Chuyện nghề của Cảnh sát giao thông dẫn đoàn
Với nhiệm vụ dẫn đoàn cho các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các sự kiện chính trị - kinh tế - văn hóa của đất nước, các sự kiện quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam, mỗi năm, CBCS Phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn (Phòng 7), Cục CSGT đã đảm bảo dẫn an toàn cho hàng nghìn đoàn trong và ngoài nước, góp phần xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, an toàn và thân thiện.
Để thực hiện được nhiệm vụ này là sự rèn luyện nghiêm túc, kỷ luật khắt khe của CBCS trong đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
1. Khác với nhiều đơn vị, ngày làm việc bình thường của CBCS Phòng 7 bắt đầu vào 6h30 sáng, sớm 1 tiếng đồng hồ so với các lực lượng khác. Sở dĩ anh chị em phải đi làm sớm hơn vì phải kiểm tra an toàn, kiểm tra sổ nhật ký nắm rõ tình hình của phương tiện để đảm bảo an toàn nhất trước khi lên đường. Nhưng, đó là ngày làm việc bình thường, còn những ngày có lịch dẫn thì có thể 4 hoặc 5h sáng, thậm chí sớm hơn là anh chị em đã phải đến đơn vị để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ của mình. Quy định phải có mặt tại điểm dẫn trước 1 giờ đồng hồ là “bất di bất dịch” vì thế mọi người thường dậy rất sớm, đến đơn vị nhận xe, kiểm tra sau đó mới di chuyển đến điểm đón đại biểu theo yêu cầu. Bên cạnh đó, anh em phân công nhau, chia làm 4 tổ công tác ứng trực 24/24h giờ để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được giao. Trên đường đi, bao nhiêu tình huống có thể xảy ra nhưng các chiến sĩ dẫn đoàn luôn tự tin, ứng phó kịp thời với các tình huống bởi họ đã được tập dượt các phương án kỹ lưỡng.
Cảnh sát giao thông dẫn đoàn lên đường làm nhiệm vụ.
Thượng tá Lê Quang Hòa, Trưởng phòng 7 cho biết, thông thường mỗi ca trực sẽ có 4 CBCS trực chính và 4 CBCS ứng trực để khi có việc thì tổ trực chính đi làm ngay, tổ ứng trực thay sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tổ trực chính luôn đảm bảo trang phục, trang thiết bị sẵn sàng, chỉ cần có lệnh là lên đường. Tổ ứng trực cũng phải ở tại đơn vị, được nghỉ ngơi tại chỗ để nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Những ngày giữa tháng 8/2023 với nhiều lễ kỷ niệm lớn của đất nước như Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 nên công việc của anh, chị em trong đơn vị gần như ứng trực 100% tại đơn vị, kể cả các cán bộ nữ như Đại úy Vũ Hồng Nhung, Đại úy Đặng Bích Liên. Trong lịch trực của đơn vị, ngoài yêu cầu luôn đảm bảo quân số, phương tiện ứng trực, hàng tuần anh chị em còn có nhiệm vụ thực hành các phương án dẫn đoàn, chạy bảo dưỡng dàn xe môtô đặc chủng. Đặc biệt, từ tháng 6, Cục CSGT đã thực hiện việc cấp phát, bổ sung phương tiện mới cho lực lượng dẫn đoàn của Cục và một số địa phương. Đó là dàn 30 siêu xe môtô Honda Gold Wing 2023 nhằm xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, sẵn sàng đón, dẫn đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Để việc điều khiển thuần thục, CBCS trong phòng thường xuyên tổ chức luyện tập và tập huấn cho CSGT các địa phương điều khiển siêu xe môtô thực hành dẫn đoàn giả định, khả năng mở đường, bảo vệ đoàn và ứng biến nhanh trong các tình huống phức tạp, sẽ triển khai theo nhiều đội hình dẫn khác nhau, đặc biệt là đội hình mũi tên gồm 3 môtô đi trước mở đường, dừng các xe đi qua giao lộ, 2 môtô đi sau, "khóa đuôi" để các phương tiện khác không thể xâm nhập vào đoàn. Đồng thời, lên kế hoạch dẫn đoàn cụ thể, chi tiết như đoàn cần dẫn có bao nhiêu người, bao nhiêu xe, lượt đi sẽ qua những tuyến đường nào, lượt về qua tuyến đường nào, công tác phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác thế nào để đảm bảo an ninh, an toàn, thông suốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
2. 4 năm công tác tại phòng 7, Đại úy Hoàng Lê Đức và đồng đội của mình thuộc lòng từng cung đường, từng ngã rẽ đặc biệt là những điểm hay ùn tắc để có phương án dẫn mỗi khi thực hiện nhiệm vụ. Cho chúng tôi xem áo mưa, nước uống, một ít lương khô và những trang thiết bị cần thiết, Đại úy Đức cho biết, đây là những vật “bất ly thân” của mỗi CBCS dẫn đoàn bởi công tác thường đột xuất lại phụ thuộc lịch của đối tượng dẫn nên phải chuẩn bị kỹ để chủ động trong mọi tình huống.
“Khi dẫn đoàn đến địa điểm làm việc, chúng tôi đợi bên ngoài để dẫn về. Do không biết chính xác khi nào đoàn làm việc xong nên chúng tôi không được rời vị trí công tác. Chính vì vậy, anh chị em thường ăn lương khô, uống nước suối vừa bảo đảm sức khỏe, vừa đảm bảo cơ động, sẵn sàng”, Đại úy Đức cho biết. Đặc biệt, trong cốp xe máy, anh chị em thường trang bị áo đi mưa để phòng trường hợp trời mưa bất ngờ. “Nếu trước khi xuất phát, trời mưa hoặc âm u thì chúng tôi sẽ chủ động mặc áo mưa. Còn nếu đang đi trời đổ mưa thì không thể dừng lại được mà phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đến hết hành trình. Nhiều khi mặc áo mưa rồi nhưng trời lại nắng chang chang cũng không thể dừng lại để cởi áo ra”, Đại uý Đức cho biết thêm.
Là phụ nữ, lại có con nhỏ nhưng yêu công việc dẫn đoàn nên Đại úy Cao Hồng Nhung và Đại úy Đặng Bích Liên gắn bó với đơn vị đã nhiều năm, từng tham gia dẫn đoàn nhiều sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước như APEC 2017, Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương, Đại hội Đảng toàn quốc…Chia sẻ về công việc của mình, Đại úy Cao Hồng Nhung cho biết, khó khăn trong việc mở đường cho đoàn xe ưu tiên là các xe đi với tốc độ rất cao. Chiến sĩ CSGT buộc phải tập trung và ra hiệu lệnh chỉ huy giao thông nhanh, dứt khoát cho các xe đi trên đường thực hiện.
"Với nữ CSGT dẫn đoàn, các yếu tố thời tiết, khói bụi chi phối việc thực hiện nhiệm vụ của chị em càng khó khăn, nữ CSGT càng đòi hỏi nỗ lực để vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, khi dẫn trong nội đô rất đông đúc, tốc độ phương tiện lưu thông chậm và phát sinh nhiều tình huống bất ngờ, đòi hỏi CBCS CSGT phải rất tập trung”, Đại úy Cao Hồng Nhung cho biết.
Đại úy Đặng Bích Liên cho biết thêm căn cứ vào tình hình thực tế trên đường, cán bộ chiến sĩ CSGT phải phán đoán được các tình huống có thể diễn ra nên cán bộ dẫn liên tục phải quan sát ở nhiều hướng để kịp thời ứng biến trong điều kiện giao thông đông đúc, phức tạp.
Nói về cảm giác xe chạy hơn 100km hạ cửa kính xuống bất kể thời tiết nắng 40 độ hay mưa quất vào mặt, Thượng tá Lê Quang Hòa cho biết, quy định khi dẫn đoàn thì buộc phải hạ kính, bất kể mùa hè hay mùa đông, dù quãng đường vài trăm cây số cũng vẫn phải hạ kính nên gió thốc vào mặt, thậm chí cát bay rào rào, lại vừa phải nghe tiếng còi hú, tay cầm gậy chỉ huy giao thông phải đúng điều lệnh trên suốt quãng đường. Vì thế, để được tuyển về Phòng dẫn đoàn, tiêu chuẩn đầu tiên là phải sức khỏe tốt mới chịu được môi trường làm việc cường độ cao. Bên cạnh đó, cán bộ nam phải cao từ 1,70m trở lên mới có thể điều khiển mô mô. “Nhiều khi đi dẫn về, chúng tôi rửa mặt mà cả chậu nước đen ngòm, đầy bụi cát. Anh em còn đỡ, nhưng chị em nhiều khi rất “tổn hại nhan sắc”, nếu không nhiệt tình, tâm huyết thì không thể làm được”, Thượng tá Lê Quang Hòa cho biết.
Kể về những chuyến đi đáng nhớ của đơn vị, Thượng tá Lê Quang Hòa trầm ngâm: “Mỗi một nhiệm vụ đều là một kỷ niệm đáng nhớ. Như lần chúng tôi dẫn đoàn từ Quảng Ninh về Hà Nội, yêu cầu là trong 1 tiếng di chuyển phải về được điểm đến để đoàn kịp làm việc. Chính vì vậy, anh em phải tập trung tối đa để thực hiện nhiệm vụ, chạy tốc độ 180-200km mà không được xảy ra bất cứ sai sót nào dù nhỏ nhất. Hay như cuộc dẫn đoàn Chủ tịch CHDCND Triều tiên Kim Jong-un từ Đồng Đăng, Lạng Sơn về Hà Nội để dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2. Đây là sự kiện chính trị lớn, người dân đến tham dự rất đông nên CBCS phải giữ đúng điều lệnh, lễ tiết tác phong, giữ hình ảnh người chiến sĩ CAND trước nhân dân và bạn bè quốc tế nên mọi việc đều chuẩn bị kỹ lưỡng, không được để xảy ra bất cứ sơ suất gì. Chính vì vậy, anh em đã phải tập luyện rất kỹ. Trước hôm diễn ra sự kiện, anh em phải ngủ sớm, ăn thức ăn lành bụng, hạn chế uống nước vì suốt dọc đường hơn 3h đồng hồ không được dừng lại. Suốt đường dẫn, phải đảm bảo đúng thời gian, cự li giãn cách của đoàn, toàn bộ đội hình phải thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo và chuyển tải thông tin, vừa đảm bảo an toàn nhưng vẫn phải lắng nghe chỉ huy để chỉnh hàng, chỉnh vị trí và tốc độ sao cho đội hình trang trọng, đẹp nhất, an toàn nhất” – Thượng tá Lê Quang Hòa chia sẻ.
3. Một trong những công việc quan trọng của cảnh sát dẫn đoàn đó là bảo vệ, chăm sóc phương tiện. Khẩu hiệu “Yêu xe như con” là khẩu hiệu nằm lòng của bất cứ lái xe nào trong CAND, nhưng đối với CBCS dẫn đoàn thì việc bảo vệ, giữ gìn phương tiện còn đặc biệt quan trọng hơn bởi bảo vệ xe không chỉ là bảo vệ tính mạng của cán bộ, tài sản của nhà nước mà còn là sự an toàn cho lãnh đạo cấp cao, giữ gìn hình ảnh của lực lượng Công an, của đất nước Việt Nam an toàn, chu đáo. Chính vì vậy, các phương tiện đều phải để trong phòng không có ánh nắng mặt trời chiếu vào, thay dầu theo định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần, hàng ngày nổ máy ít nhất 30 phút, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, hệ thống an toàn, lốp… Nếu phát hiện bất cứ lỗi gì dù nhỏ nhất cũng kiến nghị thay thế, sửa chữa ngay. Mỗi phương tiện đều có sổ ghi nhật ký theo dõi riêng, ghi hàng ngày, có nhật ký sửa chữa đảm bảo không xảy ra bất cứ sai sót gì bởi mục tiêu cao nhất là thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, an toàn và thân thiện đối với bạn bè năm châu…
Nguồn: [Link nguồn]
CSGT TP HCM lên phương án xử lý sự cố ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ là cửa ngõ huyết mạch của TP HCM trong 4 ngày nghỉ lễ 2-9 sắp tới.