Chuyện mắc màn nuôi “ông lợn” ở một làng quê Hà Nội

Ngày 3/3 (13 tháng Giêng Âm lịch) tại làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội mở hội rước “ông lợn”.

Chuyện mắc màn nuôi “ông lợn” ở một làng quê Hà Nội - 1
“Ông lợn” đã làm thịt sạch sẽ được đưa lên giá để chuẩn bị trang trí

Từ lâu, lễ rước “ông lợn” đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội). Người dân sinh sống ở đây cho biết, lễ rước “ông lợn” là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi.

Trước khi lên đường đi đánh giặc ông thường thổi xôi, mổ lợn khao quân. Người dân trong làng khi đó thường mang lợn đến dâng và tôn ông là thành hoàng làng.

Chuyện mắc màn nuôi “ông lợn” ở một làng quê Hà Nội - 2
Việc làm thịt diễn ra rất cẩn thận bởi đây là dâng tế Thành Hoàng làng nên “ông lợn” phải làm sạch

Ông Tạ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, đúng 13 tháng Giêng hàng năm, người dân làng La Phù lại mang lợn ra đình dâng tế thành hoàng. Lợn được dâng tế do các xóm tuyển chọn và nuôi dưỡng kỹ lưỡng từ hàng năm trước. Mỗi xóm sẽ chỉ được chọn một con duy nhất và đó phải là con lợn to béo, chăm sóc cẩn thận và tắm rửa hàng ngày.

Sau đó, những con lợn này được đưa đến nhà các gia đình đăng cai tổ chức rước lợn cho xóm  rồi được làm thịt, trang trí đẹp và đưa lên kiệu đợi giờ đẹp rước ra đình làm lễ dâng tế. Nhiều người dân ở đây cho biết, “ông lợn” năm nay to nhất, trên 300 kg.

Nói về tiêu chuẩn để được nuôi và chọn lợn cúng tế, ông Tạ Tương Tùng, Trưởng thôn Trần Phú (La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, việc nuôi và chọn lợn đòi hỏi những tiêu chuẩn rất khắt khe. Gia đình được nuôi “ông lợn” phải là gia đình đuề huề con cái, đủ trai lẫn gái, vợ chồng đều có đôi, gia đình có truyền thống nề nếp theo nếp sống văn hóa, nhà không có tang trong vòng một năm. Trường hợp gia đình có tang bất ngờ phải chuyển “ông lợn” qua gia đình khác.

Theo yêu cầu, gia đình nuôi “ông lợn” chuồng trại phải sạch sẽ, phải mắc màn tránh trường hợp “ông lợn” bị muỗi đốt. Cứ đến ngày 13 Âm lịch, cả dân làng phải gọi là “ông lợn”, không ai được gọi là “con lợn”.

“Truyền thống này mang tính chất cổ truyền, lịch sử văn hóa do vậy chúng tôi luôn muốn duy trì nét đẹp văn hóa cổ xưa cha ông để lại, vừa văn hóa, vừa lịch sử”, ông Tùng chia sẻ.

Được biết,  sau lễ rước “ông lợn”, tất cả 18 “ông lợn” của 15 xóm ùa ra đường chính để nhập đoàn. Đến 0h đêm ngày 14 tháng Giêng Âm lịch bắt đầu nghi thức tế lễ và đến 6 giờ sáng tiến hành nghi thức xẻ lộc cho tất cả các hộ gia đình trong làng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tươi (Báo Giao thông)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN