Chuyện về thầy giáo nghèo được bảo hiểm chi trả 11 tỷ đồng
“Tôi hẹn với đám học trò nhỏ, tháng 6 này sẽ quay lại dạy các con. Vậy mà…” - thầy giáo Danh Văn (30 tuổi) nghẹn ngào nhìn xuống chiếc chân sưng phù, đau nhức.
Thầy giáo Danh Văn đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ước mơ gieo chữ vùng xa
Trưa 5/6, chúng tôi tìm đến khu D, khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) tìm thầy Văn vừa được Bảo hiểm tỉnh Kiên Giang chi trả hơn 11 tỷ đồng tiền viện phí. Anh Văn giải thích, đó là tiền bảo hiểm chi trả cho bệnh viện, chứ không phải đưa cho mình như nhiều người đồn.
Ths Lê Minh Hiển (bìa trái) giúp thầy giáo nghèo yên tâm trị bệnh
Anh Văn (người Khmer, ngụ An Phú, Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao, Kiên Giang) là thầy giáo ở Trường tiểu học và THCS Tiên Hải (ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải, TP Hà Tiên), dạy tại điểm lẻ Hòn Đước. Từ nhà thầy đến lớp học chừng 150km, nhưng đi về không dễ dàng bởi trường nằm ở đảo, đi lại phụ thuộc ghe đò. Khó khăn trăm bề, điện nước không có, con ngư dân theo cha mẹ đánh bắt cá tôm. Giáo viên phải đến từng nhà, gom tụi nhỏ dạy cái chữ. Cực là vậy, nên chẳng mấy giáo viên bám trụ lâu dài.
8 năm ra đảo là ngần ấy năm thầy trò lớp ghép của anh Văn không biết đến ánh điện. Những ngày học tăng cường theo chương trình, thầy trò có khi thắp đèn cầy, may lắm mới có đèn sạc điện… Vậy mà các lớp thầy Văn phụ trách, đứa nào cũng đọc thông viết thạo. “Tôi muốn đem con chữ đến những vùng sâu vùng xa, nơi khó khăn để dạy các em. Nhìn các em khó khăn nhưng ham học, mình thương lắm. Mong sao được trở về lớp, được tiếp tục những ngày thầy trò ê a”, thầy giáo trẻ tâm sự.
Nhập Bệnh viện Chợ Rẫy từ tháng 11/2019, đến nay chưa thể quay lại đảo, thầy Văn quay quắt nhớ, đau đáu lo cho học trò ở đảo xa. “Mới đây, điện đã ra đảo, mấy đứa học trò suốt ngày gọi Zalo để thấy hình thầy, có phụ huynh còn vào bệnh viện thăm. Tôi hẹn với học trò tháng 6 này sẽ quay lại lớp, không ngờ cái chân giở chứng lại sưng tấy phải nhập viện lần 2. Bao nhiêu năm nay, dù có dịp được chuyển về đất liền nhưng sống chung với học trò miết không nỡ đi. Chỉ mong sao nhanh hết bệnh để về với các em…”, anh Văn nói.
Qua rồi những ngày “nước mắt như mưa”
Anh Văn mắc Hemophilia, một chứng rối loạn đông máu bẩm sinh hay còn gọi máu khó đông từ nhỏ. Chỉ một vết thương nhỏ cũng khiến máu chảy không ngừng. Trong một buổi lên bục giảng không may trượt chân ngã, cẳng chân trái gãy đôi, máu chảy quá nhiều, thầy rơi vào nguy kịch.
Ngay sau đó, anh được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, song máu vẫn chảy mãi không cầm được. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán thầy giáo bị chèn ép khoang, chảy máu cấp phức tạp, để điều trị dứt điểm, bệnh nhân phải được dùng loại chế phẩm truyền máu rất đắt tiền, lên đến vài tỷ đồng. Thầy giáo tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Do mang bệnh máu khó đông và bị kháng thuốc, nên các bác sĩ đã phải tìm mọi phương án để cầm máu cho anh.
Nghe tin con gặp nạn, ông Danh Định liền cầm mấy công đất, vay mượn anh em được 150 triệu đồng cầm lên Sài Gòn. Nhưng nghe bệnh của con chi phí thuốc men trăm triệu đồng/ngày, người cha nước mắt như mưa. “Có bảo hiểm thì cũng phải đóng hơn 40 triệu đồng/ngày, số tiền 150 triệu đồng cầm theo bay vèo nhanh chóng. Cha con biết ôm nhau khóc, tính đường đưa con về quê phó mặc số trời”, ông Định nhớ lại.
May mắn, bác sĩ điều trị biết hoàn cảnh gia đình cũng như số tiền quá lớn nên giới thiếu trường hợp anh Văn với Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau vài cuộc gọi điện thoại qua lại giữa bệnh viện với Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kiên Giang, Bảo hiểm xã hội thông báo sẽ chi trả toàn bộ số tiền anh Văn điều trị tại bệnh viện.
“Đợt đó số tiền lên tới 8 tỷ đồng, bảo hiểm đều chi trả, chỉ còn 150 triệu đồng tiền ngoài danh mục, phòng Công tác xã hội của bệnh viện lo. Tôi không tin được đó là sự thật”, ông Danh Định kể.
Ths. Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, Phòng đã giúp nhiều bệnh nhân được hưởng bảo hiểm, nhưng chưa ca nào được chi trả cả chục tỷ đồng như lần này.
Theo quy định, người tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện là 1.490.000 đồng), tương đương 8,94 triệu đồng thì lần khám chữa bệnh lần sau khi đi đúng tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.
“Sau khi xuất hiện hồi tháng 1/2020, chúng tôi chuẩn bị sẵn bộ hồ sơ cho người nhà bệnh nhân, dặn họ xin giấy chứng nhận 6 tháng lương. BHXH tỉnh Kiên Giang xác nhận và cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Nhờ vậy, lần nhập viện này, bệnh nhân tiếp tục được chi trả viện phí thêm 3 tỷ đồng. Nếu thời gian nằm viện dài, thì tổng số tiền bảo hiểm chi trả không dừng lại ở 11 tỷ đồng”, Ths Hiển nói.
Ngày 5/6, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đỗ Quang Biên, Hiệu trưởng trường tiểu học và THCS Tiên Hải, cho biết, thầy Văn luôn tâm huyết với nghề, có năng lực chuyên môn tốt, sống hòa đồng với mọi người, được đồng nghiệp quý mến và học sinh kính trọng. Sau khi xảy ra tai nạn, gia đình tích cực cứu chữa nhưng thuốc tiêm cầm máu rất đắt, tới 100 triệu đồng/ngày. Gia cảnh thầy Văn khó khăn, chủ yếu làm nghề nông, bố, mẹ sức khỏe già yếu. Thầy Văn có một chị gái đã có gia đình và em gái năm nay học lớp 10. “Vừa qua, Ban giám hiệu nhà trường đã kêu gọi đồng nghiệp tham gia ủng hộ kinh phí, giúp thầy Văn chữa bệnh vượt qua cơn hiểm nghèo. Số tiền ủng hộ nhà trường đã gửi đến gia đình giúp đỡ phần nào chi phí điều trị”, ông Biên nói. Nhật Huy
Nguồn: [Link nguồn]
Một bệnh nhân ở tỉnh Đồng Nai, điều trị tại TP HCM, đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả với mức khoảng hơn 5 tỉ...