Chuyện Tây ăn Tết Kỷ Hợi ở phố Hội

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Du khách nước ngoài thường háo hức bảo nhau: “Nếu đến Việt Nam đúng dịp Tết Nguyên đán mà chưa được thưởng thức “Thịt mỡ, dưa hành", chưa được thưởng thức "bánh chưng xanh", chưa du xuân xin câu đối đỏ, không tham gia các lễ hội và chưa nhận được những lời chúc may mắn đầu năm… thì vẫn chưa biết được “Tết Việt”. Riêng ở Hội An, ngoài những nét văn hóa truyền thống ấy, khách Tây còn chia sẻ rằng: Ăn tết ở phố cổ quả là có những nét văn hóa rất riêng và đầy thi vị.

Từ độc đáo “đón Giao thừa” cho du khách nước ngoài ở phố cổ

Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) với góc phố rêu phong, những mái nhà xưa cũ, chùa Cầu nét cong duyên dáng bắc qua một nhánh sông Hoài, cùng những công trình di sản mang trong mình một vẻ đẹp riêng độc đáo luôn có một sức hút lạ kỳ đối với du khách thập phương.

Kỳ lạ hơn, ngay cả những ngày phố ngập chìm trong mưa lũ, trong con mắt của du khách nước ngoài, phố cổ Hội An vẫn mang những vẻ đặc biệt. Những ngày này, Tết Kỷ Hợi đã gõ cửa từng nhà.

Chuyện Tây ăn Tết Kỷ Hợi ở phố Hội - 1

Du khách hào hứng đón Tết ở Hội An.

Các gia đình thay nhiễu đỏ mới cho từng con mắt cửa (thần cửa trong tín ngưỡng của người Hội An – PV). Những chậu mai vàng, quất cảnh trĩu quả khoe lộc non vạn phúc báo hiệu Tết đã về. Đây cũng là lúc phố phường Hội An rộn ràng với những trò chơi dân gian, hô hát bài chòi, chơi cờ người, múa hát sắc bùa…

Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi trên khắp các sân khấu, đình làng, không chỉ có người dân phố cổ, những người con xứ Quảng đi làm ăn xa về thăm quê ngày Tết mà còn có rất nhiều “anh Tây, chị Tây” cũng say sưa tham gia chơi hô hát bài Chòi, trò bịt mắt đập niêu, cùng nhiều trò chơi dân gian khác. Họ chính là những du khách nước ngoài “xông đất” đầu tiên ngày đầu năm ở phố Hội. Bởi vì yêu mến xen lẫn sự tò mò khám phá, nên họ đã chọn Hội An là nơi đón Tết cổ truyền của Việt Nam.

Trong thời khắc giao thừa thiêng liêng của ngày Tết Việt, du khách đã được người phố Hội tặng những bao lì xì may mắn. Trên khắp các con hẻm, góc phố hay ngay tại sân khấu bài Chòi trong thời khắc đón năm mới, không chỉ duy nhất tiếng Việt, những câu chúc nhau mọi điều tốt đẹp khi năm mới vừa sang bằng nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hàn và tiếng Trung vang lên…

Tự hào với “sản phẩm du lịch” độc đáo của địa phương mình, ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VHTT) TP. Hội An chia sẻ: “Những năm gần đây hàng triệu du khách trong và ngoài nước đã chọn đến với Di sản văn hóa thế giới Hội An, cùng người dân phố cổ đón Tết cổ truyền của Việt Nam. “Cùng người phố Hội đón tết cổ truyền” cũng chính là một sản phẩm du lịch độc đáo mà chính quyền và người dân Hội An mong muốn thực hiện.

Chính quyền thành phố cũng khuyến khích các công ty lữ hành, công ty du lịch thiết kế nhiều tuyến du lịch mang đậm nét truyền thống của người Việt. Như hướng dẫn du khách gói bánh tét, làm mứt tết và đón giao thừa. Du khách cũng được người dân địa phương hướng dẫn và tự tay làm các món ăn truyền thống, đặc trưng của địa phương như mỳ Quảng, Cao Lầu…

Đến chuyện những ông bà Tây ở phố Hội nhiều năm “yêu Tết Việt”

Phút giao thừa, khi pháo hoa bừng sáng ở Quảng trường sông Hoài thì cũng không hiếm cảnh các chàng Tây nghiêm chỉnh áo dài, khăn xếp cùng “gia đình đàng vợ” kính cẩn đứng trước bàn thờ gia tiên, nguyện cầu những điều tốt đẹp cho năm mới vừa tới. Ngay khi cúng giao thừa xong, các chàng rể Tây cũng “nhập gia tùy tục” cùng cô vợ Việt theo thứ bậc chúc Tết, lì xì mừng thọ từng người cao tuổi trong nhà.

Chuyện Tây ăn Tết Kỷ Hợi ở phố Hội - 2

Người dân hướng dẫn du khách làm các món ăn cổ truyền ngày Tết.

Bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in là bốn thứ bánh Tết hầu như không thiếu trong nhà người Hội An và cũng là phong tục xứ Quảng xưa nay được các chàng rể Tây mang mời đãi khách “xông đất” đầu năm… hy vọng một năm mới mọi sự như ý, giòn giã, vẹn tròn.

Tôi tình cờ gặp anh Hans Van Goor (41 tuổi, quốc tịch Hà Lan) ở phố cổ Hội An vào những ngày du xuân đầu năm mới. Chia sẻ với tôi, cách đây hơn 10 năm, Hans Van Goor chỉ là du khách nước ngoài đến phố cổ Hội An để du lịch. Còn bây giờ Hans Van Goor đã là “công dân phố cổ” và nhiều năm liền đón Tết cổ truyền của Việt Nam tại Hội An cùng vợ mình, chị Phan Minh Lan (39 tuổi).

Trong những ngày tết này, Hans Van Goor cũng như bao ông chồng Việt ở phố Hội vui vẻ cùng vợ đi chúc Tết người thân, ghé thăm từng nhà hàng xóm để lì xì lấy may cho bọn trẻ nhỏ. Còn hai vợ chồng Ziv Shalit, chủ một công ty công nghệ thông tin kỹ thuật số đang sống ở Hội An thì thích thú ghi lại những nụ cười của người bán, khách mua trong chợ cổ Hội An trên đường Bạch Đằng.

Ziv Shalit bảo, anh đặc biệt thích không khí chợ Hội An những ngày giáp Tết. Trên các cây cầu bắc qua sông Hoài, ngày thường đèn lồng đã  quyến rũ lung linh, ngày tết thêm tỏa sắc cùng hàng trăm, nghìn đèn hoa đăng được du khách thả trôi theo dòng nước xuôi ra Cửa Đại nguyện cầu may mắn.

Ngay từ trước tết Tây, rồi cả tháng chờ đón Tết Nguyên đán, dù rất bận rộn kinh doanh nhưng họ đã tận dụng những ngày nghỉ cuối tuần cùng nhau sửa soạn cho căn nhà của mình. Cùng nhau đi chợ mua quất cảnh, mua hoa cúc về chưng trước nhà thêm sắc tươi xuân, cầu may mắn, bình an giống như người bản địa. 

Anh Réhahn (quốc tịch Pháp) đã hơn 10 năm sống ở Hội An, là nhiếp ảnh gia có những bức ảnh nổi tiếng thế giới về cuộc sống sinh động, những nụ cười nhân hậu và hạnh phúc của người Hội An. Réhahn tiết lộ một điều đặc biệt, có những nhân vật ở phố cổ truyền cảm hứng sáng tác trong các bức ảnh nổi tiếng anh chụp hiện là hàng xóm thân thiết của anh.

Cứ đến mỗi dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, Réhahn lại dành thời gian “chúc thọ” những nhân vật của mình. Đó là bà cụ Xong lái đò trên sông Hoài, là vợ chồng ông bà Lê Sẻ và Nguyễn Thị Lợi có “chuyện tình xuyên thế kỷ” ở làng rau Trà Quế hay thi vị đàm đạo bên tách trà nóng quyện mùi mứt thơm cùng với những người bạn của anh ở Hội An.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 300 gia đình người nước ngoài đang định cư tại Hội An. Hầu hết đó là những người có vợ hoặc chồng là người Việt Nam, cũng có nhiều gia đình cả vợ chồng đều là người nước ngoài.

Từ khi bén duyên với Hội An, những người nước ngoài nhanh chóng được hòa đồng trong cuộc sống ở thành phố di sản. Ngày Tết, ngày giỗ, sự hòa đồng đó càng được thể hiện rõ hơn cả. Một điểm thú vị là, có thể, do ngôn ngữ địa phương, tính chất công việc nên trong năm những ông, bà Tây và các láng giềng chỉ có những cuộc gặp, câu chào xã giao ngoài ngõ.

Nhưng vào những ngày cúng xóm cuối năm, hay tiệc tất niên ở mỗi gia đình, những “ông Tây, bà Tây” lại được các hàng xóm nhiệt tình mời đến tham dự. Họ, không phân biệt người Tây, người Việt, không e ngại giọng địa phương, nói nhanh không kịp hiểu hết ý nghĩa, chỉ cần vẻ mặt vui vẻ của từng người đã thấy bên mâm cỗ ngày Tết chuyện bắt đầu rôm rả, thân thiện như người một nhà…

Cầu thủ tuyển Việt Nam ăn Tết như thế nào?

Thăm người thân, đón bạn bè đến nhà chơi, lưu lại những khoảnh khắc đón xuân Kỷ Hợi ấm áp bên người thân, người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN