Chuyện những ngày đi qua 'áp lực âm' giữa đại dịch COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

“Cùng làm ở một bệnh viện nhưng gần 2 tháng nay vợ chồng không được gặp nhau mới “đen” chứ chị” - câu cảm thán cùng tiếng cười buồn của bác sĩ TS. Trần Văn Giang, Phó Trưởng khoa Virus ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) khiến tôi nhói tim. Chừng đó thời gian, nhiều đồng nghiệp của anh cũng đau đáu nẻo về và khát khao cảm giác gia đình trọn vẹn. Nhưng những ước mơ giản dị vẫn đang xa thật xa…

Hai điều dưỡng đang chăm sóc bệnh nhân nặng tại khoa Cấp cứu. Ảnh: Mạnh Thắng

Hai điều dưỡng đang chăm sóc bệnh nhân nặng tại khoa Cấp cứu. Ảnh: Mạnh Thắng

Sáng ngày 6/3, bác sĩ Giang nhận ca trực mới, trong đầu tâm niệm thứ 7 hết ca sẽ về nhà cùng 2 cậu con trai bàn tính kế hoạch tổ chức ngày 8/3 thật ấm áp cho người phụ nữ duy nhất trong nhà. Nhưng mọi dự định đảo lộn. Khoảng 18 giờ, đang trao đổi công việc với điều dưỡng, bác sĩ Giang nghe tiếng còi hụ xe cấp cứu. Linh tính của người làm chuyên ngành truyền nhiễm lâu năm cho anh hiểu, chiến trường bước vào giai đoạn mới, cam go và khốc liệt hơn. Nhưng có điều anh không thể ngờ mình đóng chốt ở bệnh viện luôn từ hôm đó đến nay. Đó là ngày Hà Nội ghi nhận bệnh nhân đầu tiên.

Áp lực

Thay bộ trang phục bảo hộ chống dịch để bắt đầu ca trực mới, bác sĩ Giang xem lại một lượt hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân đang nằm trong khoa để cập nhật thêm thông tin diễn biến bệnh sau một đêm. Một bác sĩ, ba điều dưỡng, tất cả trong trang phục bảo hộ kín mít. Họ như những robot di chuyển giữa các phòng để thăm khám và chăm sóc bệnh nhân. Không có nhiều sự trao đổi, giao tiếp nhưng công việc diễn ra chuẩn xác và nhịp nhàng. Sự ăn ý đó phần nào giúp họ giảm áp lực khi mỗi ngày đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Giai đoạn 2 của dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân tăng lên nhanh, bệnh cảnh lâm sàng cũng nặng hơn, buộc các nhân viên y tế phải làm việc với cường độ cao gấp nhiều lần. Những ngày cao điểm khoa Virus - Ký sinh trùng có đến 50 bệnh nhân.

Ngày đặc biệt nhất có lẽ là khi đồng nghiệp đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2. Chỉ một ngày sau đó thêm một đồng nghiệp nữa mắc bệnh. Dù lo lắng nhưng các y bác sĩ không hề nao núng bởi làm nghề lâu năm họ biết mình chính là những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Ngày ngày sống và sinh hoạt trong môi trường dễ lây nhiễm chỉ sử dụng bộ trang bị phòng hộ thông thường chứ không phải bộ bảo hộ dành cho phòng an toàn sinh học cấp 3 nên nguy cơ phơi nhiễm không thể tránh khỏi.

Nữ điều dưỡng chuẩn bị cho công việc hằng ngày

Nữ điều dưỡng chuẩn bị cho công việc hằng ngày

Bác sĩ luôn thường trực nguy cơ mắc bệnh khi hằng ngày phải thăm khám cho nhiều bệnh nhân trong trạng thái tiếp xúc gần, nghe tim phổi, khám bụng. Thời điểm dễ dính bệnh nhất là khi đặt ống thở cho bệnh nhân. Lúc này chỉ còn duy nhất luồng khí thở nhỏ và áp lực mạnh, khi bệnh nhận thở ra rất nhiều giọt của đường hô hấp bắn qua đường thở đó vào mặt, vào mắt bác sĩ. Dù có bảo hộ cũng không an toàn tuyệt đối. Khó nhưng không nản. Những con người quả cảm ấy đã nỗ lực không ngừng nghỉ để khắc phục mọi khó khăn. Dẫu khi không may trở thành bệnh nhân, được chăm sóc bởi chính các đồng nghiệp của mình họ vẫn nghĩ cho người bệnh, thấu hiểu hơn những nỗi niềm mà bao bệnh nhân họ từng điều trị đã trải qua.

“Trong quá trình điều trị bệnh nhân luôn có những chuyển biến bất thường, như xét nghiệm RT-PCR cho kết quả âm tính sau đó lại chuyển dương tính, sốt hoặc gặp các tác dụng phụ của thuốc. Những lúc như vậy, các bác sĩ phải giúp bệnh nhân không phải chịu tác dụng phụ của thuốc hoặc giúp họ chấp nhận nó một cách nhẹ nhàng hơn”, bác sĩ Giang chia sẻ.

Nói những câu chuyện bên lề công việc, người đàn ông 41 tuổi đôi lúc chùng giọng. Với anh và nhiều đồng nghiệp suốt thời gian qua khi cuộc chiến với kẻ thù vô hình đến hồi gay cấn họ không còn khái niệm thứ mấy, ngày bao nhiêu. Quanh đi quẩn lại chỉ ở trong khoa, vẫn từng đó gương mặt, từng đó công việc bận rộn và nặng nề, áp lực đè nặng mỗi ngày. Khoảng cách từ nơi làm việc ra đến cổng viện chỉ chừng vài trăm mét mà không thể cất bước. Bên ngoài cánh cổng ấy là đường về với cha mẹ, vợ con, là những ngày cuộc sống bình yên và bình thường mà giờ đây ngỡ như một giấc mơ…

Những ngày này ca bệnh mới có dấu hiệu giảm nhưng ngày về nhà của những y bác sĩ nơi đây còn xa ngái. “Bệnh nhân xuất viện nhiều nhưng như khoa của tôi trong trường hợp hết dịch phải chờ cho bệnh nhân cuối cùng ra viện xong chúng tôi còn tự cách ly trong viện thêm 14 ngày nữa”. Bác sĩ, TS. Trần Văn Giang

Nỗ lực

Gửi 2 con nhỏ cho ông bà chăm giúp, Điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu Nguyễn Thị Thu Hà đi trực như thường lệ. Nhưng cô đã nhận lệnh ở lại bệnh viện từ ngày 6/3 đến nay. Một chuyến công tác quá dài và chưa biết ngày kết thúc khiến cô thấy chạnh lòng vì nhớ con, thương cha mẹ già vất vả. Ông xã của Hà cũng làm điều dưỡng nhưng khác khoa. Cách nhau chỉ là những tòa nhà trong bệnh viện vậy mà gần 2 tháng nay họ chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại. Nhớ, thương, tủi thân và cả những giọt nước mắt đã rơi, nhiều và rất nhiều trạng thái nhưng không cung bậc cảm xúc nào có thể diễn tả hết tâm trạng những người phụ nữ như Hà.

Khoa Cấp cứu là nơi tiếp nhận những bệnh nhân nặng, phần việc vô cùng vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng những nữ điều dưỡng chưa từng nản lòng. Họ chính là cánh tay đắc lực của bác sĩ trong mỗi ca trực. Không chỉ lo chăm sóc bệnh nhân, các điều dưỡng còn là người thực hiện y lệnh của bác sĩ…

Câu chuyện tạm dừng vì Hà nghe thấy tín hiệu báo động từ buồng bệnh nhân nặng. Đó là nữ bệnh nhân lớn tuổi cần được vệ sinh kịp thời. Ở đây mọi chăm lo cho ca bệnh đều trông chờ vào các điều dưỡng. Hai ngày một lần họ tắm, gội cho các bệnh nhân, nhiều người nước ngoài to cao gấp đôi mình. Chưa kể những bệnh nhân nặng đi vệ sinh liên tục do uống thuốc nhiều quá. Cứ tuần tự 1-2 tiếng những bệnh nhân này cần thay bỉm một lần. Điều dưỡng là người tự tay làm tất tật những công việc đó không nề hà.

Thấy tôi tò mò khi một điều dưỡng đang đo lượng nước tiểu của bệnh nhân, Hà bảo đó là công việc mỗi ngày trong ca trực. Bệnh nhân đi ngoài, đi tiểu bao nhiêu đều phải cân đong và ghi lại, công việc đòi hỏi sự chính xác, lắt nhắt, tỉ mỉ. Bác sĩ sẽ dựa trên số liệu mà bệnh nhân thải, nạp mỗi ngày để đánh giá tình trạng thừa dịch, thiếu dịch, đồng thời xác định lượng thuốc điều trị cho mỗi người bệnh. Ở khoa Cấp cứu bệnh nhân nặng hơn khoa khác, điều dưỡng vừa phải theo dõi ý thức, dấu hiệu sinh tồn vừa động viên, an ủi người bệnh. Những bệnh nhân nặng nhiều đêm khó thở, điều dưỡng quan sát trên monitor, khi có báo động phải có mặt để xử trí. Thông thường cứ 30 phút đến 1 tiếng phải sang phòng bệnh để quan sát theo dõi bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân trở nặng, ban đêm như khó thở hoặc bệnh tiến triển nặng lên khiến điều dưỡng không ngơi mắt, ngơi tay.

Không ai rõ mặt những chiến binh ngành y vẫn ngày đêm chiến đấu với kẻ thù vô hình. Nhưng ai cũng có thể thấu hiểu đằng sau lớp kính, khẩu trang phòng hộ là những vết hằn, những đêm không ngủ chạy đua với tử thần giữ mạng sống cho người bệnh. Cuộc chiến nào cũng có mất mát, tổn thương, biết là vậy nhưng họ chưa từng nản chí mà trái lại còn vững tâm hơn trong cuộc chiến không tiếng súng này. 

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 Ảnh: Mạnh Thắng

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 Ảnh: Mạnh Thắng

Nếu không tận mắt chứng kiến những đóng góp thầm lặng đó, thật khó có thể hình dung những người phụ nữ nhỏ bé này lại hoàn thành được khối công việc khổng lồ mỗi ngày, nhất là trong trang phục bảo hộ chống dịch kín mít, vướng víu và nóng bức. 

Nguồn: [Link nguồn]

Việt Nam còn 37 ca dương tính với SARS-CoV-2

Bộ Y tế cho biết, tính từ 6h sáng ngày 16/4 đến 6h sáng ngày 30/4, đã 14 ngày Việt Nam không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Minh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN