Chuyện ở một “làng nghề” chữa vô sinh

Với những người hiểu biết thì không ai tin vào khả năng chữa bệnh của lang băm, vậy nhưng trong hàng vạn làng nghề đang phổ biến ở Việt Nam thì có cả một "làng nghề"… lang băm.

Xem lang băm… "nổ"  

Một ngày tháng tư, chúng tôi tìm về thôn An Thái, xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. So với những lần đi lễ hội đầu năm thì về An Thái bất cứ lúc nào cũng nhộn nhịp không kém, bởi cứ từng đôi, từng cặp từ khắp mọi miền nườm nượp kéo nhau tới đây để… chữa bệnh vô sinh. Từ các ngõ ngách trong làng, có hàng chục tấm biển quảng cáo được treo như sự cạnh tranh thị trường ở "làng nghề" này với nội dung "Lương y gia truyền chữa bệnh vô sinh".

Về đến đầu thôn, chúng tôi bị một phụ nữ "bắt cóc": "Hai em chữa vô sinh à? Chị giới thiệu cho, các em dẫn nhau vào nhà bà C mà chữa. Mà thôi, khỏi phải tìm, để chị đưa các em đi, chị không lấy tiền công đâu mà lo". Nói rồi chị ta đon đả dẫn chúng tôi đến nhà bà C. Trên đoạn đường ngắn ngủi, người phụ nữ giới thiệu tên L, đã "nổ" với chúng tôi về khả năng và uy tín chữa bệnh của bà C: "Bà lang này là người nhiều tuổi nhất làng, có kinh nghiệm chữa bệnh lâu năm, và đã giúp cho hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn như bọn em, chẳng tốn mấy đồng tiền mà có con theo ý muốn".

Tại nhà bà lang C, trong những phút đầu tiên của cuộc "giao dịch", thấy chúng tôi ở tận Bắc Giang về, bà tỏ ra thông cảm, nhìn chằm chằm vào tôi không một chút nghi ngờ rồi tự tin "nổ" như thật: "Bệnh vô sinh ở phụ nữ thường là do tắc, vẹo hoặc hẹp ống dẫn trứng…". Nói rồi bà dẫn tôi vào một căn phòng nhỏ, nói là phòng chứ thực ra nó chỉ được che chắn bằng một tấm rèm sơ sài, bên trong là một chiếc giường cũ rích. Bà C nói với tôi vẻ ân cần như một "từ mẫu" thực thụ: "Con nằm lên đây để bác khám cho".

Nhìn xung quanh căn phòng nhỏ không có gì ngoài vài cái khăn lau đã cũ, vậy mà bà lang này lại có thể làm được việc "khám, xét" cơ quan sinh dục nữ để tìm ra "thủ phạm" gây nên căn bệnh vô sinh? Dù có "chuyên nghiệp" đến mấy thì cung cách khám của bà lang được coi là "lão làng" này cũng không thể hiện được chút cơ sở khoa học nào. Đó chính là đặc trưng của những lang băm.

Hiểu được ý của bà lang C, tôi ra vẻ ngây ngô để tránh bị phát hiện, nhưng cuối cùng tôi cũng phải tìm cách thoái thác để khỏi bị "khám" bởi bàn tay của bà lang băm này: "Bác ơi, chúng con đã đi khám ở nhiều nơi nhưng đều kết luận là chúng con vô sinh tại "chồng" chứ không phải tại con bác ạ. Con nhờ bác xem khám giúp cho "nhà con" để mong năm nay chúng con kiếm lấy “rồng vàng”, dù trai hay gái cũng được".

Thấy tôi khước từ, lang băm C hụt hẫng nhưng rồi bà cũng nhanh trí đối phó: "Tại chồng à? Thế sao không nói với bác từ đầu để khám cho chồng luôn". Quay lại phòng khách, bà không tỏ ra thất vọng mà tiếp tục "nổ": "Theo quy trình là bác phải khám cho vợ trước xem có phải nguyên nhân vô sinh là do vợ không? Nếu khám cho vợ xong mà không có vấn đề gì thì mới "xem" cho chồng". Lẽ ra đã khám nơi khác rồi thì con phải nói với bác từ đầu để bác khám cho chồng luôn đỡ mất thời gian".

Nói rồi lang băm C chủ động đến bên cạnh "chồng" tôi: "Con đặt tay trái lên bàn…". Bà đưa tay "bắt mạch", mắt nhìn lên trần nhà đăm chiêu như thể hiện sự tập trung vào "chuyên môn". Sau vài chục giây nắn nắn cổ tay trái "chồng tôi", bà bất ngờ buông tay: "Úi giời ơi, thế này thì sinh con làm sao được. Thận yếu, xuất tinh sớm, hay bị mộng tinh lắm phải không?". Nực cười với quả quyết của bà lang nhưng tôi cố tỏ ra nghiêm túc, vì anh "chồng tôi" năm nay gần 40 tuổi và đã có 2 con nếp tẻ đủ cả. Hình như không để ý chúng tôi đang nghĩ gì, bà lang tiếp tục yêu cầu "chồng tôi" đặt tay phải lên bàn và tiếp tục "bắt mạch" để "phán" bệnh: "Con không chỉ yếu thận mà còn bị máu nhiễm mỡ nữa, bắt đầu có triệu chứng gút rồi, trường hợp này mà không chữa nhanh thì "khó" có con lắm đấy”.

Tôi hiểu, cái triệu chứng "gút" và máu nhiễm mỡ trong người "chồng tôi" mà bà lang "phát hiện" ra không phải do bắt mạch, mà là do anh có thân hình... hơi béo.

Chuyện ở một “làng nghề” chữa vô sinh - 1

Thuốc chữa bệnh không có cơ sở khoa học vẫn thoải mái lưu hành?

Lang băm cũng thành… "làng nghề"

Sau khi bắt mạch để tìm ra thủ phạm gây nên vô sinh cho "vợ chồng" tôi, bà lang C phán với "chồng tôi": "Con chỉ cần dùng 3 thang thuốc là vợ con sẽ có thai ngay". Bà cũng cho biết là mỗi thang thuốc cho một "bệnh nhân" giá 2,8 triệu đồng. Theo bà lang C, thì thuốc "gia truyền" chữa bệnh vô sinh của nhà bà là vào loại "tốt nhất" cái làng này. Bởi cho đến nay duy nhất nhà bà có loại thuốc đã sử dụng công nghệ hoàn tán nên bệnh nhân chỉ việc uống. Tuy nhiên, do chưa “chuẩn bị” tiền thuốc nên chúng tôi đành "hẹn" bà cuối tuần sẽ "dẫn nhau" về lấy thuốc. Chúng tôi cũng không quên “hẹn” sẽ giới thiệu cho bà thêm nhiều "bệnh nhân" khác sau khi bà chữa trị cho "chồng tôi" có kết quả.

Sau khi mục sở thị nhà bà lang C, chúng tôi loanh quanh tìm quán nước để bàn phương án tiếp tục tác nghiệp thì một phụ nữ tên T không hẹn mà gặp hồn nhiên bắt chuyện: "Các em đi chữa bệnh à? Chị giới thiệu cho nhé, em đi thẳng đến ngã ba thứ 2 thì rẽ trái, vào nhà bà lang G. Bà ấy là người chữa vô sinh "đỉnh" nhất ở cái làng này đấy".

Theo hướng dẫn của chị T, chúng tôi tìm vào nhà bà lang G. Gọi là bà lang chứ thực ra chị G năm nay cũng chỉ khoảng 40 tuổi. Cũng đon đả, ân cần đón tiếp bệnh nhân, nhưng chị G khám không vội vàng như bà lang C. Mở đầu câu chuyện, chị G hỏi han chúng tôi về cách "quan hệ vợ chồng" như thế nào? "Vợ chồng" quan hệ có đều đặn không? Đã đi khám, chữa ở đâu chưa?...

Chuyện ở một “làng nghề” chữa vô sinh - 2

Từ các ngõ ngách trong thôn An Thái, rất dễ bắt gặp các biển quảng cáo như thế này nhưng khó để phân biệt “thật- giả”

Sau khi nghe chúng tôi nói đã đi khám ở bệnh viện Phụ sản Trung ương, “chị lang G” yêu cầu chúng tôi phải cho chị xem kết quả xét nghiệm của bệnh viện thì  mới "bốc thuốc" cho được. Đồng thời chị G từ chối khám lại cho chúng tôi với lý do bệnh viện đã khám rồi(?!), (có lẽ do "chị lang" này sợ "lệch" kết quả khám bệnh)! Sau khi mục sở thị một số cơ sở khám của các ông bà lang ở làng An Thái, chúng tôi thấy có một điểm chung là "thầy lang" nào cũng hứa hẹn chữa bệnh sẽ có kết quả sau 3 tháng. Tiền thuốc thì dao động từ 2,2-2,8 triệu đồng/thang.

Có một điều như đã thành quy luật là bất cứ người lạ nào đến đây cũng bị chèo kéo và “giới thiệu”. Mà gặp những người đến đây đi theo đôi thì người làng này "biết ngay" là những cặp vợ chồng "hiếm muộn". Cũng bởi cái tiếng tăm “chữa bệnh vô sinh gia truyền” của làng An Thái này mà người ta đang gọi nôm na đây là một "làng nghề" chuyên chữa bệnh vô sinh. Sau khi rời khỏi làng An Thái, chúng tôi mới biết những người làm công tác “hướng dẫn” bệnh nhân ở An Thái như chị L, chị T chỉ là những "cò lang". Đối tượng này thường là những người thân và những người "làm công ăn… phần trăm" của những lang băm trong làng mà thôi.

Qua tìm hiểu của PV, nhiều người dân không theo "nghề" chữa bệnh vô sinh tại làng An Thái đều cho biết: Thời gian qua đã có nhiều "thầy lang" bị "bệnh nhân" đến nhà dọa dẫm để đòi lại tiền vì chữa bệnh không có cơ sở khoa học nên không mang lại kết quả như hứa hẹn. Có người sau khi được "thầy lang" ở "làng nghề" An Thái "bốc thuốc" đã mang mẫu thuốc đi kiểm nghiệm thì mới biết đó chỉ là loại thuốc giải nhiệt, bổ huyết hoặc có thêm vài vị thuốc tăng cường sinh lực theo sách thuốc của Trung Hoa...

Chúng tôi ngạc nhiên hơn là tại làng An Thái hiện nay hầu hết những "thầy lang" chữa bệnh vô sinh đều là hội viên Chi hội Đông y Bình Lục, và có hàng chục "thầy lang" đã được Hội Đông y tỉnh Hà Nam tặng Bằng khen, Giấy khen. Không biết Sở Y tế Hà Nam và các cơ quan chức năng tỉnh này đã biết tại xã An Mỹ, huyện Bình Lục hiện tồn tại một "làng nghề" chữa bệnh vô sinh kiểu "lang băm" như ở thôn An Thái?

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Khuê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN