Chuyện nghề của những người giúp tử thi “lên tiếng”

Sự kiện: 24h vạn dặm

Nghề pháp y và khám nghiệm hiện trường được coi là công việc đặc thù và phần đông những người làm nghề này là nam giới. Tuy nhiên, 2 nữ chiến sĩ làm nhiệm vụ "giải mã tử thi" thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, nếu được chọn lại, họ vẫn quyết theo nghề này.

“Bông hoa” giữa đời thường

Năm 2 Học viện Cảnh sát nhân dân, Hà Thị Huệ quyết định chọn ngành Kỹ thuật hình sự để theo học chuyên sâu. Nữ thượng úy 31 tuổi, quê Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho hay, cả nhà không có ai theo nghề công an nhưng bố cô là sĩ quan quân đội, chất “lính” ngấm vào Huệ từ khi còn là học sinh phổ thông, thế nên khi vào giảng đường, nữ sinh quyết tâm theo đuổi một lĩnh vực nguy hiểm, gian nan và rất đặc thù đó là kỹ thuật hình sự. Mê phim hành động, thích khám phá, năm 2 đại học, khi học thực hành mổ động vật, Huệ bắt đầu yêu thích công việc được dự báo là không dành cho phụ nữ và những người... yếu tim. “Từ khi chọn ngành, kể cả khi về công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa, gia đình, người thân, bạn bè đều khuyên tôi chọn một lĩnh vực nhẹ nhàng hơn, phù hợp với phụ nữ hơn nhưng dường như đó là cái nghiệp mình đã chọn, càng làm càng thấy gắn bó, thấy phù hợp với mình”, nữ thượng úy chia sẻ.

Nhiều vụ việc, Đại úy Nguyễn Thị Phương Nga và đồng nghiệp phải làm việc nhiều giờ trong phòng xét nghiệm.

Nhiều vụ việc, Đại úy Nguyễn Thị Phương Nga và đồng nghiệp phải làm việc nhiều giờ trong phòng xét nghiệm.

Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa có 16 nữ cán bộ, chiến sĩ thuộc 3 đội nghiệp vụ nhưng có 2 người thường xuyên trực tiếp tham gia khám nghiệm, giám định hiện trường các vụ án hình sự. Huệ cùng một nữ đồng nghiệp nữa ở tổ giám định pháp y cứ có lệnh của chỉ huy là lên đường, bất kể ngày đêm, mưa nắng...

Tuy không trực tiếp mổ, giải phẫu tử thi trong các vụ án nhưng những người như Thượng úy Huệ là một trong các “mắt xích” quan trọng giúp ê-kíp kỹ thuật hình sự tham gia phá án. Việc khám nghiệm hiện trường, giám định các dấu vết có thể làm sáng những “điểm mờ” trong nhiều vụ án phức tạp. Nữ thượng úy kể, hồi mới vào nghề, có những khi xong một vụ khám nghiệm hiện trường nạn nhân bị đuối nước, xác phân hủy đã lâu, một số nữ đồng nghiệp không thể ăn cơm vì bị ám ảnh. Làm việc không theo giờ hành chính, cứ vào phiên trực, có án là lên đường, kể cả những nơi xa nhất lên đến hơn 200 km trong đêm tối. “Cách đây mấy năm, tại Ngọc Lặc (Thanh Hóa) có một vụ án xảy ra trên núi cao. Chúng tôi đi bộ tầm 10 km đường rừng, lội qua mấy con suối nhưng chỉ tìm thấy một phần thân thể của nạn nhân, đoàn tiếp tục tìm kiếm phần thi thể còn lại cho đến 4h sáng mới kết thúc”, Thượng úy Hà Thị Huệ nhớ lại. Tuy không trực tiếp đấu tranh với tội phạm nhưng kỹ thuật hình sự có vai trò rất quan trọng trong các vụ án. Các dữ liệu, chứng cứ thu thập được có thể trở thành “bằng chứng vàng” để giúp kết luận điều tra các vụ án chính xác.

Đại úy Nguyễn Thị Phương Nga (37 tuổi), tổ giám định pháp y kể, có vụ án, người phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ chết trong tình trạng quần áo xộc xệch. Dư luận nghi ngờ nạn nhân bị hiếp dâm trước khi bị giết nhưng khi giải phẫu tử thi, kết quả cho thấy, người phụ nữ nọ bị đột quỵ. Những trường hợp như thế, pháp y hình sự có thể kết luận nhanh chóng dựa trên những căn cứ khoa học, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Hay, có vụ nữ nạn nhân là sinh viên từ Hà Nội về quê nhưng mất tích, mấy ngày sau mới tìm thấy xác trôi dạt hàng chục cây số. Gia đình nghi ngờ bị sát hại vì trên cơ thể nữ sinh xuất hiện nhiều vết bầm tím. Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ, Đại úy Nga cùng đồng đội đã giải phẫu tử thi để đi đến kết luận nguyên nhân tử vong là do ngạt nước. Các vết thương trên cơ thể nạn nhân xuất hiện là do quá trình trôi dạt trên sông, thi thể va đập với các vật cứng. Theo Đại úy Nga, những vụ việc phức tạp như thế luôn đòi hỏi sự cẩn trọng, tỷ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất nhằm tìm thấy “bằng chứng vàng” giúp cơ quan điều tra kết luận vụ án chính xác. Trước khi về công tác ở Phòng Kỹ thuật hình sự, Đại úy Nga là cử nhân xét nghiệm từng có nhiều năm làm việc tại bệnh xá Công an Thanh Hóa. Từ năm 2015, chị được phân công về bộ phận giám định pháp y, Phòng Kỹ thuật hình sự theo đề án nâng cao chất lượng kỹ thuật hình sự trong lực lượng CAND. Công việc của Đại úy Nga là khám nghiệm, giải phẫu tử thi, xét nghiệm vi thể. “Nếu anh xem phim cảnh sát hình sự, thấy người nào đang thu thập mẫu từ thi thể nạn nhân thì đó chính là hình ảnh quen thuộc của tôi tại hiện trường các vụ án mạng”, Đại úy Nga so sánh.

Thượng úy Hà Thị Huệ (giữa) tham gia khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông.

Thượng úy Hà Thị Huệ (giữa) tham gia khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông.

Áp lực vô hình

“Không ít vụ án đi vào ngõ cụt nhưng những bằng chứng thu thập được từ nghiệp vụ kỹ thuật hình sự đã đưa sự thật ra ánh sáng, kẻ thủ ác phải cúi đầu nhận tội, công lý được thực thi”, Đại úy Phương Nga nói đó chính là cứu cánh để những người như chị vượt qua các áp lực vô hình, để có thể gắn bó với nghề. “Theo phong tục, người Việt Nam rất kiêng cữ việc để cho người khác đụng chạm vào thi thể người đã khuất, ngay cả khi đó là một vụ án còn nhiều uẩn khúc. Chưa kể, giải phẫu tử thi là mổ xẻ, khâu vá xác chết, dễ bị hiểu là làm cho người chết không toàn thây. Do đó, để thuyết phục gia đình, người thân đồng ý cho khám nghiệm tử thi, phục vụ công tác điều tra, phá án là chuyện không hề dễ dàng. Hơn nữa, ngay cả với những người thực thi nhiệm vụ như chúng tôi, cũng không thể dễ dàng bỏ qua yếu tố tâm linh. Nhiều người vẫn nói nghề này rất... nặng nghiệp”, Phương Nga chia sẻ. Cũng theo nữ đại úy có hơn 8 năm trong nghề “trò chuyện” với tử thi, cách duy nhất để vượt qua áp lực vô hình đó chính là suy nghĩ tích cực về công việc thầm lặng này. Đó là hành trình đi tìm sự thật, trả lại sự công bằng cho nạn nhân, giải oan cho người vô tội...

Đại úy Nga chia sẻ, hồi mới vào nghề, mỗi khi rời hiện trường, “mùi” tử thi vẫn ám ảnh. Chưa kể, đối với những thi thể chết lâu ngày, xác đang trong quá trình phân hủy, nhất là những vụ nạn nhân chết dưới nước, tử khí rất nặng. Người tiếp xúc phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh cho dù đã có trang phục bảo hộ. Không còn cách nào khác, theo chị Nga, phải học cả kỹ năng tự phòng vệ, hạn chế thấp nhất những rủi ro từ môi trường làm việc.

Cũng có trường hợp, gia đình đồng ý cho mổ tử thi để tìm sự thật nguyên nhân tử vong của nạn nhân nhưng khi cán bộ pháp y đang làm việc thì bị cản trở bởi một người thân khác. “Họ đe dọa, thậm chí vây ráp, lôi kéo cả dân xã hội nhằm khống chế, không cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ”, Thượng úy Hà Thị Huệ kể.

Trước đây, việc giải phẫu tử thi hay khám nghiệm hiện trường chủ yếu do cán bộ, chiến sĩ là nam giới thực hiện. Bây giờ, phụ nữ làm điều tra, truy bắt tội phạm, kiểm sát, khám nghiệm hiện trường... cũng trực tiếp tham gia trong nhiều vụ án. Tuy nhiên, vì là phụ nữ nên theo Đại úy Nga, nhiều người vẫn nhìn họ với ánh mắt ái ngại, thiếu sự chia sẻ. “Gặp bàn bè, rất ít khi tôi kể chuyện công việc của mình. Có người còn thắc mắc không hiểu tại sao mình lại chọn công việc đáng sợ như vậy. Rồi có lúc, đang thu thập mẫu ở hiện trường vẫn nghe tiếng xì xào của người dân đứng xung quanh, rằng cô kia, chị kia chắc phải... ghê gớm lắm mới dám làm những việc như thế. Những lúc đó, chúng tôi rất buồn nhưng công việc lâu dần thành quen”, Đại úy Nga tâm sự.

Thượng úy Hà Thị Huệ (bên phải) tham gia khám nghiệm hiện trường cùng đồng nghiệp.

Thượng úy Hà Thị Huệ (bên phải) tham gia khám nghiệm hiện trường cùng đồng nghiệp.

Những bàn chân lặng lẽ

Không phải ngẫu nhiên mà bộ phận khám nghiệm hiện trường, giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ có 2 “bóng hồng”. Bởi phải có phẩm chất gì đó đặc biệt, phải có đủ say mê mới có thể theo đuổi một công việc không dành cho những người “yếu bóng vía”. Là chiến sĩ công an nhưng họ cũng là những người vợ, người mẹ. Nhiều vụ việc, chứng kiến những đứa trẻ mất mẹ, những người mẹ mất con, lòng họ cũng chùng xuống.

Nhớ lại vụ tai nạn giao thông tại Như Xuân cách đây 7 năm khiến 9 người chết, Thượng úy Huệ vẫn còn ám ảnh khi chứng kiến một cháu bé vừa khóc, vừa đi tìm mẹ trong đống đổ nát. Huệ nói, lúc đó chị vừa khám nghiệm hiện trường, vừa khóc ướt đẫm cả khẩu trang. Phải đến khi chỉ huy phát hiện, động viên, yêu cầu tập trung vào công việc, chị mới dứt.

Hồi con nhỏ chưa đầy một tuổi, mỗi lần đi khám nghiệm hiện trường, tiếp xúc với thi thể người chết về, Đại úy Nga phải tắm rửa, khử khuẩn, thay quần áo, ngồi lại cơ quan một lúc rồi mới dám về nhà với con.

Chị Nga là con nhà nòi, có bố và em trai đều là công an nên người thân rất hiểu và chia sẻ với những khó khăn trong công việc. Nga nói chồng chị, dù không làm cùng nghề nhưng anh rất hiểu công việc đi sớm về khuya, nhiều rủi ro của vợ. Gánh nặng gia đình và công việc cơ quan, vì thế, được chia sẻ rất nhiều.

Nhắc về gia đình, Thượng úy Huệ tâm sự, chị có may mắn mà ít người có được trong nghề đó là cả hai vợ chồng đều làm công việc liên quan đến... tử thi. Chồng Huệ là bác sĩ pháp y, hiện công tác tại Trung tâm pháp y Thanh Hóa. Huệ kể, năm 2016, trong một chuyến công tác tại Mường Lát, huyện biên giới xa nhất tỉnh Thanh Hóa, hai người lần đầu gặp nhau. “Hôm đó do vụ việc đặc thù, cần có sự phối hợp với lực lượng pháp y dân sự nên chúng tôi đi công tác cùng nhau. 2 ngày, 2 đêm ở Mường Lát cùng việc điều tra, khám nghiệm liên quan đến 4 người chết khiến chúng tôi dễ đồng cảm với công việc của nhau. Có lẽ vì vậy nên mấy tháng sau, chúng tôi quyết định làm đám cưới”, Huệ nhớ lại kỷ niệm tình yêu mà theo chị là... không giống cặp đôi nào trên đời này.

Chỉ tay vào bức ảnh sinh nhật con trên trang cá nhân, nữ thượng úy nói, có lần cả hai vợ chồng nhận nhiệm vụ gấp trong một vụ trọng án, buộc phải gửi con cho ông bà. Nhiều lúc, con nhỏ nhưng do tình thế gấp, cơ quan điều động, vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. “Nếu phải chọn lại, tôi vẫn chọn công việc khám nghiệm hiện trường. Tôi không ngần ngại nói rằng mình thích công việc này và quyết tâm gắn bó với nó đến cùng”, nữ thượng úy nói.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, phòng có 1/3 quân số là nữ và được phân công công tác ở tất cả các đội nghiệp vụ. Là đơn vị hoạt động trên lĩnh vực khoa học hình sự, luôn sát cánh cùng cơ quan điều tra trong điều tra, khám phá các vụ án, bởi vậy mà công việc của các cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự cũng rất vất vả và nhiều áp lực. Bản thân những cán bộ nữ để gắn bó lâu dài với công việc của đơn vị thì phải là người có bản lĩnh vững vàng, sức khỏe tốt, thực sự đam mê với nghề và phải hy sinh cho công việc thì mới làm được... “Nữ cán bộ, chiến sĩ lĩnh vực kỹ thuật hình sự rất vất vả nhưng bộ phận pháp y và khám nghiệm hiện trường là vất vả nhất. Môi trường làm việc tiếp xúc với tử thi độc hại, nhạy cảm về tâm lý nhưng cả Đại úy Nguyễn Thị Phương Nga và Thượng úy Hà Thị Huệ đều rất nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn. Lãnh đạo phòng, chỉ huy đội luôn quan tâm, san sẻ công việc, tạo điều kiện để hai đồng chí hoàn thành nhiệm vụ”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyện nghề của Cảnh sát giao thông dẫn đoàn

Với nhiệm vụ dẫn đoàn cho các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các sự kiện chính trị - kinh tế - văn hóa của đất nước, các sự kiện quốc tế lớn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thắng - Quang Duy ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN