Chuyện tình của những cô gái tí hon

Họ không cân đối, khỏe mạnh như người bình thường. Họ đến bên nhau vì tình yêu. Trải qua bao lời miệt thị, gièm pha, thị phi, cuối cùng họ vẫn ở bên nhau, nắm tay nhau đi đến cuối con đường.

"Hoàng tử" cầu hôn

Chiếc xe máy 3 bánh lao nhanh trên con đường hẻm đất đi vào xóm trọ “tí hon” tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Chị Đoài khập khiễng đứng vịn vào yên, nhanh chóng lấy đầu và lưng làm giá đỡ cho cậu con trai 8 tuổi bước xuống xe. Từ nhiều năm nay, người mẹ này đã thực hiện trọn vẹn thiên chức của mình, dù khó khăn chật vật một chút, nhưng hai đứa con của chị vẫn được chăm sóc, yêu thương như bao đứa trẻ bình thường khác.

Hoàng Thị Đoài (SN 1986) sinh ra tại Quảng Trị. Lên 6 tuổi, chị theo gia đình vào Lâm Đồng định cư. Ở vùng đất mới, Đoài vượt qua mặc cảm, tự ti và theo học hết lớp 12. Sau đó, Đoài học trung cấp kế toán ở TP Hồ Chí Minh rồi về Củ Chi làm việc. 

Thu Đông đi hát, kiếm tiền nuôi con.

Thu Đông đi hát, kiếm tiền nuôi con.

Văn phòng làm việc của chị Đoài gần với cửa hàng bán điện gia dụng của anh Tô Thiện Tâm (31 tuổi). Ngày nào cũng thấy cô gái tí hon loay hoay với chiếc xe máy 3 bánh to kềnh, anh Tâm động lòng thương, liền tới dắt xe giùm. Công việc ấy như thói quen với anh Tâm mỗi ngày, chị cảm ơn anh, riết rồi quen. Họ trở thành bạn bè. Anh Tâm mua cho chị một chiếc sim điện thoại khuyến mãi, rồi ngày nào anh cũng gọi điện, nhắn tin cho chị. Trong lòng chị, chưa từng có ý nghĩ sẽ thích anh, bởi chị biết mình là ai, mình như thế nào. Hơn nữa, chị lại lớn hơn anh 3 tuổi. Một ngày, anh Tâm bỗng nói lời thương chị.

Cuộc đời chị, vẫn chưa một lần yêu và cũng chưa được yêu bao giờ. Chị kể với bạn, bạn khuyên phải cẩn thận, coi chừng người xấu lợi dụng. Lòng chị rối bời, vừa hoang mang lại vừa tò mò.

Con tim của chị cứ run rẩy khi nghĩ về một tình yêu cháy bỏng. Chị mạnh dạn nghĩ trong lòng: “Thử một lần thương yêu xem như thế nào”.

Anh dắt chị về thăm nhà. Mẹ của anh động lòng thương và muốn nhận chị làm con gái nuôi, bà không ngờ có ngày con nuôi lại trở thành con dâu. 

Chị đưa anh về ra mắt họ hàng, mọi người trợn mắt kinh ngạc, nhiều người thốt lên: “Trời ơi, mày lấy được thằng chồng ngon vậy”. Nhưng niềm vui chỉ lướt thoáng qua, ba mẹ của chị Đoài khuyên con gái nên từ bỏ anh, vì hai người không môn đăng hộ đối, sau này lỡ dở chỉ tội cho chị. Chị Đoài tặc lưỡi chấp nhận, nếu có đứt gánh thì chị cũng cam lòng.

Yêu nhau được một thời gian, anh Tâm quyết định sẽ lấy chị Đoài làm vợ. Anh lấy hết can đảm về thưa với cha mẹ. Mẹ anh tái hết mặt, không tin được chuyện gì đang diễn ra trước mắt. Lấy lại bình tĩnh, bà nói với con trai: “Không được đâu, như vậy thì sinh nở làm sao”. Anh cười, trả lời: “Nếu sinh được là mẹ cho lấy nghe”. Bà lặng đi, quay mặt giấu nỗi buồn quặn thắt ruột gan.

Dắt nhau trở về xóm trọ, cặp đôi sống thử xem thế nào. Ít lâu sau, chị Đoài mang thai. Có con nhưng chị Đoài không dám vui, chị đã từng nghĩ đi bỏ đứa bé khi bác sĩ nói có khả năng con sẽ mang gen của mẹ. Cô gái tí hon trằn trọc suy nghĩ bao đêm, khóc không biết bao lần, cuối cùng đã quyết định giữ lại cái thai. Lúc này, chị tự động viên mình: “Nếu chẳng may giống mẹ thì cũng chẳng sao, vì mẹ vẫn có thể đi làm, vẫn sống một cuộc đời bình thường, chỉ là nhỏ hơn người ta chút xíu thôi”.

Tất cả mọi người bên ngoại vỡ òa sung sướng, riêng gia đình anh Tâm vẫn chưa thể nở nụ cười. Hai vợ chồng tự nuôi con, cuộc sống khó khăn nhưng niềm vui đong đầy khi có đứa trẻ trong nhà. Thằng cu được hơn một tuổi, gia đình anh mới “bật đèn xanh” cho vợ chồng tổ chức đám cưới. Có con trai, chị lại ước con gái. Điều ước của chị thành hiện thực khi bé gái khỏe mạnh, lành lặn chào đời.

Gia đình hạnh phúc của chị Đoài.

Gia đình hạnh phúc của chị Đoài.

Với chị Đoài, lấy được tấm chồng, có hai đứa con mang gen trội của cha là món quà vô giá mà ông trời ban tặng cho cuộc đời của chị. Từng ngày trôi qua, tình yêu thương của chị dành cho chồng cứ nhân lên. Chị thương anh vì chị mà chịu thiệt thòi, gánh bao lời gièm pha, dị nghị của thiên hạ. Vì thương quá nên chị luôn sợ hãi, lo lắng, luôn nghĩ về viễn cảnh mất chồng. Nhiều khi, chị ghen tuông vô cớ khi có ai đó khen anh đẹp trai hoặc anh buông lời trêu ghẹo bông đùa với người đàn bà nào đó.

Hiểu thấu suy nghĩ của chị, anh Tâm an ủi vợ: “Người ta đã chấp nhận rồi còn lo lắng hoài. Giờ có hai mặt con còn xấu hổ chi nữa”.

Mơ về một đám cưới

Cha mẹ chị Đoài trước kia là thanh niên xung phong, tham gia tiếp vận lương thực cho bộ đội tại chiến trường Quảng Trị. Họ sinh được 8 người con thì 5 người mang cơ thể tí hon do nhiễm chất độc da cam. Nặng nhất là người con út, bị bại não, bại liệt, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ.

Những đứa con lớn lên đều tứ tán khắp nơi tìm cuộc sống cho riêng mình. Người em kế của chị Đoài là Hoàng Thị Đông theo chị xuống TP Hồ Chí Minh làm công nhân. Sau sức khỏe yếu nên chị xin nghỉ đi hát rong cùng nhóm người lùn khắp vùng Hóc Môn, Củ Chi, Bình Dương…

Trời phú cho anh em nhà tí hon chất giọng ngọt lịm để họ mang lời ca tiếng hát mưu sinh. Trong thế giới của người “tí hon”, Hoàng Thị Đông chọn nick name Thu Đông để đi hát. Cũng như chị gái, Thu Đông luôn mặc cảm với hình hài tí hon của mình, chị chẳng dám yêu thương hay tơ tưởng đến một gia đình êm ấm.

Trần Văn Nguyên (30 tuổi, quê Bình Định) là nhà vô địch ném lao giải điền kinh Grand Prix người khuyết tật thế giới. Nguyên được xem là “ngôi sao” tỏa sáng và có triển vọng của thể thao khuyết tật Việt Nam. Ông trời không lấy đi của ai tất cả mọi thứ, tạo hóa “nhào nặn” Nguyên là một người lùn nhưng lại phú cho anh tài năng và thiên khiếu của một vận động viên. Học hết cấp ba, Nguyên vào TP Hồ Chí Minh học cao đẳng về điện. Anh từng là một kỹ sư điện lành nghề, nhưng rồi lối đi “định mệnh” của Nguyên lại rẽ sang ngành thể dục thể thao vào năm 2017. 

Đó là lần đầu tiên Nguyên vinh dự trở thành vận động viên của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (Asean Para Games 9). Cũng lần đầu tiên “mang chuông đi đánh xứ người”, Nguyên đoạt 2 HCV ở nội dung ném lao, đẩy tạ. Kể từ đó, "chú lùn" Trần Văn Nguyên chinh chiến khắp các đấu trường thể thao trong, ngoài nước và châu lục, giành rất nhiều giải thưởng, huy chương.

Anh Nguyên hạnh phúc bên vợ con.

Anh Nguyên hạnh phúc bên vợ con.

Vinh quang mang lại khiến Nguyên trở thành “thần tượng” trong mắt chị em phụ nữ. Nguyên từng yêu và được yêu. Nhưng định mệnh cuộc đời anh đã dừng lại khi gặp ca sĩ tí hon Thu Đông. Nguyên kém Đông 4 tuổi, trong các cuộc đi chơi cùng nhóm, họ vẫn xưng chị em. Thu Đông hồn nhiên, vô tư, trong sáng bao nhiêu thì Nguyên lại ấp ủ, dồn nén, trăn trở về người con gái anh thầm thương trộm nhớ.

Nguyên để ý Thu Đông ngay từ lần đầu gặp gỡ, mê mẩn với tiếng hát của chị. Nguyên nhanh chóng thổ lộ tình cảm của mình, còn Thu Đông thì lưỡng lự mãi. Chị chưa sẵn sàng cho một cuộc tình vì tương lai mịt mờ phía trước. Người lùn yêu nhau sẽ ra sao? Con cái sau này thế nào? Bao nhiêu câu hỏi nặng trĩu cứ nhảy múa trong đầu Thu Đông. Chính chị gái Hoàng Thị Đoài là tấm gương cũng là động lực thôi thúc trái tim của Thu Đông mạnh dạn tiến về phía tình yêu.

Thu Đông nhận lời cầu hôn của Trần Văn Nguyên. Chỉ cần như vậy, họ trở thành mái ấm trong xóm trọ tí hon. Tuy nhiên, gia đình Nguyên, đặc biệt là ba anh, đã phản đối kịch liệt và giận đến mức không nhìn mặt, không nói chuyện. Ông gào thét vào mặt con: “Một mình khổ chưa đủ hay sao, lấy vợ như thế thì sống thế nào”.

Vì quá yêu Thu Đông nên Nguyên chấp nhận hy sinh tình cảm gia đình. Từ ngày sống bên vợ, Nguyên “lột xác” thành người đàn ông của gia đình. Chưa bao giờ anh to tiếng với vợ. Mỗi khi có chuyện buồn, Thu Đông lại hát cho anh nghe một bản bolero sâu lắng, ngọt ngào. Âm nhạc làm tan chảy mọi vấn vương.

Thu Đông hạ sinh một bé gái. Điều kỳ diệu là bé hoàn toàn lành lặn. Người hạnh phúc nhất là cha mẹ Thu Đông bởi cuộc đời ông bà đã cạn khô nước mắt về những đứa con tật nguyền. Có cháu nội, gia đình Nguyên vẫn chưa chấp nhận con dâu. 6 năm sau, Thu Đông sinh thêm một cậu con trai.

Lúc này, ba của Nguyên mới chịu vô miền Nam dự lễ thôi nôi. Nhìn đứa cháu bụ bẫm, nhưng tủn ngủn giống cha mẹ, ông lặng đi, vừa hạnh phúc lại vừa khổ đau. Ông nói với con trai: “Thôi dù thế nào thì nó cũng là con cháu trong gia đình. Con xem nhanh chóng làm đám cưới cho vợ có danh phận”.

Thu Đông luôn mơ về một đám cưới, được khoác lên mình chiếc áo cô dâu trắng ngần tinh khiết. Nguyên cũng vậy, được làm cha ắt phải được làm chú rể. Anh đang cố gắng thu xếp lịch tập luyện và thi đấu, còn Thu Đông ráng chăm chỉ đi hát để gom tiền cho ngày trọng đại của cuộc đời.

Nguồn: [Link nguồn]

Xúc động với nghị lực của Mẹ Tí Hon

Mẹ muốn con biết mẹ đã hát, đã sống hết mình vì con như thế nào. Mẹ muốn con hiểu: người mẹ thì bé tẹo nhưng tình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Hoa ([Tên nguồn])
Những phận đời kém may mắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN