Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Trung tâm cứu hộ và chăm sóc thú

Sự kiện: Thời sự

Gần 30 năm làm việc tại Sở thú, ông Lê Trọng Hiệp có rất nhiều kỷ niệm, đáng nhớ nhất là lần... mài răng cho hà mã. Khoảng chục năm trước, ông Hiệp được giao chăm sóc chú hà mã tên là Khia.

“Thấy Khia có dấu hiệu bỏ ăn, tôi quan sát kỹ thì phát hiện do 2 chiếc răng của nó mọc dài, mỗi khi nhai, bị cấn lên nướu hàm trên, gây đau và ăn không được. Anh em chúng tôi tìm hiểu mới biết, khi răng dài, hà mã thường tự đi tìm đá để mài 2 chiếc răng ở hàm dưới dùng để gắp thức ăn đưa vào miệng”.

Chuông reo là lên đường

Chúng tôi chợt nhớ câu chuyện cách nay gần 20 năm - lần rừng tràm nguyên sinh hàng mấy trăm năm tuổi U Minh Thượng (Kiên Giang) bốc cháy dữ dội nhất. Các nhà khoa học ghi nhận nơi đây có khoảng 100-120 con rái cá vuốt bé (rái cá cùi) và khoảng 150-200 con rái cá mũi lông (rái cá móng). Khi đó, toàn châu Á chỉ có 5 loài rái cá thì Việt Nam có 4 loài, và tại U Minh Thượng có 2 loài. Tất cả đều quý hiếm, có nguy cơ diệt chủng và đã được ghi vào Sách đỏ của thế giới.

Vào thời điểm đầu tháng 2-2002, bầy rái cá này đã lọt ra ngoài, xâm nhập vào ao nuôi cá của nhiều người dân ở vùng đệm của rừng (thuộc kinh Tám) để bắt cá và bị người dân phát hiện, dùng bẫy bắt và dùng chó để tiêu diệt. Do bị thiệt hại nhiều, các hộ dân này sau đó đã không dám đầu tư nuôi cá nữa. Còn kiểm lâm của vườn quốc gia phải bồi thường mỗi khi người dân bắt được rái cá, giao nộp. Có khoảng chục con rái cá được giao nộp và trả tiền chuộc như thế...

Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Trung tâm cứu hộ và chăm sóc thú - 1

Tổ chế biến đang cấp thực phẩm cho tổ nuôi thú dữ.

Công việc cứu hộ, theo Th.S Trực, được thực hiện hiệu quả trong khoảng 5 năm trở lại đây. “Với chế độ trực 24/24 suốt 7 ngày trong tuần, bất kể giờ nào, khi nhận được cuộc gọi yêu cầu cứu hộ là chúng tôi khẩn trương lên đường”.

“Hôm đó đang trực thì chúng tôi nhận được yêu cầu chuẩn bị đồ dùng cần thiết để đi cứu hộ voọc chà vá chân xám, 10h00 xuất phát. Sài Gòn hôm đó đang nắng đẹp bỗng chuyển sang xám xịt rồi lất phất mưa. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi có mặt tại Phú Yên. Qua kiểm tra lâm sàng nhận thấy con voọc bị một vết thương rất sâu ngay cổ chân sau bên phải.

Theo kinh nghiệm của cán bộ kiểm lâm địa phương, loại vết thương gây ra bởi bẫy treo thòng lọng bằng dây cáp, chuyên dùng để bẫy các loài thú nhỏ, thú móng guốc. Chúng tôi nhận thấy cá thể này đang có biểu hiện căng thẳng, luôn ngồi thu mình vào một góc, quay lưng ra ngoài - một biểu hiện thường thấy ở loài linh trưởng khi bị bắt, bị bẫy, lạc mất bầy đàn”, anh Nguyễn Bá Phú kể.

Cả nhóm hội ý kỹ thuật và thực hiện ngay việc chăm sóc sức khỏe cho cá thể voọc, mặt khác hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để sớm quay lại TP Hồ Chí Minh. “Trên đường về, sức khỏe của chú voọc được theo dõi đặc biệt. Vì đang bị stress nên chú voọc rất kén ăn. Chúng tôi phải chọn những chồi non thật tươi của những loại lá thật thích như bằng lăng, dâu, khế, râm bụt, đinh lăng, đi kèm cử chỉ dỗ dành, nó mới chịu ăn. Cứ độ 2-3 tiếng lại kiếm một đợt lá non mới tươi ngon. Lá cũ, héo, chúng không bao giờ ăn”, anh Phú cho biết.

Xe chạy xuyên đêm. Hơn 4 giờ sáng ngày thứ ba, chiếc xe chở các bác sĩ thú y có mặt tại Sở thú.

Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Trung tâm cứu hộ và chăm sóc thú - 2

“Mẹ” của chú Voọc chà vá chân nâu Chaien - bác sĩ thú y Huỳnh Lê Ngọc Diễm.

Mài răng hà mã, đỡ đẻ cho... sư tử

Không phải là động vật ăn thịt nhưng hà mã được ghi nhận là loài... giết người nhiều nhất ở châu Phi. Hàm của nó có thể nghiền nát cả con cá sấu dài khoảng 3m. Với sư tử, ai cũng biết là loài vật hung dữ, ăn thịt động vật và tất nhiên không loại trừ con người. Hiện tại, Sở thú có hàng chục cá thể hà mã, sư tử, hổ...

Bị hạn chế trong không gian sống nhưng về bản tính tự nhiên, không ai dám khẳng định là chúng hiền hơn so với đồng loại đang sống tự nhiên bên ngoài. Thế nhưng trong Sở thú, có những người chuyên làm việc khó và hết sức nguy hiểm mà nếu không gặp và tận tai nghe họ kể, chúng tôi không thể hình dung...

Gần 30 năm làm việc tại Sở thú, ông Lê Trọng Hiệp cho biết ông có rất nhiều kỷ niệm, đáng nhớ nhất là lần mài răng... cho hà mã. Khoảng chục năm trước, ông Hiệp được giao chăm sóc chú hà mã tên là Khia. “Thấy Khia có dấu hiệu bỏ ăn, tôi quan sát kỹ thì phát hiện do 2 chiếc răng của nó mọc dài, mỗi khi nhai, bị cấn lên nướu hàm trên, gây đau và ăn không được.

Anh em chúng tôi tìm hiểu mới biết, khi răng dài, hà mã thường tự đi tìm đá để mài 2 chiếc răng ở hàm dưới dùng để gắp thức ăn đưa vào miệng. Lần đó, khi cho ăn, nghe tiếng tôi gọi tên, Khia ngóc đầu dậy, lên bờ rồi chạy lại để ăn. Khi đã thân thiện, mỗi buổi trưa, ngay giờ nghỉ của nó, tôi đến “tâm sự” với nó, dùng giũa sắt để giũa răng cho nó. Tiếng giũa cót két làm nó sợ và không cho tôi làm tiếp”.

Ngày hôm sau, ông Hiệp dùng gạch, cà vào răng không gây tiếng động như thanh sắt. Ông thử luôn viên đá mài dao thì càng hiệu quả hơn. “Thế là tôi đề xuất cho mua đá mài dao để mài răng cho hà mã. Tôi kiên trì mỗi ngày mỗi chút và đến ngày thứ ba thì nó ăn uống bình thường. Sau đó, cứ khi nào răng nó dài, tôi lại mài. Cứ như vậy trong nhiều tháng liền cho đến khi răng nó mọc chậm lại, tôi mới thôi công việc này”, ông Hiệp cho biết. 

Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Trung tâm cứu hộ và chăm sóc thú - 3

Gia đình hà mã đang đùa giỡn.

Có “thâm niên” nhất nhì trong xí nghiệp động vật là ông Nguyễn Hữu Thiện, chỉ còn mấy tháng nữa là tròn tuổi 60, nghỉ hưu. Gần 40 năm được phân công nuôi khỉ, gấu, hươu, nai, hổ, sư tử,... ông Thiện có rất nhiều kỷ niệm nhưng “nhớ đời” nhất là lần ông đỡ đẻ cho sư tử.

“Năm 1994, mẹ của Tony - tên của chú sư tử con mà ông đặt - khó đẻ nên các bác sỹ thú y của Sở thú phải mổ bắt con. Vì bị chích thuốc mê nên mẹ Tony không có sữa, Tony phải nuôi bộ và tôi là người được phân công làm việc này. Lúc đó, chưa có sữa nhập chuyên cho thú nên nuôi sư tử con rất vất vả. Nghĩ nát óc, tôi quyết định chế một hỗn hợp đặc biệt gồm sữa bột loại cho trẻ con pha thêm một số chất đạm cùng với lòng đỏ trứng gà.

Thể trạng yếu, hay bị rối loạn tiêu hóa, Tony không mạnh miệng với hỗn hợp này nhưng tới chừng quen, nó tỏ ra nghiện. Đến lúc Tony biết ăn, tôi xay thịt và gan động vật để bổ sung đạm, rồi bổ sung vitamin D cho nó cứng xương”, ông Thiện nhớ lại. Chính sự chu đáo của ông khiến Tony quen hơi và quấn quýt ông cho tới lớn. Nhiều lần đi cùng anh dạo trong vườn, thấy người lạ nó nép vào phía sau chân ông như đứa trẻ.

Tony mang thai rồi chuyển dạ. Ông Thiện nhận định Tony có thể cũng giống mẹ - khó tự đẻ con. Ông gọi điện báo cho lãnh đạo, đề nghị cho bác sỹ thú y có mặt để hỗ trợ. Hầu hết các động vật ăn thịt khi sinh con đều rất muốn không gian yên tĩnh, rất hung dữ và nguy hiểm, không từ một ai, kể cả đồng loại. Tập tính này của loài sư tử có thể là cấp độ cao nhất.

Ông quan sát, thấy Tony cứ đi lòng vòng, vừa đi vừa rặn. Dường như sự cố gắng của nó đã không như ý muốn. Trông nó rất đau đớn. Rất lâu sau chỉ ra được cái đầu sư tử con. Nó có vẻ mệt và có dấu hiệu kiệt sức. Phát hiện ông đứng bên ngoài, ánh mắt nó lộ vẻ cầu cứu.

Ông Thiện cũng có thoáng qua ý nghĩ về sự nguy hiểm cho mình. Tuy nhiên, khi nghĩ đến tình huống sư tử cả con lẫn mẹ sẽ nguy hiểm đến tính mạng, ông đã để suy nghĩ trước đó lùi lại phía sau. Ông tự tin nhẹ chân bước vào chuồng, từ từ đến bên Tony vuốt ve thăm dò biểu hiện của nó. Thấy nó nằm im, ông mừng run người. Anh em bên ngoài hồi hộp chứng kiến mà không dám thở. Cảm giác được lúc nó rặn đẻ, ông nhẹ nhàng hỗ trợ kéo chú sư tử con ra...

Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Trung tâm cứu hộ và chăm sóc thú - 4

Rất ít người có thể thân thiện với hổ trắng như ông Thiện (ảnh trái); Nếu không có tấm lòng yêu thương thú hoang dã, công việc nuôi bộ thú non sẽ khó thành công.

Mấy phút sau, ông Thiện đã làm xong việc của một “bà đỡ”. Thế nhưng thật tiếc, con của Tony nằm bất động. “Có thể suốt lúc đẻ khó, Tony chạy lung tung trong chuồng, đứng lên ngồi xuống làm đầu con nó bị đập xuống đất nhiều lần dẫn đến tử vong”, ông Thiện nhận định. Tony nằm nghỉ khoảng một tiếng đồng hồ rồi lại có biểu hiện đau đẻ.

“Vậy là vẫn còn cơ hội cho cả Tony và tôi. Có kinh nghiệm rồi, tôi chủ động ra tay từ đầu. Và tôi đã thành công”, ông Thiện cho biết. Tony đẻ xong nhưng còn rất mệt, ông đã trực cạnh bên hỗ trợ đưa con nó đến để nó cho bú. Khi đó, Tony nhìn ông với ánh mắt như biết ơn người đã giúp nó vượt cạn.

Đêm trắng của người “mẹ” đặc biệt

Tôi gặp Nguyễn Phước Thịnh khi anh cùng các đồng nghiệp là những bác sĩ thú y của xí nghiệp động vật đang miệt mài với công việc nuôi bộ thú non. Thấy có bình đun nước trên mặt bàn, tôi thắc mắc thì Thịnh nói đấy là dùng để phục vụ việc pha sữa cho thú non và cũng để nấu mì tôm cho anh trong các ca trực đêm. Tại Sở thú, Nguyễn Bá Phú cùng Thịnh và Lê Anh Tâm từng được ví là “ba chàng ngự lâm chăm hổ” sau khi kết thúc thành công quá trình săn sóc chú hổ trắng Bengal cách đây gần 4 năm.

Ngày 7-7-2015 mẹ hổ trắng Bengal sinh được 3 hổ đực con. Ngay từ lúc sinh ra, có một con hơi chậm hơn so với 2 con còn lại dẫn tới bị thiếu sữa. Việc chăm sóc chú hổ trắng Bengal tách đàn là một công việc hết sức mới mẻ nên không hề đơn giản. Nhìn những bình sữa, khăn bông, bình đun nước nóng, đèn sưởi... chúng tôi cảm giác đấy là kết quả chuẩn bị của một bà mẹ chu đáo cho ngày ra đời của con mình.

Cuốn sổ nhật ký có đầy đủ bút tích của “ba chàng ngự lâm” thể hiện rõ chi tiết của quy trình chăm sóc hổ con: 11h45’ ngày 12-7-2015 tách đàn. Hổ con nặng 0,81 kg, thân nhiệt hạ xuống 32,9 độ C (bình thường là 37 độ C). Thân nhiệt đo được lúc 12 giờ, sau khi sưởi đèn, cho bú 25 ml sữa, tăng lên 37,6 độ C. Trong ngày 12-7-2015, chu kỳ cho bú sữa lặp lại lúc 14h15’, 16h, 17h15’, 22h30’, 2h30’, 3h...

“Đúng một tháng sau, chú hổ lớn và khỏe thấy rõ. Đặt nó lên bàn cân, thấy nặng 4,65 kg, anh em chúng tôi ai cũng sung sướng. Thêm một tháng sau đó, nó nặng 8,55 kg. Mỗi lần nó bú 180 ml sữa, kèm 3 gr thịt bò tươi xay nhuyễn”, Nguyễn Bá Phú nhớ như in, kể.

Suốt 2 tháng trời sức khỏe của chú hổ Bengal vẫn chưa thật sự ổn. Lúc nó khỏe thì bú hết bình chỉ khoảng 10-15 phút. Nhưng cũng có khi phải ngồi vuốt ve cả tiếng đồng hồ nó mới bú hết. Thường thì 3-4 giờ nó đòi bú sữa một lần nhưng anh em vẫn luân phiên nhau canh sáng đêm, không chờ tới lúc nó đòi bú. “Căn phòng của chúng tôi luôn sáng đèn cũng là vì vậy”, Phú nói.

Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Ly kỳ những “cụ” cây của Thảo cầm viên

Vào Sở thú, du khách thường “hăm hở” đi tìm và hỏi han về những loài thú, đặc biệt là những loài thú quý hiếm. Tuy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
theo Thái Bình- Nguyễn Cảnh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN