Chuyện những người đi "bắt vòi rồng" ở Hoàng Sa

Bằng kinh nghiệm trận mạc dày dặn, thượng úy Quản Đình Dương, Thuyền trưởng tàu 2016 đã phát hiện sớm âm mưu thâm độc của tàu Trung Quốc. “Đóng cửa cabin. Tất cả rút vào đài chỉ huy!”. Tàu 2016 gầm lên, tăng tốc.

Những thước phim tàu Trung Quốc điên cuồng đâm va tàu thực thi pháp luật của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, là những tư liệu quý, những bằng chứng không thể chối cãi để “đập lại” luận điệu dối trá của Trung Quốc...

Nhưng để có được những thước phim đó, những người quay phim phải thể hiện bản lĩnh, dũng cảm, gan dạ và mưu trí. Phải chứng kiến mới hiểu sự vất vả hiểm nguy của phóng viên, chiến sĩ làm nhiệm vụ ghi hình, trên những con tàu của lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư đang thực thi pháp luật tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.

Đối mặt vòi rồng ghi lại hành động côn đồ của tàu Trung Quốc

Là một trong những phóng viên có mặt trên tàu CSB 2016 vào đúng thời điểm bị tàu Hải cảnh Trung Quốc 46105 dùng vòi rồng tấn công và đâm va thủng 4 lỗ, PV Infonet đã được tận mắt chứng kiến sự dũng cảm, mưu trí của người quay đoạn video clip được đài truyền hình Việt Nam phát trên chương trình thời sự 19h ngày 1/6 và sau đó là bằng chứng trước toàn thế giới về hành động hung hãn của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa.

16h chiều, ngày 1/6, sau 2 lần (buổi sáng và buổi trưa) xua các loại tàu ra ngăn cản, uy hiếp nhưng không “dọa” được lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, lần thứ 3, Trung Quốc quyết định hành động điên cuồng hơn, quyết liệt hơn.

Lần này, Trung Quốc quyết định đưa ra tàu Hải cảnh 32, và các tàu khác được tung ra ngăn cản các tàu của Kiểm ngư Việt Nam. Riêng tàu Hải cảnh 46105 của Trung Quốc chạy tốc độ cao, áp sát tàu CSB 2016. Vừa chạy, tàu Hải cảnh này vừa gọi loa uy hiếp (bằng tiếng Việt) với luận điệu ngông cuồng: “Tàu 2016, các bạn rời khỏi đây ngay lập tức. Nếu không chúng tôi dùng mọi biện pháp để bác bỏ”.

Vừa đưa ra lời lẽ sặc mùi hăm dọa, tàu Trung Quốc vừa chuẩn bị sẵn vòi rồng công suất lớn. Khi 2 tàu đang ở thế song song, với khoảng cách chừng 10m, Hải cảnh 46105 đã liên tiếp phụt vòi rồng vào ống khói của tàu CSB 2016 với mưu đồ khiến tàu của ta bị mất kiểm soát và thâm độc hơn nữa là nhằm vào những phóng viên có mặt trên boong.

Chuyện những người đi "bắt vòi rồng" ở Hoàng Sa - 1

Thượng úy Nguyễn Quốc Huy đang ghi hình tàu Trung Quốc hung hãn (ảnh Đắc Thành)

Phát hiện sớm âm mưu thâm độc này và bằng kinh nghiệm trận mạc dày dặn, thượng úy Quản Đình Dương, thuyền trưởng tàu 2016, hô lớn: “Đóng cửa cabin lại. Tất cả rút vào đài chỉ huy!”. Tàu 2016 mở hết máy, tăng tốc.

Lập tức cửa cabin hạ xuống, một số phóng viên trên boong cũng trở lại cabin. Thuyền trưởng tàu CSB 2016 và kíp trực đã điều khiển tàu vòng tránh những đợt tấn công bằng vòi rồng từ phía tàu Trung Quốc. Trên boong, dưới cabin, các ống kính của phóng viên vẫn chĩa về phía tàu Trung Quốc.

Sau 30 phút, không phun được vào cabin và ống khói tàu CSB 2016, tàu Trung Quốc cay cú tăng tốc vượt lên và quay ngang mũi hòng đâm ngang, trực diện vào thân tàu Việt Nam với mưu đồ gây lật tàu.

Nhưng âm mưu này của tàu Trung Quốc cũng không qua mặt được thuyền trưởng Quản Đình Dương. Từ đài chỉ huy, thuyền trưởng hô vang: “Hết lái trái”. Lập tức tàu CSB 2016 quay 30 độ. Tàu 46105 của Trung Quốc lồng lộn trờ tới với vận tốc cao và đâm vào mạn phải của tàu 2016. Chúng tôi chỉ nghe tiếng “kịch” rất mạnh, những phóng viên đang đứng tác nghiệp ngã dúi dụi về phía trái tàu nhưng cú đâm xiên này đã bị giảm lực rất nhiều nên tổn thất cho tàu cũng vì thế mà nhẹ hơn đáng kể.

Trong tình thế căng thẳng này, trên boong tàu, thượng úy Nguyễn Quốc Huy, Chính trị viên tàu CSB 2016, vẫn bám trụ với máy quay trên tay, máy quay luôn hướng về phía tàu Trung Quốc với quyết tâm không bỏ sót bất cứ một hành động hung hãn nào của chúng. Toàn bộ hành động đâm va của tàu Trung Quốc đã lọt vào máy quay của Thượng úy Nguyễn Quốc Huy.

Phát hiện ra hành động của mình đã bị ghi hình lại, tàu Trung Quốc điên cuồng ra sức phun vòi rồng về phía Thượng úy Nguyễn Quốc Huy. Sau này, anh Huy kể lại rằng: “Khi đang quay, tôi phát hiện trên tàu Trung Quốc có người ra hiệu cho vòi rồng phụt vào người và máy quay của tôi”.

Ngay lập tức, thượng úy Nguyễn Quốc Huy tìm được nơi ẩn nấp, để tránh vòi rồng và vẫn quyết tâm không rời "trận địa". Để đảm bảo an toàn cho máy quay, Thượng úy Nguyễn Quốc Huy đã thu người lại, ôm máy quay vào lòng, dùng lưng che những giọt nước xối xả từ vòi rồng bắn vào thùng đồ rồi nảy lên.

Nhận thấy không làm khó được Thượng úy Huy, tàu Trung Quốc tụt lại phía sau, vòng sang trái rồi tăng tốc định dùng vòi rồng tấn công tiếp nhưng Thượng úy Huy đã kịp thời đứng dậy, di chuyển chỗ nấp rồi lại hướng máy quay về phía tàu Trung Quốc.

Tàu CSB 2016 chủ động tránh đâm va, mở máy hết công suất lao về phía trước. Tàu Trung Quốc như con thú say mồi vẫn bám đuổi uy hiếp phía sau. Đến hơn 1 giờ sau, tàu Trung Quốc mới chịu dừng lại. Nhưng mỗi lần tàu CSB 2016 định dừng máy để kiểm tra vết đâm, khắc phục sự cố, tàu Trung Quốc lại nổ máy tăng ga bám theo hòng tiếp tục đâm va đến cùng.

Với sự nhanh trí, dũng cảm, Thượng úy Nguyễn Quốc Huy không những đã ghi lại được hành động hung hãn bất chấp luật pháp quốc tế, đạo lý làm người của tàu Trung Quốc mà còn dùng thân mình bảo vệ an toàn phương tiện ghi hình và những thước phim ghi lại cảnh cố tình đâm va của tàu Trung Quốc.

Khi tàu đã vượt ra khỏi vòng nguy hiểm, anh em phóng viên và thủy thủ trên tàu đều bày tỏ sự cảm phục đối với Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, nhưng anh chỉ cười khiêm tốn: “Lúc đó, có chết tôi cũng không sợ, tôi chỉ lo tàu Trung Quốc sẽ phụt nước biển vào máy quay sẽ làm mất bằng chứng”.

Niềm riêng gác lại...

Khi bước chân lên tàu 2016, người đầu tiên tiếp xúc với cánh nhà báo chúng tôi là Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, Chính trị viên tàu 2016. Những ngày tôi say tàu nằm bẹp một chỗ, một trong những người gần gũi hỏi han về chuyện sức khỏe, ăn uống của tôi nhiều nhất là anh. Anh luôn nở một nụ cười thân thiện, thoải mái với những người đối diện. Anh vẫn thường xuyên hỏi han, ân cần với anh em chiến sĩ.

Tôi đã được chứng kiến sự sáng tạo của anh không chỉ trong đấu tranh với tàu Trung Quốc mà ngay cả cuộc sống đời thường. Hôm đó, tôi đang nằm nhìn qua cửa phòng anh, thấy anh đang lụi hụi in hình rồi cắt cắt dán dán. Mặc dù, đầu quay cuồng luôn tục với cơn say sóng hoành hành, tôi cố sức sang hỏi xem anh làm gì. Thấy trên tay anh là ngôi sao 5 cánh và hình búa liềm. Tôi hỏi: “Đồng chí cắt hình làm gì thế?” Anh cười: “Em chuẩn bị cho lễ kết nạp Đảng viên mới".

Đến ngày 29/5, ngay tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, tôi đã được chứng kiến lễ kết nạp Đảng thiêng liêng và xúc động của Đảng viên mới Nguyễn Đức Hùng, bằng sự chuẩn bị chỉn chu của người Chính trị viên ấy.

Chuyện những người đi "bắt vòi rồng" ở Hoàng Sa - 2

Chuyện những người đi "bắt vòi rồng" ở Hoàng Sa - 3

Chuyện những người đi "bắt vòi rồng" ở Hoàng Sa - 4

   Cờ Đảng, cờ Tổ quốc được Thượng úy Nguyễn Quốc Huy cắt dán, phun sơn chuẩn bị cho lễ kết nạp Đảng (ảnh Hồng Chuyên)

Con người nhiệt tâm, thân thiện, luôn có nụ cười tươi rói ấy sinh ra và lớn ở vùng quê Lệ Thủy- Quảng Bình, miền cát trắng khó khăn nuôi con người cương trực và biết vượt khó. Biết giấu đi những niềm riêng để vì cái chung. Lúc chỉ có hai người, anh và tôi, khi hỏi về chuyện gia đình, khuôn mặt anh vui vẻ khi nhắc đến 2 cậu con trai ngoan kháu khỉnh. Nhưng thoáng buồn khi nhắc đến chuyện đứa con thứ 2 của anh đã phải uống sữa ngoài từ nhỏ, vì mẹ cháu bị bệnh.

Tôi gặng hỏi, Thượng úy Nguyễn Quốc Huy mới bộc bạch: “Sinh đứa thứ 2, bác sĩ phát hiện vợ em bị ung thư buồng trứng giai đoạn II, phải xạ trị nhiều lần để kéo dài sự sống”. Hoàn cảnh gia đình khó khăn lại càng thêm khó khăn, khi định kỳ 6 tháng vợ anh lại phải lặn lội từ Quảng Bình ra Viện K (Hà Nội) để xạ trị. 

Chồng đi công tác xa nhà, cũng không có tiền nên chẳng dám đi máy bay, vợ anh giao lại con cho bố mẹ chăm sóc, tự mình đi ô tô ra Hà Nội điều trị. Anh chua xót kể: “Dù vợ em lúc đó còn yếu, nhưng cũng không dám bắt taxi đi đến viện mà phải đi xe bus để tiết kiệm tiền. Tới đây, vợ em sẽ lại đi xạ trị, em lại không được đưa cô ấy đi chữa bệnh rồi”.

Ngừng một lát, khuôn mặt Thượng úy Nguyễn Quốc Huy phấn chấn trở lại: “Những chuyện riêng của anh em cảnh sát biển chúng em, em tin rằng, Nhà nước và những người xung quanh sẽ lo chu tất. Khi đã ra khơi, chúng em đều có quyết tâm cao. Hơn nữa chứng kiến sự ngang ngược hung hãn của Trung Quốc, chúng em sẽ làm theo mệnh lệnh của cấp trên, quyết không mắc mưu kẻ địch, quyết giữ bằng được chủ quyền”

Được chứng kiến hành động quả cảm, được nghe câu chuyện về người Chính trị viên tàu 2016, tôi không khỏi cảm phục nhưng cũng nhoi nhói ở trong lòng. Những khó khăn vất vả, những trận say sóng triền miên của một phóng viên như tôi không thấm tháp gì với sự hi sinh, gian khó của những cảnh sát biển như anh. Các anh đã gác lại niềm riêng, nhìn về biển, với một tấm lòng quyết gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng cho dù có phải hy sinh, gian khổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Chuyên (Infonet.vn)
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN