Chuyện tình xúc động của cặp đôi Mỹ-Việt
Thời báo New York ngày 5/7 đã dành chuyên mục “Making it last” (Giữ sao cho bền) để giới thiệu chuyện tình của cặp vợ chồng Mỹ - Việt khiến nhiều người xúc động vì sự gắn bó bền chặt của họ.
Ông Tom Miller và bà Trần Tương Như đã gặp và yêu nhau từ ngày họ còn ở Việt Nam. Chỉ sau một tháng quen biết, họ đã tiến tới hôn nhân. Một đám cưới giản dị tới mức tối đa đã diễn ra vào tháng 7/1973 và họ đã sống êm đềm, hạnh phúc bên nhau cho đến bây giờ.
Thời báo New York đã vinh danh tình yêu và sự bền chặt của họ trong một chuyên mục mà chỉ dành riêng cho những cặp vợ chồng sống bên nhau từ 25 năm trở lên. Sau khi bài báo đăng tải, nhiều ý kiến bình luận đã tỏ sự xúc động, ngưỡng mộ và muốn kết bạn với cặp vợ chồng Mỹ - Việt này.
Gặp gỡ định mệnh
Trên báo này, ông Tom Miller và bà Như đã kể về chuyện tình của họ, vượt qua mọi định kiến của xã hội thời bấy giờ như việc, “một cô gái Việt Nam tử tế đi cạnh một người đàn ông ngoại quốc là điều khó chấp nhận vào thời điểm đó”. Bà Như kể, ông Tom Miller lúc đó đến Việt Nam với vai trò là một nhân viên cứu trợ nhân đạo.
Cuộc gặp định mệnh của họ là lúc ông bấm chuông cửa nhà bà và trao cho bà một cơ hội làm việc trong tổ chức cứu trợ trẻ em UNICEF. “Lúc đó, một người đàn ông quá đỗi đẹp trai xuất hiện trước mắt tôi, cặp mắt to tròn, nụ cười ấm áp... đã làm rung động trái tim tôi” - bà Như nhớ lại khoảnh khắc tình yêu đến với mình. Bà Như nói rằng, mẹ bà đã tiên đoán trước đó rằng, năm 1973 bà sẽ kết hôn, nhưng bà luôn muốn làm ngược lại với lời tiên đoán đó, tuy nhiên cuối cùng đã không thể, định mệnh đã kết duyên hai người.
Còn ông Miller thì nhận xét về người bạn đời của mình rằng: "Có rất nhiều phụ nữ xinh đẹp. Điều hấp dẫn tôi ở Như là sự độc lập và thông minh. Cô bất cần, sắc sảo và hấp dẫn. Nhưng vẻ đẹp của cô cũng rất hấp dẫn".
Bà Như đã sống phần lớn tuổi thơ ở nước ngoài khi theo mẹ sang học ở trường Oxford. Thời điểm năm 1972, bà trở về Việt sau khi tốt nghiệp Berkeley và làm cho đài truyền hình NBC, dạy tiếng Anh và làm nhân viên xã hội cho tới khi cưới ông Miller hồi năm 1973.
Sau đám cưới đơn giản ở New York, ông Miller có được việc làm ở California và hai ông bà quyết định tới đó sống cùng người anh trai cùng vợ và ba con của họ.
Ông Miller cũng thuyết phục bố mẹ bán nhà ở Chicago để mua nhà mới ở California đủ rộng cho cả đại gia đình.
Vợ chồng ông bà Tom Miller - Trần Tương Như ở thời điểm hiện tại. Ảnh: NYT
Sang năm 1974 - năm ông Miller được giải thưởng của American Jaycees cho các hoạt động nhân đạo ở Việt Nam, nhà Như - Miller nhận một bé trai từ Việt Nam làm con nuôi và sinh con thứ hai vào năm 1979. Đó cũng là thời điểm mẹ và cha dượng của bà Như qua đời, để lại cho bà phải nuôi dưỡng hai người em cùng mẹ khác cha. Cuộc sống lúc đó trở nên khó khăn vô cùng, nhưng hai vợ chồng bà Như vẫn sát cánh bên nhau.
Cả hai ông bà đều tiếp tục làm việc khi đã có hai con đầu tiên cho tới khi bà Như phải tạm nghỉ việc một thời gian vì thấy cảnh cậu con thứ hai, Teddy Ky Nam, lúc đó 18 tháng tuổi, sáng ra cửa sổ tiễn mẹ và chiều mẹ về vẫn thấy con ở đó ngóng.
Sau này, khi các con đã lớn, bà Như đi làm trở lại với nhiều năm viết cho tờ San Jose Mercury News. Bà cũng từng làm thư ký báo chí cho ông Jerry Brown khi ông là thị trưởng Oakland (hiện ông là Thống đốc California).
Duyên tình với Việt Nam
Ông Miller trở lại hành nghề luật sư, chính nghề đã khiến ông có những liên quan đầu tiên tới Việt Nam. Ông Miller có những chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam để giúp giảm nhẹ nỗi đau chiến tranh sau khi đọc về những thương vong trong chiến trận từ phía người dân mà chính quyền thường tìm cách ém đi.
Sau khi tìm gặp bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình có tiếng Arthur Barsky - người chủ trì dự án chữa trị cho những thiếu nữ Hiroshima bị bỏng do bom hạt nhân, ông Miller đã bỏ nghề luật và sang Việt Nam cùng vị bác sỹ.
So sánh Sài Gòn của năm 1973 và 40 năm sau, ông Miller nói: "Thay đổi lớn nhất tôi nhận thấy khi trở lại Việt Nam sau chiến tranh là sự bình yên ở nông thôn. Khi bay qua vùng nông thôn trong thời chiến, tôi đã thấy cảnh cây cối chết rụi ngút tầm mắt do chất da cam mà Mỹ rải xuống và cũng không có vùng an toàn bên ngoài các thành phố lớn”. "Được trải nghiệm hòa bình thực sự là cảm giác tuyệt vời bất chấp các vấn đề đang tồn tại” - ông Miller nói.
Bà Như nói rằng: "Chúng tôi hiếm khi bất đồng. Ông ấy là người luôn tránh đụng độ. Điều đó cũng dạy tôi phải tự kiềm chế. Trên thế giới đã có quá nhiều đau khổ rồi và mình không kéo nó về gia đình mình nữa....” |
Khi được hỏi điều gì đã khiến hai ông bà đến với nhau và sống bên nhau trong 40 năm qua, ông Miller nói: "Điều gắn kết chúng tôi là lo ngại chung về tác hại của chính sách ngoại giao của Mỹ, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở những nơi khác nữa. Chúng tôi đã có những hành động độc lập về chuyện này cũng như cùng hợp tác với nhau trong những dự án. Không hề có sự buồn chán. Chúng tôi thích thú bên nhau và không e ngại gì cả”.
Hai ông bà đã tham gia giúp các trẻ em "mồ côi" Việt Nam trong “Chiến dịch không vận trẻ mồ côi” của Mỹ hồi năm 1975. Sau khi phát hiện ra nhiều trẻ trong số này không phải mồ côi mà có gia đình ở Việt Nam, ông Miller đã kiện Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger - người thông qua chiến dịch. Tuy nhiên vụ kiện đã không thành và hai ông bà tiếp tục trợ giúp cá nhân cho các gia đình Việt Nam và các trẻ em ở Mỹ được đoàn tụ.
Hai ông bà cũng trợ giúp trong việc làm phim về một trong số các trẻ em và bộ phim “Daughter From Da Nang” (Người con gái từ Đà Nẵng) đoạt giải phim tài liệu tại Liên hoan phim Sundance và được đề cử giải Oscar. Ông bà Miller cho biết, họ đã trở lại Việt Nam sống và làm từ thiện trong bốn năm từ hồi năm 2004 và đã giúp đỡ được rất nhiều trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Như nói, khoảnh khắc đáng nhớ nhất của bà là lúc trái tim như ai đó bóp chẹt, nghẹn ngào và thổn thức khi chính phủ Mỹ trao giải thưởng cho Miller vì những đóng góp nhân đạo của ông dành cho Việt Nam.