Chuyện những người hiến máu như “cơm bữa”
“Năm 2012, trong một lần đến thăm những bệnh nhi tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, tôi thấy nhiều người bằng tuổi mình, nhưng lại mang hình hài như trẻ 5-6 tuổi. Họ mắc bệnh hiểm nghèo, cơ thể tím tái, quằn quại vì thiếu máu. Ánh mắt họ lúc đó thật buồn…”.
Đó chính là lý do chàng trai Đỗ Đình Quyền (SN 1994, quê Thái Nguyên) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên vận động hiến máu, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Nội vụ Hà Nội - đã hiến máu tới 19 lần trong vòng 3 năm qua. Anh cũng được tôn vinh trong 100 người hiến máu tiêu biểu Việt Nam năm 2015.
Đỗ Đình Quyền, chàng trai trẻ lập kỷ lục hiến máu 19 lần trong 3 năm.
Tuy nhiên, tham gia một thời gian, anh Quyền đã hiểu được ý nghĩa của đội tình nguyện đỏ (đội vận động hiến máu - PV). Và, anh thấy được vào đội thanh niên tình nguyện hiến máu là một điều may mắn.
Anh Quyền kể lại: Thời gian đầu tham gia đội tình nguyện đỏ, anh khá vất vả khi tuyên truyền, vận động người dân hiến máu. Nhiều người nhìn thấy thanh niên tình nguyện xanh (đội tình nguyện hè xanh - PV) là họ giúp, nhưng đội tình nguyện viên mặc áo đỏ thì không được như vậy.
Trải qua 3 năm tham gia đội tình nguyện đỏ, ngày ngày anh Quyền vẫn miệt mài vận động hiến máu với mong muốn sẽ có nhiều người tham gia hơn nữa. Bởi theo anh, việc đó mang lại những giọt máu ý nghĩa dành cho các bệnh nhi cũng như những bệnh nhân thiếu máu trên toàn quốc.
Một người nhiều lần hiến máu khác là chị Trần Tuyết Anh (SN 1992, ở Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội). Chị Tuyết Anh cho biết, chị tham gia hiến máu lần đầu tiên vào tháng 10.2010, khi Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện. Sau đó, chị đã tham gia đội thanh niên tình nguyện vận động hiến máu của trường.
Chị Tuyết Anh tâm sự, trong thời gian đi tình nguyện, chị gặp nhiều bệnh nhân rất đáng thương, nhiều em phải cắm kim tiêm cả ngày ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Chị thấy rất thương cảm với hoàn cảnh của các em, mặc dù thiếu máu, kim tiêm cắm vào tay cả ngày, nhưng các em vẫn có tinh thần lạc quan, vui vẻ.
“Đặc biệt, có một em năm nay khoảng 16-17 tuổi, sinh ra đã mắc bệnh về máu và thường xuyên phải đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để truyền máu. Hồi nhỏ em được bố mẹ quan tâm, chăm lo, nhưng khi bố mẹ sinh em thứ hai thì không còn chăm lo nhiều cho em nữa. Cô bé đó tự lủi thủi đến viện truyền máu, nhưng em ấy vẫn rất vui vẻ, lạc quan. Cùng cười với em, nhưng trong tôi cảm thấy chạnh lòng”, chị Tuyết Anh chia sẻ.
Từ đó đến nay, chị Tuyết Anh đã hiến máu toàn phần được 12 lần và không nhớ nổi bao nhiêu lần hiến máu tiểu cầu. Và, chị cũng là một trong 100 người được tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2015.
Bên cạnh những cá nhân tiêu biểu hiến máu nhiều lần, đặc biệt có trường hợp gia đình ông Lê Đình Duật (SN 1943, trú tại nhà F8, ngõ 328 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được công nhận gia đình hiến máu tiêu biểu Việt Nam năm 2015. Tổng cộng gia đình ông đã hiến tới 382 đơn vị máu và vận động nhiều người khác hiến máu. Trong năm 2015, cả gia đình ông Duật đã hiến 23 đơn vị máu.
Gia đình ông Lê Đình Duật trong Lễ hội Xuân hồng năm 2015.
Chị Lê Thanh Hà (SN 1976, ở ngõ 11, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội; con thứ của ông Duật) trải lòng: Bây giờ mọi người hiểu về hiến máu nên vận động dễ hơn. Ngày xưa, vận động hiến máu rất khó khăn, mọi người thường nghĩ "1 giọt máu bằng 6 bát cơm" nên đi hiến máu hại sức khỏe và không tốt. Do đó, nhiều phụ huynh học sinh, hàng xóm không cho con em mình đi hiến máu vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Thậm chí, có người còn tới tận nhà gõ cửa, mắng chửi gia đình chị, bố mẹ chị, sau đó họ cấm con đi hiến máu.
"Nhiều lần tôi khuyên can bố nên tạm dừng vận động hiến máu, nhưng bố tôi nhất quyết không dừng. Bố tôi nói “vận động mọi người tham gia hiến máu, để người bệnh cần máu có cơ hội được điều trị, được sống trên cõi đời”. Thấy quyết tâm của bố như vậy, nên mọi người trong gia đình đã hết lòng ủng hộ", chị Hà nói.
Theo Công Phương-Nguyễn Chiêm ([Tên nguồn])