Chuyện xúc động về ông Tây bán hàng rong quanh hồ Hoàn Kiếm chữa bạo bệnh

Người đàn ông ngoại quốc rơi vào tình cảnh éo le, bán hàng rong quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) để lấy tiền chữa bệnh ung thư khiến nhiều người xót xa.

Ông Tây ngồi nép trên vỉa hè, cạnh cửa hàng kem nổi tiếng bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ông Tây ngồi nép trên vỉa hè, cạnh cửa hàng kem nổi tiếng bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Người đàn ông ngoại quốc nổi tiếng trên mạng xã hội

Mới đây, trên mạng xã hội TikTok đăng tải clip kể về một người đàn ông ngoại quốc rơi vào tình cảnh éo le, phải bán bán hàng rong quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) để mưu sinh và chữa bệnh hiểm nghèo.

Theo người quay clip, người đàn ông này tên là Khalaf, đã ngoài 60 tuổi, sinh ra ở Palestine và đến Việt Nam được 2 năm. Vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên cuộc sống của ông gặp nhiều khó khăn. Không có gia đình, tiền bạc đã cạn kiệt lại mang căn bệnh ung thư quái ác, nên ông phải bán hàng rong ở bờ hồ Hoàn Kiếm lấy tiền điều trị ở Bệnh viện K (Tân Triều, Hà Nội).

Kẹo, khẩu trang, tăm bông... được để gọn gàng.

Kẹo, khẩu trang, tăm bông... được để gọn gàng.

Những mặt hàng người đàn ông ngoại quốc này bán chủ yếu là kẹo, khẩu trang, tăm bông... được để gọn gàng trong một chiếc hộp nhựa nhỏ cùng tấm biển ghi dòng chữ tiếng Việt: "Xin hãy mua giúp tôi chiếc kẹo".

Người quay clip cũng chia sẻ, đã mua ủng hộ ông vài món đồ nhỏ. Đến khi người này đưa ông 100 ngàn đồng và nói không cần trả lại, vị khách nước ngoài liền liên tục gật đầu cảm ơn. Kết thúc cuộc trò chuyện, người quay clip mua một chiếc bánh mì để tặng, người đàn ông ngoại quốc tỏ ra bất ngờ, đón lấy chiếc bánh mì ông bật khóc nức nở và nói cảm ơn khi được giúp đỡ.

Khi có người đến mua hàng và ủng hộ ông đều đứng lên chắp tay, cúi đầu cảm ơn

Khi có người đến mua hàng và ủng hộ ông đều đứng lên chắp tay, cúi đầu cảm ơn

Ông Khalaf được mọi người cho đồ ăn, nước uống

Ông Khalaf được mọi người cho đồ ăn, nước uống

Chỉ sau ít giờ đăng tải đoạn clip đã nhận về hàng trăm ngàn lượt thả tim cùng hàng ngàn bình luận. Dù chưa biết thực hư thông tin này ra sao nhưng hình ảnh ông Tây khiêm nhường ngồi bán hàng rong bên hồ Hoàn Kiếm vẫn đang được cộng đồng mạng tích cực chia sẻ, gửi lời chúc mong ông sớm khỏe mạnh.

Trước sự việc trên, PV đã tìm đến bờ hồ Hoàn Kiếm (cạnh một tiệm kem) để tìm hiểu sự việc. Theo quan sát của PV, người đàn ông ngoại quốc này rất hiền và lịch sự. Ông ngồi nép mình sát tiệm kem để không ảnh hưởng đến nhiều người đi bộ xung quanh.

“Không có người Việt Nam giúp đỡ có lẽ tôi đã chết”

Ông Khalaf sinh ra ở Palestine, sau đó đến định cư Jordan 

Ông Khalaf sinh ra ở Palestine, sau đó đến định cư Jordan 

Chia sẻ với PV, ông Khalaf cho biết, ông sinh ra ở Palestine, định cư Jordan, passport ở Jordan. Ông không lập gia đình và có 1 anh trai cùng 3 chị gái. Ông từng đến Kuwait làm thợ điện tử sửa chữa được khoảng 40 năm rồi nghỉ và di chuyển đến các nước ở Đông Nam Á.

Theo ông Khalaf, ông đến Việt Nam vào khoảng cuối tháng 2/2020. Tuy nhiên, ở Việt Nam không có đại sứ quán của Jordan nên ông đã liên hệ đại sứ quán Palestine nhờ hỗ trợ. Đại sứ quán đã hết lòng giúp đỡ ông và tài trợ vé máy bay để ông về nước nhưng ông từ chối vì muốn ở lại Việt Nam.

“Khi sang Việt Nam được mấy tháng tôi phát hiện mình bị ung thư đường mật giai đoạn cuối, nên muốn ở lại chữa bệnh vì ở đây chi phí rẻ. Còn quay lại Jordan cuộc sống đắt đỏ, tiền điều trị cho căn bệnh cũng tốn kém nên tôi không có khả năng”, ông Khalaf nói lý do không muốn về nước.

Người đàn ông ngoại quốc chia sẻ, tại Việt Nam, từ Chính phủ Việt Nam cho đến con người Việt Nam đều rất tốt, giúp đỡ ông rất nhiều. Việt Nam là quốc gia đầu tiên hỗ trợ cho ông tốt như vậy.

“Nếu không có người Việt Nam giúp đỡ chắc có lẽ tôi đã chết cách đây 1 năm rồi. Mọi người đã giúp tôi có sức khoẻ tốt lên, tôi rất biết ơn vì điều đó. Tôi xem con người Việt Nam như gia đình tôi”, ông Khalaf bật khóc nói.

Ông Khalaf mong muốn sức khoẻ tốt lên để có thể trả ơn con người Việt Nam như mọi người đang giúp đỡ ông. Nếu có điều kiện ông muốn dạy Tiếng Anh cho học sinh cấp 1 hoặc cấp 2 để trả ơn.

Ông Khalaf bật khóc cảm ơn người Việt Nam đã giúp đỡ ông trong những lúc khó khăn

Ông Khalaf bật khóc cảm ơn người Việt Nam đã giúp đỡ ông trong những lúc khó khăn

Trong quá trình chò chuyện với PV, ông Khalaf vẫn niềm nở bán hàng. Được nhiều người đến mua hàng và ủng hộ ông đều đứng lên chắp tay, cúi đầu cảm ơn. Khi nào thấy mệt, ông lại ngồi tựa vào bức tường để nghỉ ngơi.

Ông Khalaf tiết lộ, hiện tại ông đang thuê trọ tại Lò Sũ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Mỗi ngày từ 17h chiều, ông lại vào cửa hàng tiện lợi lấy hàng ra ven hồ Hoàn Kiếm bán. Đến khoảng 23h đêm ông dọn hàng về. Lý do ông chỉ bán buổi tối vì ban ngày còn nghỉ ngơi để cơ thể không bị mệt. Hằng ngày, ông bán hàng rong và được mọi người giúp đỡ nên cũng có tiền trang trải và chữa bệnh.

“Mỗi tháng tôi cũng kiếm được 6 triệu đồng, dịp lễ Tết thì được nhiều hơn. Số tiền này tôi dùng để trả tiền trọ, đi khám bệnh”, ông Khalaf nói.

Thời gian đầu mới đến Việt Nam, ông Khalaf cũng xin đi làm ở quán ăn nhưng khi biết bị bệnh, sức khoẻ yếu nên ông đành nghỉ để đi bán hàng rong. Trong khoảng thời gian Hà Nội giãn cách toàn xã hội vì dịch COVID-19, không thể đi làm, ông lại đi nhặt nhạnh ve chai bán lấy tiền sinh hoạt.

“Tôi không xem TikTok và tôi cũng không biết clip của mình được đăng lên đó, vừa nãy có người nói tôi mới biết. Hiện tại tôi rất bất ngờ và hạnh phúc”, ông Khalaf vui vẻ nói.

Sau khi nổi tiếng với clip trên TikTok ông Khalaf được nhiều người thương cảm và đến mua hàng cũng như ủng hộ.

Sau khi nổi tiếng với clip trên TikTok ông Khalaf được nhiều người thương cảm và đến mua hàng cũng như ủng hộ.

Khi được hỏi hết hàng sớm ông có đi lấy đồ về bán thêm không, ông Khalaf nói rằng: “Tôi sẽ không đi lấy hàng thêm, mệt lắm rồi. Tôi ngồi chơi ở đây lúc rồi về nghỉ ngơi thôi”.

Bệnh viện nói gì?

Chị Nguyễn Thanh Xuân, (30 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chị biết đến ông Khalaf 1 năm trước. Khi chưa có dịch COVID-19, chị hay cho 2 con gái ra chơi rồi mua đổ ủng hộ ông. Đến hôm xem clip trên TikTok chị mới biết ông bị bệnh.

“Năm ngoái ông khoẻ mạnh lắm, nay tôi ra thấy ông gầy và yếu hơn trước, chị Xuân nói.

Chị Nguyễn Thanh Xuân, (30 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa 2 con gái ra chơi rồi mua đổ ủng hộ ông Khalaf

Chị Nguyễn Thanh Xuân, (30 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa 2 con gái ra chơi rồi mua đổ ủng hộ ông Khalaf

Còn anh Kiều Văn Giang (ở Vĩnh Phúc) cho biết, khi xem được clip của ông Khalaf trên TikTok anh rất xúc động và đi xuống Hà Nội luôn.

“Tôi đi một vòng tìm ông nhưng không thấy giờ quay lại mới gặp được. Tôi và bạn đã gửi ông một chút tiền mong ông sớm vượt qua được bệnh tật”, anh Giang nói.

Anh Lê Xuân Nhân (quản lý khu trọ nơi ông Khalaf ở) kể, ông Khalaf đến thuê phòng từ tháng 4/2021. Khi biết được hoàn cảnh của ông nên bên anh đã hỗ trợ giảm 1 nửa giá so với các phòng khác.

Theo anh Nhân, ông Khalaf vẫn nợ tiền phòng, nhưng ông luôn nói trước và xin khất tử tế nên anh cũng đồng ý. Dù không có tiền nhưng thi thoảng ông vẫn nấu mì tôm cho mọi người ở khu trọ để ăn đêm.

“Nhìn ông tôi cũng thương lắm, thi thoảng chúng tôi cũng nấu cơm cho ông ăn và giúp đỡ ông trong khả năng có thể”, anh Nhân nói.

Ông Khalaf bật khóc và cảm ơn khi nhắc về sự giúp đỡ của con người Việt Nam

Ông Khalaf bật khóc và cảm ơn khi nhắc về sự giúp đỡ của con người Việt Nam

Bác sĩ Trần Thắng, Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện K3 Tân Triều cho biết, ông Khalaf bị ung thư đường mật giai đoạn muộn (3,4). Thời gian đầu khi mới phát hiện bệnh ông điều trị tại bệnh viện Đại học Y, sau giai đoạn đó thì chuyển về K3 Tân Triều. Bệnh viện cũng truyền hóa chất, sau sang tia xạ, và giờ đang quay về hóa chất cũng gần 1 năm. Hiện tại sức khỏe của ông cũng đi xuống, do hóa chất và xạ trị tác động.

“Khi đi bán hàng rong trên bờ hồ, cũng có một số mạnh thường quân giúp đỡ ông được mấy chục triệu. Ông tiếp nhận và mang xuống bệnh viện gửi để chi trả chi phí điều trị. Hiện bệnh viện cũng đang tìm nguồn tài trợ để giúp đỡ ông Khalaf điều trị”, bác sĩ Thắng nói.

Bác sĩ Thắng cho hay, bác sĩ điều trị cũng hỗ trợ lựa chọn hóa chất truyền phù hợp cho ông Khalaf. Tuy tốn kém nhưng chưa bao giờ ông nợ tiền viện phí, mà luôn xoay xở cho đủ. Bệnh viện thi thoảng cũng hỗ trợ đồ ăn và cũng rất quan tâm, ưu tiên vì ông Khalaf có một mình, lại sống ở nơi đất khách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Nóng trên mạng xã hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN