Chuyện nghe điện thoại... trên cây ở Côn Đảo
Với người ở đất liền, chiếc điện thoại là vật bất ly thân trong thời buổi hiện nay. Thế nhưng, với những người trên các hòn đảo (trừ trung tâm đảo Côn Sơn hay còn gọi đảo Lớn), điện thoại lại là một thứ xa xỉ. Sở dĩ chúng tôi nói như vậy là bởi, ở đây có rất ít sóng điện thoại. Thế nhưng, những người nơi đầu sóng ngọn gió này vẫn có cách để nghe và gọi điện cho người thân ở đất liền.
Một cán bộ kiểm lâm đang nghe điện thoại từ đất liền ra (ảnh chụp từ Hòn Bảy Cạnh).
Sống bằng nước trời
Chúng tôi may mắn được đến Côn Đảo trong mùa này bởi đây là những thời điểm biển thường động, việc đi lại hết sức khó khăn, ngay cả với đường hàng không. Khi chúng tôi đáp chuyến bay đến sân bay Côn Sơn, máy bay phải lượn trên không hơn 10 phút mới có thể hạ cánh vì thời tiết xấu. Đặt chân xuống Côn Đảo, điều chúng tôi cảm nhận được đầu tiên đó là sự hoang sơ, không khí trong lành, cây cối um tùm và sạch sẽ đến không tưởng.
Con đường từ sân bay Côn Sơn dẫn về đến trung tâm huyện dài khoảng 12km nhưng khúc khuỷu, dốc lên dốc xuống. Nhiều đoạn đi xuyên núi, nhiều đoạn lại đi chênh vênh một bên là đồi, núi và một bên là biển... tạo nên những bức tranh đẹp lạ thường. Được một thổ địa đang công tác tại trung tâm Quỹ đất huyện Côn Đảo dẫn đường, chúng tôi leo lên chiếc cano của Vườn Quốc gia Côn Đảo để vào Hòn Bảy Cạnh.
Ông Lê Xuân Ái, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, Hòn Bảy Cạnh có diện tích gần 700ha, gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng một doi cát ở giữa. Doi cát này được gọi là Bãi Cát Lớn. Đây cũng là một trong 14 bãi đẻ trứng của rùa biển Côn Đảo và là bãi biển có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất ở Côn Đảo. Trong mùa sinh sản (từ tháng 4 - 9 hàng năm), đêm ít nhất 1 - 2 cá thể, đêm nhiều có từ 20 - 30 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng.
Hòn Bảy Cạnh nằm về phía đông của đảo Côn Sơn. Nơi đây có rất nhiều động vật hoang quý, hiếm như Sóc mun, Sóc đen Côn Đảo, một số loài chim biển... ngoài ra còn có hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực bãi Bờ Đập là rừng ngập mặn nguyên sinh. Không gian biển Hòn Bảy Cạnh được quy hoạch là phân khu phục hồi sinh thái và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, điều chúng tôi ngạc nhiên và ấn tượng hơn cả, chính là cuộc sống của những anh em kiểm lâm trên biển. Nói như TS. Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rừng và Đất ngập mặn, thì việc Vườn Quốc gia Côn Đảo được công nhận là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam, phải kể đến công lao của những người kiểm lâm. Họ ăn ở, sinh hoạt cả năm trời, nhiều người vài ba năm mới vào đất liền một lần. Họ không ngại khó khăn, gian khổ để giữ gìn, bảo vệ các tài nguyên biển, rừng, đồng thời chung sức giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Ở hòn Bảy Cạnh và các hòn khác của Côn Đảo không có nước ngọt (trừ Hòn Cau) thế nên, các cán bộ kiểm lâm phải hứng nước mưa để dùng. Anh Nguyễn Văn Anh, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh cho biết, hiện nay, Vườn Quốc gia Côn Đảo xây dựng tại các hòn này những bể ngầm chứa nước mưa. Mỗi hòn, tùy theo "quân số" và lượng du khách ghé thăm, sẽ xây dựng các bể ngầm có dung tích phù hợp để có thể dùng đủ trong mùa khô.
Và chuyện chiếc điện thoại
Trong lúc trò chuyện với các anh, chúng tôi thấy có nhiều hộp xốp được gắn trên những cây cột cao gần ngang đầu người. Hỏi ra mới hay đó là "buồng" nghe điện thoại. Anh Nguyễn Văn Anh cho biết, ở đây không có sóng điện thoại. Quả thật đúng vậy, chúng tôi có hai chiếc điện thoại, một xài mạng Viettel và một xài mạng Mobifone, tuy nhiên, cả hai máy đều không có cột sóng nào.
"Cái khó ló cái khôn", các cán bộ kiểm lâm đã sáng tạo và thiết kế thùng xốp đặt trên những cột để ngăn sóng, gió biển, giữ sóng điện thoại. Lúc đầu, chúng tôi cứ tưởng, đó là thùng để sạc pin điện thoại, nhưng hóa ra, nó dùng để đặt điện thoại trong đó và nhận sóng. Trạm trưởng Anh chia sẻ, bằng cách này, anh em có thể liên lạc được với mọi người, với ban Quản lý Vườn Quốc gia, đặc biệt là người thân của mình. Tuy nhiên, khi nhấn phím nghe thì phải mở loa ngoài và để điện thoại ở đúng vị trí đó thì mới nghe được. Nếu chuyển đi nơi khác thì điện thoại sẽ mất sóng ngay lập tức. Chính vì thế, muốn nói chuyện "bí mật" thì cũng khó mà giữ được. Nhiều khi, có anh em đang nghe điện thoại của người yêu trong đất liền, thì những người còn lại được nghe chung. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những chuyện vui. Thực ra, có sóng điện thoại ở nơi xa xôi đã là sự tiện lợi vô cùng giúp anh em có thể liên lạc thường xuyên hơn với gia đình, người thân.
Điện thoại phải để yên và mở loa ngoài mới có thể nghe được.
Theo quy định, mỗi anh em, một tuần chỉ nghỉ được một ngày. Cộng dồn phép thì một năm cũng chỉ có 12 ngày phép. Nhưng để nghỉ phép thì cũng phải luân phiên, nghĩa là mỗi người chỉ về nhà được một lần trong vài năm bởi lúc nào cũng phải đảm bảo quân số trên 60%. Anh Nguyễn Viết Hoàn, kiểm lâm viên, quê ở Nghệ An cho biết, lâu lâu mới được về nhà nên có chiếc điện thoại điện về hỏi thăm gia đình thấy cũng ấm lòng hơn.
Khác với anh em ở Hòn Bảy Cạnh, các cán bộ kiểm lâm ở Bãi ông Đụng vất vả hơn rất nhiều. Mỗi lần muốn nghe, gọi điện thoại, họ phải leo bộ cả ngàn bậc tam cấp, dốc gần như thẳng đứng để lên lưng núi, nơi có con đường dẫn từ trung tâm huyện vào Bãi ông Đụng. Dù có khoảng cách địa lý gần hơn Hòn Bảy Cạnh, nằm ở đảo Lớn (đảo Côn Sơn) nhưng Bãi ông Đụng lại ở sâu so với trung tâm huyện với nhiều đoạn đường đi bộ theo bậc tam cấp dài gần một km.
Khi chúng tôi bước chân xuống thì cảm giác nhẹ nhàng hơn. Nhưng khi lên lại, với sức vóc của một người trẻ, khỏe mạnh mà cũng phải nghỉ tới hai ba lần mới lên hết được. Đặc biệt, có những đoạn dốc thẳng đứng, leo lên rất mệt. ở sát bãi biển ông Đụng không hề có sóng điện thoại. Anh Minh, một kiểm lâm viên, người Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, cứ mỗi lần có chuyện gì cần liên lạc về với gia đình thì lội bộ lên. Mùa nắng còn đỡ, chứ trời mưa thì rất vất vả.
Ở Bãi ông Đụng, ngoài sáu anh em cán bộ chiến sỹ của kiểm lâm và một anh bộ đội thì hoàn toàn không có dân cư hay người ở. Lâu lâu có khách du lịch ghé qua thì vui chút. Anh Thủy cho biết, ở đây có rất nhiều khỉ và sóc đen cùng những chú rùa... làm bạn thêm cũng vui. Có thể nói, phải đặt chân đến đây mới thấu hiểu những giá trị của tình người, mọi người đều vui vẻ đón tiếp. Khi chúng tôi đến, anh em đang ăn cơm trưa, biết chúng tôi là nhà báo, họ mời rất nhiệt tình.
Sau khi chủ khách thưởng thức bữa cơm giữa đảo xa, anh Thủy và các anh em nhất định mời ngủ lại một đêm để biết cảnh rừng, biển nơi này như thế nào. "ở đây, bọn em cũng có chút rượu, mời anh ở lại nhấm nháp cảnh rừng biển cho vui", anh Thủy nói. Tiếc là chuyến công tác của chúng tôi quá ngắn nên không thể ở lại. Tôi nói sẽ quay lại Côn Đảo và đến trạm của các anh thêm lần nữa. Ra về, leo lên đến nơi, chiếc xe máy vẫn nằm yên mà không cần ai giữ, mà chúng tôi cứ suy nghĩ mãi về chuyện nghe điện thoại có một không hai ở vùng biển này.
Bài học về giá trị sống Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, một người từ đất liền ra đảo lần đầu chia sẻ, có thể nói, với người đất liền, chiếc điện thoại và các thiết bị điện tử đã chiếm phần lớn thời gian của họ. Còn khi ra đây mới biết quý và trân trọng tình người. Những cán bộ, chiến sỹ ngày đêm gắn bó với vùng biển này đang dạy cho chúng ta bài học cuộc sống, những điều tưởng như đơn giản nhưng lại có giá trị vô cùng đặc biệt và đáng quý. Côn Đảo là quần đảo linh thiêng với nhiều huyền tích. Nơi đây cũng có rất nhiều phần mộ của nhiều nhà cách mạng, anh hùng cán bộ, chiến sỹ quả cảm hy sinh vì tổ quốc... Mới đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo được công nhận là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Ngoài những điều linh thiêng, huyền thoại, Côn Đảo vẫn còn đó nhiều sự mới mẻ, lạ lùng... |