Chuyện những người lính thợ ở Trường Sa

Sự kiện: 24h vạn dặm

Trong hải trình những ngày cuối tháng 4 thăm Trường Sa mới đây, con tàu KN 491 đã đưa Đoàn công tác thành phố Hà Nội đến 3 trong tổng số 4 âu tàu lớn - “mái nhà chung” của ngư dân vươn khơi bám biển, là Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa. Tại những nơi này, phóng viên Báo Hànộimới đã gặp những người lính thợ với làn da rám nắng, đôi tay lấm lem dầu mỡ, luôn thường trực nụ cười rạng rỡ. Bất kể ngày, đêm, bất kể bão gió, nhận được tin báo là họ có mặt, trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân giữa trùng khơi…

Những người lính thợ sửa tàu cá tại âu tàu Trường Sa.

Những người lính thợ sửa tàu cá tại âu tàu Trường Sa.

Nặng lòng với bà con ngư dân

Đây đã là năm thứ 4 Thiếu tá Trần Cộng Hòa, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ hậu cần kỹ thuật Trường Sa gắn bó với âu tàu. Ngần đó thời gian với 2 lần nghỉ phép về thăm nhà, âu tàu Trường Sa đã thành ngôi nhà thứ hai, đồng đội và ngư dân bám biển đã trở thành người thân của anh. Tôi nhớ những con số mà người lính đảo rắn rỏi này chia sẻ: Hơn 3 năm hoạt động, âu tàu Trường Sa đã đón tiếp 750 lượt tàu cá, sửa chữa thành công 80 tàu, cứu hộ cứu nạn ngư dân, cấp nước ngọt miễn phí và phát hành hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền về Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, hướng dẫn ngư dân vươn khơi bám biển đúng pháp luật, biết cách bảo vệ mình khi đánh bắt ở những vùng biển xa, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Nhưng ấn tượng nhất là câu chuyện anh kể về những giọt nước mắt vui sướng của ngư dân khi tàu gặp sự cố được trợ giúp. Thiếu tá Hòa nhớ lại: Dịp gần Tết Tân Sửu 2021, tàu cá 993 - Phú Yên hỏng máy được kéo về âu tàu Trường Sa. Đây là sự cố nghiêm trọng, chuyến biển có nguy cơ bỏ dở, phải thuê tàu kéo về bờ. Điều này đồng nghĩa với việc 500-600 triệu đồng đầu tư của ngư dân “đổ xuống biển” theo đúng nghĩa đen. Hiểu được tình cảnh ấy, anh em lính thợ xoay trần, tìm mọi biện pháp khắc phục, làm không kể ngày đêm. Không phụ công những người lính thợ, lúc nghe tiếng máy nổ giòn tan, chủ tàu cười sung sướng mà ầng ậc nước mắt. Sau Tết, chủ tàu gọi điện khoe chuyến ấy lãi gần 1 tỷ đồng, anh em ở đảo thích quà gì chuyến sau tàu nhất định sẽ chuyển qua… “Bà con mình còn vất vả lắm, mỗi chuyến vươn khơi là cả cơ nghiệp chắt bóp bao ngày. Vì vậy, anh em luôn tâm niệm, không cố giúp được thì thôi chứ không khi nào gây phiền nhiễu gì…”, Thiếu tá Hòa chia sẻ.

Khắc phục sự cố, sửa chữa tàu cho bà con là việc hằng ngày của những người lính thợ ở đảo Sinh Tồn. Thiếu tá Trần Văn Bỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ hậu cần kỹ thuật đảo Sinh Tồn vui vẻ kể: "Ngư trường khu vực này khá nhộn nhịp, bà con rất vui mừng khi có hệ thống nhà xưởng sửa chữa và âu tàu". Song, trong anh vẫn canh cánh một niềm mong ước, là âu tàu trên đảo được mở rộng thêm để có thể neo đậu nhiều tàu hơn nữa. “Hiện âu tàu ở đảo Sinh Tồn rộng 3,6ha, sức chứa tiêu chuẩn 50 tàu cá. Vào thời điểm có bão sớm, bão cuối mùa hay áp thấp, biển động; âu tàu thường bị quá tải. Giữa phong ba bão táp, chúng tôi thường cố hết sức để sắp xếp tàu nhưng không đủ, đành hướng dẫn những tàu còn lại chạy quanh đảo để bảo đảm an toàn”, Thiếu tá Bỉnh nói.

Ở âu tàu đảo Song Tử Tây, tôi gặp anh Trần Văn Quảng, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật, thợ bậc 7/7 mà anh em thường đùa là “thợ kịch khung”, cũng là người có thâm niên lâu nhất, 16 năm gắn bó với tàu và đảo. Anh cho biết, ngư trường khu vực này tập trung tàu cá đến từ Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kiên Giang… Sự cố phổ biến nhất của các tàu là hỏng bơm cao áp. Ngoài việc được sửa chữa nhanh chóng, các ngư dân còn được tư vấn cách vận hành hệ thống máy móc sao cho an toàn, khi về bà con cũng gửi lại cảm ơn anh em con tôm, con cá, thân tình như người trong nhà.

Còn Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ hậu cần kỹ thuật Song Tử Tây lại không thể quên cơn bão số 9 quét qua vào cuối năm 2021 khiến cây cối trên đảo gãy đổ hàng loạt, tất cả 17 ngôi nhà đều tốc mái. Trong tình cảnh đó, 15 tàu cá của tỉnh Phú Yên đã được đưa vào âu tàu chằng buộc an toàn, 84 ngư dân được đưa lên đảo tránh bão, ăn ở miễn phí. Hai ngày sau bão tan, bà con lại vươn khơi bám biển với quà tặng của các chiến sĩ là nước ngọt, áo phao, cờ Tổ quốc. Cũng trong cơn bão đó, các chiến sĩ ở đảo Song Tử Tây đã cứu được 2 ngư dân quốc tịch Philippines gặp nạn do xuồng của họ bị chết máy, đưa lên đảo chăm sóc và bàn giao cho phía bạn khi bão tan…

Những ngôi nhà chung giữa biển

Hiện nay, tại huyện đảo Trường Sa, các trung tâm hậu cần kỹ thuật đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa và các làng chài Tốc Tan, Núi Le do Hải đoàn 128 và Hải đoàn 129 (Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn) quản lý, vận hành; Trung tâm Hậu cần dịch vụ nghề cá đảo Đá Tây do Bộ NN&PTNT quản lý. Đến với các âu tàu và làng chài là đến với những ngôi nhà chung giữa biển, bà con ngư dân được khám, chữa bệnh miễn phí, được sửa chữa tàu không mất tiền công, thay thế những thiết bị hỏng hóc thông thường, cấp nước ngọt, áo phao, cờ Tổ quốc… Nhiên liệu để tàu hoạt động đánh bắt hải sản được cung cấp bằng với giá ở đất liền…

Thượng tá Hoàng Thanh Tú, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết, từ khi các trung tâm âu tàu và làng chài đi vào hoạt động, bà con ngư dân rất yên tâm vươn khơi bám biển. Đặc biệt thời gian qua, các âu tàu và làng chài đã làm tốt công tác tuyên truyền Chỉ thị số 45/CT-TTg, tạo chỗ neo đậu cho tàu thuyền, bố trí nơi ăn, chỗ nghỉ cho ngư dân vào tránh trú bão an toàn. Đây thực sự là những ngôi nhà chung giữa biển của ngư dân.

Âu tàu Trường Sa còn có riêng khu nhà được xây dựng từ năm 2019, đủ chỗ ăn ở miễn phí cho khoảng 500 người với khu bếp ăn có thể phục vụ 200 người cùng lúc. Đợt cao điểm dịch Covid-19, đây là nơi ngư dân được đưa lên cách ly phòng, chống dịch trong khi đợi khử khuẩn và sửa chữa tàu. Đầu tháng 3-2022, âu tàu Trường Sa được tiếp nhận tàu cao tốc quân y với vận tốc 25 hải lý/giờ, đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại, ứng trực 24/24 giờ làm công tác cứu hộ, cứu nạn. Qua đó, tạo sự an tâm cho bà con ngư dân khi không may đau ốm giữa biển khơi sẽ nhanh chóng được cứu chữa kịp thời.

Vượt qua hàng trăm hải lý, ngư dân khai thác ngư trường ở vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đều cảm thấy ấm lòng khi luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, sát cánh của những người lính thợ đang ngày đêm bám trụ ở những âu tàu, làng chài, trên những con tàu thực hiện nhiệm vụ giữa biển khơi. Từng ngày từng giờ, những người chiến sĩ ấy vẫn thầm lặng hỗ trợ để ngư dân yên tâm rẽ sóng vươn khơi, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyện những người 50 năm gìn giữ thi hài Bác

Những ngày này, di tích K9 - Đá Chông (Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội), nơi lưu giữ những ký ức về Bác Hồ, có nhiều đồng bào đến thăm hơn hẳn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Ngọc Thủy ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN