Chuyện thật như đùa, uống rượu hôm trước hôm sau vẫn bị Cảnh sát giao thông xử lý nồng độ cồn

ANTD.VN -  Chuyện thật mà như đùa, dù uống rượu hôm trước, hôm sau chỉ rủ nhau đi ăn bún chả nhưng hai người đàn ông vẫn bị Cảnh sát giao thông tuýt còi xử lý vi phạm nồng độ cồn. Dù cả hai cố phân trần khẳng định không uống dù chỉ một giọt, nhưng chiến sĩ Cảnh sát giao thông vẫn lập biên bản...

Đi ăn cháo vẫn “dính” biên bản vi phạm nồng độ cồn

Đó là câu chuyện tưởng rất lạ nhưng lại rất thật, trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn của Đội cảnh sát giao thông số 2 - Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội ngày 23-6.

“Thời điểm đó tôi đang tuần tra kiểm soát địa bàn, phát hiện hai người đàn ông điều khiển xe máy nhưng mặt đỏ tưng bừng, nghi vấn trước đó sử dụng rượu bia nên tôi đã yêu cầu dừng xe kiểm tra. Người đàn ông điều khiển có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép dù quả quyết chỉ đi ăn bún chả, không uống một giọt rượu nào” - Đại úy Nguyễn Văn Vũ, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 2 cho biết.

Sau đó, người này cũng phải thừa nhận tối hôm trước đi uống rượu tới 11h đêm mới về. Do uống quá nhiều nên đến tận trưa hôm sau nồng độ cồn vẫn ở mức cao. Cũng trong ngày 23-6, đơn vị cũng xử lý một trường hợp tương tự khi người này vừa rời khỏi hàng cháo. Không uống rượu nhưng dư lượng cồn trong máu vẫn cao sau trận nhậu ngày hôm trước.

Người đàn ông này nồng độ cồn ở mức 0,363g/l khí thở, tuy nhiên vẫn lái xe thậm chí không đội mũ bảo hiểm

Người đàn ông này nồng độ cồn ở mức 0,363g/l khí thở, tuy nhiên vẫn lái xe thậm chí không đội mũ bảo hiểm

Câu hỏi đặt ra ở đây là, uống từ ngày hôm trước, hôm sau nồng độ cồn vẫn vượt mức cho phép. Vậy nếu như xảy ra tai nạn từ chầu nhậu trước đó, thì thiệt hại sẽ thế nào?

Có mặt cùng tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 2 trên tuyến Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ, phóng viên ANTĐ cũng ghi nhận trường hợp người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia không những không đội mũ bảo hiểm, lại còn đi ngược chiều, bất chấp thời điểm 20h lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khá cao.

Thiếu tá Quách Tuấn Anh lập biên bản xử lý tại đơn vị để đảm bảo sức khỏe cho người vi phạm nồng độ cồn

Thiếu tá Quách Tuấn Anh lập biên bản xử lý tại đơn vị để đảm bảo sức khỏe cho người vi phạm nồng độ cồn

Chỉ ít phút sau đó, tổ công tác cũng kiểm tra một trường hợp thanh niên SN 1994, trú tại quận Tây Hồ chở theo bạn gái có nồng độ cồn ở mức 2, tức là từ 0,25g-0,4g/ml khí thở. Cô gái ngồi phía sau liên tục nói đỡ cho bạn trai, rằng anh ta uống một vài cốc vì lý do công việc. Cô gái này có lẽ không lường trước được, nếu xảy ra tai nạn, thì chính bản thân mình cũng gặp nguy hiểm chỉ vì bạn trai sử dụng rượu bia rồi cầm lái.

Không dừng lại ở đó, tất cả những trường hợp vi phạm đều sử dụng “quyền trợ giúp” từ người thân. Gọi điện thoại là quyền của họ, còn kiên quyết không chấp nhận các yếu tố tác động và thẳng tay lập biên bản là trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông.

“Chúng tôi không đồng ý bỏ qua bất cứ trường hợp vi phạm nào. Những vụ tai nạn giao thông với hậu quả tang thương còn đó. Nếu bỏ qua là bản thân chúng tôi cũng vô trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Đối với những trường hợp gọi điện thoại cho người thân can thiệp, chúng tôi sẵn sàng nghe máy và giải thích, đồng thời khẳng định nếu tiếp tục cố tình gây ảnh hưởng công việc của lực lượng chức năng, chúng tôi sẽ ghi lại số điện thoại, danh tính của người đó và gửi về cơ quan nơi họ công tác” - Thiếu tá Nguyễn Duy Linh, Tổ trưởng tổ tuần tra kiểm soát, Đội Cảnh sát giao thông số 2 cho biết.

Càng mạnh tay răn đe, càng hiệu quả

Là người có kinh nghiệm trong chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn được Phòng Cảnh sát giao thông - CATP Hà Nội triển khai từ đầu năm 2020 tới nay, Thiếu tá Quách Anh Tuấn cho biết, xử lý nồng độc cồn phải có lúc cương, lúc nhu. Bởi có những người bình thường hiền lành, không xô xát với ai, nhưng khi có hơi men thì cũng có hành vi lệch chuẩn.

Ví dụ như trường hợp của anh Bùi Đình H., SN 1977, một cán bộ Nhà nước khi bị kiểm tra, phát hiện vi phạm nồng độ cồn thì cương quyết không ký biên bản. Người này “cãi cùn”: “Tôi không biết về Kế hoạch này. Ngày nào tôi cũng đọc báo, lướt mạng xã hội mà có thấy nói gì về Kế hoạch này đâu”. Tuy nhiên, đến hôm sau khi tỉnh rượu, anh H. lại xin lỗi rối rít vì uống quá chén.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiên quyết không bỏ qua bất cứ trường hợp nào được can thiệp

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiên quyết không bỏ qua bất cứ trường hợp nào được can thiệp

“Khi trong máu có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép có thể dẫn tới lời nói, hành vi lệch chuẩn. Do vậy, chúng tôi sau khi phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ đưa về trụ sở đơn vị để lập biên bản xử lý, đồng thời để người vi phạm được nghỉ ngơi và có thể gọi người nhà lên đón về cho an toàn” - Thiếu tá Quách Anh Tuấn chia sẻ.

Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông - CATP Hà Nội, Đội Cảnh sát giao thông số 2 đã triển khai các tổ công tác gồm 5 cán bộ chiến sĩ mỗi tổ, lựa chọn khu vực có nhiều quán bia rượu, nhà hàng, karaoke, bar… để tập trung xử lý.

Một chiến sĩ Cảnh sát giao thông sẽ hóa trang, mặc thường phục tại các điểm trên, khi phát hiện trường hợp có biểu hiện nghi vấn uống rượu bia rồi cấm lái, sẽ báo cho tổ công tác đặc điểm nhận dạng, BKS xe để cán bộ tuần lưu áp sát, đảm bảo an toàn cho người vi phạm và cả những người tham gia giao thông xung quanh.

“Khó khăn thì nhiều, ví dụ như có trường hợp thấy chúng tôi xử lý vi phạm nồng độ cồn thì quay lại quán báo cho khách ở đó biết để tìm đường né tránh. Với những khu vực có nhiều ngõ, ngách có thể đi lại được, chúng tôi cũng cử cán bộ chiến sĩ chốt chặn kiểm tra, xử lý.

Tuy nhiên, cái khó nhất là khi xử lý mà người vi phạm không cần biết là có uống hay không, nhưng khi ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra, do không kiểm soát được hoặc cố tình có thể đâm trực diện lực lượng, gây nguy hiểm cho CBCS và bản thân người vi phạm” - Thiếu tá Nguyễn Duy Linh nói thêm.

Với mức nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép thế này mà cầm lái, liệu ai dám chắc sẽ không có chuyện gì bất chắc xảy ra?

Với mức nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép thế này mà cầm lái, liệu ai dám chắc sẽ không có chuyện gì bất chắc xảy ra?

Uống rượu bia say mà cầm lái không khác gì giết người hàng loạt. Những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, những hệ lụy còn đó, những nỗi đau để lại… nhưng không ít người vẫn không đặt trách nhiệm của bản thân khi cầm lái.

Mức phạt khá cao, song, cần phải hình sự hóa hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Có như vậy mới hạn chế tai nạn giao thông do rượu bia gây ra, và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng.

Bạn nghĩ thế nào về mức phạt mới đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn từ 1/1/2020?

Nguồn: [Link nguồn]

Khống chế tài xế xe hơi nghi say xỉn không chịu đo nồng độ cồn

Sau khi xảy ra tai nạn, người điều khiển xe hơi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, không chịu đo nồng độ cồn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Anh ([Tên nguồn])
Xử phạt lái xe có nồng độ cồn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN