Chuyện về 'dân chơi cầu Ba Cẳng'

Hỗn danh “Dân chơi cầu Ba Cẳng” không rõ đã có từ khi nào, chỉ biết nó gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng Sài Gòn – Chợ Lớn xưa cùng với nhiều giai thoại khó tin để nhắc cho các thế hệ sau về một lớp đàn anh “ngang trời dọc đất” khí khái, trượng nghĩa đúng chất của những “anh Hai Sài Gòn”…

Chuyện về 'dân chơi cầu Ba Cẳng' - 1

Cầu Ba Cẳng là nơi dân chơi, các băng nhóm giang hồ ở vùng Chợ Lớn thường xuyên tụ tập. Ảnh tư liệu

Cầu bộ hành đầu tiên

Từ hỗn danh “Dân chơi cầu Ba Cẳng” còn lưu truyền lại, chúng tôi quyết định đi tìm cây cầu này. Manh mối duy nhất là trong bút ký, nhà văn Trương Đạm Thủy đã mô tả: “Ở vùng quận 6, Chợ Lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt, hình dạng rất lạ, có ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận… nên người dân lấy hình mã đặt tên, tức cầu Ba Cẳng”.

Hỏi một số cụ cao niên ở vùng Chợ Lớn (quận 5), mới biết cầu Ba Cẳng trước kia bắc qua rạch Bãi Sậy cùng với một số cây cầu nổi tiếng khác như cầu Palikao hình dáng giống cầu Bát Lý Kiều bên Trung Quốc nhưng chính quyền đã cho tháo dỡ từ cuối thế kỷ trước. 

Rạch Bãi Sậy ngày trước chính là kênh Hàng Bàng bây giờ, nối từ rạch Lò Gốm chạy ngang qua chợ Bình Tây tới chỗ cầu Ba Cẳng rẽ phải một đoạn ngắn rồi chảy ra kênh Tàu Hủ. Con kênh đã bị xóa sổ hàng chục năm trước để làm đường giao thông. 

Đứng giữa những khu phố sầm uất, thật khó tin nơi này ngày xưa từng là kênh rạch chằng chịt, trên bến dưới thuyền. Nghe các cụ kể đám thương hồ tứ chiếng hồi ấy đưa các sản vật, đặc biệt là trái cây từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn - Chợ Lớn để đổi lấy vải vóc và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Cầu Ba Cẳng là một trong những cầu bộ hành đầu tiên ở Sài Gòn. Cầu được xây dựng bởi công ty Brossard et Mopin (từng xây chợ Bến Thành vào năm 1914) theo lệnh của một viên quan Khâm Sai nên còn được gọi là cầu Khâm Sai, còn người Pháp thì gọi là “Pont des 3 arches” (cầu có 3 nhịp vòng).

Chuyện về 'dân chơi cầu Ba Cẳng' - 2

Chợ Kim Biên nằm cạnh cầu Ba Cẳng xưa 

Khoảng cách từ cầu Ba Cẳng đến chợ Kim Biên chỉ vài trăm mét. Cây cầu được xây ở vị trí ngã ba (vàm) của con kênh Hàng Bàng đổ ra rạch Tàu Hủ nên người Pháp đã thiết kế có ba chân (cẳng) đồng thời cũng là ba bậc thang lên xuống. Hai chân cầu đáp xuống bến Bãi Sậy (nay là đường Bãi Sậy) và bến Nguyễn Văn Thành (đường Kim Biên). Chân còn lại đáp xuống bến Vạn Tượng (đường Vạn Tượng). 

Có nhiều giai thoại về “dân chơi cầu Ba Cẳng”. Chuyện kể lại rằng khu chợ Kim Biên từng xảy ra một trận hỏa hoạn lớn. Người hiếu kỳ đổ xô lên cầu Ba Cẳng để xem, xui rủi thế nào làm cây cầu gỗ bị sập. Sau này, cầu được xây lại bằng bê tông cốt sắt vững vàng hơn và dân chúng cũng không còn gọi là cầu Khâm Sai nữa mà gọi là cầu Ba Cẳng theo kiểu dáng của nó. Một giai thoại khác kể có một đám du côn bị hai cảnh sát truy đuổi bèn chạy lên cầu Ba Cẳng. Hai viên cảnh sát chỉ đón lõng được ở hai hướng lên xuống nên đám côn đồ may mắn trốn thoát. Và, hỗn danh “dân chơi cầu Ba Cẳng” ám chỉ những người không có đầu óc, bất chấp hậu quả, những dân chơi dám làm không dám chịu,…

Nhưng cũng có tài liệu cho rằng “dân chơi cầu Ba Cẳng” chính là “Mã đại ca”, tức Mã Ban, một gã giang hồ trượng nghĩa đã ra tay trấn áp đám du đãng Chợ Lớn, bênh vực những người cô thế, làm ăn lương thiện. 

Mã đại ca là ai?

Theo một số tài liệu, Mã Ban là con của một A xẩm Tiều nán người Triều Châu góa chồng, nhà ở gần Chợ Lớn mới (nay là chợ Bình Tây) đi giúp việc cho nhà giàu. Từ nhỏ, gã bộc lộ bản tính ham chơi hơn ham học, suốt ngày tụ tập, đàm đúm, học đến bậc trung học thì nghỉ. Không có khiếu học chữ song Mã Ban lại có năng khiếu đặc biệt về võ thuật. Đòn thế của kẻ khác đánh ra Mã chỉ xem một lần là thuộc lòng… Mới 17 tuổi, Mã Ban đã là một cao thủ võ lâm.

Chuyện về 'dân chơi cầu Ba Cẳng' - 3

Các nhà hàng, tiệm ăn của người Hoa ở Chợ Lớn trước năm 1975

Thời đó, các tiệm buôn, nhà hàng, quán ăn của người Hoa ở Chợ Lớn thường bị cao bồi du đãng quấy nhiễu. Cả đám du đãng kéo vào tiệm la lối nạt nộ gọi đồ ăn, thức uống. Hầu sáng (chạy bàn) thấy nhóm du đãng là khiếp sợ. Chúng gọi món gì cũng phải tức tốc bưng ra. Ai lừng khừng không muốn phục vụ thì lập tức bị đánh đập. Đánh sướng tay, chúng đập phá luôn cửa tiệm. Các thực khách thấy bọn chúng kéo vào thì lẳng lặng đứng dậy bỏ đi. Chẳng ai dám vào. 

Ăn uống no nê, tên cầm đầu hay dùng chiêu rút quả lựu đạn đặt lên bàn rồi gọi chủ tiệm đến hạch sách. Không chỉ ăn quỵt, tên du đãng có vẻ mặt cô hồn nhất còn vỗ vai bắt chủ tiệm cho “mượn ít tiền xài đỡ”. 

Một lần, Mã Ban đang ngồi ăn uống trong quán thì đám du đãng kéo đến. Các thực khách vội vã bỏ đi, chỉ còn Mã Ban ở lại. Lúc tên cầm đầu ngoắc chủ tiệm đến hỏi mượn ít tiền, Mã Ban lập tức ra tay. Ông tiến lại gần bảo chủ tiệm không đưa tiền cho đám du côn. Bị phá bĩnh, mấy chục tên du đãng nổi giận bao vây Mã Ban. Mặt tên nào cũng đằng đằng sát khí, trên tay lăm lăm dao, kiếm. Bằng các thế võ thượng thừa cộng với thân hình lực lưỡng, một mình Mã đại ca đánh gục cả đám du côn. 

Tin Mã Ban trừng trị đám du đãng quấy nhiễu lan nhanh trong giới làm ăn. Nhiều người gọi Mã Ban là “hiệp sĩ” trừ gian, diệt bạo cứu người lương thiện. Sau lần đó, tiệm buôn nào ở Chợ Lớn bị đám du đãng quấy nhiễu, chủ tiệm lập tức cho người báo tin cho Mã Ban. Mỗi khi “ Mã hiệp sĩ” xuất hiện, cả đám du đãng tự động rút lui, không dám tác oai tác quái như trước. Mã Ban được đám dân chơi cầu Ba Cẳng tôn làm đại ca. Các chủ tiệm, quán ăn, nhà hàng người Hoa ở Chợ Lớn tìm đến nhà xin giúp đỡ và gửi “tiền trà nước” cho Mã đại ca. Danh tiếng của gã nổi như cồn.

Có tiền, Mã Ban hào phóng bao đàn em. Trong các cuộc vui gần như bất tận, Mã luôn giành phần thiệt về mình. Gã được nhiều người đẹp, giai nhân ái mộ. Một nghiệp chủ người Hoa giàu có ở Chợ Lớn đồng ý gả “con gái rượu” cho Mã Ban. Ông chu cấp tiền cho con rể tiêu xài, sắm xe Vespa Sprint siêu sang để dạo phố. Trong cốp xe, lúc nào cũng để sẵn hai chai rượu Martell cổ lùn đắt tiền.

Bố vợ còn chạy giấy chứng nhận Mã Ban là nhân viên Tổng nha cảnh sát để trốn quân dịch. Suốt ngày, Mã mặc thường phục dạo phố. Giới cao bồi du đãng cộm cán ở Sài Gòn - Chợ Lớn lúc ấy, kể cả tứ đại thiên vương Đại - Tỳ - Cái - Thế  biết Mã Ban giỏi võ lại là “cảnh sát chìm”, trong người luôn lận “chó lửa” (súng) nên rất kiêng dè. 

Năm 1984, Mã Ban gom hết vốn liếng mở quán nhậu ở Chợ Lớn. Dân ăn nhậu kéo tới ủng hộ rần rần. Ông chủ quán hào phóng cho nhiều người “nhậu trước, trả sau”, cuối cùng lỗ vốn phải dẹp quán, chấp nhận. Năm 2009, khi tuổi đã xế chiều, Mã đại ca lại được em trai từ nước ngoài về giúp một số vốn để mở nhà hàng nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) nhưng cũng chỉ hoạt động hơn một năm thì phải đóng cửa vì đại ca mắc bệnh cũ, hào phóng thiết đãi các bằng hữu ăn nhậu miễn phí… 

Đại ca giang hồ được người Sài Gòn thờ như Thành Hoàng

Là cậu ấm con quan lãnh binh, được ban phát nhiều đặc quyền song phẫn uất trước sự tàn ác của cha và chính quyền thực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thư ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN