc này cả nhóm được chính quyền địa phương giúp đỡ.
Tuy nhiên, chiều 7-9, anh Nam quyết định về cùng mọi người. "Tôi cùng với nhiều người trong nhóm nói rằng, mặc dù biết có thể đi đường như vậy sẽ bị các chốt giữ lại nhưng đều "tặc lưỡi" đi được đến đâu hay tới đó. Ở đây không việc, không tiền cũng không biết đến bao giờ mới đi làm trở lại để kiếm tiền nên chúng tôi quyết định về quê"- anh Nam nói.
Các công nhân chấp nhận di chuyển quãng đường rất dài và mất nhiều thời gian
Nói về những trường hợp này, sáng 8-9, chỉ huy Đội CSGT số 6 Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết sau khi đến chốt, nhân viên y tế tiến hành kiểm tra thân nhiệt và hỗ trợ nhóm người này khai báo y tế, test nhanh Covid-19. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, nhóm người này có thể tiếp tục hành trình về quê.
Một nhóm 9 người khác đang nghỉ ngơi tại đường gom Đại lộ Thăng Long
Sau đó, hai đoàn gồm 21 người và 9 người đã gộp lại cùng nhau di chuyển về quê
Mọi người đều tay xách nách mang, đồ đạc lỉnh kỉnh di chuyển trên đường Đại lộ Thăng Long
Cứ đi bộ được một đoạn, nhóm người lại nghỉ để lấy sức di chuyển tiếp
Một phụ nữ chuẩn bị sẵn gậy chống cho quãng đường dài phía trước
Một trong nhóm 30 người đang xem Google Maps để tìm đường đi chuẩn xác nhất
Một người khác lại tranh thủ gọi về cho gia đình
Mặc dù, nhiều người vẫn biết có thể đi đường như vậy sẽ bị các chốt giữ lại nhưng đều "tặc lưỡi" đi được đến đâu hay tới đó
Khoảng 23 giờ 20, lực lượng chức năng túc trực tại điểm chốt trên Đại lộ Thăng Long
Những người lao động khi đến chốt kiểm soát trên đường Đại Lộ Thăng Long, được nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt, sử dụng nước sát khuẩn
Tất cả đều phải khai báo y tế
Nguồn: [Link nguồn]
Vào Thừa Thiên - Huế được 3 tháng nhưng do dịch COVID 19 không có việc làm nên Khôi đã đạp xe vượt gần 700km về quê nhà...