Chuyện tình anh bộ đội và cô dân công yêu nhau từ chiến trường Điện Biên Phủ
Trên đường hành quân ra chiến trường Điện Biên Phủ, như định mệnh, người chiến sĩ Vũ Xuân Thanh và cô dân công Nguyễn Thị Lan gặp nhau, yêu nhau. Tình yêu của họ ươm mầm, nảy nở từ trong bom đạn đến những năm tháng hòa bình.
Mối nhân duyên trời định
Những ngày tháng 5 lịch sử, trong căn nhà ở phường Vinh Tân, thành phố Vinh, Nghệ An, ông Vũ Xuân Thanh (SN 1930) và vợ là bà Nguyễn Thị Lan (SN 1937) lại bồi hồi nhớ về những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, bà Lan mới 17 tuổi, đang học lớp y tá nhưng xin tham gia cách mạng. Còn ông Thanh, vừa tròn 23 tuổi, xung phong ra tiền tuyến. Trên đường hành quân, họ gặp nhau, yêu nhau và gắn bó với nhau, đến nay đã hơn 60 năm. Nhớ về một thời thanh xuân sôi nổi, ông Thanh, bà Lan tự hào khi được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, góp sức vào cuộc chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc.
Ông Vũ Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Lan cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Thanh kể năm 1953, ông lên đường nhập ngũ, thuộc Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Ông vừa tham gia huấn luyện vừa làm công tác xây dựng nhà kho để cất giữ thuốc men, thực phẩm, đạn dược.
Đơn vị của ông có nhiệm vụ tiếp nhận gạo và lương thực từ thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vận chuyển lên Điện Biên.
“Nhìn các đơn vị được trực tiếp ra chiến trường chiến đấu, chúng tôi ở lại hậu cứ, không được cầm súng thật lòng buồn lắm. Nhưng không còn cách nào khác, phải tuân theo và chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức”, ông Thanh chia sẻ.
Nhìn thấu tâm tư của anh em, cán bộ chỉ huy đơn vị đã kịp thời động viên, bất kỳ nhiệm vụ nào được hoàn thành tốt đều đóng góp vào chiến thắng của chiến dịch. Từ đó, các chiến sĩ trợ chiến giảm bớt sự buồn phiền, tập trung vào công việc, ngày đêm hăng say lao động.
Trước chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng vài tháng, đơn vị ông Thanh được bổ sung ra chiến trường. “Đơn vị tôi tham chiến giai đoạn 1953-1954. Ban đầu, tôi là lính bộ binh, sau đó chuyển sang pháo binh. Ở chiến trường, đơn vị được giao nhiệm vụ chặn địch tại cứ điểm Hồng Cúm. Để không bị địch phát hiện, chúng tôi phải học các chiêu thức như độn thổ, ngụy trang dưới các lớp đất, cát…”, ông Thanh nhớ lại.
Cựu chiến binh Vũ Xuân Thanh hồi tưởng về những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Dáng người nhỏ nhắn, chỉ nặng 37 kg, bà Nguyễn Thị Lan khi ấy khiến nhiều người e ngại khi quyết tâm xin được tham gia vào đoàn dân công hỏa tuyến, phục vụ chiến dịch.
Trên đường lên Điện Biên, nhiệm vụ của bà là gánh gạo, làm đường và san lấp hố bom. Với kinh nghiệm được đào tạo làm y tá khi còn ở nhà, bà được giao thêm nhiệm vụ chăm sóc và băng bó vết thương cho mọi người dọc đường đi.
Một hôm, ông Thanh đang ở hậu cứ tiếp nhận gạo từ dân công hỏa tuyến bỗng nghe thấy giọng nói của đồng hương.
Ông lại gần, làm quen: “O dân công ni nghe giọng như người Nghệ An thì phải?”.
Bà Lan vừa gánh gạo, vừa cười tinh nghịch, đáp: “Phải rồi anh. Em là người Nghệ An”.
Cuộc gặp gỡ chóng vánh, họ không kịp hỏi tên tuổi hay địa chỉ vì nhiệm vụ ở chiến trường cấp bách. Tuy nhiên, vài câu chào hỏi xã giao ấy đã gieo trong lòng anh bộ đội và cô dân công một xúc cảm khó phai, cũng là khởi đầu của câu chuyện tình yêu thật đẹp sau đó.
Bên nhau trọn đời
Chiều 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-Cát, kết thúc chiến dịch “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm”, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau chiến dịch, bà Lan trở về làm y tá ở địa phương. Còn ông Thanh tiếp tục theo đơn vị làm nhiệm vụ khác rồi tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Biền biệt từ năm 1953-1965, ông Thanh mới có dịp về phép thăm gia đình. Duyên số đã đưa người chiến sĩ Điện Biên gặp lại cô dân công năm nào.
Tình yêu của ông Thanh, bà Lan ươm mầm, nảy nở từ trong bom đạn đến những năm tháng hòa bình.
“Lần về phép ấy, khi đi ngang qua giếng làng, tôi thấy bà con đang gánh nước. Tôi chợt bắt gặp một khuôn mặt và dáng người rất quen.
Sau câu chào, tôi nhận ra ngay cô gái dân công gánh gạo từng phục vụ trong chiến trường Điện Biên đã gặp năm nào. Tưởng xa nhưng hóa gần, hỏi ra mới biết người con gái đó lại là hàng xóm của mình, nhà cách nhau một quãng đồng”, ông Thanh kể.
Những ngày về phép, ông Thanh thường xuyên sang nhà bà Lan, tình cảm giữa hai người cũng dần nảy nở. Hết phép, ông trở lại đơn vị.
Gần 10 năm yêu xa, không thư tình, không kỷ vật nhưng tình yêu của họ vẫn bền bỉ, vẹn nguyên. Mãi đến năm 1962, đơn vị tạo điều kiện để ông Thanh về cưới vợ.
“Cả đời binh nghiệp đi đây đi đó, một mình bà ấy quán xuyến, chăm nom, dạy dỗ 3 đứa con nên người. Giờ tóc đã bạc nhưng trong ngôi nhà chưa khi nào ngớt tiếng bông đùa của bà ấy và tiếng cười nói của con, cháu”, ông Thanh tâm sự.
Vợ chồng ông Thanh tại buổi gặp mặt tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức.
Chia sẻ về bí quyết giữ lửa hôn nhân, bà Lan cười: "Hơn 60 năm bên nhau, chưa bao giờ to tiếng một lời nào cả, bởi vì chúng tôi hiểu nhau và không thể sống thiếu nhau. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống vợ chồng chính là thấu hiểu và phải nhường nhịn. Tiền bạc không thể mua được tình cảm chân thành, chính cái tâm và cái tình giữ mình luôn bên nhau”.
Thời gian trôi qua, giờ đây, mái tóc của ông Thanh, bà Lan đã điểm bạc, gương mặt xuất hiện những nếp nhăn, điểm chấm đồi mồi nhưng ánh mắt họ dành cho nhau vẫn chứa chan niềm hạnh phúc, sự tin yêu.
Nguồn: [Link nguồn]
Màn pháo hoa tầm cao rực sáng bầu trời Điện Biên tối 6-5 chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ...