Chuyện "xưa nay hiếm" giờ thành trào lưu

Sự kiện: Tin nóng

Dù sống ở địa phương được xếp loại đặc biệt khó khăn nhưng những năm qua, nhiều người dân xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định lại có “truyền thống” tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để có động lực phấn đấu và nhường chỗ cho những trường hợp khó khăn hơn.

Bớt khổ liền xin thoát nghèo

Chồng thường xuyên bệnh tật, lại có hai con đang ở độ tuổi ăn học nên cách đây 4 năm, gia đình chị Đinh Thị Hằng (44 tuổi; ngụ thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa) lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Sau khi xem xét, đánh giá, chính quyền địa phương đã đưa gia đình chị Hằng vào diện hộ nghèo để được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Sau khi gầy được đàn heo, bầy gà, chị Đinh Thị Hằng liền xin thoát nghèo

Sau khi gầy được đàn heo, bầy gà, chị Đinh Thị Hằng liền xin thoát nghèo

Từ khi được xếp vào diện hộ nghèo, gia đình bớt được phần nào về áp lực kinh tế, vợ chồng chị Hằng quyết tâm dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động chăn nuôi, sản xuất ngay trong khu vườn nhà mình.

Nhờ vậy, từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình chị Hằng đã có được vườn cây keo sắp đến thời kỳ thu hoạch cùng với chuồng heo 5 con, đàn gà hơn 10 con, tạo sinh kế ổn định. Vừa qua, sau khi thấy hoàn cảnh gia đình đã bớt khổ hơn trước, chị Hằng làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

"Hiện tuy bớt khổ hơn trước nhưng gia đình tôi vẫn còn không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi thấy nhiều người ở địa phương còn khó khăn hơn mình nên tôi đã cùng chồng bàn nhau xin ra khỏi diện hộ nghèo để có động lực vươn lên và nhường chỗ cho những người khác", chị Hằng chia sẻ.

Mới đây, khi thấy chị Phan Thị Loan (41 tuổi; ngụ thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa) tự nguyện xin thoát khỏi hộ nghèo, nhiều người hàng xóm cho rằng hành động này là "dại" bởi chị vẫn còn không ít khó khăn.

Cụ thể, chị Loan đang có 2 con đang tuổi ăn học, chồng hạn chế về sức khỏe và thần kinh không ổn định, bản thân chị làm nghề chặt keo mướn với đồng lương ít ỏi. "Đúng là hoàn cảnh gia đình tôi vẫn đang còn khó khăn thật. Tuy nhiên, tôi muốn xin thoát nghèo để có động lực vươn lên", chị Loan trần tình.

Cách đây khoảng 5 năm, khi cuộc sống đang ổn định thì tai họa bất ngờ ập đến với gia đình ông Nguyễn Văn Tình (71 tuổi; ngụ thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa). Thời điểm này, sau khi phát hiện vợ bị bệnh nan y, ông Tình cũng bị tai nạn khiến đôi chân bị thương nặng, phải điều trị 2 năm.

Sau khi vợ mất, bệnh tình thuyên giảm và trở lại làm việc bình thường, ông Nguyễn Văn Tình liền xin ra khỏi diện hộ nghèo

Sau khi vợ mất, bệnh tình thuyên giảm và trở lại làm việc bình thường, ông Nguyễn Văn Tình liền xin ra khỏi diện hộ nghèo

Vợ chồng cùng bị bệnh nặng, con gái 40 tuổi bị thiểu năng bẩm sinh, cuộc sống gia đình ông Tình rơi vào khó khăn cùng cực nên được chính quyền đưa vào diện hộ nghèo. Mới đây, sau khi vợ qua đời, bệnh tình đã thuyên giảm, ông Tình xin ra khỏi diện hộ nghèo dù cuộc sống vẫn còn khó khăn.

"Trước đây, vợ tôi bị bệnh nan y, còn tôi bị tai nạn nên phải tốn kém nhiều tiền cho việc điều trị bệnh. Giờ vợ đã mất, tôi cũng đã đi lại và làm việc được, không còn khổ như trước nên xin thoát nghèo để nhường suất cho những hộ khác khó khăn hơn", ông Tình cho hay.

Tấm lòng sẻ chia

Theo UBND xã Ân Nghĩa, toàn xã hiện có khoảng 2.600 hộ dân với 11.000 nhân khẩu. Tỉ lệ hộ nghèo năm 2019 là 22,72%, đến nay giảm xuống còn 12,7%, tương ứng với 327 hộ nghèo. Đáng chú ý, từ năm 2019 đến nay, địa phương này có nhiều trường hợp dù vẫn còn khó nhăn nhưng tự nguyện xin thoát nghèo bền vững.

Nhiều hộ dân xã Ân Nghĩa xin thoát nghèo để nhường suất cho người khó khăn hơn

Nhiều hộ dân xã Ân Nghĩa xin thoát nghèo để nhường suất cho người khó khăn hơn

Theo quy định, hộ nghèo sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ về khám chữa bệnh, miễn giảm học phí, hỗ trợ vay vốn ưu đãi xây dựng nhà ở, hỗ trợ tiền điện sinh hoạt... Để được hưởng chế độ, chính sách, nhiều gia đình dù thật sự thoát nghèo nhưng vẫn muốn "nghèo bền vững". Tuy nhiên, đối với người dân xã Ân Nghĩa, ngoài tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo, còn là lòng tự trọng, sự sẻ chia khó khăn đối với người khác.

Ông Lê Hồng Sơn - Trưởng thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa - cho biết trải qua khoảng 20 năm làm trưởng thôn với hàng chục cuộc họp về công tác hộ nghèo, cận nghèo, ông đã quen với chuyện người dân xin vào hộ nghèo. "Tuy nhiên, đến năm 2019, lần đầu tiên tôi mới thấy địa phương mình có người xin thoát nghèo. Tất cả các hộ xin ra khỏi diện hộ nghèo rất quyết tâm với lựa chọn của mình, xuất phát từ ý thức vươn lên và tấm lòng sẻ chia", ông Sơn quả quyết.

Ông Nguyễn Văn Liên - Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa – cho biết 3 năm gần đây, dù địa phương gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19 kèm theo bão lũ triền miên nhưng tỉ lệ hộ nghèo vẫn liên tiếp giảm. Trong đó, có 17 hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Kim Sơn và Bình Sơn.

"Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, địa phương tập trung trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi và tạo điều kiện cho con em đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, địa phương cũng phát triển các mô hình như trồng cây ăn quả, hỗ trợ bò sinh sản. Nhờ đó, các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo" - ông Liên khẳng định.

Ông Đặng Thành Công ở xã Ân Nghĩa xin thoát nghèo sau khi sức khỏe ổn định, làm việc lại được.

Ông Đặng Thành Công ở xã Ân Nghĩa xin thoát nghèo sau khi sức khỏe ổn định, làm việc lại được.

Theo ông Tạ Ngọc Định, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hoài Ân, những trường hợp đầu tiên xin ra khỏi diện hộ nghèo của xã Ân Nghĩa cũng là những trường hợp đầu tiên ở huyện. Đằng sau việc các hộ dân ở xã Ân Nghĩa xin ra khỏi diện hộ nghèo có đóng góp của chính quyền địa phương trong tuyên truyền, nhất là việc triển khai hiệu quả các chương trình, mô hình hỗ trợ giảm nghèo.

Ông Trần Văn Thơm - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân - cho biết khi người dân có đơn xin thoát nghèo, chính quyền địa phương sẽ thành lập tổ công tác để xem xét. Nếu thấy họ đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện thoát nghèo theo quy định thì mới chấp nhận chứ không chỉ căn cứ theo đơn của họ. Ngoài ra, qua hằng năm rà soát lại hộ nghèo xin thoát nghèo đó, nếu đủ điều kiện thì phát huy còn không đủ điều kiện thì tiếp tục hỗ trợ.

"Việc thoát nghèo được xem xét kỹ nhằm giúp người tự nguyện khỏi hộ nghèo có điều kiện tiếp tục vươn lên. Điều đáng quý nhất của người dân xã Ân Nghĩa đó là tính tự giác, ý chí vươn lên trong cuộc sống. Gia đình nào cảm thấy đủ điều kiện là tự nguyện xin thoát nghèo ngay", ông Thơm nói.

Hộ nghèo thêm khó khăn sau khi... nhận hỗ trợ

Bò giống sau khi được cấp cho người nghèo chỉ vài tháng lăn đùng ra chết, trong khi cơ quan liên quan cứ đổ lỗi cho người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Anh ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN