Chuyện tình cảm động của người đàn ông mang bệnh nấm sùi
Mắc căn bệnh quái ác không thể chữa trị được, nhưng với nghị lực sống phi thường, bên cạnh đó là tình thương yêu của người vợ, đã giúp cho người đàn ông ấy chiến thắng được số phận nghiệt ngã, có một cuộc sống hạnh phúc khiến bao gia đình phải mến mộ.
Ông là Bùi Văn Khoái (67 tuổi), trú tại đội 7, thôn Phương Thông, xã Phương Chiểu, T.P Hưng Yên. Suốt hơn 50 năm qua, ông Khoái đã mắc căn bệnh nấm sùi, phải “đèo bòng” với hàng trăm cục mụn thịt to nhỏ, mọc chi chít trên người, gây ngứa ngáy và khó chịu.
Ông Khoái mang trong mình căn bệnh nấm sùi hơn 50 năm qua
Ông Khoái “sùi”
Sinh ra trong gia đình nghèo có bốn anh em, ông Khoái là con thứ 2 trong gia đình. Hơn 10 tuổi, ông sớm đã phải chịu thiệt thòi khi phát hiện ra mình mang căn bệnh nấm sùi. Cuộc sống đang bình thường như đám bạn cùng trang lứa bỗng dưng bị đảo lộn bởi tật bệnh.
Ông Khoái kể lại, ban đầu chỉ xuất hiện tình trạng nổi mẩn đỏ, rồi mụn nhỏ li ti ở quanh khu vực bàn chân. Lúc đó, ông cứ nghĩ là những bệnh lý thông thường để tự sẽ khỏi nên không cần quan tâm nhiều. Những tháng sau, trải qua quãng thời gian ủ bệnh, căn bệnh quái ác bắt đầu dày xéo lên cơ thể ông. Mỗi ngày các mụn nước, mụn thịt cứ thi nhau mọc, gây đau nhức. Nhiều lần ông còn gãi đến chảy cả máu tươi khắp cơ thể.
Trước bệnh tật nghiêm trọng, bố ông (Cụ Bùi Văn Sử - PV) đã đưa ông đi lên bệnh xá, và nhờ thêm thầy lang khám bệnh. “Tôi được bố mẹ đưa đi khám mấy nơi, uống cả thuốc của thầy lang nhưng bác sĩ nào cũng nói bệnh của tôi lạ quá, chưa xác định được nó là bệnh gì, chỉ nghi là do viêm da; bởi nhà nghèo quá, chỉ một bữa no thôi cũng vui rồi, tiền đâu mà chạy chữa hả chú. Về sau mãi mới biết là mình bị bệnh nấm sùi, vô phương cứu chữa” - ông Khoái tâm sự.
Hằng ngày, ông Khoái bị căn bệnh quái ác hành hạ, bị mọi người xa lánh và kì thị vì sợ lây nhiễm. Thậm chí những đứa trẻ trong làng gặp ông còn phải khóc thét. Từ đó cái biệt danh Khoái "sùi” cũng được mọi người truyền tai và gán cho ông đến bây giờ.
Bệnh tật đã khiến ông như tự ti, sống khép mình giữa cộng đồng. Ông chỉ biết cật lực lao vào công việc như con ong cần mẫn. Giữa lúc bế tắc và tuyệt vọng ấy, bác ruột của ông Khoái đã giới thiệu vào cho làm nông giang (phụ trách công viêc bảo vệ đồng áng…bờ cõi, sản phẩm mùa màng - PV) để giúp việc cho thôn. Được tiếp xúc với nhiều người hơn, ông Khoái dường như được cởi mở tấm lòng, hòa đồng với cộng đồng, nụ cười đã trở lại như xưa. Trong làng, ngoài xã nhiều người hiểu ra bệnh tình của ông cũng không còn kì thị, xa lánh nữa.
Tình yêu cứu rỗi…
Câu chuyện trở nên thú vị hơn khi ông Khoái kể về mối tình đẹp của mình với bà Lê Thị Cói (67 tuổi), ở thôn Phương Chung, Phương Chiểu, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. Nhiều người vẫn xem như đây là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Bởi tuổi thơ, tuổi thanh xuân của bà Cói hoàn toàn trái ngược với ông Khoái.
Bà Cói thời trẻ, dù không xinh đẹp trong làng nhưng có khá nhiều người đến xin cưới. Trong một lần cắt cỏ trâu, bà Cói gặp ông Khoái đang làm nông giang. Tình cờ gặp nhau rồi tình cờ trò chuyện, sẵn biết cắt cỏ, chỉ trong chốc lát ông Khoái đã túm đầy một bao cỏ cho bà Cói. Mến người đàn ông thật thà, cần cù chịu khó, bà Cói đã đem lòng thương ông Khoái; rồi những cuộc gặp trên cánh đồng ngày mùa khiến đôi trai gái thêm hiểu và cảm thông cho nhau hơn. Bà Cói quyết định theo ông Khoái về nhà chồng.
Có dịp trò chuyện với chúng tôi, bà Cói vui vẻ nói: “Lúc tôi thưa chuyện với bố mẹ, chị em rồi cả người thân họ hàng ai nấy đều không đồng ý cho cưới. Mọi người ai cũng bảo, sướng khổ thì sau này mày tự chịu. Rồi nhỡ sinh con ra di truyền thì sao? Tốt nhất là không nên. Bỏ mặc lời dị nghị, bàn tán tôi vẫn đến với ông ấy bằng tình cảm chân thành”.
Cuộc tình chớm nở ấy, bà Cói luôn là người chủ động trước. Sau khi ngỏ lời với ông Khoái xong, bà Cói đợi ông về thưa chuyện, nhưng đợi mãi vẫn không thấy. Biết tính ông rụt rè nên ngày hôm sau, bà đã mạnh dạn đến đầu ngõ nhà trai, rồi cùng ông ra diện kiến bố mẹ chồng. Ông Khoái nhớ lại: “Ngày đó tôi tự ti lắm, bị nhiều người trêu đùa, không biết người ta có thương mình không nên không dám quyết định và nói chuyện nhiều. Mình chỉ biết làm việc thôi, lúc nào bà ấy (bà Cói -PV) cũng mỉm cười với tôi chứ không xa lánh như những cô gái khác”.
Ngày gia đình ông Khoái sang hỏi cưới, thì liên tiếp bị nhà gái từ chối không gả, vì vốn bà Cói là người con gái hiền thục, mặt khác chê nhà ông Khoái nghèo, và sợ bệnh tình của ông Khoái sẽ ảnh hưởng tới chuyện con cái. Đứng trước sự ngăn cản kịch liệt của gia đình, ông Khoái và bà Cói vẫn nguyện một lòng gắn bó bên nhau. Họ đến với nhau bằng hai bàn tay trắng nhưng chưa một lần họ mặc cảm về nhau. Ông Khoái hằng ngày chăm chỉ làm bất cứ việc gì mà sức khỏe cho phép. Còn bà Cói thầu thêm ruộng để sản xuất, quyết tâm vươn lên hoàn cảnh dù ông Khoái bệnh tật.
Quãng thời gian sau, hạnh phúc nối tiếp hạnh phúc khi họ sinh được bốn người con, 2 trai, 2 gái hoàn toàn khỏe mạnh, ai cũng có công việc ổn định trong ngành và gia đình hòa thuận. Chúng tôi nhìn căn nhà tầng khang trang và vườn nhãn rộng, xanh mướt một màu của gia đình ông càng cảm nhận rõ được niềm niềm vui, niềm hạnh phúc cũng như nghị lực, lòng quyết tâm vươn lên từ tình yêu của đôi vợ chồng này.
Giữa cái xô bồ của cuộc sống hiện đại, vẫn còn đâu đây những mối tính đẹp như của ông Khoái và bà Cói, nhưng hơn cả đó tình yêu từ trái tim, nghị lực vươn lên khó khăn trong cuộc sống.