Chuyện sau tay lái của nữ tài xế giúp bệnh nhân nghèo
Những chuyến xe của vợ chồng chị Diệu đều đều lăn bánh mỗi khi nhận được lời nhắn “hỗ trợ giúp đỡ đi lại” từ phía bệnh viện, bệnh nhân khó khăn.
Nhiều địa phương giãn cách vì dịch bệnh Covid-19 khiến hành trình điều trị với các bệnh nhân khó khăn càng thêm trắc trở.
“Những chuyến xe yêu thương” vẫn ngày đêm lăn bánh đón đưa, san sẻ nỗi vất vả cùng những phận người không may mắn.
Chị Cẩm Vân và chị Diệu Linh đón bệnh nhân nhi Lèng Tuấn ở Xín Mần, Lào Cai
Những chuyến xe thiện nguyện miệt mài xuyên đêm
Đợt giãn cách xã hội khiến công việc đình trệ ít nhiều nhưng không bỏ phí thời gian, vợ chồng chị Ngọc Diệu (Hà Nội) lại đồng lòng tham gia nhóm “Những chuyến xe yêu thương”, đón đưa các bệnh nhân nghèo.
Cùng với nhiều anh chị em trong nhóm, những chuyến xe của vợ chồng chị Diệu đều đều lăn bánh mỗi khi nhận được lời nhắn “hỗ trợ giúp đỡ đi lại” từ phía bệnh viện (BV) hoặc từ chính những bệnh nhân khó khăn.
Mới tuần trước, ngay sau khi nhận được thông tin từ BV Tim Hà Nội báo “có một bệnh nhân đã mổ xong, nay xuất viện nhưng nhà ở Sông Mã, Sơn La rất khó khăn cần xin một chuyến xe đưa về”, vợ chồng chị Diệu rà soát nhanh trên hệ thống.
Các lái cứng (thường chạy đường dài) đều bận, vợ chồng chị Diệu ngay lập tức nhận chuyến, có mặt tại BV Tim Hà Nội sau khi vội vàng chuẩn bị ít đồ ăn mang theo.
Đúng 11h30, xe bắt đầu lăn bánh rời Hà Nội đưa bệnh nhân vừa hồi phục sau ca mổ tim về quê. Chuyến xe chỉ ngưng nghỉ chốc lát trong suốt hành trình để kịp đến nơi lúc 20h tối.
“Chuyến đi đó, bệnh nhân mới hồi phục sau phẫu thuật nên cơ thể còn yếu lắm. Hai vợ chồng luôn cố gắng chạy xe thật “êm” để người bệnh đỡ mệt. Qua trò chuyện mới biết, 2 lần trước, chi phí phẫu thuật của người bệnh hết hơn 200 triệu đồng và lần thứ 3 này được bệnh viện kêu gọi hỗ trợ phẫu thuật miễn phí vì gia cảnh bệnh nhân khó khăn quá”, chị Diệu chia sẻ.
Khi gia đình bệnh nhân chuẩn bị nghỉ ngơi cũng là lúc hai vợ chồng chị Diệu quay xe xuyên đêm chạy ngược về Hà Nội, để sớm hôm sau chị kịp thời gian đi làm.
“Nhiều bệnh nhân rất đáng thương. Chính vì vậy, sau những tin nhắn nhờ hỗ trợ gửi đến nhóm, anh chị em luôn sẵn sàng nhận chuyến bất kể giờ giấc và hành trình xa, gần hay khó khăn ra sao giữa mùa dịch bệnh”, chị Diệu chia sẻ.
Tham gia nhóm mới hơn 1 tháng, chị Cẩm Vân cũng không nhớ rõ mình có bao nhiêu chuyến đưa đón bệnh nhân, chỉ biết rằng kim đồng hồ vượt qua mốc 10 nghìn cây số. “Bệnh nhân còn cần sự giúp đỡ là mình lên đường thôi”, chị Vân nói.
Chuyến đi xa nhất là khi chị Vân cùng một nữ tài xế đưa 3 bệnh nhân vừa hết đợt điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư và Viện Bỏng Quốc gia về Hà Tĩnh.
“Hai bệnh nhân điều trị trường kỳ, hơn chục năm ở viện. Họ tuy khó khăn, yếu nhưng lạc quan, tràn đầy nghị lực chiến đấu với bệnh tật và khát khao được sống. Chính các bệnh nhân đã vô tình tiếp thêm cho mình động lực. Kết thúc hành trình về đến Hà Nội là khi mặt trời bắt đầu ló rạng”, chị Vân kể.
Hay chuyến đi Xín Mần, Hà Giang đón bệnh nhân nhi người dân tộc Tày lên viện trên Hà Nội điều trị cũng là một kỷ niệm đáng nhớ với Cẩm Vân vì thay đổi kế hoạch đến lần thứ 3 mới đón được bệnh nhân.
Lần thứ nhất hẹn đón, đến phút chót mẹ bệnh nhân báo chưa làm được test nhanh Covid-19. Lần thứ 2, người nhà báo phải đợi bán trâu, thu xếp được tiền mới lên đường được.
Hai chị em lái xe xuất phát sớm từ Hà Nội, chạy một mạch đến chốt Xín Mần phải dừng lại hơn 2 tiếng đợi đội trực chốt điều xe y tế vào đón bệnh nhân ra.
“Trên xe hỏi chuyện mới biết, bố con vay mượn khắp nơi mới được 2 triệu đồng giắt túi về Hà Nội chữa bệnh. Thương quá, hai chị em lại gom góp thêm chút ít hỗ trợ. Xe vừa về đến Hà Nội thì nhận được điện của các anh chị trực chốt Xín Mần thông báo, may mà xe quay đầu về luôn vì chỉ sau đó 1 giờ, mưa như trút nước, toàn bộ tuyến đường trên đó sạt lở. Mừng vì chuyến đi không trục trặc và đưa bệnh nhân kịp thời gian hẹn khám tại bệnh viện”, chị Vân chia sẻ.
Test liên tục để không trễ chuyến của bệnh nhân
Vợ chồng chị Ngọc Diệu chụp vội cùng gia đình bệnh nhân ở Sơn La trước lúc chia tay
Để đảm bảo đúng nguyên tắc phòng dịch Covid-19, các bác tài của nhóm “Những chuyến xe yêu thương” trước khi nhận chuyến đều phải có chứng nhận “âm tính với SARS-CoV-2”.
Cũng chính vì vậy, cứ sắp hết thời gian 72 tiếng là các anh, chị lại đi “ngoáy mũi” với chi phí tự chi trả. Toàn bộ chi phí cho chuyến đi từ xăng xe, vé cầu đường, thậm chí đến ăn uống của bệnh nhân cũng được chính chủ xe chi trả…
Thế nhưng, cứ 20h mỗi ngày, sau khi thông tin bệnh nhân cần hỗ trợ được đưa lên trang của nhóm, chỉ chưa đầy 1 phút đã được các anh, chị “tranh nhau” nhận chuyến với đủ các lý do “nào là đồng hương, nào là tiện chuyến hay đơn giản là em vừa test xong, em đi cho đỡ phí...”.
“Trong đợt giãn cách vừa qua của Hà Nội, mỗi ngày nhóm sắp xếp đưa đón từ 30 - 40 bệnh nhân từ đầu mối các bệnh viện, chưa kể các trường hợp gửi lời hỗ trợ thẳng đến nhóm. Đã có khoảng 500 chuyến xe lăn bánh đưa đón bệnh nhân riêng trong dịp này”, chị Diệu cho biết.
Anh Trần Doãn Hưng, “điều phối viên” của nhóm cho hay: “Đau đầu nhất là việc ghép chuyến làm sao để “tiết kiệm” người lái và xe nhất, nhưng lại chở được nhiều bệnh nhân nhất có thể. Thế nên, nhiều khi đến phút cuối, bệnh nhân thông tin chưa kịp đi vì truyền hóa chất chậm hoặc đổi ý không đi nữa vì lo ngại về quê phải cách ly tập trung…, việc điều phối lại phải tính toán sao cho hợp lý. Anh em lái xe đều rất sẵn sàng nhưng trong mùa dịch việc đảm bảo an toàn cho cả tài xế và bệnh nhân đều cần thiết”.
Chia sẻ về những khó khăn rất “đặc thù” giữa mùa dịch Covid-19 này, chị Cẩm Vân cho hay: “Suốt dọc hành trình, gần như chúng tôi không dừng nghỉ hay ăn uống ở quán xá ven đường và hạn chế tối đa tiếp xúc gần. Thực phẩm mang đi thường gọn nhẹ nhất để có thể tranh thủ ăn trên xe như bánh, sữa, hoa quả… Hầu như chỉ xuống xe ở các trạm chốt cần khai báo y tế. Mỗi chuyến xe chúng tôi chỉ mong sớm “đi đến nơi, về đến chốn”, vì bệnh nhân đa phần yếu, hành trình càng kéo dài họ càng mệt”.
“Có lần dừng khai báo y tế ở trạm kiểm soát các tỉnh, nhắc đến xe chúng tôi từ Hà Nội về là họ đều tự giác bảo nhau “tránh xa, xe từ vùng dịch đó”. Tuy nhiên, khi biết xe thiện nguyện chở bệnh nhân nghèo, hầu hết anh em các chốt đều tạo điều kiện hỗ trợ hết sức có thể. Thậm chí, để chúng tôi yên tâm thực hiện “cam kết không dừng đỗ trên suốt hành trình chở bệnh nhân về nhà”, họ còn gửi gắm cả nước uống, đồ ăn lên xe, rất cảm động”, chị Diệu tâm sự.
Với chị Diệu, chị Vân hay nhiều anh, chị em trong nhóm “Những chuyến xe yêu thương”, họ đều tâm niệm: “Việc hỗ trợ chuyến xe thiện nguyện chỉ là lát cắt nhỏ trong cả hành trình điều trị đầy gian khó của các bệnh nhân nghèo mà thôi, nên giúp được gì là chúng tôi đều sẵn sàng”.
Nguồn: [Link nguồn]
Bên cạnh những hình ảnh cho thấy sự cấp bách và cam go trong cuộc chiến chống dịch COVID - 19, những khoảnh khắc đẹp về...