Chuyện người phóng viên Argentina mất tích tại Sài Gòn
Một trong những phóng viên tài năng của báo chí Argentina, nhà báo Ignacio Ezcurra đã mất tích hết sức bí hiểm tại miền Nam năm 1968. Những thông tin về cuộc đời và tác phẩm của ông mới đây được hé lộ nhân triển lãm ảnh của Ignacio Ezcurra tại TPHCM đầu tháng 7/2019.
Nhà báo Ignacio trên đường Trường Sơn đoạn A Lưới năm 1968.
Trong tác phẩm của mình, Ignacio Ezcurra miêu tả sự dũng cảm của quân giải phóng, những người mà ông đã đối mặt thậm chí ngủ trong các căn hầm của họ trên chiến trường.
Đi tìm sự thật
Chiến tranh Việt Nam diễn ra, song thông tin báo chí quốc tế đăng tải ở Mỹ và nhiều nước châu Mỹ La tinh ít và méo mó. Bằng linh cảm của một nhà báo lớn, Ignacio Ezcurra muốn đến Việt Nam để tìm kiếm sự thật. Năm 1968, khi chiến dịch Mậu Thân nổ ra, dư luận thế giới và báo chí quan tâm nhiều hơn tới diễn biến tại Việt Nam. Song đây cũng là thời điểm cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt, hết sức nguy hiểm.
Ignacio Ezcurra sinh năm 1939 ở San Isidro. Năm 1960, ông nhận được học bổng của Hiệp hội Báo chí Liên Mỹ (SIP) về đào tạo báo chí tại Đại học Missouri (Columbia). Năm 1961, ông trở về nước và được Bộ Văn hóa và Viện Di Tella cử đến hơn 60 thành phố để giới thiệu về phương tiện nghe – nhìn và phim tài liệu. Năm 1962, ông bắt đầu làm việc tại báo La Nación. Năm 1967, ông đến Hoa Kỳ để tìm hiểu các cuộc xung đột chủng tộc, phỏng vấn Thượng nghị sĩ Robert Kennedy và Mục sư, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King.
Năm 1968, “Ignacio tâm sự với mẹ: “Con muốn đến Việt Nam, con muốn xem điều gì đang diễn ra, bởi có gì đó không đúng với những điều họ đang nói, con muốn đến đó và mang về sự thật…”. (Trích bài báo: Biên niên sử dưới lửa; Câu chuyện của nhà báo Ignacio Ezcurra” của nhà báo Hugo Montero, tạp chí Sudestada số 53, tháng 10/2006).
Khi đó nhà báo mới cưới vợ được 3 năm và có hai con nhỏ là Encarnacion Ezcurra và Juan Ignacio. “Một vài người cố gắng thuyết phục Ignacio thay đổi ý định, nhưng anh không đồng ý. Chiến tranh Việt Nam đã lôi cuốn anh; anh đã đọc, điều tra và chuẩn bị cho một chuyến đi” (Tạp chí Sudestada kể lại).
Viết giữa chiến dịch Mậu Thân
Vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Ignacio Ezcurra đã nếm trải mùi vị chiến tranh khi chiến dịch Mậu Thân vẫn tiếp tục diễn ra từ Tết cho đến suốt mùa hè. Có tiếng súng nổ, người phóng viên trẻ của xứ Tăng - gô lập tức có mặt. Anh thậm chí nghe cả tiếng súng AK cận chiến trong nội thành và mô tả nó trong những thiên phóng sự nóng hổi gửi về châu Mỹ La tinh.
“Những cột khói đen bốc cao ngùn ngụt trên đường gần khu vực phía nam Chợ Lớn, trong khi tiếng súng tiểu liên và đạn pháo vẫn vang lên không ngừng. Quang cảnh thật khủng khiếp. Những chiếc xe tải và xe jeep chở quân lính kéo đến, bị vượt qua bởi những chiếc xe có chữ thập đỏ chở đầy người bị thương - Ignacio Ezcurra mô tả trong thiên phóng sự - Ước tính có hơn 1.000 thường dân thương vong…”.
Trong bài báo: “Cuộc đấu tranh khốc liệt đã diễn ra ngày hôm qua tại Sài Gòn” của Ignacio đăng trên tờ La Nación ngày 8/5/1968, anh đã mô tả cuộc chiến ngay giữa Sài Gòn: “Các máy bay trực thăng quần thảo khắp nơi, bắn các viên đạn và tên lửa. Quân giải phóng đã chống trả quyết liệt. Sau một cảnh báo của loa phóng thanh, các máy bay của quân đội Mỹ đã thả bom napalm. Hàng trăm ngôi nhà trong các khu phố bên cạnh sông và sân bay biến mất, để lại những xác chết của các chiến binh, thường dân và động vật…”.
Bức ảnh Ignacio chụp đường Trường Sơn huyền thoại tại A Lưới (Thừa Thiên – Huế) có tấm biển treo trên cây với dòng chữ: “Chào mừng ngày thành lập Đoàn 26-3”
Thông thường, các phóng viên chiến trường chuyên đưa tin, hoặc chuyên chụp ảnh. Ignacio làm cả hai. Anh vừa tường thuật, vừa chụp lại các bức hình rất tự nhiên về cuộc sống của người dân Sài Gòn. Họ thật sự không hoảng loạn, nhưng chắc chắn rất chán ghét chiến tranh. Khi tiếng súng im, người dân lại bắt đầu sinh hoạt thường ngày. Ấn tượng với anh là những khuôn mặt trẻ thơ nơi kênh rạch và sau những hàng rào.
Tác nghiệp tại Huế
Sài Gòn và Huế là hai chiến trường khốc liệt nhất trong chiến dịch Mậu Thân. Ignacio có mặt cả hai thành phố. Anh tới Huế và mô tả rằng cả Mỹ và quân giải phóng đều sử dụng vũ khí hạng nặng, cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Bức ảnh người phóng viên này chụp tòa nhà số 11 đường Lê Lợi, Huế chi chít vết đạn chẳng khác gì một tấm bia tập bắn vậy.
Ignacio tới sông Hương và chụp cảnh cầu Trường Tiền bị đánh sập. Những người con gái Huế mặc áo dài cố gắng leo lên các chuyến phà và những con thuyền để đi lại giữa hai bờ. Những người vạn đò không thể rời dòng sông mà vẫn mưu sinh quanh cây cầu gãy làm đôi. Trong một bức ảnh, Ignacio ngồi bên cầu Trường Tiền bị sập, khuôn mặt rất đăm chiêu, phảng phất nỗi buồn khi những di sản văn hóa đang bị chiến tranh hủy hoại.
Chiếc máy ảnh Pentax của nhà báo Argentina ghi lại những hình ảnh chùa chiền ở Huế, nếp sống bình lặng và những công trình đổ nát vì bom đạn. Chiến tranh không chỉ cướp đi tính mạng con người mà còn lấy đi cả những công trình văn hóa nữa. Những bức ảnh và bài viết của Ignacio đã trở thành kinh điển của báo chí thế giới và được giảng dạy trong các trường báo chí châu Mỹ La tinh cho đến tận ngày nay.
Đặt chân lên đường mòn Trường Sơn
Đường mòn Trường Sơn là một địa danh mà thường chỉ có thám báo biệt kích mới có thể thâm nhập, ngay cả binh lính Mỹ cũng hiếm khi tiếp cận được. Có lẽ chính điều này đã thôi thúc Ignacio hơn cả. Ông muốn chứng kiến con đường huyền thoại. Ignacio miêu tả: “Khi còn ở Sài Gòn, binh sĩ David Castanella đã đề nghị tôi: “Đừng đi, anh bạn nhỏ. Đó là tự sát. Từ nơi đó họ trả lại những xác chết”. Tuy vậy, nhà báo Argentina vẫn quyết tâm lên đường Trường Sơn.
Cơ hội, cũng là thử thách khủng khiếp đã tới với phóng viên. Tháng 4/1968, Mỹ mở cuộc hành quân Delaware tái chiếm tiền đồn A Sầu và dội xuống 1.000 tấn bom, từ B52 vào khu vực có đường Trường Sơn. “Tôi đến thung lũng trong một chiếc trực thăng của sư đoàn 9 kỵ binh, nó là vũ khí chiến thuật bậc nhất của quân đội Mỹ tại Việt Nam. A Sầu là thung lũng gần biên giới Việt Lào thuộc A Lưới, Thừa Thiên Huế” – người cha của hai đứa con nhỏ tường thuật về bản báo.
“Màn đêm buông xuống với giấc ngủ dài tưởng như vô tận trong một căn hầm nhỏ do người Bắc Việt xây dựng. Súng cối và đại bác của năm căn cứ trong thung lũng liên tục bắn phá những con đường nơi đối phương có thể di chuyển. Và hai lần ngọn núi rung chuyển đến độ dường như boong ke đang muốn vỡ ra thành nhiều mảnh. Máy bay ném bom B-52 rải những quả bom nặng 500 kg xuống cách chỗ chúng tôi tầm 2-3 km…”.
Để có thể có mặt trên đường Trường Sơn Ignacio đã đi theo một toán lính Mỹ tiến vào khu vực có quân giải phóng. Anh mô tả: “Người lính có tên Steve Amold thốt lên: “Tôi không muốn đi. Nơi đó đầy du kích”. Đúng 7 giờ sáng, 70 con người với súng M-16 súng liên thanh M-60, súng phóng lựu, bazooka và sự khiếp sợ, hành quân trên con đường mòn do Bắc Việt làm… Sợ lắm. Tôi chả xấu hổ gì khi phải thừa nhận điều này – Lui Gregore thốt lên với giọng nặng của người miền Nam nước Mỹ”.
Những bức ảnh của Ignacio cho thấy, người dân Việt Nam vẫn luôn lạc quan trong bom đạn, khi khói lửa qua đi, cuộc sống vẫn tiếp diễn hằng ngày. Ông Ignacio đã để lại nhiều di sản quan trọng cho các thế hệ làm báo sau này. Các bài viết và cuốn sách Hasta Việt Nam (đến Việt Nam) của ông được đưa vào chương trình học tại các trường báo chí ở Argentina và Mỹ Latinh (Tiến sĩ Trần Xuân Thảo – Giám đốc Bảo tàng chứng tích chiến tranh) |
Chào mừng ngày thành lập đoàn 26/3!
Đi trên đường mòn Trường Sơn, đối với người lính Mỹ là một thảm họa. “Để tránh trở thành mục tiêu lựa chọn đầu tiên của đối phương, các sĩ quan, hạ sĩ quan đã giật quân hàm đi và những người mang theo bộ đàm thì tìm cách che giấu ăng ten”.
“Đi khoảng một cây số thì chúng tôi nghe thấy tiếng đạn vèo vèo và từ một boog ke có tiếng nổ khô khốc của súng AK -47. Đi được khoảng 100m nữa, một khẩu súng liên thanh hạng nặng đặt trên ngọn núi phía trước bắt đầu nhả đạn về phía chúng tôi”.
Đường mòn Trường Sơn được bảo vệ bằng các lực lượng quân giải phóng trở nên bất khả chiến bại, buộc lính Mỹ phải gọi viện binh: “Một cuộc gọi bằng bộ đàm được thực hiện, ít phút sau, đã xuất hiện hai chiếc trực thăng cùng súng tiểu liên nhả đạn 4.000 viên/phút. Súng liên thanh của đối phương đáp trả không khoan nhượng. “Hãy cho máy bay đến ngay”. Chỉ 15 phút sau, đã thấy 3 chiếc máy bay phản lực đến tàn phá nửa ngọn núi bằng loại bom 250 pound… Các máy bay phản lực bay đi, thung lũng trở lại yên lặng”. (Trích từ bài báo “Một ngày trong chiến tranh Việt Nam qua con mắt của Ignacio – Báo Le Nación ngày 7/5/2018).
Những bức ảnh của Ignacio chụp về đường mòn Trường Sơn năm 1968 giúp người xem có thể thấy những con đường khá rộng rãi, nhưng cây cối bị bom đạn thiêu rụi. Binh lính Mỹ đi trên đường mòn hết sức đơn độc và sợ hãi, họ ngồi lại ăn đồ hộp lấy sức để mà đi. Đối phương nổ súng từ nhiều phía.
Trong một bức ảnh hết sức sinh động của mình, Ignacio đã chụp được một tấm biển treo trên thân cây trên đường Trường Sơn có ghi đậm dòng chữ tiếng Việt: “Chào mừng ngày thành lập đoàn 26/3!”.
Mất tích bí ẩn
Một bi kịch đã đến với Ignacio: anh an toàn trở về từ đường Trường Sơn nhưng lại mất tích bí ẩn tại Sài Gòn vào ngày 8/5/1968.
Người ta tìm thấy mọi thứ: thẻ nhà báo, chiếc máy chữ, máy ảnh… nhưng không bao giờ còn thấy phóng viên Argentina Ignacio. Điều gì đã xảy ra với Ignacio khi mà trên chiếc máy đánh chữ vẫn còn bản thảo dở dang của bài báo viết ngày 8/5/1968? Điều gì đã lôi anh ra khỏi cái máy chữ và khiến anh mất tích suốt 51 năm qua? Cho đến nay, vẫn chưa ai trả lời được những câu hỏi này.
Đầu tháng 7/2019, gia đình nhà báo Ignacio đã tặng lại nhân dân Việt Nam chiếc máy ảnh mà người ta đã gửi từ Việt Nam về cho gia đình sau khi nhà báo mất tích. Cháu gái của anh giờ cũng là một phóng viên, đã tới đất nước Việt Nam để chụp những hình ảnh về các địa danh ông mình từng tác nghiệp. Có lẽ, họ vẫn nuôi một hi vọng vô cùng mong manh về tung tích của nhà báo Ignacio tại Việt Nam, như sự mong đợi của họ suốt nửa thế kỷ đã qua.
7/2019
Trên cánh tay ông Lý Hồng Sơn, cựu tù Côn Đảo với tỉ lệ thương tật 91%, có một hình xăm mà sau khi nghe ông giải thích,...