Chuyện ở làng... mò mẫm trong đêm!

Nằm biệt lập giữa đại ngàn Trường sơn hùng vĩ, bốn mùa mây mù bao phủ, có gần 100 hộ người Thái, ở bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Nhiều sinh hoạt còn thiếu ánh điện.

Kỳ lạ một bản làng

Bản Cam trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử và biến cố thiên nhiên. Sự tồn vong của bản làng đã đánh đổi không biết bao nhiều xương máu để tồn tại cho đến hôm nay. Hiện nay bản có gần 100 hộ gia đình chủ yếu bám vào rừng để sinh sống. Bà con nơi đây vẫn chưa một lần nhìn thấy ánh điện.

Để đến được bản Cam, chúng tôi phải đi bộ gần một ngày đường, băng qua 2-3 con suối, trèo qua 5-6 con dốc thẳm. Đặt chân tới ngôi nhà sàn “100 tuổi”, già làng Vi Lâu nói: “Các con chinh phục được những ngọn núi, con dốc dựng đứng đó như là người con thực thụ của bản này rồi. Các con uống một ngụm nước suối cho mát cái ruột, ăn tạm một cái bắp (ngô), nghỉ ngơi một chút cho ráo mồ hôi. Đã vào đến đây các con phải ăn uống, ngủ nghỉ một đêm để thấu hiểu được nổi gian truân cơ cực của bà con dân bản cũng như cảm nhận được cảnh núi rừng khác xa với thành phố như thế nào”.

Chuyện ở làng... mò mẫm trong đêm! - 1

Khi mặt trời khuất bóng, bà con ở bản Cam thường phải làm việc và sinh hoạt trong bóng tối

Chị Vi Thị Thắm chia sẻ: “Chúng tôi phải bám vào cội nguồn không thể bỏ bản mà đi nơi khác được. Nếu có bỏ đi thì không có tiền cũng không phù hợp với phong tục tập quán nơi khác. Bao đời nay bà con dân bản chúng tôi chưa biết ánh điện là gì, mò mẫm trong đêm, người lớn thì đã đành nhưng trẻ con khổ lắm”.

Chị Vi Thị Hồng than thở: “Bà con ở đây quen với cuộc sống như thế này rồi các cô chú à. Ban ngày thì còn đỡ nhưng đêm đến thì khổ lắm. Bà con ở bản này còn nghèo, ăn cũng chưa no thì lấy tiền đâu mà mua dầu, thắp đuốc thì được một lúc là tàn”.

Nhìn khuôn mặt lem luốc, đen nhẻm, gầy guộc của những đứa trẻ đang vất vưởng ngoài đường vì thiếu bàn tay chăm sóc của người cha, người mẹ. Cháu Vi Thị Thương (10 tuổi) và Vi Văn Tuấn (8 tuổi) đang mếu máo dắt nhau ngoài đường: “Cha mẹ cháu đi rừng vẫn chưa về, trong nhà tối om nên cháu sợ ma. Cháu chưa có gì ăn, đói bụng lắm, không biết cha mẹ cháu khi nào mới về đến nhà”.

Lần theo tiếng chày giã gạo, chúng tôi tìm đến nhà chị Vi Thị Xuân đang lúi húi trong góc nhà sàn: “Ai tìm ta đó, ta đang giã gạo nấu cháo cho con”. Chúng tôi hỏi: “Sao chị không thắp đèn lên cho sáng?”. Tiếng nói vọng ra từ trong bóng đêm: “Không có tiền mua dầu, ta chỉ đốt lửa lên nhưng ta đang làm, củi cháy hết nên không còn lửa nữa. Ta làm trong đêm quen rồi, các chú là nhà báo mà cũng chịu khổ ở lại với bà con ta à. Ở đây ăn uống kham khổ, không có quạt nóng lắm đấy”.

Học sinh đốt đuốc đi học từ 2 giờ sáng

Già làng Vi Lâu cho biết, con em dân bản đi học rất khổ, phải đốt đuốc đi học từ 2g sáng.

Bản Cam chỉ có duy nhất một trường tiểu học Cam Lâm với 6 thầy cô giáo. Nếu các em muốn học cấp 2 thì phải ra xã Cam Lâm. Khó khăn nhất đối với các em là phải trèo đèo, lội suối mất gần nửa ngày đường mới đến được trường. Do vậy, là các em phải đốt đuốc đi học từ 2g sáng.

Chị Vi Thị Kha có con đang học lớp 8 cho biết: “Nó ham học lắm, học để thoát cái đói nghèo. Nó sức khỏe yếu, gia đình lại nghèo nên không có tiền thuê trọ cho nó. Nhiều lần bảo nó nghỉ học ở nhà làm nương, rẫy thì nó khóc đòi đi bằng được. Ban ngày nó chuẩn bị nứa bó lại từng cục đến 2g sáng đốt đuốc đến trường”.

Cô giáo Lục Thị Sinh (52 tuổi) xác nhận: “Tôi dạy ở miền núi hơn 30 năm, nhưng chưa thấy bản nào khổ như bản Cam. Cứ đến 2g sáng là nghe các em gọi nhau đi học ngoài đường rồi”.

Đối với bà con bản Cam, thì được nhìn thấy ánh điện, có con đường mới quả là xa vời.

Trao đổi với PV, ông Lô Văn Duy, Trưởng bản Cam cho biết: Bản Cam chúng tôi chưa một lần nhìn thấy ánh điện, trẻ em đi học từ 2g sáng là chuyện có thật. Chúng tôi cũng đã nghe nhiều dự án đầu tư cho bản nhưng chưa hề đến. Mong rằng bà con bản Cam sẽ sớm ngày thoát khỏi cảnh này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tập (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN