Chuyện về 4 cặp đôi từng diễn “chuyện ấy” ở miếu Đụ Đị
"Tôi nhớ hết những cảm giác lúc diễn Lễ mật, vẫn vui sướng đến tận bây giờ dù không còn được diễn nữa", bà Thực nhớ lại.
Clip: Vợ chồng anh Chử Đức Chiến (38 tuổi) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (26 tuổi) diễn cảnh Lễ mật năm nay (2017)
Trong Lễ mật tại miếu Trò làng Trám (còn có tên gọi là miếu Đụ Đị), xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ thường có một đôi nam nữ được chọn thực hiện nghi lễ Linh tinh tình phộc vào lúc 0h ngày 11, rạng sáng ngày 12 tháng Giêng. Trong đó, người con trai cầm nõ (bộ phận sinh dục nam, bằng gỗ, to như cái dùi, sơn màu đỏ) đâm thẳng vào cái nường (bộ phận sinh dục nữ, bằng gỗ, khoét lỗ to, sơn màu đỏ). Với người dân nơi đây, nghi lễ Linh tinh tình phộc thường được gọi trêu đùa là trò "người lớn".
Có mặt trong đêm diễn Trò Trám vào tối 11 tháng Giêng vừa qua, chúng tôi gặp một người phụ nữ đặc biệt- người đầu tiên diễn cảnh làm “chuyện ấy” từ khi lễ hội Linh tinh tình phộc được phục dựng (1993), bà là Khổng Thị Thành 62 tuổi (xã Tứ Xã).
“Tôi và ông nhà tôi là cặp đôi đầu tiên đóng Lễ mật, tái hiện cảnh âm dương giao hòa. Lúc đó nhiều thanh niên vì xấu hổ, không muốn diễn cảnh "người lớn" nên tôi và nhà tôi đã đứng ra đảm nhận. Ngồi xem hoạt cảnh tôi lại nhớ những năm hai vợ chồng làm Lễ mật trong miếu Trò, đến bây giờ tôi vẫn nhớ tiếng nường và nõ bằng gỗ chạm vào nhau và nhớ tiếng ông chủ lễ hô 3 tiếng Linh tinh tình phộc”, bà Thành nhìn vào miếu, kể lại với ánh mắt rạng rỡ.
Bà Khổng Thị Thành ngồi xem lễ hội Linh tinh tình phộc vào tối 7/2 (tức 11 tháng Giêng vừa qua)
"Vợ chồng tôi diễn khoảng 4-5 năm thì nghỉ. Hiện, hai vợ chồng tôi sống cách miếu mấy chục cây nhưng năm nào tôi cũng về dự lễ hội, nhớ lại một thời mình từng trải qua. Đến bây giờ, mọi người nhìn thấy tôi về làng vễn kêu lên Linh tinh tình phộc", bà Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Ngữ (70 tuổi) – người trông coi miếu (còn gọi là cụ từ) cho biết, chính vì phải diễn cảnh vợ chồng trước nhiều người nên trai, gái trong làng thẹn thùng không dám đóng. Đa số đóng cảnh Lễ mật là những cặp vợ chồng đã có con. Từ ngày phục dựng lại lễ hội đến nay đã có 4 cặp vợ chồng tham gia Lễ mật, những cặp vợ chồng được chọn bắt buộc phải là người thuộc khu này. Năm nay, lễ hội Trò Trám đã được Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Ông Nguyễn Thành Ngữ (70 tuổi) -– người trông coi miếu Trò (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ)
Muốn gặp, tìm hiểu về 4 cặp đôi, chúng tôi được ông Ngữ dẫn đến từng nhà các cặp đôi, ông cho biết, có 4 cặp đôi đóng Lễ mật từ năm 1993 đến nay, mỗi cặp đôi đóng một thời gian. Hiện, đôi đầu tiên sống cách đây mấy chục cây, còn 3 cặp đôi hiện vẫn sinh sống ở làng.
Cách miếu Trò Trám không xa là nhà ông bà Bùi Thị Thực (56 tuổi) - Trần Minh Sĩ (đã mất) là cặp đôi thứ hai diễn ở miếu. Bà Thực cho biết, vợ chồng bà diễn Lễ mật được khoảng gần 10 năm, đến năm 2010 thì nghỉ.
Bà Bùi Thị Thực (56 tuổi), bồi hồi nhớ lại cảm giác những năm làm Lễ mật cùng chồng
“Năm nay không vào xem được, thấy nhớ. Tôi nhớ hết những cảm giác được diễn Linh tinh tình phộc, cảm giác đó không thể quên được, vẫn vui sướng đến tận bây giờ. Nếu ông nhà tôi còn sống, chắc chúng tôi vẫn diễn”, bà Thực nói.
Cách nhà bà Thực không xa là nhà của ông Nguyễn Văn Lực (54 tuổi) và bà Nguyễn Thị Đám (50 tuổi)- cặp đôi thứ ba được chọn làm Lễ mật. Tiếp chúng tôi, hai vợ chồng vui vẻ kể lại những năm làm “chuyện ấy” ở miếu Đụ Đị. Vợ chồng ông được dân làng chọn làm người thực hiện nghi lễ Linh tinh tình phộc từ năm 2010. Gia đình ông có 4 người con gái, một con trai, sống hòa đồng với dân làng, gia đình hạnh phúc nên dân làng chọn.
Cảnh diễn Lễ mật trong miếu Trò Trám của vợ chồng ông Nguyễn Văn Lực (54 tuổi) và bà Nguyễn Thị Đám (50 tuổi)
“Nhớ lần đầu tiên được dân làng tín nhiệm làm Lễ mật, cả hai vợ chồng đều rất run, lo lắng, không biết có đâm trúng không bởi phải làm “chuyền ấy” trước ánh mắt của mọi người, máy quay, máy ảnh khiến chúng tôi thẹn thùng, cảm thấy xấu hổ nhưng khi nhận đồ vật từ ông chủ lễ, chúng tôi đã thực hiện nghi lễ thành công, đâm trúng cả 3 phát trong lần đầu tiên”, ông Lực tâm sự.
Ngồi bên ông Lực, bà Đám cười thẹn thùng, nói: “Thời gian đầu, hai vợ chồng hơi ngại, dân làng thường xuyên trêu đùa những câu như: Tối về có Linh tinh tình phộc không? Nay đã Linh tinh tình phộc chưa?... Tôi cũng dí dỏm đáp lại, tôi Linh tinh tình phộc suốt”.
Ông Lực, bà Đám ngồi bên nhau, nhớ lại những giây phút Linh tinh tình phộc
Tuy nhiên, dần thành quen, những lời trêu đùa của dân làng dần bớt đi, mọi người không còn trêu đùa nữa. Năm ngoái, hai vợ chồng ông đã xin rút không thực hiện nghi lễ Linh tinh tình phộc nữa. Lý do được ông đưa ra là giờ đã già và có cháu ngoại.
Trong 5 năm thực hiện nghi lễ, năm 2014 là năm đáng nhớ nhất bởi hai vợ chồng ông đứng cách nhau 40cm nhưng đã bị trượt 1 lần. “Trong lần đầu thực hiện, tôi hồi hộp, run quá nên đã đâm trượt nhưng hai lần sau tôi đã đâm trúng”, ông Lực cho biết
Cặp đôi thứ tư diễn cảnh Lễ mật ở miếu Đụ Đị, là vợ chồng anh Chử Đức Chiến (38 tuổi) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (26 tuổi), nhà ngay sát miếu. Anh Chiến cho biết, đây là năm thứ hai vợ chồng anh diễn Lễ mật.
Vợ chồng anh Chử Đức Chiến (38 tuổi) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (26 tuổi) diễn cảnh Lễ mật vào năm ngoái (2016), năm nay tiếp tục được dân làng tín nhiệm, diễn tiếp cảnh “tình phộc”
Hai năm liên tiến, anh chiến đều đâm trúng cả 3 phát
Anh chiến cho hay, năm nay, lễ hội Linh tinh tình phộc được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia nên có chút áp lực, trước khi diễn phải tập trước ở nhà khoảng 10 phút bằng dụng cụ tự tạo để khi thực hiện nghi thức không bị trượt.
"Năm ngoái là lần đầu thực hiện nghi lễ, cảm giác lần đầu tiên được cầm cái nường (tượng trung cho bộ phận sinh dục nữ) rất hội hộp, năm nay cảm giác vẫn vậy. Dân làng gặp hay trêu vợ chồng tôi lắm, bảo gan thật đấy, vợ chồng trẻ mà không ngại, tuy nhiên do nghi thức “tình phộc” trang nghiêm nên vợ chồng tôi cũng không ngại nữa, muốn đóng góp, bảo tồn truyền thống lễ hội cho muôn đời sau", chị Huyền tâm sự.
Lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là “Lễ hội Trò Trám” được tổ chức thường niên vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm. Tại lễ hội này, điểm hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của du khách thập phương nhất đó là Trò Trám và Lễ mật tại miếu Trò (còn gọi là miếu Đụ Đị) - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đây là lễ hội tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, hiện đang được người dân ở đây trân trọng gìn giữ. Các nhà văn hóa cũng đánh giá đây là “lễ hội đáng quý”, mang đậm tính dân tộc, may mắn được khôi phục lại từ năm 1993. Tuy nhiên, nếu là “người ngoài làng” hoặc chưa hiểu rõ về tín ngưỡng dân gian phồn thực... sẽ thấy lễ hội có phần “dung tục”. |