Chuyện về những người "bố" quân hàm xanh
Nơi vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk, biết bao trẻ em thiếu may mắn được bộ đội biên phòng đón nhận về đơn vị nuôi trực tiếp, hoặc lớn lên bằng lương của bộ đội. Chính vòng tay đùm bọc, yêu thương của các chiến sỹ mang đến cho những đứa trẻ nơi đây sự ấm áp, niềm tin vượt qua bất hạnh.
Những đứa con của lính
Trong giấc mơ của H’Vina Knul, thi thoảng vẫn mơ thấy mẹ về động viên hai chị em học, cả gia đình cùng lên rẫy, quây quần bên bữa cơm đạm bạc mà ấm cúng. H’Vina vừa kể vừa rưng rưng xúc động. Gia đình H’Vina ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), là xã biên giới của huyện. Nhà có 2 chị em, mẹ bị tai biến, gánh nặng kinh tế đè lên vai người bố.
Cuối năm 2021, mẹ của H’Vina mất. Có lúc em cảm thấy chông chênh, tưởng chừng phải bỏ học để ở nhà phụ giúp bố, nhưng nhờ sự tiếp sức của các chú bộ đội biên phòng, đến nay Vina đã là cô nữ sinh lớp 11 với thành tích học tập đáng khen.
Chiến sỹ biên phòng hướng dẫn em Y Phú học bài
Những việc làm lặng thầm của người lính mang quân hàm xanh đã sưởi ấm trái tim, thổi bùng lên khát vọng về một tương lai tốt đẹp cho nhiều đứa trẻ thiếu may mắn nơi đây. Nhà em Hồ Thị Thu Thảo (xã Ia Rvê, huyện Ea Súp) là một trong những địa chỉ quen thuộc của bộ đội biên phòng. Từ năm học lớp 8 đến bây giờ là sinh viên đại học năm thứ 3, trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, hàng tháng Thảo đều được “hưởng lương” của cán bộ, chiến sỹ để đến trường và sinh hoạt hằng ngày.
“Từ khi được các chú nhận nâng bước tới trường, hằng tháng em được trợ cấp 500 nghìn đồng, ngoài ra, còn được tặng quần áo, xe đạp, sách vở, giúp em có thêm chi phí để trang trải, yên tâm học tập. Khi lên đại học, xa nhà, các chú thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên tinh thần”, Thảo bộc bạch.
Thảo kể, nhà có 2 chị em, gia đình khó khăn, ba mẹ lớn tuổi, sức khỏe yếu. Nếu không có sự hỗ trợ của các chú biên phòng, có thể Thảo phải bỏ lỡ việc học. “Em hy vọng các chú có thể giúp được nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn, giống như em có thể thực hiện giấc mơ đại học của mình”, Thảo nói.
Đại tá Phạm Hữu Chiến, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, chương trình “Nâng bước em tới trường” được triển khai từ năm 2014, mỗi em được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” triển khai từ năm 2019, nuôi dưỡng trực tiếp tại các đồn. Năm học 2021-2022, Bộ đội biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu 39 học sinh của chương trình “Nâng bước em tới trường” và 4 em “Con nuôi đồn biên phòng”. Từ khi triển khai đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đỡ đầu 247 học sinh khó khăn, mồ côi trên địa bàn 4 xã biên giới hai huyện Ea Súp, Buôn Đôn.
Trong câu chuyện với đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, chúng tôi thấy hiệu quả của chương trình này như một vùng sáng góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Qua câu chuyện tại địa bàn thôn 6 (xã Ia Rvê, huyện Ea Súp), nhiều gia đình có đối tượng thường xuyên vi phạm quy chế biên giới. Khi bộ đội biên phòng nhận nâng bước em tới trường, các chiến sỹ có nhiều cơ hội tiếp cận đối tượng phân tích, tuyên truyền, vận động, bây giờ hầu như không còn nạn săn bắn, khai thác trái phép lâm sản… vi phạm quy chế biên giới. “Đó cũng là điểm sáng của bộ đội biên phòng, tất nhiên là chúng tôi có kết hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương”, đại tá Hùng cho biết.
Mái ấm biên phòng
Cái nắng chói chang miền biên viễn hong khô ẩm mốc những ngày mưa dầm vừa qua. Trong khuôn viên Tiểu đoàn huấn luyện Cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, 43 học sinh vận đồng phục áo trắng quần đen hào hứng tại buổi gặp mặt tuyên dương học sinh tiêu biểu chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” năm 2022.
Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk giúp dân việc đồng áng
Cậu bé ngồi cạnh cửa ra vào có gương mặt sáng sủa nhưng phảng phất chút buồn. Em là Lang Anh Khoa (SN 2013, năm nay lên lớp 4). Nhà ở xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, trước khi về đồn sống với các “bố biên phòng”, Khoa ở với mẹ cùng em nhỏ và ông nội bị tâm thần. Bố Khoa nguyên là Bí thư Chi đoàn thôn, bị ung thư dạ dày rồi mất. Gia đình thuộc diện hộ nghèo. Nhà có một ít đất ruộng, hằng ngày mẹ Khoa phải làm thuê trang trải cuộc sống. Ngoài thời gian lên lớp, cậu bé phụ giúp mẹ các công việc nhà, thi thoảng theo mẹ lên rẫy.
Đồn Biên phòng Ea H’leo bây giờ trở thành ngôi nhà thứ hai của Khoa. Khác với buổi đầu bỡ ngỡ, nhút nhát, giờ đây cậu bé 9 tuổi đã dần quen với mọi sinh hoạt, nề nếp một người chiến sỹ.
Thời gian Khoa ở trong đồn, tình yêu thương của các chú chiến sỹ biên phòng đã lấp đầy sự trống trải trong tâm hồn em. “Giờ em có nhiều cha lắm. Tất cả các chú chiến sỹ biên phòng đều là cha của em. Mỗi tối kèm cặp em học, dạy dỗ từng lời ăn, tiếng nói… Hằng tuần em được các chú chở về nhà thăm gia đình. Em sẽ cố gắng nghe lời các chú bộ đội, học tập thật giỏi, không phụ lòng mọi người”, Khoa chia sẻ.
Thiếu tá Vũ Văn Dương, Chính trị viên Phó đồn Biên phòng Ea H’leo cho biết, cháu Lang Anh Khoa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vừa được đồn biên phòng nhận con nuôi năm vừa rồi. Hiện tại, cháu Khoa được tổ công tác gồm 3 đồng chí trực tiếp nuôi dưỡng. Sáng sáng chở Khoa đến trường, chiều đón về, tối cùng Khoa ngồi vào bàn học bài.
Theo thiếu tá Dương, trước khi nhận Khoa, đồn đã nhận nuôi 1 cháu mồ côi mẹ được 3 năm. Hiện bố cháu bé đi làm ăn xa trở về xây dựng gia đình mới. Theo nguyện vọng của bố, đồn đưa cháu về nhà sum vầy.
“Trong những năm qua, với chương trình nâng bước em tới trường, đơn vị đã nhận đỡ đầu 7 cháu (hỗ trợ 500 nghìn đồng/cháu/tháng) và nhận một con nuôi. Đơn vị vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để hỗ trợ các phần quà, xe đạp, cặp sách, quần áo cho các cháu", Thiếu tá Vũ Văn Dương chia sẻ.
Buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn, cách đường biên giới với nước bạn Campuchia gần 50km. Buôn có gần 140 hộ với hơn 500 khẩu, trong đó 86% là người dân tộc thiểu số. Đói nghèo khiến những đứa trẻ lớn lên trong thiếu thốn đủ bề. Nhiều con em của đồng bào nghèo ở vùng biên này trở thành những đứa con của lính biên phòng. Em Y Phú Mlô, nhà ở buôn Đrang Phốk là một trong những con nuôi đầu tiên của đồn biên phòng tỉnh Đắk Lắk. Y Phú mồ côi mẹ khi chưa đầy 3 tuổi, phải sống nhờ ông bà ngoại. Lên 6 tuổi, Y Phú được Đồn biên phòng SêRêPốk nhận làm con nuôi, bây giờ em bước vào học lớp 3.
Từ số điện thoại cá nhân của đại tá Đinh Văn Nơi, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã trở thành số điện thoại quen thuộc của người dân An Giang, hằng ngày đều đặn...
Nguồn: [Link nguồn]